Trăn trở của một nữ biệt động Sài Gòn

Thứ Bảy, 03/08/2024, 10:28

Ngày 24/7, nữ biệt động Sài Gòn Trần Thị Yến Ngọc - Thu "Bà Điểm" kiên trung đã từ biệt gia đình, đồng đội, rời xa dương thế để đến với những đồng chí, đồng đội của mình ở bên kia thế giới. Trước đó không lâu, chúng tôi gặp bà tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (BĐSG)

Bà nói vừa từ TP Thủ Đức vào, chờ đón người bạn 40 năm qua chưa gặp lại. Người đó là NSƯT Thanh Loan ở Hà Nội, 40 năm trước đóng vai ni cô Huyền Trang trong bộ phim kinh điển "Biệt động Sài Gòn". Cả hai đang ở tuổi ngoài 70. Một người là dân biệt động thứ thiệt, người kia là nghệ sĩ  đóng vai biệt động thành danh!

Chuyện bây giờ mới kể

Từ ngày thoát ly gia đình, lên vùng rừng Dương Minh Châu (Tây Ninh) làm cách mạng đến tận bây, giờ ai cũng gọi bà là Thu "Bà Điểm". Cái tên này được mấy bác trên R đặt cho, khi đó mới vừa bước vào tuổi 14 mấy ngày. Bí danh gắn với địa danh nơi bà sinh ra. Kể từ đó, cái tên cha sanh mẹ đẻ Trần Thị Yến Ngọc (sinh năm 1950) gần như không được nhắc đến.

Trăn trở của một nữ biệt động Sài Gòn -0
Bà Thu "Bà Điểm" phát biểu tại một buổi họp mặt ở gara Tự Lực.

Hai năm ở R, tổ chức cho học nghề y tá, thỉnh thoảng được giao thêm công tác hậu cần, giao liên cho Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định Trần Hải Phụng (1925 - 1997). Cuối năm 1966, thực hiện kế hoạch X - kế hoạch Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, tổ chức bàn bạc, thống nhất đưa bà về nội thành Sài Gòn làm giao liên cho đồng chí Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu, 1928 - 2013, Đại tá AHLLVT), Phó tư lệnh, tham mưu trưởng Quân khu Sài Gòn - Gia Định, kiêm chỉ huy trưởng lực lượng BĐSG. Khoảng thời gian này là nguy hiểm nhất nhưng số phận thật may mắn, mọi thứ đều suôn sẻ.

Khoảng cuối tháng 1/1968, đồng chí Tư Chu giao cho bức thư, cuộn tròn cỡ nửa điếu thuốc, dặn mang ngay đến hẻm 499 Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám, P.13, Q.10), đoạn gần khu vực chợ Hòa Hưng, giao cho chú Năm Hà (tức Lê Nam Hà) khi đó là Trưởng phòng Quân báo Quân khu. Nơi nhận thư là tiệm phở Bình, số 7 đường Yên Đỗ nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3. Trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, phở Bình là Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Nhận thư trên tầng 3, bà đi xuống đến tầng hai thì nép vào góc cầu thang lén mở ra xem, bà nói, theo nguyên tắc của tổ chức thì không được mở ra xem, nhưng lúc đó bà nghĩ - xem để biết nếu lỡ gặp chuyện bất trắc hủy thư thì còn nhớ nội dung để truyền lại.

Gọi xích lô đạp đi tới ngã 6 Sài Gòn, nay là ngã 6 Công trường dân chủ, bà thấy cảnh sát lưu động, cảnh sát đặc biệt cùng với tai mắt bọn mật thám canh gác, tuần tra ở đây rất nhiều. Cảm nhận thấy không ổn, cô bé bỏ thư vào miệng nuốt luôn.

Xe vừa chạy đến, chúng chặn lại khám xét, nhưng không phát hiện được gì, hỏi bâng quơ vài câu rồi cho đi. Cô giao liên kêu xích lô đạp thẳng đến chợ Hòa Hưng, vào chợ mua ít đồ để quan sát. Thấy an toàn, cô lững thững quay lại con hẻm 499 Lê Văn Duyệt. Đi vào hẻm độ 100 mét thấy chú Năm Hà đứng bên cạnh góc nhà 499/20 ra dấu. Trên R cô đã gặp chú Năm Hà một vài lần. Cô trình bày với chú, trong thư Phó Tư lệnh nhờ chú đến ngay gara Tự Lực nhận 7 đồng chí chiến sĩ biệt động còn kẹt lại trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân vừa rồi, giúp đỡ, tổ chức đưa họ về đơn vị ở Vĩnh Lộc, Bình Chánh. Chú Năm hỏi: "Thư đâu?". Cô giao liên nói: "Con nuốt rồi". "Sao mày nuốt?".  Con bé cười: "Con không nuốt là chú bị bắt trước tiên, rồi 7 người kia cũng bị bắt luôn".

"Báu vật" của Biệt động Sài Gòn

Sau ngày thống nhất, sứ mệnh BĐSG kết thúc. Bà cũng như nhiều đồng chí của mình, người theo chồng, người theo vợ về quê sinh sống, quên mất cơ sở gara Tự Lực có nhiều đóng góp vô giá cho cách mạng, không chỉ một lần mà trong suốt cuộc chiến tranh giành độc lập. Gần 30 năm, bà theo chồng về quê mưu sinh và dạy học ở Cà Mau, bà được đồng đội cũ mời trở lại thành phố và đề nghị làm Trưởng ban liên lạc đơn vị bảo đảm chiến đấu A.20 - A.30, Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Bà chợt nhớ, tại địa điểm 499/20 trước Mậu Thân bà đã nhiều lần đến làm nhiệm vụ, sau Mậu Thân cũng đôi lần quay lại kiểm tra anh em có ai về hay không để móc nối đưa ra hậu cứ.

