Thượng tá Hoàng Như Hưởng - Người truyền lửa

Thứ Sáu, 16/12/2022, 11:49

54 tuổi đời, 32 năm tuổi Đảng và cũng là 37 năm tuổi ngành, 32 năm anh thầm lặng với công tác Điều tra. 32 năm anh tận tụy, hoàn thành các nhiệm vụ cấp trên giao và chuyển tải cho thế hệ đi sau những kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn. Anh là Thượng tá Hoàng Như Hưởng, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên.

Ở anh, dường như cái chất thâm trầm, đặc trưng của một điều tra viên lâu năm đã thấm vào máu thịt. Từ anh, tôi càng hiểu về nghề, về đời và một lẽ sống giản dị: "Sống ấy còn là cho, đâu chỉ nhận riêng mình...".

Người chọn nghề, nghề chọn người

Tiếng là công tác cùng cơ quan nhưng chả mấy khi tôi đến thăm nhà anh. Vừa rồi, hưởng ứng "Cuộc thi viết và Trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân", tôi nghĩ đến anh - một người tâm huyết với nghề, đam mê với nghiệp được nhiều cán bộ trẻ trân trọng gọi với là "Thầy". Nghĩ là làm, sau một hồi lòng vòng qua các con phố đang phát triển, tôi có mặt trước cổng nhà anh, số 7, tổ dân phố Đại Phong, phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

image003.jpg -0
Thượng tá Hoàng Như Hưởng trong một lần “truyền lửa” cho cán bộ trẻ.

Đón tôi ở cửa là chị Chung - vợ anh với nụ cười niềm nở: "Em vào nhà đi, anh vừa về". Tôi trộm nghĩ, đúng là ông anh khéo chọn vợ, một người phụ nữ như chị sẽ là hậu phương vững chắc cho anh yên tâm việc gia đình mà chuyên tâm vào công tác. Trong căn phòng khách giản dị, anh đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện thú vị, lắng đọng của một cán bộ cả đời lăn lộn với công tác điều tra và mỗi ngày lại như con tằm rút ruột nhả tơ, truyền tình yêu ngành, yêu nghề đến cho cán bộ trẻ.

Năm 1985, tốt nghiệp phổ thông, kế thừa truyền thống gia đình, anh chỉ lựa chọn duy nhất là được trưởng thành trong môi trường Công an nhân dân. Tháng 10/1985, anh thi đỗ và học tại Trường Trung cấp Thông tin liên lạc - Bộ Công an. Năm 1988, anh ra trường, được phân công về làm cán bộ báo vụ, rồi như là cái duyên của người chọn nghề, hay nghề chọn người mà năm 1991, anh được điều động về Công an huyện Phổ Yên, tỉnh Bắc Thái, làm công tác điều tra tội phạm, học hoàn thiện chuyên ngành Điều tra ở Đại học Cảnh sát và gắn bó với nghiệp Điều tra từ đó. Từ thực tiễn, anh trưởng thành qua các vị trí: cán bộ điều tra, Đội phó, Đội trưởng Cảnh sát Điều tra; Điều tra viên cao cấp, Đội trưởng, Văn phòng cơ quan Cảnh sát Điều tra; Đội trưởng Đội trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự và giờ đây là Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh. Vốn đam mê với nghề, anh luôn nỗ lực vươn lên tự rèn dũa mình và truyền lửa cho cán bộ trẻ đi sau những kinh nghiệm, bài học mà anh đúc rút từ những lần làm án, nói một cách văn chương, ấy chính là từ trang sách cuộc đời.

Tâm huyết với nghề, đam mê với nghiệp

Còn nhớ ngày tôi mới được điều động về công tác tại Công an tỉnh Thái Nguyên và được phân công về công tác cùng bộ phận với anh. Anh em cơ quan bảo: "Làm quân của Bộ, nghiên cứu toàn việc vĩ mô, tham mưu trên giấy nhiều, giờ về làm quân của "sếp" Hưởng thì chuẩn rồi, về đấy tranh thủ trau dồi kinh nghiệm, nhất là về mảng điều tra, bởi nhiều khi những kiến thức ấy lại không có từ trong sách giáo khoa của nhà trường". Trong câu chuyện của các bạn cùng vào Ngành lứa sinh năm 1968, anh là một người cẩn thận, tỉ mỉ, và hết sức tinh nhạy nghề nghiệp. Suốt 30 năm làm công tác điều tra, nhất là thời kỳ làm Đội trưởng từ năm 2002 đến năm 2020, anh đã trực tiếp làm và chỉ huy cán bộ, chiến sĩ do anh phụ trách khám phá đến 379 vụ án từ đơn giản đến phức tạp, từ nghiêm trọng đến tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Cho đến bây giờ, ám ảnh nhất trong anh vẫn là vụ "Án mạng từ quan hệ đại gia và kiều nữ" xảy ra vào ngày 26/1/2013 tại tổ 32, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Khi anh đến hiện trường, thấy trên cơ thể nạn nhân bị nhiều vết đâm ở vùng ngực, cổ và nhiều vết xây xát, dấu hiệu trước khi chết nạn nhân đã vật lộn chống chọi với hung thủ. Nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, anh đã cùng anh em dựng lại và xác minh hàng trăm mối quan hệ khách hàng thân thích với nạn nhân. Quyết tâm tìm ra hung thủ, qua quá trình ra soát nổi lên đối tượng LTK, trú tại Hoành Bồ, Quảng Ninh. Sau 3 ngày truy tìm, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng hung thủ cũng đã phải cho tay vào còng.

