Tạm biệt các anh - những người con dũng cảm!

Thứ Năm, 11/08/2022, 10:58

Những ngày tháng 8 này, lẽ ra phải là những ngày rất vui, vì chỉ còn chưa đầy một tuần nữa thôi là đến ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân (CAND) 19/8. Thế nhưng, đó lại là những ngày đau buồn đối với không chỉ những người đang công tác trong lực lượng Công an mà còn đối với nhân dân cả nước.

Ba chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) ở Hà Nội vừa ngã xuống ngày 1/8 thì đến 4/8, người dân lại bàng hoàng nhận tin dữ: Thiếu tá Hồ Tấn Dương, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự kinh tế và ma túy Công an huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã anh dũng hy sinh khi truy bắt tội phạm. Các anh ngã xuống để cho cuộc sống này được bình yên hơn.

Trời đất cũng tiếc thương

Vậy là liệt sĩ Đặng Anh Quân, liệt sĩ Đỗ Đức Việt, liệt sĩ Nguyễn Đình Phúc đã trở về đất mẹ. Hà Nội mấy ngày nay mưa tầm tã, trời đất cũng như hiểu thấu lòng người. Đoạn đường cuối các anh đi qua, đồng đội và nhân dân tiếc thương đứng bên đường, giơ tay chào tiễn biệt. Phải tận mắt chứng kiến những giọt nước được chắt ra từ những hốc mắt khô cằn của các cụ ông, cụ bà, mới thấy được tình cảm nhân dân dành cho các anh trân quý đến nhường nào. Phải tận mắt chứng kiến các em nhỏ được bố mẹ công kênh trên vai, giơ những bàn tay bé xíu ra vẫy chào bác Quân, chú Việt, chú Phúc, mới thấy những gì thuộc về thiêng liêng, thì dù là các em bé mẫu giáo cũng có thể cảm nhận được. Bài học đầu tiên mà các em được bố mẹ dạy ngày hôm nay chính là bài học về lòng biết ơn: Biết ơn những người đã ngã xuống vì cuộc sống bình yên.

untitled-1.jpg -0
Người dân đứng bên đường chào tiễn biệt 3 liệt sĩ.

Ngày đưa các liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố, ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, rất nhiều người dân đã đến chia tay các anh với một tình cảm đặc biệt. Cho đến bây giờ, khi các anh đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ, trên khắp mạng xã hội, trên từng con phố... người dân vẫn nhắc đến những kỉ niệm, những câu chuyện về các anh với một niềm tiếc thương, sự biết ơn và niềm tự hào. Những bài thơ, những câu hát, những lời chia sẻ, những comment về các anh mỗi lúc một lan tỏa, cứ thế ngân lên, vang xa, truyền từ người này sang người khác, như một giai điệu bất tử. Và sẽ còn rất lâu nữa, bạn bè, đồng đội và nhân dân vẫn nhắc mãi về các anh với một niềm yêu thương chân thành.

Tôi nhớ mãi những dòng chat trong sáng của Thượng úy Việt với một cô bạn gái mới quen. Những câu chữ cứ trong veo, sáng bừng, thánh thiện như tuổi 20 của em vậy. Tôi nhớ mãi bàn tay âu yếm đặt lên đầu bé cún đang mang bầu vừa được Việt cứu trong một đám cháy. Nhớ những lời tâm sự của Việt với bé cún, nó không chỉ là những lời tâm tình của "hai người bạn", mà nó còn là tiếng nói của một tâm hồn biết yêu thương, biết xót xa cho cả số phận của những sinh linh bé bỏng nhất, bởi vì "đến sinh vật nhỏ bé còn muốn được sống, muốn cố gắng thoát khỏi đám cháy thì tại sao chúng ta lại không cứu" như lời Việt vẫn nói với đồng nghiệp trước đây. Bây giờ thì chàng trai "siêu nhân" chuyên cứu người trong các đám cháy đã thỏa ước mơ được bay cao rồi nhé, chỉ còn nợ lại lời hứa với bố mẹ rằng sẽ cưới vợ vào cuối năm nay nữa mà thôi.

Chung một con đường

Ba anh Cảnh sát PCCC & CNCH, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đoạn cuối họ lại đi chung một con đường. Một con đường vì không có lựa chọn nào khác, trước tính mạng của nhân dân, các anh đã hành động theo trái tim mách bảo.

Liệt sĩ Đặng Anh Quân sinh ra trong một gia đình khó khăn, anh mồ côi cha từ khi mới 4 tuổi. Một mình mẹ ở vậy tần tảo nuôi hai anh em anh khôn lớn. Có lẽ những khắc khổ của cuộc sống in hằn lên khuôn mặt anh mà lúc nào bạn bè, đồng đội thấy anh cười cũng cứ tưởng anh đang khóc.

Trong kí ức của đồng đội, anh Quân là người chỉ huy mẫu mực, luôn yêu thương và quan tâm đến cấp dưới, nhất là các chiến sĩ trẻ. Anh để ý từ bữa ăn, giấc ngủ của anh em trong đơn vị. Cuộc sống gia đình khó khăn, vất vả, nhưng thường trực là nụ cười trên môi, dù anh cười như khóc. Hằng ngày, trước khi đi làm, anh lại phụ giúp mẹ dọn quán nước chè đầu ngõ. Buổi trưa, tranh thủ 1 tiếng đồng hồ nghỉ, anh lại phóng xe về trông hàng giúp mẹ, vì nếu không có anh, bà lại ăn uống qua quýt và ngồi đến tận chiều tối khi anh tan làm trở về bà mới được nghỉ ngơi.

untitled-2.jpg -0
Những người đồng đội sẽ nhớ mãi các anh.

