Thắp lên khát vọng hoàn lương

Thứ Sáu, 08/12/2023, 12:29

32 người chấp hành xong án phạt tù trở về nhưng chưa xóa án tích ở một vùng quê thuần nông như xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam là một con số không nhỏ. Trong đó có nhiều hoàn cảnh khó khăn, không việc làm, tiềm ẩn nguy cơ tái phạm tội. Phải làm thế nào để cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại địa phương, bớt đi những gian nan trên bước đường hoàn lương, giúp họ vươn lên làm người có ích cho xã hội?

Đau đáu về mô hình giúp đỡ người lầm lỗi

Theo chân Đại úy Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Công an xã Đạo Lý, chúng tôi đến thôn Sàng thăm gia đình anh Vũ Nguyên Văn, sinh năm 1979. Gần 10 năm trước, Văn bị bắt về tội mua bán trái phép chất ma tuý và lĩnh án 7 năm tù. Năm 2021, Văn ra trại, trở về nhà và thuộc diện quản lý của địa phương.

1.jpg -0
Cán bộ Công an xã Đạo Lý huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) thăm, động viên gia đình anh Vũ Nguyên Văn.

Đại uý Tuấn vẫn nhớ lần đầu gặp Văn khi mãn hạn cải tạo, dáng người gầy mảnh, gương mặt đăm chiêu, lầm lì, tỏ ý bất cần. Trong căn nhà cấp 4 xiêu vẹo của vợ chồng Văn, không biết bao nhiêu lần anh ngồi trao đổi, trò chuyện, động viên. Phải đến nửa năm sau thì Đại uý Tuấn mới nắm bắt tâm lý, cảm hóa được Văn. Dần dần, vợ chồng Văn tin tưởng, quý mến các cán bộ Công an xã. Sự cởi mở, vui vẻ đã dần thay thế cho vẻ lầm lì của Văn trước kia.

“Những ngày đầu trở về với cộng đồng, tôi không nghĩ mình lại nhận được sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương, đặc biệt là Đại uý Tuấn và các anh Công an xã. Một tháng cán bộ Tuấn qua nhà tôi vài lần thăm hỏi như người nhà, hướng dẫn tôi làm thủ tục nhập khẩu, làm căn cước. Nhờ thế mà tôi bớt dần cảm giác chông chênh, mặc cảm về quá khứ, quyết tâm làm lại cuộc đời sau thời gian dài tách khỏi cộng đồng”, anh Văn chia sẻ.

Quá khứ tăm tối với gia cảnh khó khăn, nghiện ngập đã lùi xa. Đến nay, anh Văn đã chí thú làm ăn, chấp hành tốt các quy định của địa phương. Hai con đi học xa, nhà chỉ có hai vợ chồng nhưng sức lao động bỏ ra có lẽ không thể đong đếm được. Chúng tôi ngạc nhiên khi biết được rằng vợ chồng anh cày cấy đến 20 mẫu ruộng, chủ yếu là các diện tích ruộng mượn lại của nhiều hộ dân trong và ngoài xã.

Anh Văn phấn khởi khoe rằng mỗi vụ lúa đem lại cho gia đình nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng. Giờ anh chị đã xây được nhà to rộng, dự kiến sẽ xây thêm tầng hai để có thêm không gian cho các con. Căn nhà cấp 4 trước kia giờ để nuôi hàng trăm con gà. Công an xã cũng đang hướng dẫn anh chị làm thủ tục đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn để mở rộng mô hình chăn nuôi.

Với Văn, Đại uý Tuấn có nhiều kỉ niệm. Vào thời điểm năm 2014, anh là trinh sát của Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Lý Nhân đã theo dõi sát và bắt giữ Vũ Nguyên Văn khi đang mua bán trái phép chất ma tuý. Không thể ngờ rằng, hơn 6 năm sau khi về lại cộng đồng, người đầu tiên đến gặp gỡ, động viên Văn lại chính là Đại uý Tuấn với vai trò Trưởng Công an xã. Những ân, uy ấy đã khiến Văn nể phục, cảm động và tin tưởng. Trước khi ra về, Đại uý Tuấn với thái độ nghiêm nghị nhưng thân gần đã nói những câu nhỏ nhẹ nhưng chắc nịch: “Anh đã nỗ lực để có được cuộc sống ổn định, nhưng càng phải cố gắng để giữ lấy”.

Đại uý Tuấn cho chúng tôi biết, Vũ Nguyên Văn chỉ là một trong số 32 trường hợp hiện đã chấp hành án xong án phạt tù trở về địa phương nhưng chưa xóa án tích. Tháng 3/2020, anh nhận nhiệm vụ về xã Đạo Lý làm Trưởng Công an xã. Đạo Lý là một xã trọng điểm về an ninh trật tự (ANTT) của huyện Lý Nhân với điểm nóng về tệ nạn ma túy, nạn trộm cắp tài sản kéo theo nhiều hệ lụy. Một mặt, anh nhanh chóng rà soát, nắm bắt các đối tượng có dấu hiệu hoạt động phạm tội để tập trung xử lý. Mặt khác nhận thấy số lượng công dân của xã sau khi chấp hành án phạt tù trở về khá cao nên việc quản lý các đối tượng này cần được cấp bách giải quyết.