Thời điểm xảy ra vụ án là một ngày cận Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, nạn nhân lại là một doanh nhân "có máu mặt", vụ việc gây xôn xao dư luận, nhất là trong giới doanh nhân trong à ngoài tỉnh. Việc K giết "đại gia" cướp tài sản, rồi trốn chạy, hoang mang, sợ sệt mà tự tử (không chết) thì đã rõ. Nhưng không lẽ K rủ người tình bắt xe từ Hải Dương lên Thái Nguyên, thuê khách sạn ở mấy ngày chỉ để cướp được mấy triệu đồng thì thật là vô lý. Vậy K có mâu thuẫn thế nào? Sao lại đâm nạn nhân đến 11 nhát dao chí mạng? Những câu hỏi đó được các anh xoáy sâu trong lúc hỏi cung, nhưng nhận lại là K vẫn ngồi thẫn thờ, đôi mắt vô hồn nhìn vào khoảng trống thinh lặng.

image001.jpg -0
Thượng tá Hoàng Như Hưởng (ngồi ngoài) trong một lần hỏi cung đối tượng.

Suốt nửa ngày chăm chú quan sát các cán bộ trẻ ngọt nhạt hỏi K mà không thu lại kết quả, anh bảo đồng chí điều tra viên trẻ tạm lánh ra, rồi tự tay rót một cốc nước, đưa về phía K và nói: "Em uống nước đi, miệng khô hết rồi, có gì cứ bình tĩnh nói". Thấy thái độ của anh, K ngỡ ngàng. Cặp môi khô được nhấm ngụm nước đã dần tươi trở lại. Rồi anh nhẹ nhàng, trầm ấm, nhẩn nha kể lại những ngày vừa qua, anh đã tìm và gặp người thân, bố mẹ K ở Quảng Ninh. Đặc biệt là khi anh kể gặp đứa con gái bé bỏng ở nhà chồng cũ của K luôn mồm bập bẹ: "mẹ…mẹ…" thì K ôm mặt, bật khóc nức nở… K đã thành khẩn khai ra với anh về đoạn đời bươn trải trên đất Thái Nguyên của mình.

Năm 2008, K đến Thái Nguyên học tập, ra trường lấy chồng, sinh con và đã có nghề nghiệp ổn định là cô giáo dạy Tiểu học, rồi hôn nhân đổ vỡ, K phiêu bạt về Hải Dương sống như vợ chồng với anh ĐVT. Do có mối quan hệ thân thiết với ông VDB (nạn nhân) từ năm 2009, K điện thoại hỏi vay số tiền 100 triệu đồng và được ông B đồng ý, hẹn lên Thái Nguyên nhận tiền.

K nói chuyện với ĐVT và cùng bạn trai bắt xe khách lên nghỉ tại khách sạn ở thành phố Thái Nguyên. Tại đây, K liên lạc với ông B và cho ĐVT biết "ông B hứa cho vay tiền, nhưng nếu ông B lên phòng cho vay tiền thì ông B và K sẽ quan hệ tình cảm". Những tưởng bạn trai sẽ ghen, nào ngờ, ĐVT nói ngay: "Nếu em làm chuyện đó vì vay được tiền, anh chấp nhận". Đúng hẹn, ông B đến, ĐVT đứng ở góc khuất chứng kiến toàn cảnh ông B quan hệ tình dục với K. Xong việc, ông B không đưa tiền cho K vay như đã hứa, còn nói: "Anh không thể giúp em, dạo này đang khó khăn, không có tiền cho vay".

Hụt hẫng, uất ức, K và ĐVT đã vật lộn với ông B và K cầm dao đâm liên tiếp 11 nhát vào vùng đầu, cổ nạn nhân. Xong việc, hai đối tượng thu dọn hiện trường, lấy đi của ông B 2 điện thoại di động, 1 ví da trong đó có 2.500.000 đồng, 2 thẻ ATM, chìa khóa điện xe ô tô và một số giấy tờ trong ví. Sau đó K và ĐVT bắt xe chạy trốn đến thành phố Vinh, Nghệ An, hay tin ông B đã chết, biết không thoát được nên K và ĐVT rủ nhau mua thuốc ngủ cùng tự tử. Trớ trêu cho K là chủ nhà nghỉ phát hiện, đưa đi cấp cứu và bị các anh lần ra, bắt giữ.

Âm thầm truyền lửa

Anh từng nhiều lần chia sẻ: "Tội phạm dù có giết người man rợ như thế nào đi nữa thì trước hết họ cũng là một con người. Mà thẳm sâu trong mỗi người ai cũng có nỗi niềm riêng, có "miếu thiêng" ở trong lòng. Ghi nhận về những thành tích của anh trong quá trình công tác, năm 2012 khi còn rất trẻ, anh là số ít, nếu không muốn nói là "của hiếm" trong lực lượng Điều tra được Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm chức danh Điều tra viên cao cấp, cũng nhờ đó mà anh được thăng quân hàm từ Trung tá lên Thượng tá từ khi vẫn còn là Đội trưởng. Đến năm 2020, sau 20 năm làm Đội trưởng, anh được bổ nhiệm Phó trưởng phòng Kỹ thuật hình sự cho đến bây giờ.

 Xin được mượn lời một đồng chí nguyên là cán bộ thuộc quyền anh, khi triển khai mô hình Công an xã chính quy, được anh động viên, đã xung phong và được bổ nhiệm làm Phó trưởng Công an xã ở một địa bàn nóng về an ninh trật tự, đã từng nói với tôi: "Rất cảm ơn anh Hưởng, người anh, người thầy đáng quý, cũng nhờ sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của anh khi tôi còn là cán bộ điều tra mà tôi được trưởng thành. Tấm gương một cán bộ điều tra cần mẫn, tận tụy, âm thầm, lặng lẽ "cho" và "nhận", luôn tiếp lửa cho lớp trẻ chúng tôi trong công tác chuyên môn và cuộc sống đời thường".

Đoàn Đức Phương
.
.