Võ Chí Nhất kể chuyện trinh thám
Những ngày cuối năm bộn bề, Võ Chí Nhất gửi tặng tôi cuốn sách vừa ra mắt bạn đọc. Những gì tôi biết về anh, đó là một Đại úy Công an hiện công tác tại Công an huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh tuổi đời khoảng ba mươi.
Đọc xong, tôi ngay lập tức nhắn tin trao đổi. Qua câu chuyện, tôi biết anh yêu thích truyện trinh thám từ nhỏ và viết văn từ rất sớm. Năm 24 tuổi (2017) anh đã trở thành hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Võ Chí Nhất đã cho ra mắt bạn đọc 5 cuốn sách. Đó là tiểu thuyết "Hoàng Cung" (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2016), "Khiếu ăn mày" (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2018), tập truyện "Nghệ sĩ sáng tạo và Nhà phê bình" (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2020), tập truyện trinh thám "Muội Tro" (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2022), tập truyện trinh thám “Án, sau vết chân” (NXB Đồng Nai - Hanoibooks, 2024).
Đặc biệt, tiểu thuyết "Hoàng Cung" được dịch và xuất bản ở Ý với tựa “II Palazzo Reale di Thang Long”, NXB Fiori d'Asia Editrice, 2024. Và anh từng nhận được Tặng thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2022 cho tập truyện "Muội tro". Truyện ngắn trinh thám "Đóa hồng đẫm sương" được đưa vào sách giáo khoa lớp 9, bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống", tập II, NXB Giáo dục Việt Nam năm 2024.
Trở lại với tập truyện “Án, sau vết chân”, tôi thừa nhận mình là một độc giả khắt khe. Có lẽ bởi tôi đã đọc quá nhiều những Dan Brown, Conan Doyle, Sydney Sheldon, Stefan Wolf... từ thơ ấu đến tận bây giờ. Vì thế mà ngay ở truyện đầu tiên, "Thừa một dấu chân", tôi đã rất sốt ruột với nhân vật Hà ớt, cô Đại úy Cảnh sát. Vì cô ấy lừng khừng quá, tỉ mỉ đến thừa thãi, phán xét đến rườm rà. Phải chăng, với hồ sơ những vụ án sắp mốc lên trong tàng thư thì không cần phải khẩn trương? Tác giả dụng công xây dựng nhân vật Hà ớt đậm bao nhiêu thì các sự hiện diện khác trong truyện mờ nhạt bấy nhiêu. Người đọc cứ phải cố hình dung về nạn nhân và bi kịch của nạn nhân, cho dù đối tượng cần giấu đi, làm mờ đi chính là nghi phạm.
Trong truyện "Cách mời một chuyên gia" thì cái sự rề rà đã được tiết chế. Tuy nhiên, chiếc áo ngắn có vẻ gọn gàng ấy lại bị hở sườn chí mạng. Tại sao Hà ớt không làm bài test luôn với cái gã chuyên gia về cổ vật? Để xem trình của hắn có thật sự xứng với những hao tâm tổn sức mà Hà ớt bày bố đợi hắn xuất hiện không? Thứ mà độc giả theo dõi câu chuyện và nôn nóng chờ đợi chính là ở cái cảnh còn khuyết đó.
Hai truyện sau đó, “Món quà quý giá” và "Giọt lệ sau bức tranh cổ" thì cái chất trinh thám lại chuyển hướng sang một xu thế khác. Nghĩa là không tra xét, khám phá vấn đề từ ngoài vào theo trình tự lớp lang nữa. Có một "ngữ đạo" để độc giả chui sâu vào nội tình câu chuyện, như là nội gián, sau đó bật đèn laser soi chiếu, khám phá từ trong ra. Đến lúc này, tôi đã bắt đầu khái quát được vài dòng về Võ Chí Nhất, đó là sự phân biệt sâu sắc của những cái khác, giống như một trích đoạn anh ấy đặt ở đầu cuốn sách.
"Sự khác biệt duy nhất giữa thánh nhân và tội nhân là mọi vị thánh đều có quá khứ, và mọi tội nhân đều có tương lai - Oscar Wilde". Võ Chí Nhất đang chứng minh điều này theo cái cách của riêng mình. Hai truyện này cho phép người đọc kết luận một cách lạc quan rằng: "Văn là người". Với giọng điệu ấy, tuyên bố ấy, thì cái kết truyện nó phải như thế. Nó hướng về phía tốt đẹp, như cái dây leo hướng về phía mặt trời, như cái hạt trong kẽ tường tự biết cách chui ra, xòe tán. Và đó cũng là thế mạnh của anh.
Sau "Giọt lệ sau bức tranh cổ" là "Trái táo đỏ". Đọc cái tựa truyện tôi thoáng hình dung đến những "Dải băng lốm đốm", "Chiếc nhẫn tình cờ"... trong series truyện về thám tử Sherlock Holmes của Conan Doyle. Khi mọi sự đầu tư chăm chút không còn lấn bấn, lẩn quẩn quanh cô Đại úy Hà nữa thì tác giả tập trung vào những nhân vật trong tấn thảm kịch gia đình.
