Vị tướng mở "cánh cửa thép" Xuân Lộc làm thơ tặng vợ

Thứ Năm, 01/05/2025, 11:09

Hoàng Cầm là một trong những vị tướng lừng danh của quân đội ta. Là chiến tướng xông pha khắp chiến trường nhưng những lúc nghỉ ngơi, ông vẫn tranh thủ làm thơ... tặng vợ!

Hoàng Cầm là một trong những vị tướng lừng danh của quân đội ta. Ông là người trực tiếp chỉ huy bắt sống Tướng De Castries trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi trên cương vị Tư lệnh Quân đoàn 4 chỉ huy mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, và là vị tướng đầu tiên có mặt tại thủ đô Phnôm Pênh khi sang giải phóng nước bạn khỏi họa diệt chủng Pol Pot,...

Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Là chiến tướng xông pha khắp chiến trường nhưng những lúc nghỉ ngơi, ông vẫn tranh thủ làm thơ... tặng vợ!

hoang cam - tuong.jpg -1
Thượng tướng Hoàng Cầm (1920 - 2013).

Lúc chưa được gặp hầu chuyện Thượng tướng Hoàng Cầm, tôi cũng như nhiều người cứ ngỡ ông là tác giả bếp không khói Hoàng Cầm, thậm chí nhầm với cả thi sĩ Hoàng Cầm. Đó là 3 con người khác nhau và đều tham gia quân đội từ thời kháng chiến chống Pháp. Danh tướng Hoàng Cầm tên thật là Đỗ Văn Cầm, thường được gọi thân mật Năm Thạch, sinh năm 1920, ở huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, nay thuộc TP Hà Nội.

Tư lệnh sáng lập sư đoàn, quân đoàn đầu tiên của Quân Giải phóng

Đầu năm 1965, hai vị chỉ huy cấp sư đoàn là Hoàng Cầm và Trần Độ từ ngoài Bắc bí mật vượt biển vào chiến khu Tây Ninh trên tàu không số qua cảng của Campuchia. Bấy giờ ở chiến trường B2 - Nam Bộ mới có các đơn vị bộ đội chủ lực cấp trung đoàn. Chính ủy Nguyễn Chí Thanh và Tư lệnh Trần Văn Trà của Quân Giải phóng miền Nam giao cho Hoàng Cầm xây dựng sư đoàn chủ lực đầu tiên.

Ngày 2/9/1965, lễ thành lập Sư đoàn 9 được cử hành giản dị mà trang nghiêm bên bờ suối Nhung thuộc địa phận tỉnh Phước Thành (nay thuộc Bình Phước). Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Trung ương Cục miền Nam và luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã đến dự, giao nhiệm vụ cho sư đoàn. Hoàng Cầm thay mặt sư đoàn hứa sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Hoàng Cầm được cử làm sư đoàn trưởng, Lê Văn Tưởng được cử làm chính ủy đầu tiên của sư đoàn. Dưới sự chỉ huy của Hoàng Cầm, Sư đoàn 9 lập nhiều chiến công lừng lẫy, với các trận đánh Mỹ đầu tiên và các chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng, Bông Trang, Phước Long, Đồng Xoài, Nguyễn Huệ, Kiến Đức,... đặc biệt góp phần quyết định đánh bại chiến dịch Junction City - cuộc hành quân trên bộ lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Vì yêu cầu phát triển của chiến trường, ngày 20/7/1974, tướng Hoàng Cầm lại nhận lệnh trực tiếp thành lập Quân đoàn 4 trên cơ sở 2 sư đoàn chủ lực là Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 cùng một số tiểu đoàn binh chủng độc lập. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 do Hoàng Cầm làm tư lệnh, Bùi Vũ Cát làm phó tư lệnh, Hoàng Nghĩa Khánh làm tham mưu trưởng. Đây là quân đoàn chủ lực đầu tiên của Quân Giải phóng miền Nam hoạt động ở chiến trường B2 - Nam Bộ.

Tướng Hoàng Cầm cho biết, từ buổi đầu thành lập, Quân đoàn 4 đã tiến hành đánh chiếm và giải phóng toàn bộ tỉnh Phước Long, rồi đánh Bình Long qua phía Bắc Tây Ninh, Dầu Tiếng, Chơn Thành; đánh từ Mỏ Vẹt đến La Ngà qua Hoài Đức, Tánh Linh, Bà Rịa để hình thành bàn đạp bao vây Sài Gòn từ nhiều hướng.

