Xây dựng hình tượng người Cảnh sát nhân dân qua các sáng tác văn học

Thứ Năm, 24/03/2022, 19:01

Hướng tới kỉ niệm 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962-20/7/2022), ngày 14/3/2022 tại thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông) Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức khai mạc Trại sáng tác văn học về Hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân (diễn ra từ ngày 14/3/2022 - 21/3/2022). Đây là trại sáng tác đầu tiên của Bộ Công an viết riêng về lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Nhằm tôn vinh, xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân trên mọi mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, khắc ghi những tấm gương hy sinh anh dũng, đồng thời làm nổi bật những chiến công, thành tích, truyền thống vẻ vang qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Trại sáng tác lần này tập trung 30 nhà văn, tác giả trong và ngoài lực lượng Công an. Bên cạnh các nhà văn đã thành danh như Y Ban, Phong Điệp, Nguyễn Thế Hùng, Uông Triều, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Xuân Thuỷ, Nie Thanh Mai, Phạm Thanh Khương… Trại còn có sự góp mặt của các cây bút triển vọng như Tống Phước Bảo, Phan Đức Lộc, Đào Thu Hà, Bùi Tuấn Minh…

Xây dựng hình tượng người Cảnh sát nhân dân qua các sáng tác văn học -0

Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy, Phó cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác Chính trị Bộ Công an phát biểu khai mạc Trại sáng tác.

Trại sáng tác mở ra tạo cơ hội cho các nhà văn có điều kiện được thâm nhập, đi sâu tìm hiểu về con người, cuộc sống và công việc của những chiến sĩ Cảnh sát nhân dân. Đề tài về người lính nói chung và lực lượng Công an nói riêng luôn thu hút được sự quan tâm lớn của các tác giả tâm huyết. Tuy nhiên, đây vẫn luôn được đánh giá là một trong những đề tài khó và khô, vì vậy việc tham dự trại sáng tác sẽ khơi dậy và truyền cảm hứng cho những tác giả viết lên những tác phẩm hay, khắc hoạ hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát chạm đến trái tim của đông đảo quần chúng nhân dân.

Và đặc biệt, trại sáng tác chính là một dịp sinh hoạt về nghề để các tác giả trẻ được giao lưu học hỏi tích luỹ những hiểu biết về thực tiễn công tác và chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng. Qua đó khơi dậy niềm trân trọng và thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người lính Cảnh sát nhân dân nhất là trong thời điểm hiện tại khi mà tình hình diễn biến của dịch COVID-19 ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, trại sáng tác giúp các tác giả hiểu hơn về hình ảnh người Cảnh sát nhân dân trong công việc phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội để từ đó khắc họa những nét đẹp trong tính cách và công việc của người Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy, Phó cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác Chính trị Bộ Công an, Trưởng ban tổ chức nhấn mạnh: "…Ban tổ chức mong muốn các thành viên trong trại sáng tác, các nhà văn dành những tình cảm tốt đẹp cho lực lượng Cảnh sát nhân dân, chia sẻ đặc thù nghề nghiệp, những khó khăn vất vả, những tấm gương sáng, tận tuỵ, kiên cường, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Trong khoảng thời gian ở Đắk Nông các nhà văn và tác giả có cơ hội được trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác để có những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, ký… sâu sắc về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân. Ban tổ chức tin tưởng rằng, sau khi kết thúc trại sáng tác văn học này sẽ có nhiều tác phẩm văn học hay góp phần quảng bá cho hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, tác động tích cực tới đời sống xã hội, làm chuyển biến trong nhận thức, tình cảm của nhân dân đối với lực lượng CAND nói chung và lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng…".

Xây dựng hình tượng người Cảnh sát nhân dân qua các sáng tác văn học -0
Các đồng chí lãnh đạo chụp hình lưu niệm với các đại biểu và 30 nhà văn, tác giả tham gia Trại sáng tác.

