Công tác xúc tiến đầu tư Nam Định gặt hái nhiều thành tựu nổi bật
Với định hướng rõ ràng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và chiến lược xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp, Nam Định đã tạo được niềm tin mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Từ một tỉnh nông nghiệp truyền thống, Nam Định đang từng bước vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp – dịch vụ – logistics phía Nam đồng bằng sông Hồng. Công tác xúc tiến đầu tư không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn là nền tảng để Nam Định đạt được mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2030, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế vùng và cả nước.
Ngay từ những năm đầu của nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định đã xác định thu hút đầu tư là nhiệm vụ then chốt để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Trong các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định - định hướng phát triển công nghiệp và đô thị hóa là hai trọng tâm xuyên suốt. Nam Định không chỉ chú trọng phát triển các khu công nghiệp (KCN) mà còn đẩy mạnh kết nối vùng, khai thác tối đa tiềm năng địa lý giáp biển gần với trung tâm kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Đồng chí Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định khẳng định, Nam Định cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư với tinh thần cầu thị, minh bạch, sẵn sàng giải quyết ngay những vướng mắc. Mỗi dự án hiệu quả là một bước tiến cho sự phát triển bền vững của tỉnh Nam Định…
Đáng chú ý, việc Nam Định đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh. Theo đó, tất cả các hoạt động xúc tiến đều được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ tỉnh đến cấp huyện, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả trong triển khai. Mỗi năm, tỉnh Nam Định đều ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư, định kỳ cập nhật và công khai trên cổng thông tin điện tử.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Nam Định đã đẩy mạnh cải cách hành chính với các nhóm giải pháp toàn diện. Đặc biệt, việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công, kiểm soát thủ tục hành chính và xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định - trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị: Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định và Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh Nam Định, nhằm vận hành hiệu quả, giúp rút ngắn đáng kể thời gian xử lý thủ tục đầu tư. Hiện nay, gần 90% thủ tục hành chính được thực hiện qua hình thức trực tuyến mức độ 3, 4; 100% thủ tục lĩnh vực đầu tư được liên thông điện tử giữa các sở, ngành.
Nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định được biết đến là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế bền vững, nguồn nhân lực dồi dào và hệ thống hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt, Nam Định xác định “hạ tầng đi trước một bước” - là một trong những chiến lược then chốt để mở cửa thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bằng việc tập trung đầu tư bài bản, đồng bộ hệ thống giao thông, KCN, cảng biển, hạ tầng kỹ thuật và xã hội, Nam Định không chỉ cải thiện đáng kể môi trường đầu tư mà còn tạo sức hấp dẫn đặc biệt với các nhà đầu tư đang tìm kiếm một điểm đến ổn định, tiềm năng và sẵn sàng đón nhận dòng vốn lớn.

Nam Định nằm trên tuyến đường trục phát triển Bắc – Nam, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình. Nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch như Quốc lộ 10, Quốc lộ 21, Quốc lộ 21B, Quốc lộ 38B... đã và đang được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp mở rộng. Đặc biệt, dự án cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình là một trong những tuyến trọng điểm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, đã được Chính phủ phê duyệt, với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, giúp kết nối nhanh chóng, mở ra cơ hội lớn trong liên kết vùng và phát triển kinh tế biển. Theo báo cáo Quy hoạch và tiến độ triển khai các KCN trên địa bàn của Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định, tính đến tháng 5/2025, tỉnh Nam Định có 5 KCN đang hoạt động hiệu quả và 4 KCN mới đang triển khai hạ tầng hoặc hoàn thiện quy hoạch.
Nam Định có truyền thống hiếu học, là một trong những tỉnh có chất lượng giáo dục phổ thông hàng đầu cả nước. Hiện tỉnh có hàng chục cơ sở giáo dục, nhiều trường nghề, 3 trường đại học và hàng chục cơ sở liên kết đào tạo. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định và Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định được định hướng trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao.
Giai đoạn 2022 – 2024, Nam Định tổ chức hàng chục hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế. Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Cộng hòa Singapore từ ngày 11 - 13/3/2025, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, Đặng Khánh Toàn đã trao Quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hải Long (VSIP Nam Định) giai đoạn 1 trên địa bàn huyện Giao Thủy cho nhà đầu tư Singapore. Sự kiện không chỉ là cột mốc quan trọng trong hợp tác Việt Nam – Singapore mà còn có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự chủ động, quyết liệt của tỉnh Nam Định trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược. Với quy mô 180 ha, dự án được đặt tại huyện Giao Thủy, với tổng vốn đầu tư hơn 2.249 tỷ đồng. Dự án VSIP Nam Định giai đoạn 1, do Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư - là động lực quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp ven biển của tỉnh Nam Định. Sau khi hoàn thiện, Khu công nghiệp Hải Long sẽ tạo ra khoảng 110 nghìn việc làm, riêng giai đoạn đầu thu hút 18 nghìn lao động, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của Nam Định nói riêng và khu vực ven biển nói chung.
Để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư, Nam Định đề ra nhiều giải pháp chiến lược định hướng giai đoạn 2025-20230. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường trục phát triển ven biển, cảng biển Ninh Cơ. Hình thành Khu kinh tế Ninh Cơ gắn với dịch vụ logistics, cảng nước sâu và điện gió ngoài khơi. Mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng học viện nội bộ. Ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, logistics và công nghiệp phụ trợ. Triển khai chính quyền số, xây dựng nền tảng "Một cửa số hóa" cho toàn bộ quá trình xử lý đầu tư…