Trưởng Công an xã nơi gió núi mây ngàn
Trên cung đường quanh co đá núi, “sống lưng khủng long” sừng sững, chúng tôi đến thăm xã Háng Đồng. Nơi đây, Trưởng Công an xã Háng Đồng – Thượng úy Hà Văn Nhuận đã dành cả tuổi xuân nơi đỉnh Phu Sa Phin hùng vĩ quanh năm mây mờ sương phủ này để làm công tác bảo vệ ANTT cho cuộc sống người dân nơi rẻo cao.
Chênh vênh bên mép núi
Men theo con đường núi dài hơn 40km nhưng đoàn công tác chúng tôi cũng phải mất gần hai giờ chạy xe. Sương giăng dày lối, mây phủ kín đường, con đường ướp mình trong sương lạnh đã vạn năm, người với người cách nhau một sải tay không nhìn thấy mặt, vạn vật chìm trong màn sương của đêm trước còn đọng lại. Trên là trời, dưới là vực, những mái nhà Pơ mu thấp thoáng trong núi.
Để đến được Háng Đồng thì cũng phải là cả một nghệ thuật. Bởi con đường này không hiếm người bị đánh gục, thậm chí là cả những tay lái “lão luyện”. Lắc lư trên con đường như bẫy, chúng tôi cũng đến được xã Háng Đồng. Đón chúng tôi là cấp ủy, lãnh đạo xã cùng Thượng úy Nhuận và đồng đội. Cái bắt tay thật chặt cùng những nụ cười hiền hậu trên môi của mọi người nơi đây dường như đã xua tan cái giá lạnh ngày đông nơi đất này.
Tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân năm 2015, Thượng úy Nhuận được điều động về công tác tại Công an huyện Bắc Yên. Xa nhà, xa bố mẹ, ban đầu anh cũng có chút lo lắng, bồn chồn, nhưng rồi lâu cũng thành quen và anh nghiệm ra rằng: “Đi xa để đến gần hơn bà con dân bản”.
Ban đầu, anh được phân làm nhiệm vụ ở Đội an ninh của Công an huyện với công việc thường ngày là nắm tình hình, nắm tâm tư nguyện vọng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ngày ấy, anh vẫn đau đáu một điều làm thế nào để bà con tin, bà con yêu Đảng, Nhà nước. Để làm được điều ấy đòi hỏi những cán bộ như anh làm mọi việc phải xuất phát từ tâm, từ chính tình yêu nghề của mình. Mặc dù bản thân là người dân tộc thiểu số, nhưng địa bàn huyện Bắc Yên lại là địa bàn đông người dân tộc Mông sinh sống, khi trình độ cũng như văn hóa của họ khác hoàn toàn với dân tộc mình. Muốn tạo được mối quan hệ hòa đồng, gần gũi với dân, Thượng úy Nhuận xác định phải chịu khó, tìm tòi đào sâu tìm hiểu văn hóa dân tộc của họ để có thể có sự tương tác sao cho gần gũi tin cậy.
Nhớ lại ngày đầu đến đây, anh chia sẻ: “Có những điều mình nói, đồng bào không hiểu hết. Trình độ dân trí ở đây còn tương đối thấp nên khi thực hiện công tác dân vận, tôi luôn nỗ lực “giải mã” những thuật ngữ mang tính đời thường nhất, tìm cách diễn đạt ngắn gọn, bình dân, dễ hiểu, dễ nhớ nhất. Mỗi ngày tích lũy một kinh nghiệm nhỏ, dần dần, mọi thứ trở nên thuận lợi, suôn sẻ hơn”.Cứ kiên trì như vậy, đến nay bà con cũng đã tin tưởng, thương yêu anh và đồng đội như người trong gia đình. Khi tuyên truyền cũng như vận động bà con đã nghe và tin tưởng.
Những nhọc nhằn chỉ gió núi mới hay
Vài năm trở lại đây, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn diễn biến với phương thức, thủ đoạn khá phức tạp, Háng Đồng được coi là một trong những địa bàn “nhọc nhằn” nhất của huyện Bắc Yên. Địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, anh em trong xã đi những bản xa thì cũng xác định mất nửa ngày đường mới tới nơi. Nhưng đó chưa phải là lý do làm cho anh em nhụt chí, mà đây chính là điều kiện để anh cống hiến nhiều hơn cho bản làng vùng cao.
Thời điểm này là dịp cao điểm anh và đồng đội làm công tác tuyên truyền tới bà con về công tác phòng chống dịch COVID-19 và tác hại của rượu, bia vì Tết đồng bào Mông đang đến gần. Ngỏ ý được cùng các anh đến các bản tuyên truyền, tôi đến với bản Làng Sáng là bản nhiều cái “nhất” của xã. Đây là bản xa nhất, cao nhất, vất vả nhất, đồng thời cũng là bản mà các anh thương nhất.
Ngược dòng thời gian vài năm trước, bản Làng Sáng là một trong nhiều bản của xã chưa có điện sinh hoạt, đời sống còn lắm gieo neo. Ngoài ra, Thượng úy Nhuận luôn đau đáu với nạn tảo hôn ở đây, cứ vài ba tuần lại có một vài em học sinh bỏ học đi làm chồng, làm vợ người khác, bởi cái đói, cái nghèo vẫn đằng đẵng bám lấy các em và gia đình. Lúc ấy trong đầu óc non nớt các em chỉ có nghĩ một điều, đi làm chồng, làm vợ biết đâu đời sẽ bớt khổ. Tuổi 14, 15, cái tuổi ăn chưa no, ngủ chưa kỹ, liệu rằng có bớt khổ hay rồi lại lâm vào một mớ bòng bong của vòng quay khổ cực. Công an xã cũng nhiều lần vận động, nhưng ở đây đã thành cái tục đời ông cha đã để lại. Thương lắm!
