Xuân mới ở Tân Xuân
Từ đỉnh Pha Luông nhìn xuống, Tân Xuân hệt một lòng chảo khổng lồ được kết lại bằng sắc xanh của rừng, nét kiên cường của núi và sắc bình yên của những mái nhà Mông lẫn giữa khói lam chiều. Người xa đến Tân Xuân, leo ngàn con dốc, lội ngàn con suối, để tận mắt thấy vạn sự đã khởi sắc hơn nhiều. Những bộ quân phục xanh của các chiến sĩ Công an mang đến nguồn sinh khí mới cho Tân Xuân. Và ở đó họ đã dành cả tuổi trẻ và tình yêu cho miền biên viễn với lời hứa vì biên cương ngày mai tươi sáng hơn.
Giữa vùng biên khó nhọc
Từ trung tâm huyện Vân Hồ, xe chạy hơn một giờ đồng hồ, có lúc xóc ngược lưng, có khi tuột dốc thăm thẳm. Chạy tưởng tới hụt hơi thì tới. Tân Xuân cuối mùa thu, nắng vàng như mật. Những thửa ruộng bậc thang uốn theo lưng núi, lúa đã vào mùa trĩu hạt, óng lên như vòng eo con gái. Người Mông vào mùa mới, Tân Xuân cũng rộn rã hơn nhiều. Đón chúng tôi là những anh em cán bộ bám xã, bám bản, bám mường, bám miền biên cương này trong suốt thời gian dài, với những cái bắt tay thật chặt. Ở lâu trong miền xa, lại gần bà con dân bản, cán bộ xã Tân Xuân hình như ai cũng trọng một chữ “tình”.
Lùi xa thời gian, Tân Xuân của những ngày cũ, vốn là một “cơn đau đầu” của nhiều người, vì phức tạp về địa lý và mất an ninh trật tự, ma túy phủ trắng mọi mái nhà. Người già kể lại, có khi người nghiện ở Tân Xuân những năm ấy còn nhiều hơn người không nghiện. “Cái chết trắng” thống trị ở Tân Xuân nhiều năm ròng, nên những bản làng tan hoang và vài ngày lại có một đối tượng bị Công an bắt, chuyện một con nghiện vật thuốc đi ăn trộm đã thành chuyện hàng ngày. Những ngày ấy Tân Xuân không có mùa xuân, quanh năm chỉ có mỗi một mùa, mà người ta gọi là mùa tang thương bởi sức tàn phá của ma túy.
Mùa tang thương ấy vẫn còn hằn sâu trong ký ức anh Vì Văn Hột. Người đàn ông ở bản Bướt mang khuôn mặt buồn bã kể lại: Là địa bàn vùng biên, dân làng nghèo lắm, có những lúc ra đường thấy toàn bóng dáng của người nghiện; dân bản vốn hiền, ai mà phạm tội thì biết ngay là do ma túy. Ngày đấy có những lúc cảm tưởng không thể sống được trên quê hương của mình, vì nghèo, đói quá.
Hay đó còn là cảnh vật vã mưu sinh của những người phụ nữ Mông quanh năm chỉ biết gắn bó với ruộng đồng, nhưng vì ma túy mà gia đình tan hoang, đàn con nheo nhóc, chẳng còn cái ăn, cái mặc. Với Lò Văn Quý ở bản Thắm Tôn, vài năm trước tài sản giá trị nhất trong nhà của anh chỉ là chiếc cày đã cũ từ đời cha ông để lại. Mọi đồ vật đều không cánh mà bay để phục vụ cho cơn “phê”. Vật vã, đau khổ nếu như không đủ đáp ứng cho cơn phê ấy và cũng kể từ đó anh lâm vào con đường lao lý khi phạm tội buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.
Năm 2015 là năm đáng nhớ nhất của người Tân Xuân. Công an huyện Vân Hồ đã lên một chương trình quan trọng, quyết định giải quyết triệt để địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy và triển khai công tác an sinh xã hội tại đây. Và Tân Xuân đã thực sự dần có những mùa xuân mới.
Mùa xuân mới ấy còn đẹp hơn khi những căn nhà được dựng lên theo đề án của Bộ Công an, những điểm trường mẫu giáo cũng được xây góp phần giúp cho thầy cô giáo, trẻ em của xã Tân Xuân vơi đi nỗi nhọc nhằn những ngày tới lớp.
Tân Xuân của năm 2021 đã đổi thay nhiều lắm. Nhưng cuộc sống của bà con bản xa vẫn còn lắm gieo neo. Trưởng Công an xã Tân Xuân, thiếu tá Đinh Đức Thỏa đưa tôi đến bản xa nhất bằng chiếc xe Win100. Xe chạy men theo những dãy núi nhọn như những mũi chông trên đỉnh Pha Luông hùng vĩ. Những ngôi nhà người Mông hiện dần trong nắng chiều, lẫn mình giữa bạt ngàn là cam, là bưởi và những mảnh vườn trĩu quả.
