Bài 1: Thiên đường hay địa ngục?
Tin theo lời dụ dỗ, hứa hẹn ngon ngọt của các đối tượng xấu về một cuộc sống sung sướng nơi “miền đất hứa”, một số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã vượt biên trái phép sang Campuchia, Thái Lan… để rồi vỡ mộng trong hối hận. Thủ đoạn các đối tượng thực hiện không mới, nhưng đánh trúng tâm lý nên nhiều người vẫn dính “bẫy” và khi họ nhận ra rằng, không đâu bằng quê hương, buôn làng mình...
Với chiêu trò hứa hẹn sẽ “đổi đời” khi vượt biên trái phép sang Thái Lan, các tổ chức phản động FULRO lưu vong đã đánh vào niềm tin mù quáng cũng như sự thiếu hiểu biết của một số người dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên, biến họ thành nạn nhân của các vụ lừa đảo… Khi đến nơi, chúng bỏ rơi khiến nhiều người sống trong hoàn cảnh bơ vơ, cơ cực, thiếu thốn đủ đường…
Vỡ mộng nơi đất khách
Nhiều năm về trước, buôn Dang, xã Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk từng là điểm “nóng” về tình trạng người vượt biên trái phép. Không ít người dân nơi đây do lầm đường lạc lối, bỏ bê ruộng vườn, gia đình tan vỡ, trẻ thơ không được đến trường... Nhưng giờ đây, buôn Dang đã hoàn toàn thay đổi, những con đường bê tông thẳng tít tắp, những vườn cây trái, cà phê xanh mướt và những em thơ cười vang sân trường mỗi giờ ra chơi.
Ngày mà anh Kpă Xuyên (SN 1980) và vợ Rơ Âu Hhra (SN 1989, trú tại buôn Dang, xã Ea Hleo) cùng 3 người con vui mừng đón nhận món quà là căn nhà tình nghĩa do Công an tỉnh Đắk Lắk trao tặng có lẽ sẽ không bao giờ quên đối với đại gia đình anh. Hơn 7 năm phải sống lưu lạc nơi đất khách quê người, cam chịu mọi tủi nhục, khổ cực, gia đình anh lại được bà con, chính quyền đón nhận trở về trong vòng tay yêu thương, đùm bọc và tạo điều kiện xây dựng lại cuộc sống tốt nhất có thể.
Tâm sự với chúng tôi, anh Kpă Xuyên vẫn còn khá bẽn lẽn, xấu hổ bởi những tháng ngày lầm đường lạc lối của mình. Gần 7 năm sống trong ảo vọng, như con thú hoang lang thang trong rừng, chỉ vì trót nghe theo lời xúi giục của bọn phản động và các phần tử cực đoan lưu vong mà anh phải trả cái giá cực đắt. Để rồi cùng vợ, con phải cam chịu sống trong khổ sở, tủi nhục nơi đất khách quê người. “Giữa tháng 6/2018, chỉ vì tin theo lời dụ dỗ ngon ngọt của bọn phản động FULRO lưu vong mà cả gia đình mình đã bán vườn, bán nhà vượt biên trái phép sang Thái Lan với mong muốn được định cư ở nước thứ 3 có cuộc sống sung sướng. Tuy nhiên, khi đến Thái Lan, gia đình đã bị kẻ lừa đảo bỏ rơi, tiền, giấy tờ tuỳ thân mang theo bị chúng lấy hết. Không có nơi ở, không giấy tờ tuỳ thân, không có công ăn việc làm, mình phải đi làm thuê, sống chui lủi, bị bóc lột sức lao động và để có cái ăn cho cả gia đình, mình phải đi làm những công việc nặng nhọc hoặc trông chờ vào từ thiện”, anh Kpă Xuyên nhớ lại.
Cũng giống như gia đình anh Kpă Xuyên, sau hơn 3 tháng sống lưu lạc ở nước ngoài, chị Siu HPlut (SN 1986, trú tại làng Breng 1, xã Ia Dêr, tỉnh Gia Lai) được chính quyền địa phương cùng người thân đón về đoàn tụ với gia đình sau khi trót nghe lời kẻ xấu vượt biên trái phép.
Đến thăm gia đình chị Siu HPut hôm nay, con đường dẫn vào làng Breng 1 được rải thảm nhựa bê tông thẳng tít tắp. Nép mình trong khu vườn trồng nhiều hoa, cây ăn trái, cà phê tươi tốt đã cho thu hoạch là căn nhà khá khang trang của gia đình chị Siu HPlut và anh Pui Gít. Thế nhưng, chỉ vì chút mâu thuẫn nhỏ chuyện vợ chồng, giữa tháng 12/2024, chị Siu HPlut nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của đối tượng Ksor Wan (người cùng làng, hiện đang sống tại Thái Lan) tìm đường vượt biên trái phép. Để chuẩn bị cho chuyến đi, Siu HPlut giấu chồng mang theo số tiền hơn 10 triệu đồng là tiền tiết kiệm của gia đình. Để đến được Campuchia rồi qua Thái Lan, Siu HPlut đã phải trả cho người dẫn đường số tiền hơn 3,5 triệu đồng.
