Dấu ấn Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020:

Từ trái tim tới trái tim (kỳ cuối)

Thứ Ba, 24/11/2020, 08:33
Bền bỉ và nỗ lực đối phó với những thách thức mang tính thời đại, ASEAN đã đoàn kết và thống nhất trong mục tiêu cũng như hành động nhằm tự định vị mình trong một thế giới đang biến đổi không ngừng. Giờ đây, ASEAN tự tin vươn mình ra biển lớn với “thương hiệu” đã và đang được khẳng định, nhiệt thành chào đón những cái bắt tay xuyên biên giới, hướng tới mục tiêu làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, giữ vững vai trò trung tâm trong khu vực.


Những kết nối mới

Kinh tế thế giới đang trải qua cuộc suy thoái chưa từng có vì COVID-19, nhưng theo TS Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS), với dân số trẻ, quá trình đô thị hóa nhanh, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, ASEAN vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, duy trì được các nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc. Đặc biệt, trong bối cảnh không khu vực nào trên thế giới có thể miễn nhiễm trước tác động của COVID-19, với nhiều tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp, ASEAN vẫn là khu vực có nhiều dư địa để mở rộng kinh doanh.

Theo ông Phan Thế Thắng, Phó Giám đốc Ban Thông tin và Dữ liệu thuộc Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc, sự phát triển vượt bậc trong quan hệ đối ngoại của ASEAN thời gian qua đã giúp kinh tế ASEAN tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó đặc biệt lưu ý tới việc duy trì quan hệ và ứng xử với các nước lớn.

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ ASEAN tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh trong một bài phỏng vấn đã chia sẻ: “Không phải bây giờ các nước lớn mới cần ASEAN mà ASEAN đã có quan hệ với các nước lớn từ những năm 1970 - 1980 với nhiều kênh ASEAN+1 được thiết lập. Nhưng trong hơn hai thập kỷ qua, ASEAN đã phát triển mạng lưới thể chế khu vực của mình, có Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), ADMM+, Cấp cao Đông Á (EAS), Cấp cao Đông Á mở rộng, trước đó có cả ASEAN+3…

Tất cả những thể chế này kết lại thành hạt nhân cho việc xây dựng cấu trúc khu vực. Thông qua những kênh đó, ASEAN và các nước trong và ngoài khu vực đều đã bàn những vấn đề thuộc quan tâm chung của khu vực, kể cả việc hợp tác, xây dựng và kết nối Cộng đồng ASEAN, kể cả những thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hay chuyện Biển Đông, Mekong…”.

Nâng tầm những kết nối đó, trên tinh thần không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (ASEAN-37), ASEAN nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) để Cuba, Colombia và Nam Phi tham gia, nâng tổng số lên 43 nước. ASEAN cũng chính thức công nhận Pháp và Italy là Đối tác phát triển, ghi nhận trường hợp của Anh, đồng thời thông qua các Kế hoạch Hành động tiếp theo cho 5 năm tới (2021-2025) với một số đối tác. EAS cũng thông qua các Tuyên bố quan trọng, trong đó có Tuyên bố về 15 năm EAS và Tuyên bố EAS về Hợp tác biển bền vững.

Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về Tăng cường năng lực tự cường kinh tế-tài chính trước các thách thức, một lần nữa khẳng định vai trò và thế mạnh của khuôn khổ ASEAN+3 trong ngăn ngừa và ứng phó các nguy cơ khủng hoảng kinh tế-tài chính ở khu vực.

“Ngoại giao quyến rũ”

Cho đến nay, các nước đều đánh giá cao Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Tạp chí Diplomat số ra tháng 11 đã dành một bài viết riêng về Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, gọi tên đó là “chính sách ngoại giao quyến rũ”. “Với sự sáng tạo đáng ngạc nhiên để biến điều không thể thành có thể, Việt Nam đã khéo léo đạt được sự đồng thuận trong khu vực cũng như với các đối tác, dựa trên nền tảng đối thoại trực tuyến chưa từng xảy ra trước đây”, bài báo có đoạn viết.

Đánh giá về sự chủ động, linh hoạt của Chủ tịch ASEAN 2020, TS Chheang Vannarith - thành viên Ban điều hành Viện Tầm nhìn châu Á (AVI), tổ chức chiến lược hàng đầu của Campuchia, khẳng định những nỗ lực điều phối của Việt Nam, không chỉ giúp duy trì phối hợp thông tin và hành động, mà còn đưa ra nhiều quyết sách quan trọng cả trong ASEAN nói riêng và ASEAN với thế giới nói chung.

