Vũ khí sắc bén từ “Bút sắc, lòng son”

Thứ Bảy, 26/07/2025, 12:36

Một trong những hoạt động đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025) chính là trưng bày chuyên đề “Bút sắc, lòng son”, do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chỉ đạo thực hiện và Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đang tổ chức tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) và sẽ diễn ra đến hết ngày 31/8/2025.

Nói đây là một hoạt động đặc biệt là bởi ngoài việc mang ý nghĩa tri ân các Anh hùng - Liệt sĩ, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, hun đúc lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay, thì chuyên đề “Bút sắc, lòng son” gồm 3 phần: “Trong chốn lao tù”, “Bút sắc, lòng son” và “Gắn kết yêu thương” của trưng bày lần này đã truyền đi một thông điệp rất đặc biệt.

-b.jpg -0
Triển lãm chuyên đề “Bút sắc, lòng son” thu hút đông đảo người dân đến thưởng lãm.

Mỗi phần nội dung của chuyên đề chính là một lát cắt chân thực, cảm động về cuộc đời và tinh thần kiên trung của những người chiến sĩ cách mạng trong lao tù thực dân - nơi tưởng như chỉ có gông cùm, xiềng xích nhưng lại rực cháy niềm tin, lý tưởng cách mạng và khát vọng tự do.

Chính trong chốn lao tù của thực dân, đế quốc, trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, người chiến sĩ cộng sản vẫn giữ vững niềm tin với Đảng, với cách mạng. Những chân dung của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng tiêu biểu đã được khắc họa - là những người đã dùng ngòi bút của mình để phản ánh hiện thực tù ngục, kêu gọi đồng bào đứng lên đấu tranh. Trong điều kiện hết sức thiếu thốn nên những sáng tác của họ phải viết bằng những vật dụng thô sơ nhưng chính là những vũ khí sắc bén trên mặt trận không tiếng súng, thể hiện tinh thần lạc quan, bất khuất và lòng yêu nước sắt son.

Lịch sử của dân tộc ta gắn liền với nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Trong những cuộc chiến tranh vệ quốc ấy, đội ngũ văn nghệ sĩ luôn có mặt trong những đoàn quân ra trận. Có những người đã là những văn nghệ sĩ chuyên nghiệp trước khi ra trận. Hành trang của họ ngoài súng đạn còn có cả bút, đàn...

Cũng có người chưa từng là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhưng khi xung trận thì chính thực tiễn khắc nghiệt và sinh động của cuộc chiến đã khơi dậy năng lực sáng tạo nghệ thuật trong họ. Từ đó, vai trò của người nghệ sĩ - chiến sĩ tỏa sáng, để nền văn học nghệ thuật nước nhà có những tác phẩm đặc sắc. Không ít văn nghệ sĩ đã anh dũng hy sinh khi chưa kịp hoàn thành tác phẩm tâm huyết của mình, để lại nỗi tiếc thương trong lòng công chúng. Máu của họ hòa quyện trong màu đỏ của lá cờ Tổ quốc hiên ngang tung bay trên mọi miền đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa đã để lại cho toàn Đảng và toàn dân một di sản vô giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng ấy khắc họa đậm nét và sâu sắc trong những tác phẩm, bút tích của Người, mà "Nhật ký trong tù" (Ngục trung nhật ký) là một trong những tác phẩm như thế.

Nhật ký trong tù với 134 bài thơ, đã được viết trong hành trình gian khổ khi bị đày đi giam cầm ở 30 nhà lao trong suốt 1 năm 12 ngày ở tù (29/8/1942 - 10/9/1943). Bị đày ải vô cùng cực khổ, nhưng Người vẫn hết sức ung dung tự tại, vẫn làm thơ. Thơ với Người là vũ khí cách mạng, là những bài học về rèn luyện, tu dưỡng, là những ý tưởng, những định hướng chiến lược cách mạng, văn hóa...

Cách đây đúng 10 năm, Nhà xuất bản Hội Nhà văn từng xuất bản cuốn sách "Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược" của nhà báo, nhà văn Lê Văn Ba, là một công trình khảo cứu, nghiên cứu đối với gần 200 nhà văn từng bị bắt bớ, tù đày trong các nhà tù của quân xâm lược. Trong cuốn sách này, chân dung các chí sĩ yêu nước, đồng thời là các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đã được khắc họa đậm nét, dù ở trong nhà tù quân phương Bắc xâm lược dưới thời các triều đình phong kiến, trong các nhà tù của thực dân Pháp, phát xít Nhật hay cả thời kỳ đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam nước ta.

Chính tác giả cuốn sách này cũng từng bị giam ở Nhà tù Hỏa Lò năm 1952, tham gia hoạt động học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội, nên ông đã có những tác phẩm như "Kể chuyện Nhà tù Hỏa Lò" (2004), "Thơ viết trong Nhà tù Hỏa Lò" (2006), "Nhà tù Hỏa Lò, trường học yêu nước và cách mạng" (2009)...

Trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, đất nước đang cần mỗi văn nghệ sĩ tiếp tục là một chiến sĩ cách mạng, với “bút sắc, lòng son” để góp phần cùng cả dân tộc làm nên những thành quả mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc vào ngày 30/12/2024 cũng đã nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước, Nhân dân trông chờ và tin tưởng vào sự chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, đóng góp tích cực của đội ngũ văn nghệ sĩ trong giai đoạn cách mạng mới”.

Lương Duy Cường
.
.