Khi nói với tôi câu chuyện này, khuôn mặt của người Công an trẻ ấy bất giác buồn hẳn, đôi mắt anh chùng xuống, đôi môi run run và giọng lạc đi. Dù anh không nói ra nhưng tôi cũng một phần hiểu được những điều mà anh đang trăn trở bấy lâu chưa biết ngày nào xử lý triệt để.
Đến với bản Làng Sáng, từ đầu bản, mùi hương của gỗ Pơ mu thoang thoảng trong gió đã ập vào sống mũi. Những mái nhà Pơ mu lác đác bên non tạo nên một bức tranh sương khói huyền diệu mà hiếm nơi nào có được. Trong hơi ấm của căn bếp quanh năm đỏ lửa, cùng với niềm vui năm nay đã có điện, ông Mùa A Sà, người già bản đáng kính đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu cùng cái bắt tay thật chặt. Gần hết một đời người, năm nay bản có điện, trẻ con trong bản sẽ không phải đốt đèn hay dùng điện nước phập phù lúc được lúc không để học nữa. Bà con ban ngày lên nương, tối về có thể xem cái ti vi hoặc phụ nữ có thể ngồi thêu thùa dưới ánh đèn điện khi đêm xuống.
Trong những câu chuyện vui của cuộc sống đời thường, Thượng úy Nhuận cũng lồng ghép tuyên truyền tới già bản và bà con những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà Nước, cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại bản, việc sử dụng rượu bia sao cho có chừng mực trong những ngày Tết cổ truyền người Mông. Cách truyền tải của người Trưởng Công an xã ấy hết sức gần gũi, dễ hiểu và ngắn gọn, không khô cứng mà hết sức mềm mại. Nói về Trưởng Công an xã Hà Văn Nhuận, già bản Mùa A Sà không giấu đi sự xúc động, bởi ông coi anh như người thân trong gia đình, ông kể: “Từ khi có anh Nhuận về xã, anh giúp bà con trong xã cải tạo sản xuất, tuyên truyền, bà con từ bỏ thuốc phiện, lại giúp đỡ người đi tù về hoàn lương làm lại cuộc đời. Quý lắm người con của bản!”. Chỉ một lời nhận xét của người già bản ấy thôi cũng đủ cho tôi thấy anh đã và đang được bà con nơi đây tin tưởng, yêu mến đến nhường nào.
Trong ngần ấy năm công tác, cũng có biết bao câu chuyện, bao kỷ niệm buồn vui lẫn lộn, nhưng có lẽ câu chuyện đấu tranh với đối tượng Thào A Khay, tên “sói trắng” Thào A Khay (SN 1980, trú tại bản Trò A, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên) cõng 4 bánh heroin là câu chuyện mà anh không thể nào quên. Đây là chuyên án ma túy lớn nhất trên địa bàn huyện Bắc Yên từ trước đến nay.
Trước đó, nhận nhiệm vụ từ ban chuyên án, Thượng úy Nhuận cùng đồng đội theo dõi đối tượng Khay. Đây là đối tượng có tiền sử nghiện thuốc phiện, thường xuyên qua địa bàn Háng Đồng để làm nhiệm vụ vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Để bắt được đối tượng này, Thượng úy Nhuận cùng đồng đội cũng phải mất khá nhiều thời gian ăn rừng, ở núi theo dõi nhất cử nhất động của y. Trong cái lạnh giá thấu xương của tiết trời mùa đông, cùng với việc sương mù giăng kín cả ngày lẫn đêm, sóng điện thoại lúc có lúc không, việc theo dõi của anh em đánh án rất khó khăn, vất vả. Tên Khay là người bản địa, do vậy rất thông thuộc đường mòn, lối mở, không chỗ nào là y không biết, anh em đánh án xác định, nếu như chỉ cần một phút lơ là, để lộ là sẽ mất dấu đối tượng.
Nhưng rồi bấy nhiêu vất vả, đằm mình trong sương lạnh bao ngày, đổi lại đến ngày 13/11, Thượng úy Nhuận cùng đồng đội cũng tóm gọn được tên “sói trắng quỷ quyệt”. Chuyên án kết thúc, anh em về đơn vị vui hơn bao giờ hết. Nhưng cái chính là niềm vui của bà con dân bản khi biết tin đối tượng đã bị bắt, yên tâm sản xuất, làm giàu bằng sức lao động của mình bên cheo leo vách núi đời ông cha để lại.
Những câu chuyện cứ theo thời gian trôi đi, Thượng úy Nhuận kể cho tôi nghe về chuyện đời, chuyện gia đình, chuyện công việc… và những vất vả nơi “xứ sở mờ sương” này. Qua những câu chuyện mới thấu hiểu người Công an trẻ ấy yêu mảnh đất này đến nhường nào, mọi việc làm chỉ mong bà con dân bản luôn tin yêu, ủng hộ, vì tương lai bình yên trên mỗi mái nhà pơ mu.