Sau chiến thắng Dầu Tiếng tháng 3/1975, Sư đoàn 9 được lệnh tách khỏi Quân đoàn 4 chuyển về làm lực lượng nòng cốt cho Đoàn 232 chiến đấu ở phía Tây Nam Sài Gòn. Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, phiên chế Quân đoàn 4 có 3 sư chủ lực là Sư đoàn 7, Sư đoàn 341 và Sư đoàn 6 được thành lập từ 2 trung đoàn chủ lực của Quân khu 7.

Tấn công “cánh cửa thép” Xuân Lộc

Theo kế hoạch của Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tư lệnh miền, bước vào năm 1975, Quân đoàn 4 có nhiệm vụ mở rộng hành lang, chuẩn bị địa bàn cho các đơn vị chủ lực bạn cùng tham gia tấn công Sài Gòn - Gia Định. Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đang là Chính ủy Binh đoàn Trường Sơn được điều về làm Chính ủy Quân đoàn 4.

Tư lệnh Hoàng Cầm bấy giờ mang quân hàm thiếu tướng, trực tiếp phụ trách hướng Bắc và Tây Bắc Sài Gòn, chủ lực là Sư đoàn 9 và một số đơn vị phối thuộc, đánh chiếm chi khu Dầu Tiếng, mở rộng vùng giải phóng về phía Tây. Còn hướng Đông Bắc do Đại tá, Phó Tư lệnh Bùi Cát Vũ đảm nhiệm, gồm Sư đoàn 7 và một bộ phận Sư đoàn 341 mới từ miền Bắc vào, phối hợp với lực lượng Quân khu 6, Quân khu 7 để đánh chiếm chi khu Định Quán, làm chủ đường 20, tỉnh Lâm Đồng... Nhiệm vụ hoàn thành, Quân đoàn 4 được lệnh chuyển quân sang phía Đông để tập trung lực lượng bao vây, chờ thời cơ đánh thẳng vào Sài Gòn.

hoang cam - nchi thanh- tv tra.jpg -0
Từ phải sang, các tướng lĩnh: Hoàng Cầm, Trần Văn Trà, Nguyễn Chí Thanh, Văn Phác ở căn cứ Bộ Tư lệnh Miền thời chống Mỹ.

Ngày 2/4/1975, Thượng tướng, Tư lệnh Quân Giải phóng Trần Văn Trà xuống Sở Chỉ huy Quân khu 7 ở bên bờ sông Đồng Nai, giao nhiệm vụ Quân đoàn 4 phối hợp Quân khu 7 tấn công thị xã Xuân Lộc. Trước tình hình mới cần điều chỉnh lực lượng, Tướng Hoàng Cầm đề nghị cho quân đoàn lùi nổ súng vào ngày 9/4. Tướng Trần Văn Trà đồng ý, rồi lên xe đi suốt đêm trở về Sở Chỉ huy miền để đón Đại tướng Văn Tiến Dũng mới từ Tây Nguyên vào căn cứ Lộc Ninh.

Trận Xuân Lộc kéo dài 10 ngày, là trận mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là trận đánh lớn nhất, quyết liệt nhất, quan trọng nhất và cũng tổn thất nhiều nhất trong toàn bộ chiến dịch. Trước sự phản kích dữ dội của đối phương, Quân đoàn 4 gặp nhiều khó khăn khi đánh vỗ mặt vào Xuân Lộc. Thượng tướng Trần Văn Trà đã xuống trực tiếp cùng Bộ Tư lệnh quân đoàn tìm cách tháo gỡ khó khăn, chuyển hướng tiêu diệt Dầu Giây, cô lập Xuân Lộc,...

Lực lượng quân đội Sài Gòn nghênh chiến ở Biên Hòa - Xuân Lộc có tổng số 25.000 quân. Sau khi mất Quân khu 1 và Quân khu 2, địch dồn quân về đồn trú ở đây để tử thủ. Đồng thời, theo yêu cầu của Tổng thống Gerald Ford, Đại tướng Frederick Weyand - Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ và là cựu Tư lệnh cuối cùng của quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam, đã bay sang thị sát và lập phòng tuyến cố thủ Sài Gòn, xem Xuân Lộc là “cánh cửa thép”, lá chắn cuối cùng để tìm một giải pháp chính trị.

