Xứ Tuyên nặng nghĩa sâu tình

Thứ Bảy, 23/10/2021, 09:53

Lúc ấy đã gần nửa đêm.

Thành phố bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Trời vào thu, đã bắt đầu se lạnh về đêm. Dường như tiết thu cũng khiến cho phố dần mất đi vẻ sôi động, ồn ào. Trái ngược lại với khung cảnh dịu dàng, buồn tẻ của thành phố miền sơn cước khi về đêm, tại khoảng sân rộng của Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang, từng đoàn xe tải trọng lớn vẫn đang nối đuôi nhau vào ra hối hả.

Dưới ánh sáng nhờ nhờ, vàng vọt của những bóng điện bên đường, khuôn mặt của cánh tình nguyện viên và cán bộ chiến sỹ lực lượng công an, quân đội trong chiến dịch “Kết nối cộng đồng, vượt qua thách thức” hiện ra trong bàng bạc sương thu.

Đêm thu khuya khoắt, không khí làm việc nơi này vẫn diễn ra một cách hối hả. Suốt từ sáng đến giờ, hàng nông sản mà đồng bào Tuyên Quang dành để cứu trợ người dân Hà Nội, các tỉnh miền Nam do đại dịch COVID-19 tập kết về nhiều. Trụ sở Hội Nông dân tỉnh vô hình trung lại trở thành điểm tập kết, phân loại và toả về các vùng dịch. Trong khi đó, công việc tiếp nhận những hàng hoá mà người dân trong tỉnh hỗ trợ đồng bào vùng dịch trong cả nước lại do Hội Chữ thập đỏ tỉnh đảm trách. “Đây là đợt phát động lần hai anh ạ!”.- Anh Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang quay sang nói với tôi.

img_20211013_092537.jpg -0
Lực lượng Công an tỉnh Tuyên Quang tham gia chiến dịch “Kết nối cộng đồng, vượt qua thách thức”.

Đêm dần trôi. Hàng hoá mỗi lúc lại càng về nhiều. Mọi người đều luôn chân, luôn tay thực hiện công việc của mình. Không gian cứ chập chờn vỡ ra từng chùm âm thanh náo nức. Âm thanh của tiếng người, tiếng động cơ hoà lẫn vào nhau không ngớt. Từng chuyến xe đủ hàng chầm chậm lăn bánh, nhường chỗ cho xe khác vào bốc hàng mà chuyển đi cho kịp.

Để có đủ hàng hoá nông sản chi viện cho các tỉnh, thành phố đang gồng mình lên chống dịch COVID-19 là cả một câu chuyện dài, đầy cảm động của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Đích thân các đồng chí lãnh đạo huyện trực tiếp theo xe hàng từ huyện về thành phố, rồi cũng xúm vào bốc dỡ hàng xuống điểm tập kết. Nhiều câu chuyện cảm động về tình đất, tình người vẫn được kể lại như một minh chứng cho những giá trị nhân văn, nhân nghĩa của những con người nơi “quê hương cách mạng”.

Trong những câu chuyện ấy, người ta không quên nhắc đến trường hợp về hai vợ chồng cụ già dân tộc Dao là Bàn Phúc Líu và Hoàng Thị Sy ở thôn Nà Coóc, xã Bình An, huyện Lâm Bình, một huyện xa xôi nhất tỉnh Tuyên Quang. Hai cụ đều ngoài 70 tuổi, thuộc hộ nghèo của xã, khi biết tin địa phương triển khai chiến dịch “Kết nối cộng đồng, vượt qua thách thức”, hai cụ bàn nhau lên nương chặt buồng chuối duy nhất của gia đình, rồi lọ mọ lên rừng đào mấy củ măng, mấy quả bí xanh. Chỉ có thế thôi chứ chả nhiều nhặn gì. Với người giàu thì chả kể, nhưng là hộ nghèo, già cả thì đây là sự sẻ chia rất lớn.

Mấy ngọn măng tươi, dăm quả bí xanh cụ bà cho vào gùi, còn buồng chuối thì cụ ông vác trên vai. Từ Nà Coóc xuống trung tâm xã khá xa, hai cụ cứ chân trần bám đất mà đi giữa cái nắng hanh hao của một ngày giữa thu. Cụ Sy bảo: “Với số sản phẩm nông sản này của gia đình, nếu mang ra chợ bán cũng mang về được 400 nghìn đồng đấy. Nhưng mình xem ti vi thấy người dân vùng dịch còn khổ quá. Mình cố gắng bớt ăn, bớt tiêu đi để ủng hộ. Chả có nhiều đâu, chỉ là tình cảm thôi”.

Tình người không có biên giới. Người gửi cho người chưa từng quen, chưa từng biết mặt. Người nhận quà của những người cũng chưa từng biết tên, biết tuổi. Mọi ranh giới về mặt địa lý bị xoá nhoà, chỉ còn lại tấm lòng đau đáu dành cho nhau lúc hoạn nạn, khó khăn. Sự cao cả thể hiện không chỉ ở giá trị vật chất mà đến từ cái rung động, nghĩa tình của những người nông dân thôn quê Tuyên Quang. Lúc đầu tỉnh đặt ra mục tiêu là 50 tấn nông sản. Tuy nhiên, trong đợt đầu phát động, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tiếp nhận được 150 tấn, gấp ba lần mục tiêu đề ra. Huyện vùng cao Lâm Bình là địa phương đi đầu trong chiến dịch này. Trên những bản làng heo hút nơi miền sơn cước, vài củ măng rừng, mớ rau hái vội trên nương, hay dăm cân gạo trắng… được nông dân đóng gói cẩn thận, rồi xếp lên xe máy, xe đạp, thậm chí là đi bộ, vượt núi để kịp chuyển đến tay người dân vùng dịch.

img_20211013_092400.jpg -0
Những chuyến xe mang nặng nghĩa tình chuẩn bị chuyển bánh vào phương Nam.