Công an xã đã tham mưu cho UBND xã xây dựng mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc “Vận động nhân dân chung tay giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương”. Đầu năm 2023, trong hội nghị triển khai mô hình, 32 người lầm lỗi đã đến dự, được nói lên những suy nghĩ, khó khăn vướng mắc và nguyện vọng trong quá trình tái hoà nhập cộng đồng. Cũng trong dịp Tết nguyên đán, Công an xã đã tới chúc tết, tặng quà các trường hợp mãn hạn tù, dành thời gian nắm bắt tâm lý và tiếp tục động viên, cảm hóa họ. Sự quan tâm, sát sao của chính quyền địa phương và Công an xã đã thực sự giúp những người từng lầm đường lạc lối bình ổn tâm lý.

Muốn “dân vận khéo” thì phải hiểu dân

Ngôi nhà khang trang của ông Phạm Hồng Sơn, sinh năm 1963 ở ngay chân đê xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân. Thấy Đại uý Tuấn và cán bộ công an xã tới thăm, ông vội vàng lên đón khách, đôi mắt ánh vẻ mừng vui. Vừa rót nước mời khách, ông vừa bộc bạch: “Năm 2021, sau thời gian cách li với xã hội tôi trở về địa phương với bao trăn trở, bỡ ngỡ. Nhìn ai tôi cũng ngại, cảm thấy xấu hổ. Cuộc sống những ngày đầu về nhà quả là không dễ dàng. Dường như có bức tường vô hình ngăn cách tôi với mọi người xung quanh”.

a37b315d-ad81-4857-bc5d-9e61702950ec.jpg -1
Đại úy Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng Công an xã Đạo Lý động viên ông Phạm Hồng Sơn chăm lo phát triển kinh tế.

Thời gian ông đi trại, vợ ông cũng rời nhà đi làm thuê theo công trình. Hai người con làm ăn và sinh sống ở xa. Ngôi nhà lụp xụp dưới chân đê đã tiêu điều lại càng trống huơ trống hóac. Ông Sơn đã rất ngạc nhiên khi Đại uý Tuấn đến thăm. Tấm lòng cởi mở của cán bộ Tuấn và Công an xã đã truyền cho ông năng lượng tích cực, những tự ti, mặc cảm dần xóa mờ đi. Ông quyết tâm chăm chỉ làm việc. Ban đầu ông trồng cây cảnh, sau thì kết hợp chăn nuôi lợn. Bao nhiêu khó nhọc rồi cũng có kết quả. Nhìn vào ngôi nhà mới xây, người làng ai cũng mừng cho ông.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu nuôi lợn, ông Sơn bảo đàn lợn nuôi được gần một năm đều đã có người đặt mua dịp Tết này. Ông khấp khởi vì sẽ có một khoản tiền khá khá để trang trải cuộc sống. “Giờ thì tôi đã có thể ngủ ngon giấc mỗi đêm, không còn dằn vặt, lo âu. Tôi làm ăn lương thiện, đầu óc thanh thản. Đồng chí Trưởng Công an xã chính là điểm tựa cho tôi. Mỗi khi có các anh Công an xã tới thăm, tôi luôn có cảm giác thân tình, gần gũi”, ông Sơn bộc bạch.

Đại úy Tuấn chia sẻ, để kéo những người lầm đường lạc lối về nẻo thiện thì phải có phương pháp “dân vận khéo”. Mà muốn “dân vận khéo” thì phải hiểu hoàn cảnh của từng người, trên cơ sở đó có kế hoạch, biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ, động viên đối với từng người chấp hành xong án phạt tù; tham mưu, phối hợp với các ngành, thôn xóm tạo điều kiện thuận lợi để cho họ sớm ổn định cuộc sống. Mà muốn hiểu thì phải sống trong lòng dân, chú trọng xuống địa bàn.

Mô hình này cũng chú trọng việc vận động các cơ quan doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, và toàn thể nhân dân không phân biệt kỳ thị, xa lánh người chấp hành án trở về địa phương. Đồng thời phối hợp cùng UBND xã ưu tiên tìm việc làm ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cho những người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện thuận lợi để đăng ký thường trú, cấp các loại giấy tờ cần thiết.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Đồng Điện, Trưởng Công an huyện Lý Nhân cho biết: “Vận động nhân dân chung tay giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương” của Công an xã Đạo Lý là mô hình mang tính nhân văn sâu sắc. Đây cũng là hoạt động phòng ngừa, giữ vững ANTT cho xã hội, thắp sáng lên khát vọng hoàn lương, hướng thiện của những người từng lầm lỡ”.

Chưa đầy một năm triển khai mô hình, những người chấp hành xong án phạt tù đã có những chuyển biến rõ rệt, yên tâm lao động sản xuất, dần ổn định cuộc sống. Hiện tại, 100% công dân chấp hành xong án phạt tù trở về xã Đạo Lý đều có việc làm, trong đó 80% có việc làm ổn định. Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua “dân vận khéo” giai đoạn 2021-2023 của huyện Lý Nhân vừa qua, mô hình “Vận động nhân dân chung tay giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương” của công an xã Đạo Lý được công nhận là mô hình dân vận khéo cấp huyện, sẽ được nhân rộng trên địa bàn.

Huyền Châm
.
.