Từ đầu tới cuối cuộc chiến, cơ sở gara Tự Lực rất an toàn, xung quanh người lao động nghèo, phía sau đồng mã, cây cỏ ngập đầu. Ông chủ gara Tự Lực là thương gia Dương Văn Đức (1928-2004), rất có uy tín với chính quyền và chòm xóm. Ông Đức được bà Bùi Thị Hậu (Nguyễn Thị Lích, thường gọi là bà Năm Lích, một nhà cách mạng lão thành qua đời vào tháng 5/2023, ở tuổi 96) giác ngộ từ năm 1960.

Ông chủ gara được lãnh đạo BĐSG giao nhiệm vụ bảo trì, thiết kế thùng xe 2 đáy chứa vũ khí, tài liệu và làm phương tiện phục vụ công tác đảm bảo chiến đấu cho lực lượng biệt động. Đại tá, AHLLVT Trần Văn Lai (nhà thầu Mai Hồng Quế), thường xuyên gửi hai chiếc ôtô mang số hiệu NCE - 345 và EC - 6045 cho ông Đức thiết kế, kiểm tra, bảo dưỡng để phục vụ công tác vận chuyển vũ khí, đưa đón lãnh đạo Quân khu ra vào nội đô Sài Gòn. Tết Mậu Thân 1968, Đội 05, BĐSG trực tiếp sử dụng 2 ôtô này để tấn công Dinh Độc Lập.

Trăn trở của một nữ biệt động Sài Gòn -1
Ông Dương Văn Đức (giữa) tại di tích gara Biệt động Sài Gòn 1969; bên trái là ông Tám Tỏ - kinh tài Biệt động Sài Gòn; bên phải là đại úy Nhàn - Cảnh sát đặc biệt, Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, thường xuyên đến gara Tự Lực ăn nhậu.

Hồi tháng 3 năm 2023, khi biết tin đơn vị A.20 - A.30, trong đó có garage Tự Lực được đề nghị xét công nhận di tích lịch sử cấp thành phố. Ở tuổi 74, sức khỏe của bà như "chỉ mành treo chuông". Ba năm qua, mỗi ngày phải đối diện với căn bệnh hiểm nghèo vì đã cắt bỏ khối u gan, cắt luôn túi mật, bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư giai đoạn cuối. Vậy mà thật kỳ lạ, khi biết tin trên sức khỏe dần hồi phục, đi đứng gần như trở lại bình thường. Nhưng tròn một năm qua, ngày nào bà cũng chờ mà "niềm vui cuối đời vẫn chưa tới".

Trong thời gian hoạt động ở nội thành, bà nói mình đi đến rất nhiều cơ sở nhưng đặc biệt có hai nơi bà cho là quan trọng và nguy hiểm nhất đó là tiệm phở Bình của ông Ngô Toại và nơi thứ hai là gara Tự Lực. Nhắc đến hai nơi này, người dân Sài Gòn có câu: tầng một quốc gia, tầng ba cộng sản.

Đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị kế hoạch X, gara Tự Lực đón một số cán bộ cao cấp của Quân khu như ông Nguyễn Văn Trí (chính trị viên A.20 - A.30), Nguyễn Ngọc Lộc (Tư Quỳ), Ba Lực (cán bộ ban tham mưu tác chiến), Năm Hà (Quân báo)… Về điều này, theo ông Nguyễn Quốc Độ, Phó chủ nhiệm CLB truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động chia sẻ: "Gara Tự Lực, hay còn gọi gara BĐSG rất quan trọng đối với lịch sử, nơi kéo dài "núm ruột" nuôi dưỡng cách mạng, đường dây nối liền các tổ chức cách mạng trong thời kỳ chiến tranh gay go, ác liệt nhất. Thế nên việc công nhận gara BĐSG là di tích lịch sử cấp thành phố hoàn toàn xứng đáng".

Chuyện không của riêng ai

Chiến đấu ở đô thị không thể trực tiếp hiên ngang mang súng đạn hành quân vào trận địa, ngược lại phải đi vào bí mật, khi ra cũng phải bí mật. Càng bí mật, hiệu quả thắng lợi càng cao. Bí mật giỏi mới đánh tận cơ quan đầu não của kẻ thù. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cấp trên giao, ông Đức sẵn sàng hy sinh tài sản và tính mạng của cả gia đình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nói vậy để thấy, nếu chỉ trực tiếp cầm súng chiến đấu hy sinh thì chỉ có một mình, còn hoạt động cơ sở bí mật, nuôi chứa cán bộ nhỡ khi bị giặc phát hiện thì hiy sinh cả nhà và tài sản cũng tiêu tan hết.

Nhìn ở góc độ này, gara Tự Lực quả xứng đáng được đưa vào danh mục di tích lịch sử để thế hệ trẻ mai sau học tập, phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam nói chung, người Sài Gòn nói riêng giàu có, đi làm cách mạng vì lòng yêu nước. Một bài học mà tất cả người dân thành phố không được quên về sự hy sinh thầm lặng của các anh hùng, chiến sĩ đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân và xương máu trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập - tự do - hạnh phúc.

Bùi Kỳ Phương
.
.