Xuân đầy một dải biên cương

Thứ Sáu, 11/03/2022, 16:14

A Lưới là huyện miền núi, biên giới phía Tây của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi người dân còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vừa qua, Viện Khoa học An ninh, thuộc Học viện An ninh nhân dân đã tổ chức đoàn công tác đến trao quà từ thiện tại địa bàn xã Hồng Bắc thuộc địa bàn huyện. 

Đây là xã miền núi, biên giới, có 96% dân số là người dân tộc Pa Ko, 87% số hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, hơn 200 gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, 120 gia đình chính sách, 30 người già neo đơn không nơi nương tựa, 141 học sinh mầm non, tiểu học, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

4 giờ 30 sáng, chiếc xe từ từ lăn bánh qua cổng cơ quan. Trời vẫn tối đen, mưa nhẹ, gió rét căm căm. Tạm biệt Hà Nội yên bình, chúng tôi mang đến Huế chuyến xe nặng nghĩa tình của Thủ đô. Mưa mỗi lúc một dày hơn, cảnh vật bên đường chỉ còn một màu trắng đục, nhấp nhoáng ánh sáng đèn xe. Ánh sáng từ bên ngoài hắt lên cửa kính phản chiếu những khuôn mặt các thành viên trẻ đang bình thản trong giấc nồng. Hôm qua, những chàng trai ấy luôn tay luôn chân, tất bật sắp xếp từng hộp sữa, gói bánh vào những túi quà, nâng niu vuốt thẳng từng bộ áo, quần để phân loại, gói ghém, tỉ mẩn ghi thông tin bên ngoài để trao đến đúng những người già, trẻ nhỏ đang cần chúng.

image001.jpg -0
Đoàn Viện Khoa học An ninh, Học viện ANND trao quà tại Trường Mầm non xã Hồng Bắc.

… Hết địa phận Quảng Trị, mảnh đất cố đô Huế đã hiện ra trước mắt chúng tôi lúc thành phố đã lên đèn. Trời ấm và khô ráo, dòng sông Hương thơ mộng êm đềm trôi dưới chân cầu Tràng Tiền hắt ánh sáng đèn hai bên bờ thật lung linh, huyền ảo. Dịch COVID - 19 làm cho Huế vốn trầm mặc lại thêm tĩnh lặng hơn.

Nghỉ tại thành phố Huế một đêm, hôm sau, cả đoàn dậy sớm xuất phát. Xe chạy dọc sông Hương rồi rẽ ra ngoại thành. Những khúc cua tay áo của cung đường núi gợi cho chúng tôi nhớ những chuyến công tác lên Tây Bắc, Tây Nguyên. Phía trên nhuộm một màu nắng vàng rực cuối đông. Phía dưới mờ ảo sương mù và được che phủ bởi một lớp mây trắng mỏng đang tan dần. Xa xa là những vạt đồi trơ những thân cây khô xiêu vẹo, mặt đất khô khốc, bạc phếch. "Vùng đó nhiễm Dioxin nặng đấy anh ạ, đến cỏ cũng không mọc cao lên được" - Hoàng, cán bộ Công an tỉnh dẫn đường cho chúng tôi giải thích như vậy. Tính ra, chiến tranh đã lùi xa mảnh đất này nửa thế kỷ rồi, vậy mà hậu quả của nó còn nặng nề quá!

Qua câu chuyện của Hoàng, chúng tôi biết đến những địa danh của A Lưới đã được ghi vào lịch sử: Sân bay A Chu, nơi từng có kho chất độc hoá học của Mỹ mà họ đã phá huỷ trước khi rút đi để lại hậu quả thảm khốc không biết đến bao giờ; đồi "thịt băm", nơi bom đạn Mỹ từng cày xới đến mức từng xăng ti mét vuông đất cũng không còn nguyên vẹn… Theo tay Hoàng chỉ và giới thiệu, phía sau dãy núi không quá xa là biên giới Việt - Lào. Đúng dãy Trường Sơn huyền thoại đây rồi. Trong thơ, nhạc, hình ảnh của nó thật thi vị còn thực tế thì không chỉ có thơ mà là đời thực, có rừng, có núi và có câu chuyện cuộc sống dân sinh.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở là đồng chí Đinh Viết Cường, Chủ tịch UBND xã, đồng chí Lê Văn Ta Lo, Chủ tịch MTTQ xã. Cả hai tất bật vừa đón khách vừa hướng dẫn bà con tuân thủ quy định phòng dịch. Chúng tôi trao đổi ngắn với hai anh, thống nhất chương trình rồi triển khai sớm để bà con về kẻo trời nắng. Bên trường tiểu học và trường mầm non các cháu nhỏ cũng đang chờ đoàn. Những phần quà được trao tận tay các cụ già. Họ là những người già neo đơn, không nơi nương tựa hoặc gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều cụ sử dụng tiếng phổ thông không thông thạo, ngập ngừng câu nói: "Mệ…mệ cảm ơn con!". Cách xưng hô ấy gợi cho chúng tôi những câu chuyện về tình quân dân trong thời kháng chiến. Vâng! Đã là mệ với các con thì mệ không cần cảm ơn đâu ạ! Các mệ đã hy sinh cho đất nước này, cho thế hệ chúng con hôm nay quá nhiều rồi!

untitled-8.jpg -0
Tặng quà Công an xã Hồng Bắc.

