"Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu"

Thứ Năm, 25/08/2022, 09:55

Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ (HL&BDNV) 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) một ngày nắng như đổ lửa. Đứng trong bóng râm, chúng tôi vẫn cảm thấy khó chịu vì tiết trời oi bức nhưng trên thao trường, cả thầy và trò vẫn hăng say luyện tập, ai nấy đều thấm ướt mồ hôi.

Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, nỗ lực học tập, rèn luyện, cả thầy và trò đều phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đã đặt ra. Để rồi sau này, với kinh nghiệm trong quá trình học tập, ra môi trường công tác, các em sẽ trở thành đội ngũ cán bộ kế cận “vừa hồng, vừa chuyên” của lực lượng CAND. 

Đại tá Phan Công Côn, Giám đốc Trung tâm HL&BDNV cho biết, triển khai thực hiện về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần nội dung Nghị quyết số 12/NQ-TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị trong những năm vừa qua, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện nhiều lĩnh vực công tác Công an nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

image_6483441 (1).jpg -0
Đại tá Phan Công Côn - Giám đốc Trung tâm và Trung tá Nguyễn Việt Anh - Phó trưởng ban huấn luyện kiểm tra, chỉnh sửa các động tác võ thuật cho học viên tại Trung tâm.

Trong đó, chủ trương đưa học viên trúng tuyển đào tạo đại học chính quy và học viên hệ văn bằng 2 các Học viện, trường CAND đến huấn luyện đầu khóa tại Bộ Tư lệnh CSCĐ đã được thể chế hóa thành các quy định của pháp luật. Đồng thời, đồng chí Giám đốc cũng khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện trong CAND theo hướng xây dựng đội ngũ cán bộ có nền móng cơ bản, vững chắc, sát với yêu cầu, nhiệm vụ thực tế trong công tác, chiến đấu.

Bởi thế, công việc của thầy, cô ở Trung tâm HL&BDNV lúc nào cũng bận rộn, với tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Dù là hệ văn bằng hai, nhưng các tân sinh viên đều phải học tập, rèn luyện với cường độ cao như những sinh viên chính quy. Theo Thượng tá Bạch Viết Hộ, Phó Giám đốc Trung tâm, các em học viên đều là những người rất nhiệt huyết, đã được đào tạo và tốt nghiệp đại học chính quy có kết quả cao, có điểm thi đầu vào văn bằng 2 theo Đề án số 01, nhiều em lớn tuổi, nhưng quyết tâm rèn luyện, thi đỗ với tinh thần yêu ngành, yêu nghề, sau ra trường được cống hiến hết mình vì sự bình yên của cuộc sống.

Gặp chúng tôi sau giờ luyện tập, em Nguyễn Ngọc Minh Anh, sinh năm 1997, Khoa Dân sự, Học viện An ninh nhân dân (ANND) chia sẻ, em sinh ra trong một gia đình truyền thống khi bố mẹ đều công tác trong lực lượng Công an. Vì vậy, ngay từ nhỏ, em đã quyết tâm theo đuổi đam mê giống bố mẹ mình. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý và mường tượng những khó khăn, vất vả khi bước chân vào rèn luyện ở Trung tâm HL&BDNV nhưng mới đầu, Minh Anh và các bạn vẫn gặp nhiều bỡ ngỡ bởi cường độ rèn luyện, học tập cao. Cứ 5h sáng là dậy để chuẩn bị lên thao trường rèn luyện các môn võ thuật, điều lệnh, bắn súng, bơi lội…

Ở môi trường học tập này, các em đều không phân biệt nam, nữ, tất cả các học viên đều học tập với cường độ cao như nhau. Sau một tuần, được sự giúp đỡ tận tình của các thầy, cô trong trung tâm, Minh Anh và các bạn đã quen với nhịp sống và rèn luyện của môi trường mới. Sau hơn 3 tháng huấn luyện, Minh Anh thấy trưởng thành, tự tin, và chững chạc hơn. Đặc biệt, em còn đạt thành tích xuất sắc trong bộ môn bắn súng tại trung tâm.

Với em Lê Khắc Minh Đức, sinh năm 1994, sinh viên hệ học văn bằng 2 tại Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) cũng đến với nghề muộn màng ở độ tuổi 28. Nhưng tình yêu với lực lượng Công an giúp Đức thi đỗ được điểm cao để bước chân vào rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt. Sau hơn 3 tháng huấn luyện, Đức thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều, từ kỉ luật, sức khoẻ, cách ứng xử trong môi trường tập thể, cho đến những thành tích học tập, luyện rèn, bản lĩnh của người chiến sĩ Công an nhân dân. ''Em xin gửi lời cám ơn chân thành tới lãnh đạo Bộ Công an, tới Ban chỉ huy CSCĐ cũng như Ban Giám đốc và các thầy cô Trung tâm đã quan tâm giúp đỡ để chúng em có được như ngày hôm nay”, Đức cho biết.