Khi đến Thái Lan, chị phải sống ẩn mình cùng Ksor Wan và cậu con trai của Ksor Wan trong căn phòng trọ bí bách, chật hẹp. Hằng ngày, ngoài việc đóng tiền sinh hoạt, mua đồ ăn, nước uống… thì Siu HPlut không dám đi ra ngoài vì sợ Cảnh sát Thái Lan bắt về hành vi nhập cư bất hợp pháp. Không có việc làm, không người giúp đỡ, kiếm miếng ăn phải chạy vạy hằng ngày khi số tiền mang theo đã cạn kiệt, không còn cách nào khác Siu HPlut phải gọi điện về cầu cứu chồng và chị gái gửi tiền hỗ trợ.
“Ở đó vất vả lắm, mọi thứ đều phải mua kể cả nước uống hằng ngày. Tôi chỉ dám trốn trong phòng trọ vì sợ bị bắt bởi giấy tờ tuỳ thân bị bọn chúng lừa lấy hết. Không chỉ vậy, khi người thân gửi tiền qua tài khoản ngân hàng của người khác thì phải trích phần trăm cho họ nên số tiền mình nhận được cũng chẳng đủ chi tiêu. Biết tôi là phụ nữ đã có chồng nhưng một số người đàn ông ở đó vẫn nhắn tin, gọi điện dụ dỗ chuyện tình cảm khiến tôi rất bức xúc, sợ hãi. Đã nhiều lần tôi muốn về lại quê hương nhưng vì không có tiền, không có giấy tờ nên đành cam chịu”, Siu HPlut nhớ lại.
Được trở về quê hương là niềm hạnh phúc!
Đó là lời khẳng định hầu hết của những người một thời “lầm đường lạc lối” sau khi vượt biên trái phép được trở về với quê hương, với buôn làng khi tiếp xúc với chúng tôi. Minh chứng cho lời nói đó, chị Rơ Âu Hhra cho rằng, trở về quê hương, trở về buôn làng dù no đói thì vẫn còn có tình cảm của mọi người. “Tình cảm buôn làng, tình cảm quê hương ấm cúng hơn nhiều cho dù còn nhiều khó khăn, vất vả trước mắt. Được trở lại quê hương, buôn làng sau hơn 7 năm lưu lạc, khổ cực nơi đất khách quê người mình như được sống lại lần thứ hai vậy”, chị Rơ Âu Hhra chia sẻ.
Cùng chung tâm trạng, chị Siu HPlut cho rằng, nếu như không có người chồng tha thứ những sai lầm của chị cũng như không có sự giúp đỡ của lực lượng Công an tỉnh Gia Lai thì đến ngày hôm nay, chính bản thân chị cũng không biết mình sẽ ra sao. “Sai lầm của mình là tin theo lời kẻ xấu để rồi hối hận không kịp. Tất cả những ảo vọng, cuộc sống nơi “thiên đường” chỉ là lừa dối. Hôm nay, được trở về nhà, trở về với quê hương là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với mình. Chỉ có tình cảm quê hương, người thân, họ hàng, làng xóm… mới là chân thực. Mặc dù được chính quyền, người thân, buôn làng tha thứ nhưng quãng thời gian đắng cay, tủi nhục ở Thái Lan sẽ là ký ức buồn mà tôi không thể nào quên”, chị Siu HPlut nói.
Đại tá Lê Hữu Tuấn, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, chỉ tính riêng từ năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 40 trường hợp vượt biên trái phép, được lực lượng Công an và chính quyền vận động, giúp đỡ quay về với buôn làng. Hầu hết những trường hợp này chỉ vì nhẹ dạ cả tin, nhận thức mơ hồ nên đã nghe lời bọn xấu xúi dục vượt biên trái phép. Sau khi họ trở về, Công an tỉnh cũng như chính quyền địa phương đã phân tích, chỉ rõ việc làm của họ gây ảnh hưởng xấu đến ANTT trên địa bàn cũng như cuộc sống của bản thân, gia đình.
Trong những năm qua, chính quyền tỉnh Đắk Lắk luôn tạo mọi điều kiện để giúp đỡ những người hồi hương từ Campuchia, Thái Lan trở về nhanh chóng ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, phần đông những trường hợp này đã tích cực lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Trong đó, có nhiều hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã được chính quyền tạo điều kiện cho vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, lương thực, thực phẩm, tặng nhà tình nghĩa… để giúp bà con vững tin xây dựng lại cuộc sống mới.