Trường Mầm non xã Hồng Bắc là ngôi trường khá khang trang, được chăm chút tỉ mỉ bởi bàn tay của các cô giáo với vườn hoa, cây cảnh, khu vui chơi ngoài trời cho trẻ em. Đâu đó vẫn vang lên tiếng khóc. Mấy thành viên trong đoàn nhanh trí xách ngay các túi sữa đã được chia đều từ trước tặng cho các con. Tiếng khóc dần nín, các con nhận quà, nhoẻn miệng cười và không quên lời cảm ơn các chú.

Qua bên Trường Tiểu học xã Hồng Bắc, tiếng trẻ con gọi nhau í ới, tiếng: "Cháu chào chú Công an!" làm sôi động cả sân trường. 108 "sinh viên đại học chữ to" nhận quà xong và túa ra về. Tiếng cười đùa toả đi các ngả. Chúng tôi chia tay nhà trường để đến thăm một số gia đình chính sách do điều kiện sức khoẻ không đến nhận quà được. Gia đình cụ Hồ Văn Lô, cựu chiến binh, đảng viên từ thời chống Mỹ ở không xa trụ sở ủy ban xã. Cụ ông đã mất năm 2008, cụ bà Kăn A Lắc cười móm mém đón chúng tôi, hai bàn tay cụ cứ nắm chặt tay anh em trong đoàn, xúc động không nói nên lời. Căn nhà gỗ đơn sơ nằm khiêm tốn cạnh con đường đất liên thôn nhưng rất trang trọng treo nhiều bằng khen, giấy khen của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Người cao tuổi tỉnh Thừa Thiên - Huế và chính quyền các cấp, "Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng" được trao năm 2004 của cụ ông.

Chia tay gia đình các cụ, chúng tôi đến thăm trụ sở Công an xã Hồng Bắc. Dãy nhà gồm 3 căn phòng nhỏ do xã cho mượn, mỗi phòng chưa đầy 10m2, đều đã bị thấm nước loang lổ trên tường. Phòng đầu hồi là nơi đồng chí Phương - Trưởng Công an xã ngồi làm việc. Ở giữa là phòng trực ban và để máy tính phục vụ chiến dịch nhập dữ liệu dân cư. Cuối dãy là phòng làm việc chung của mấy anh em, trong đó có Dũng, cán bộ đơn vị chúng tôi được điều động theo kế hoạch của Bộ tăng cường cho tuyến biên cương nơi đây.

Nhắc đến Dũng, mới trước đó mấy ngày cậu chàng làm chúng tôi một phen hú vía. Đang là cầu nối để lên chương trình hoạt động của đoàn ở A Lưới đột nhiên mất liên lạc. Suốt hai ngày ròng điện thoại, nhắn tin đủ kiểu không tài nào gọi được Dũng. Đến ngày thứ ba, cậu điện lại giải thích là vừa tham gia tổ liên ngành tuần tra biên giới, quên không điện báo các anh. Ở trên đó lại không có sóng điện thoại. "Em đi qua bờ vực, bị lở tảng đá dưới chân, rơi từ độ cao 5m anh ạ". May mà Dũng rơi xuống dòng suối có nước khá sâu nên không bị chấn thương nào đáng kể. Nghe giọng cậu đều đều, không rõ đang buồn hay mệt sau chuyến cuốc bộ ròng rã đường rừng.

Buổi chiều, sau khi trao đổi công việc với Công an huyện A Lưới, chúng tôi được anh em dẫn đến thăm hai Anh hùng Lực lượng vũ trang là cụ Hồ Vai và cụ Kan Lịch. Lần đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc, trò chuyện với những anh hùng, chứng nhân lịch sử bằng xương, bằng thịt. Hai cụ tuy tuổi đã cao nhưng còn khá tinh anh và minh mẫn, ngồi kể vanh vách từng chiến công, số lượng địch mà mỗi cụ đã từng hạ được. Cụ Hồ Vai có trận đánh đã mưu trí phát hiện sớm địch cho quân đi càn, chủ động hướng dẫn dân làng bình tĩnh sinh hoạt như bình thường còn một mình cụ phục kích tấn công ngang đội hình địch, tiêu diệt một số tên và làm cả đội quân địch mất phương hướng phải thu quân về. Nhắc đến những lần được gặp Bác Hồ, giọng cụ Kan Lịch trầm xuống, nước mắt rưng rưng làm anh em trong đoàn ai cũng cảm động…

Trời đã xế chiều, chúng tôi chia tay cụ Kan Lịch và anh em Công an huyện A Lưới để ra về. Xiết chặt tay nhau và hẹn gặp lại các anh, các chị, những người con của dân tộc Pa Ko trong màu áo xanh, sẽ giữ gìn an ninh nơi mảnh đất biên cương A Lưới để nhân dân được đón xuân, vui tết.

Chúng tôi lên xe rời A Lưới, những cây mai trồng trong sân nhà dân ven đường trổ hoa vàng rực rỡ trong nắng cuối chiều. Trên những vạt đồi, hoa sim tím đã nở báo hiệu một mùa sim mới trĩu quả nơi đây. Tạm biệt nhé, mảnh đất biên cương, mảnh đất lịch sử anh hùng! Chúng tôi mong bà con ở đây sẽ có một mùa xuân mới ấm áp.

Trở về Hà Nội, các thành viên trong đoàn chia tay nhau, hẹn đồng hành trong những hành trình thiện nguyện kế tiếp. Tất cả các anh em tôi chung một cảm giác ấm lòng, nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ, góp sức của mình, cùng "mang xuân ấm lên biên cương A Lưới"…

Vũ Hoàng Chính
.
.