Tại hội nghị, các nhà văn, tác giả còn được lắng nghe những chia sẻ hết sức tình cảm, chân thành của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái: "… Tôi tin các nhà văn chúng ta trên những nẻo đường của Đắk Nông hôm nay, trong một thời gian rất ngắn, với sự mách bảo của trái tim, hẳn các anh, các chị sẽ bắt gặp những chiến sỹ Công an tỉnh nhà nhân văn đang thầm lặng phục vụ nhân dân, giữ bình yên cho tỉnh nhà phát triển kinh tế. Họ sẽ là nguyên mẫu của các trang viết. Chúc các anh chị nhà văn thành công. Trái tim nhạy cảm của các anh, các chị sẽ mách bảo gọi những con chữ nhân văn, thân thiện để hoàn thành sớm nhất những tác phẩm văn học danh giá…".

Hình tượng người Cảnh sát nhân nhân thay đổi theo từng thời kì phát triển của đất nước. Trong những năm tháng kháng chiến vệ quốc, hình ảnh chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đêm ngày bám đường, chiến đấu ác liệt với quân địch, bảo vệ lực lượng, phương tiện chi viện cho tiền tuyến, những chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát khu vực, Cảnh sát giao thông… xả thân, quên mình trong bom đạn, khói lửa để cứu người, cứu tài sản của người dân là những hình ảnh, tấm gương sáng ngời nhân cách của lực lượng Công an.

Ngày nay, hình ảnh người Cảnh sát nhân dân gắn liền với phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Thế nhưng, dù trong giai đoạn nào của lịch sử người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vẫn luôn không quản ngại hi sinh, gian khổ chiến đấu dũng cảm để bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, việc tạo nên những tác phẩm hay, sống động phác họa được trọn vẹn hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, xây dựng được hình tượng về người chiến sĩ Công an trong lòng độc giả là một trong những vấn đề bức thiết, nóng bỏng và luôn được quan tâm.

Thời gian qua, Bộ Công an luôn quan tâm và phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhiều cuộc thi, trại sáng tác để xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân qua các tác phẩm văn hoạc nghệ thuật. Các cuộc thi và trại sáng tác đã thu hút được nhiều nhà văn và tác giả quan tâm hưởng ứng. Qua các cuộc thi đã có được những thành công nhất định, góp phần định hình, lan truyền hình ảnh đẹp của người Công an nhân dân tới quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, với sự hi sinh và hiến dâng của những người lính Công an, Ban tổ chức và độc giả mong muốn nhận được những tác phẩm hay hơn nữa trong thời gian tới.

Để viết được một tác phẩm hay, người viết trước hết phải thực sự hiểu biết sâu rộng và có một kiến văn nhất định về những gì mình muốn viết. Đề tài người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được đánh giá là một đề tài khó bởi vì các tác giả khi viết thường thiếu tính thực tế. Lực lượng Công an nhân dân trong những năm gần đây xuất hiện nhiều nhà văn trẻ có tiềm năng sáng tác với những lợi thế sẵn có là người trong ngành. Những tác giả Công an được đào tạo bài bản trong các trường Công an và thực tế thực hiện nhiệm vụ tin rằng sẽ cho ra đời những tác phẩm xứng tầm với những chiến công của người chiến sỹ Công an nhân dân, vì vậy trại viết lần này đã mời họ tham dự cũng là cách mà Bộ Công an quan tâm để các tác giả có điều kiện tốt nhất cho việc sáng tác.

Để có nhiều tác phẩm hay về đề tài người chiến sĩ Công an nhân dân nói chung và hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân nói riêng, Thượng tá, nhà văn Nguyễn Thế Hùng, đại diện cho các nhà văn, tác giả tham dự mong muốn, thời gian tới lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục Công tác Đảng và công tác chính trị quan tâm hơn nữa và có một chiến lược thu hút, đào tạo và phát triển đội ngũ viết văn trong lực lượng. Tạo điều kiện cho các tác giả ngoài ngành Công an muốn tìm hiểu về lực lượng có cơ hội được tiếp cận các đơn vị nghiệp vụ tại Công an. Hoàn thiện bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ Công an một cách hợp lý để phát huy được năng lực sở trường của bản thân đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác, văn học.

Với những điều kiện và cơ hội mà Trại sáng tác mang lại chúng ta hoàn toàn có quyền mong chờ những tác phẩm xuất sắc về đề tài hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân nói chung và người Cảnh sát Nhân dân nói riêng trong thời gian tới.

Lê Đình Trung
.
.