Qua hai lần phát động đã gom góp được khoảng trên dưới 600 tấn nông sản. Đó chỉ là con số có thể đong đếm được khi xếp lên xe, nhưng có những thứ không thể đong đếm được, ấy là nghĩa tình của người xứ Tuyên dành cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Việc phát động chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn, chừng nửa tháng, vậy mà người dân của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đã nhiệt tình hưởng ứng, với những việc làm cụ thể, thiết thực.

Từ việc phân loại, đóng gói, đến khâu bốc xếp hàng lên xe tại điểm tập kết của tỉnh, ngoài các tình nguyện viên còn có thêm cả cán bộ chiến sỹ lực lượng công an, quân đội cùng tham gia. Ngành Giao thông vận tải Tuyên Quang cũng nhanh chóng vào cuộc trong việc cấp mã luồng xanh để xe đi được thuận lợi khi đến những tỉnh, thành phố đang trong diện phong toả do dịch bùng phát. Đặc biệt, toàn bộ số lượng xe vận chuyển hàng hoá đều được ngành Giao thông vận tải tài trợ miễn phí.

Lộ trình từ Tuyên Quang, rồi tập kết tại ga Giáp Bát, Hà Nội, sau đó được cán bộ chiến sỹ Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô đảm trách áp tải vào Nam. Khi hàng hoá vào đến miền Nam, cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 370 của Bộ Tư lệnh phòng không không quân đóng gói, phân loại. Còn công việc phát hàng hoá đến tay người dân lại do cán bộ chiến sỹ Quân khu 7 phụ trách. 

Xung quanh câu chuyện này cũng có nhiều điều để nói. Hàng hoá từ Tuyên Quang vận chuyển đi đều là những sản phẩm “Ô cốp” đặc sản, mang thương hiệu của địa phương. Tất cả vượt qua gần 2 nghìn kilomet, theo chuyến tàu vào miền đất nắng gió phương Nam. Bên cạnh nông sản, người xứ Tuyên còn hiến tặng gần 2 nghìn đơn vị máu chi viện cho các cơ sở y tế phía Nam trong hành trình đỏ. Riêng hàng hoá nông sản, theo ước tính, có tới cả chục lần phải nhấc lên, đặt xuống. Ấy là tính từ thu hoạch, đến khâu đóng gói, bốc xếp. Khâu vận chuyển thì từ phương tiện hiện đại đến thô sơ. Nghĩa là từ xe ô tô trọng tải lớn, đến tàu hoả, xe tải quân sự, rồi đến xe máy, xe đạp, xe thồ. Tuỳ từng địa hình cụ thể mà triển khai cho phù hợp trong điều kiện các khu dân cư bị phong toả, cách ly.  

Tôi lặng lẽ đứng quan sát cái khung cảnh ồn ào, hối hả. Có lẽ, tôi cũng không thể hình dung nổi rồi đây người dân nào nơi mảnh đất phương Nam đầy nắng gió ấy sẽ tận tay nhận được những món quà của xứ Tuyên, song tôi đã được xem lại một đoạn clip trên facebook của một tình nguyện viên ở tỉnh Bình Dương khi chị nói về tình cảm, nỗi xúc động khi nhận được quà từ Tuyên Quang gửi vào. Chị nói: “Bình Dương là một tỉnh chịu nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Khi biết đến chương trình ủng hộ vùng dịch do Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang phát động, thông qua mọi người, mình đã tham gia cùng anh chị em tình nguyện viên đi tới những nơi có người dân lao động để gửi quà đến tay mọi người…”. 

Biết bao nhiêu câu chuyện cảm động xung quanh việc tiếp tế hàng hoá nông sản và cả những giọt máu hồng của đồng bào Tuyên Quang dành cho người dân vùng dịch trong năm 2021. Đêm trôi mải miết trong cữ thu về. Gió thu se sắt. Thành phố miền sơn cước mơ màng ngủ trong sương thu. Công việc bốc xếp, phân loại và đóng gói hàng hoá của các tình nguyện viên, của cán bộ chiến sỹ lực lượng công an, quân đội cuối cùng rồi cũng xong. Gương mặt nào cũng phờ phạc, bê bết mồ hôi, song nụ cười lại như ngọn lửa ấm nồng cháy trên môi của những người đang nỗ lực chung tay sẻ chia cho vùng dịch. Họ toả vào các ngả đường để trở về những ngôi nhà của mình. Chỉ còn lại những chiếc xe tải trọng lớn nối đuôi nhau xuôi dần về vùng dịch.

Nhìn theo bóng xe dần khuất vào đêm, anh Nguyễn Hoàng Long nói với tôi một câu thật ví von, nhưng cũng thật đầy đủ: “Những chuyến xe Tuyên Quang chở nặng nghĩa tình”. Chỉ một câu nói ấy thôi mà gói trọn được bao điều về bài học trong cuộc sống, khi con người biết chia sẻ cho nhau. Lòng tôi ấm áp lạ thường. Trong đầu tôi chợt rộn lên nhiều điều ngẫm ngợi và tự hào. Bởi không tự hào sao được, khi người Tuyên đã từng một lòng thuỷ chung, son sắt, sẵn sàng trở che cho cách mạng, Bác Hồ trong suốt những năm dài kháng chiến. Giờ đây người Tuyên lại sẵng sàng nhường cơm, sẻ áo để chia lửa cho Nhân dân nơi dịch. Mong lắm đợt dịch rồi cũng đi qua, cuộc sống của các miền quê trong cả nước sẽ lại tiếp tục trở lại bình thường trong cái quy luật tất yếu.

Tạ Bá Hương
.
.