Anh Thỏa vừa chạy xe vừa nói trong tiếng gió: Làm Công an ở vùng sâu thì không mong gì hơn là bà con sát cánh với mình. Muốn vậy, ngoài chuyên môn nghiệp vụ, còn đảm đương nhiệm vụ chăm lo đời sống cho bà con, để bà con ưng cái bụng, để bà con kể cho anh em chiến sĩ nghe những chuyện của mình. Biết dân lắng lo gì, hiểu dân khát khao gì, thì mới có thể tạo ra phên dậu lòng dân nơi biên ải…
Tới bản Cột Mốc là bản xa, và nghèo nhất nhưng cũng là đẹp nhất Tân Xuân. Đại úy Tùng- đồng đội của Thiếu tá Thỏa - vừa loay hoay cầm điện thoại lên những mỏm đất cao giơ lên không trung vừa giải thích: “Ở đây hễ có việc quan trọng cần báo cáo thì đều phải đi dò sóng điện thoại như thế, may thì đón được chút sóng lạc, không thì chịu thua. Nhưng lâu ngày cũng quen, anh em chúng tôi biết rõ từng mỏm đất có sóng điện thoại để chạy tới đón… sóng”.
Nhiều năm qua, Thiếu tá Thỏa cùng đại úy Tùng và đồng đội xử lý nhiều vụ án, trong đó có nhiều vụ án về ma túy lớn cũng đã được triệt xóa ngay từ cơ sở.
Vàng Thị Dong, sinh năm 1976, trú tại bản Cột Mốc và Hà Văn Duyệt, trú tại Bản Bướt cùng bị bắt giữ một ngày về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Để có được thành công ấy, các chiến sĩ đã mất nhiều thời gian theo dõi, bám nắm đối tượng, và dựa vào dân để đấu tranh. Bởi ở Tân Xuân, các đối tượng tội phạm ma túy còn thông thuộc đường mòn, lối mở, cả những lối rẽ bất ngờ dọc vùng biên còn hơn cả các chiến sĩ. Nhưng, cái khó vẫn không cản trở được Thiếu tá Thỏa cùng đồng đội. Đánh án giữa sương mù, không có điện thoại để trao đổi thông tin, nhưng các chiến sĩ ở Tân Xuân vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ.
Bám bản, bám mường
Mặc dù khó khăn như thế, nhưng cán bộ, chiến sĩ Công an xã Tân Xuân luôn xác định tinh thần thực hiện 3 bám (bám đơn vị; bám địa bàn; bám chủ trương, chính sách) và 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với đồng bào dân tộc. Mỗi ngày cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều cắt cử nhau phân công xuống các bản vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như Cột Mốc hay Tây Tà Lào cùng ở, cùng làm, cùng sinh hoạt với đồng bào trong bản.
Anh em trong Công an xã còn hướng dẫn nhân dân cách làm ăn phát triển kinh tế, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của bà con và theo dõi những hoạt động nghi vấn xâm nhập, móc nối, xây dựng cơ sở của đối tượng ngoại biên vào biên giới; các hoạt động tuyên truyền phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; hoạt động lôi kéo di cư tự do, hoạt động truyền đạo trái pháp luật...
Mỗi công việc thì lại có niềm vui riêng và với các anh Công an xã ở miền biên viễn Tân Xuân có lẽ niềm vui lớn nhất đó là những người nghiện sau thời gian chấp hành án về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên chiến thắng cái đói, cái nghèo. Bởi với các anh khi người nghiện mà biết được mặt trái của “cơm đen” thì đó là một thành công lớn, vì không phải ai cũng nhận thức được điều đó.
Nhớ lại những ngày tháng trước anh Lò Văn Quý ở bản Thắm Tôn vẫn không thể quên được những ngày anh chìm trong mộng mị của khói thuốc, của “nàng tiên nâu” đã đeo bám mình như thế nào. Vừa đói, vừa khổ, không có tiền thì lại sinh ra thói trộm cắp và anh đi tù cũng từ ma túy. Có được kết quả ngày hôm nay, một phần là do anh Quý luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng chí Công an xã Tân Xuân và có một gia đình luôn ở bên cạnh động viên, yêu thương, chia sẻ với anh từ những ngày gian khó nhất và anh thầm nghĩ rằng “làm lại cuộc đời không bao giờ là muộn”.
Một đàn bò, cùng với một đồi cây ăn quả gần 5ha đang đến mùa thu hoạch của anh Hà Văn Yêu ở bản Bướt cũng chính là một trong những minh chứng của sự kiên trì, vượt khó, vượt qua cám dỗ của thuốc phiện. Khi ra tù anh được các đồng chí Công an xã giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng, được cho vay vốn để đầu tư sản xuất và cũng từ đây là nguồn động viên để anh bước đi trên con đường sáng.
Anh Quý hay anh Yêu chỉ là một trong số những người được Công an xã Tân Xuân vận động, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng. Trên địa bàn xã Tân Xuân theo thời gian đã có nhiều cá nhân, nhiều hộ gia đình đẩy lùi được “cái chết trắng” ra khỏi cuộc sống, kinh tế gia đình được cải thiện, không còn cảnh đói nghèo nơi cheo leo đất dốc.
Chia tay Thiếu tá Thỏa, Đại úy Tùng cùng các đồng chí Công an xã Tân Xuân sau bữa ăn của những chiến sỹ biên cương, một bữa cơm giản dị nhưng chất chứa tình cảm gia đình. Ngoài trời sương phủ kín, tiếng chó sủa xa xa, những mái nhà đã sáng điện trong hơi ấm của căn bếp đã đỏ lửa, văng vẳng đâu đó là tiếng “mí nhủa” nói cười. Tất cả tạo nên một bức tranh thật đẹp nơi đất này.