Đối với Nguyễn Thị Mỹ Linh, sinh năm 1996, sinh viên Học viện ANND, 4 tháng rèn luyện về điều lệnh CAND, hiểu biết về súng, kỹ năng bắn súng, kỹ thuật vận động cơ bản, chiến thuật đánh bắt đối tượng... là hành trang hữu ích để em trở thành chiến sĩ CAND chính quy, tinh nhuệ, “vừa hồng, vừa chuyên”. Từ một cô gái yếu đuối, Linh thấy mình trưởng thành hơn, dũng cảm, dẻo dai hơn. Quá trình rèn luyện gian khó khiến Linh nhìn rắn rỏi hơn rất nhiều. Khi bố mẹ lên thăm con gái, không còn nhận ra con mình bởi thấy sự già dặn, trưởng thành hơn khi bước chân vào môi trường rèn luyện của lực lượng Công an.

image_6483441.jpg -0
Học viên Công an luyện tập bắn súng.

Năm 2022, Trung tâm HL&BDNV 1 là đơn vị được giao quản lý, huấn luyện quân số 3.400 chiến sĩ, học viên, trong đó 1.558 chiến sĩ nghĩa vụ, 1.136 tân sinh viên, 546 học viên các lớp liên kết và đào tạo dạy nghề, 151 học viên trúng tuyển đào tạo văn bằng 2 tại các học viện, trường CAND.

Để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Tư lệnh CSCĐ giao, toàn thể lãnh đạo, CBCS Trung tâm đã nỗ lực, vượt mọi khó khăn, bắt tay ngay vào việc đào tạo, huấn luyện, kịp thời rút kinh nghiệm những nội dung phát sinh trong thực tiễn cũng như sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm, “truyền lửa” cho các em sinh viên trong học tập và rèn luyện.

Thời điểm nhận quân, dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh, phức tạp tại Thủ đô Hà Nội và các địa phương, là thách thức không nhỏ với đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, do tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch nên trước Tết Nguyên đán, đơn vị hầu như không có ca mắc…

Nét mới trong quy trình tổ chức huấn luyện năm nay của Trung tâm là huấn luyện kết hợp hành quân dã ngoại, tổ chức xây dựng, tập luyện các phương án chiến đấu phù hợp tình hình thực tế tại địa bàn; đã biên chế thành các đại đội, tiểu đoàn chiến đấu, sẵn sàng ra quân thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khi có yêu cầu.

Chẳng hạn, Tiểu đoàn Huấn luyện số 2 đã di chuyển toàn bộ học viên về huấn luyện tại cơ sở Chương Mỹ và Trung tâm Huấn luyện Quân sự quốc gia 4 tại Miếu Môn, Mỹ Đức, Hà Nội, tổ chức huấn luyện tập kích, phục kích tại địa bàn rừng núi; bắn súng, các nội dung phối hợp bơi ếch cơ bản, bơi bao gói và bơi vũ trang. Kết hợp huấn luyện các dạng phương án: bảo vệ đơn vị, phòng chống cháy nổ, đánh bắt kẻ gian đột nhập vào đơn vị...

Là xạ thủ tại Trung tâm, Trung tá Nguyễn Việt Anh, Phó trưởng Ban Huấn luyện khẳng định, bắn súng là nội dung rất khó, đòi hỏi đảm bảo tuyệt đối an toàn, do đó người học cũng như đội ngũ giáo viên, quản lý phải hết sức chú tâm, hướng dẫn tỉ mỉ cho từng em hiểu tính năng, cấu tạo, tác dụng và cách sử dụng, bảo quản. Ngoài ra, các học viên cũng được làm quen với cấu tạo, tác dụng một số công cụ hỗ trợ như: súng phóng lựu, rulo, các bình xịt hơi cay, quả nổ, quả khói...; huấn luyện sơ cấp cứu, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.

Lịch học tập mùa hè ngày nào cũng dày đặc các hoạt động từ sáng tới tối, đến 21h điểm danh; 21h30 tắt điện đi ngủ...thì những người thầy cũng miệt mài theo sát lịch trình của sinh viên và vẫn kiểm tra, dõi theo đến khi các em đã chìm sâu vào giấc ngủ. Nếu chỉ được dành một từ để nói về các thầy, cô tại Trung tâm HL&BDNV, chúng tôi chỉ có thể nói bằng từ “tận tâm”. Chỉ một khoá huấn luyện trong vòng 4 tháng cho các tân sinh viên nhưng các thầy cô đã làm được những điều không tưởng để rèn giũa những tân sinh viên “chân yếu tay mềm” trở thành sinh viên Công an, cán bộ Công an sau này có bản lĩnh chính trị vững vàng và kỷ luật thép, yêu ngành, yêu nghề, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, noi theo tấm gương sáng của bao lớp thế hệ cha, anh đi trước, góp phần tô thắm thêm truyền thống CAND Anh hùng.

Đinh Hiền
.
.