Đại úy Hà giống như một "thám tử tư vấn" được một thành viên bí ẩn trong gia đình cậy nhờ, tin tưởng. Nhiệm vụ của cô là điều tra, vạch trần, chống lại một âm mưu đen tối của những kẻ vốn là thân tình máu mủ của nhau. Và Hà đã rất thành công ngăn chặn một tội ác tày trời chuẩn bị diễn ra. Không những thế, cô còn góp phần thức tỉnh lương tri con người. Có thể nói đây là một truyện rất hay và cuốn hút theo một mô típ điển hình mà Võ Chí Nhất theo đuổi.
"Và rồi ta cũng tự do" nối tiếp mạch thành công của "Quả táo đỏ" là một truyện trinh thám chứa đầy bi kịch con người. Đôi vợ chồng ấy, đứa trẻ ấy và cả anh chồng cũ, họ bám riết nhau, nghi kị nhau, theo dõi nhau sát sao, kỳ thực là sắp mất nhau đến nơi rồi. Bởi giữa họ là một lối đào thoát bí mật hằng đêm của người vợ "chết rồi mà chưa được chôn". Giữa họ là một căn nhà nhỏ yên tĩnh khác và đoạn phố đông người sẵn sàng xóa dấu vết, là cả cuốn Kinh Địa Tạng dày cộp và bao tâm tư giấu kín. Không khí truyện căng cứng như trái bom hẹn giờ. Và rồi, Hà ớt vào vai một "phù thủy" nhẹ nhàng, tinh tế, cảm thông và cũng đầy hiểu biết, dũng cảm tháo gỡ thành công quả bom ấy.
Ở truyện này, nếu như tác giả gọt bớt những câu văn hàn lâm, trường ốc đi, thì nó đời hơn, gai góc hơn. Trên bãi sỏi toàn những viên trắng muốt tròn xoe, nếu có một cái vỏ ốc xỉn màu, thì người ta sẽ tập trung nhìn vào cái vỏ ốc đó. Bởi sự nhận diện văn chương nằm trong chính cái vẻ tưởng như khiếm khuyết ấy. Nếu cố tình mài giũa cho sáng, cho nhẵn, thì cái logic về sự khác biệt lại bị chính ta phủ nhận. Chưa kể, nếu Võ Chí Nhất lẳng lặng giấu đi cái sự giải thích dài dòng, thì câu chuyện sẽ sâu hơn, kín hơn. Mà hình như, ở tất cả mọi truyện, tác giả đều bạch hóa hành trình "phá án" của mình trước mặt nghi phạm như vậy. Tôi cho đó là sự không cần thiết.
Chia sẻ về điều này, Võ Chí Nhất cho biết một nhà văn hiện đại phải có tư duy đạo diễn và là một “diễn viên điện ảnh”: “Kết cấu truyện trinh thám cũng như một cái hình tam giác có 3 cạnh, bởi những tình tiết đưa vào truyện đều phục vụ cho một mục đích nào đó. Truyện ngắn trinh thám luôn có một cái kết giải thích vì thế những cái kết truyện luôn đồ sộ, như cạnh dưới của hình tam giác. Kiểu kết này được các nhà văn trinh thám (như Agatha Christie) sử dụng từ rất lâu, và hiện tôi cũng đã tìm tòi cách thức để làm cái kết ấy bớt đồ sộ nhưng thật không đơn giản”.
Tôi nhận thấy, Võ Chí Nhất chưa sẵn sàng để thoát ly khỏi những thứ anh ấy đã đọc, đã ngấm rất sâu. Tại sao lại phải sử dụng triết lý của người khác trong hành trình sáng tạo của mình? Nếu như anh ấy để mình bị "ảnh hưởng" quá nhiều từ những bậc thầy trinh thám đó, thì độc giả còn muốn đọc anh không? Hơn nữa, những cái kết đồ sộ chỉ phù hợp với những tác phẩm có cấu trúc đồ sộ, phức tạp và thường là ở thể loại tiểu thuyết. Còn với truyện ngắn, truyện vừa, thì câu văn dài, chi tiết rườm rà hay cái kết chẻ hoe, đều không thật sự phù hợp. Thể loại này kén người viết bao nhiêu thì kén độc giả bấy nhiêu.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, chính Võ Chí Nhất cũng chưa hề thỏa mãn với những gì mình đã viết. Anh chỉ đang bảo vệ đứa con tinh thần của mình trước sự soi xét của độc giả kỹ tính mà thôi. Thể loại trinh thám, nó là thứ văn “đánh bả” không chỉ người đọc, mà ngay cả người viết, nếu đã lún vào thì cứ việc vùng vẫy trong cái bể tư duy không ngừng tự mình tạo ra đó thôi. Tất nhiên, tác giả vùng vẫy là để vươn tới những cột mốc xa hơn, tạo ra những đột phá khiến chính mình phải sửng sốt. Anh còn bật mí, có thể trong thời gian tới anh sẽ viết vài truyện ngắn trinh thám sử để làm cho khu vườn văn chương của anh đa dạng hơn.
Tóm lại, “Án, sau vết chân” là cuốn sách đáng đọc và đáng được trân trọng. Mong Võ Chí Nhất sớm cho ra mắt bạn đọc cuốn "Cảnh sát và tội phạm" với series truyện về Hà ớt sau khi đã "tối ưu hóa" cách thể hiện mà “Án, sau vết chân” là một tiền đề ý nghĩa. Bởi đó là một miền đề tài tiềm năng, người trong lực lượng Công an như Võ Chí Nhất hoàn toàn có đủ điều kiện để thành công hơn nữa.