Đại tướng Weyand khuyến cáo: “Phải giữ cho được Xuân Lộc. Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Do đó, ngày 21/4, khi hay tin Xuân Lộc rơi vào tay Quân Giải phóng, tướng Weyand thốt lên: “Thế là hết! Tình hình quân sự là tuyệt vọng”, rồi vội vàng lên máy bay về Mỹ.

Sau chiến thắng Xuân Lộc, Tướng Hoàng Cầm chỉ huy Quân đoàn 4 tiếp tục đánh chiếm Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, sở chỉ huy Quân đoàn 3, sân bay Biên Hòa; rồi tiến thẳng vào Sài Gòn đánh chiếm Bộ Quốc phòng, Dinh Gia Long, Bộ Tư lệnh Hải quân, kho xăng Nhà Bè... Khi đến căn cứ Sóng Thần, các chiến sĩ Quân đoàn 4 đã bắt sống Chuẩn tướng Lê Minh Đảo - Tư lệnh Sư đoàn 18, một viên tướng trẻ hiếu thắng vừa bại trận ở Xuân Lộc. Khi vào Sài Gòn thì quân đoàn bắt sống Trung tướng Lâm Văn Phát - Tư lệnh Biệt khu thủ đô của Việt Nam Cộng hòa...

Đầu giờ chiều ngày 30/4, Tư lệnh Hoàng Cầm có mặt tại Dinh Độc Lập, chỉ huy Quân đoàn 4 tiếp quản nội các Dương Văn Minh theo nhiệm vụ được phân công. Nhớ lại sự kiện lịch sử này, Thượng tướng Hoàng Cầm cho hay: “Khi tôi vào Dinh Độc Lập thì được biết Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các của ông ta từ sớm đến lúc ấy vẫn chưa ăn uống gì. Tất nhiên, họ sợ hãi, không dám ngỏ lời. Đã 13 giờ 30 phút. Tôi liền bảo họ: Các ông có thể nhờ người nhà đưa cơm nước và đồ dùng cá nhân cần dùng tới, chứ đói chịu sao nổi! Họ lễ phép chắp hai tay cảm ơn. Và, đêm ấy, tôi cùng anh em binh lính nằm ngay trên hiên Dinh Độc Lập nghỉ ngơi. Dù đang đói ngủ nhưng tôi không tài nào chợp mắt được. Đã nằm trong Dinh Độc Lập rồi mà tôi cứ nghĩ mình đang mơ”.

Là vị tướng có tâm hồn nghệ sĩ, mặc dù xông pha khắp chiến trường nhưng những lúc nghỉ ngơi Hoàng Cầm thường tranh thủ làm thơ như một thứ nhật ký chiến trận. Ông cũng hay làm thơ gửi về động viên vợ con. Mối tình của ông với bà Thành Kiều Vượng được mai mối bởi Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc - cha đẻ của khoán hộ gia đình trong nông nghiệp. Hai người cưới nhau năm 1955, mặc dù do công tác phải luôn xa nhau nhưng cũng sinh được 5 người con, tất cả đều phục vụ trong quân đội. Mỗi lần sinh nhật bà, ông đều làm thơ vui để tặng. Như bài thơ ông viết nhân sinh nhật lần thứ 60 của bà vào năm 1992:

Đời em là một giấc mơ
Mơ chồng thắng trận, mơ cờ đảng viên
Chiến tranh mấy mươi năm liền
Mà em vẫn giữ bình yên như người
Đến nay tuổi đã sáu mươi
Năm con bảy cháu mừng vui bên bà
Tuổi em là tuổi con gà
Tuổi anh con khỉ nhưng mà đẹp đôi
Tuy rằng tóc bạc da mồi
Chúng ta vẫn giữ lứa đôi vẹn tròn
Còn trời còn nước còn non
Có dân có đảng ta còn sống lâu.

Khi đọc cho tôi nghe bài thơ này xong, ông cười khà khà, hóm hỉnh bảo: “Anh thấy tướng mà làm thơ như vậy có hay không!”.

Phan Hoàng
.
.