Còn theo nhận xét của GS Surupa Gupta thuộc Khoa Khoa học Chính trị và Vấn đề quốc tế thuộc Đại học Mary Washington (Mỹ), bằng những biện pháp khéo léo, Việt Nam đã giúp ASEAN duy trì được mối quan hệ cân bằng với các nước lớn, điều hòa và giảm thiểu áp lực từ sự cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn đối với ASEAN thông qua việc nhấn mạnh và đề cao các nguyên tắc cơ bản của ASEAN trong quan hệ giữa các quốc gia; tranh thủ sự đoàn kết và đồng thuận của ASEAN để thống nhất cách tiếp cận chung trước các yêu cầu, đề xuất mà các đối tác đưa ra.

Rõ ràng, chủ đề ASEAN 2020 đã trở thành một thương hiệu của ASEAN. Các đối tác của ASEAN cũng đồng tình với điều đó và mang đến những nguồn năng lượng tích cực cùng nhiều chính sách mới đề cao vai trò của ASEAN. Nếu như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định ASEAN là ưu tiên cao trong chính sách láng giềng của Trung Quốc, thì Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide lại đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản phát triển trên nền tảng “từ trái tim đến trái tim”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết sẽ đẩy mạnh triển khai “Chính sách hướng Nam mới” mở rộng với ưu tiên tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác với ASEAN, nâng hợp tác Mekong-Hàn Quốc lên Hợp tác cấp thượng đỉnh và thiết lập quan hệ đối tác trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định ASEAN luôn là một bộ phận quan trọng trong các chiến lược đối ngoại của Ấn Độ… Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng ghi nhận, nhấn mạnh việc coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

RCEP-khởi đầu cho thế kỷ châu Á

Cuối cùng, điểm nhấn lớn nhất của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là việc ký kết trực tuyến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại kỳ hội nghị cấp cao cuối cùng – ASEAN 37. Trong một thông cáo báo chí phát hành ngày 15/11, Tổng Thư ký Dato Lim Jock Hoi khẳng định rằng ký kết RCEP là một "sự kiện lịch sử vì nó củng cố vai trò của ASEAN trong việc dẫn dắt một hiệp định thương mại đa phương tầm cỡ, bất chấp những thách thức toàn cầu và khu vực cùng 8 năm đàm phán".

Tờ Asia Times thì gọi Hiệp định RCEP là khởi đầu cho thế kỷ châu Á. Còn tờ Bangkokpost trích lời Thủ tướng Thái Lan tin tưởng rằng, sự hội nhập kinh tế từ RCEP sẽ tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn với các đối tác toàn cầu, giúp các nước thành viên phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, tờ Global Times nhận định, RCEP sẽ định nghĩa lại kỷ nguyên toàn cầu hóa và tạo ra khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới.

Trên thực tế, RCEP là một sáng kiến của ASEAN nhằm thúc đẩy thương mại giữa các nước trong khối và 6 đối tác thương mại lớn gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định bắt đầu được đàm phán từ năm 2013 nhưng sau đó Ấn Độ xin rút.

Khi được đi vào thực thi, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 26.200  tỷ USD tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (dựa trên số liệu năm 2019) và 2,2 tỷ người dân, chiếm 30% dân số thế giới.

Nhà kinh tế Radhika Rao thuộc Ngân hàng DBS tại Singapore nhấn mạnh, hiệp định mang lại cho khu vực cơ hội biến "công xưởng của thế giới" thành "thị trường của thế giới". Ông Choi Shing Kwok, Viện trưởng Viện ISEAS-Yusof Ishak kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc ISEAS, Singapore thì khẳng định, việc RCEP được ký kết sẽ là sự thúc đẩy tinh thần hết sức cần thiết đối với nhiều quốc gia trong khu vực khi tất cả đang tiếp tục nỗ lực chống suy thoái kinh tế do dịch bệnh gây ra và hiệp định cũng cho thấy rằng khu vực quyết tâm xây dựng lại tốt hơn trước những thách thức đối với thương mại đa phương.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã khép lại, chiếc búa Chủ tịch đã được trao đến Brunei. Vượt xa ý nghĩa kỷ niệm nửa thế kỷ hình thành và phát triển, năm 2020 xứng đáng là năm cột mốc, đánh dấu nỗ lực của ASEAN – một khối thống nhất, đoàn kết, gắn bó và hữu nghị trong đối phó với mọi thách thức, khẳng định vai trò trung tâm và giành được sự ủng hộ của các đối tác. “Không kết nối nào bền chặt hơn kết nối trái tim đến trái tim.

Mỗi công dân Cộng đồng ASEAN, hãy cùng nỗ lực đưa ASEAN vươn thật cao, tiến thật xa, nhưng tinh thần ASEAN luôn thật gần và lắng sâu trong trái tim mình”, lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khởi động Năm Chủ tịch ASEAN 2020 vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Người dân ASEAN vững tin đưa khu vực của mình ra thế giới, với niềm tự hào ASEAN luôn giữ trọn trong tim.

Huyền Chi – An Nhiên
.
.