Trong giây phút tiễn biệt người chồng, chị Nguyễn Thu Huyền - vợ của Thượng tá Đặng Anh Quân đã thốt ra những lời đau đớn, nhưng đầy tự hào và yêu thương: “Anh yêu! Khi còn sống, anh luôn là người con hiếu thảo, hết lòng yêu thương cho gia đình bé nhỏ của mình, chưa một ngày nào đi trực mà anh không gọi điện về cho em hỏi thăm, động viên công việc ở nhà, hỏi mẹ thế nào, con ra sao. Lúc nào anh cũng thương mẹ nhất, mẹ đã già mà chưa được thảnh thơi, anh cũng là một người chồng tuyệt vời trong em. Gần 18 năm rồi mình sống bên nhau, hình như chưa ngày nào em phải phiền lòng. Đôi lúc em nghĩ mình bên nhau bao lâu không quan trọng, mà quan trọng mỗi ngày sống bên nhau đều là những ngày thật hạnh phúc, có ý nghĩa”.

Trong dòng người tìm đến nhà thắp hương cho liệt sĩ Đỗ Đức Việt, có hai bà cụ được anh giúp đỡ 4 năm trước, khi anh gánh rau giúp các cụ qua đường. Hành động ấy đã được cộng đồng mạng khen ngợi rất nhiều. Hai bà cụ, đi bộ từ Yên Nghĩa (Hà Đông) lên để thắp cho anh nén hương. Các cụ vẫn nhớ mãi anh giúp đỡ và biếu các cụ 100.000 đồng khi ấy.

Khi về nhận nhiệm vụ tại Đội PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy, Nguyễn Đình Phúc vui lắm. Mỗi lần hoàn thành xong nhiệm vụ, em đều khoe với mẹ và bạn bè. Tuổi trẻ nhiệt huyết, Phúc chẳng ngại xông pha. Trong trận chiến cuối cùng trước khi ngã xuống, Phúc xung phong ở mũi tấn công đầu tiên và cũng là nguy hiểm nhất. Trước khi ngã xuống, anh vẫn còn nhắn tin gọi điện cho mẹ. Nhưng những cuộc gọi sau đó của người mẹ đã mãi mãi không còn ai nghe máy.

Nói như lời của đồng chí Đỗ Văn Tư, Trưởng Công an xã Hòa Sơn (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), bố của Liệt sĩ Đỗ Đức Việt: “Người ta nói nếu mất bố mẹ, đứa trẻ là mồ côi, đàn ông mất vợ là goá vợ, phụ nữ mất chồng là quả phụ, nhưng chẳng có tên gọi nào dành cho cha, mẹ mất con cả”.

Tạm biệt các anh - những người con dũng cảm

Ở Hà Nội, 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC & CNCH vừa ngã xuống được 3 hôm thì nhân dân cả nước lại nghe tin dữ: Một chiến sĩ Công an lại mới hy sinh. Anh là Thiếu tá Hồ Tấn Dương, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế và ma túy Công an huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Trưa 4/8, Thượng úy Nguyễn Thanh Danh và Thiếu tá Hồ Tấn Dương truy bắt hai đối tượng trộm cắp tài sản. Hai đối tượng hung hãn, chống trả quyết liệt, chúng đạp vào xe của hai anh gây tai nạn khiến Thượng úy Nguyễn Thanh Danh bị thương nặng, Thiếu tá Hồ Tấn Dương hy sinh.

Là trụ cột trong gia đình, Thiếu tá Hồ Tấn Dương là con cả, dưới anh còn một người em gái nữa. Vất vả bao nhiêu năm nhưng đến giờ, anh cũng chưa mua được một ngôi nhà riêng mà vẫn phải ở cùng bố mẹ tại ấp An Nhơn Quới, cách cơ quan nơi công tác khoảng 15km. Bố mẹ anh đều đã cao tuổi, không còn khả năng lao động, ông bà quanh năm suốt tháng ốm đau. Có những tháng vừa lĩnh tiền lương hôm trước thì hôm sau anh lại phải dùng để mua thuốc thang cho bố mẹ. Mọi công việc trong nhà đều do anh và người vợ tảo tần chăm lo.

Những hôm không trực ở cơ quan hoặc bám địa bàn làm nhiệm vụ, anh Dương đều tranh thủ về nhà phụ giúp gia đình và cùng vợ chăm sóc hai con nhỏ. Sự ra đi đột ngột của anh khiến người vợ đến giờ vẫn không tin rằng chồng mình đã đi xa mãi. Gánh nặng chăm lo gia đình, hai con nhỏ, bố mẹ chồng ốm đau giờ đây dồn lên vai chị.

Có những nỗi đau mà cảm giác có thể xắt ra được, vì nó rõ rệt, nhưng nhức tâm can, như nỗi đau của chị.

Quân, Dương, Việt, Phúc ơi! Các anh cứ yên tâm "công tác" nhé. Vợ con, bố mẹ các anh không cô đơn đâu vì bên cạnh luôn có tình cảm tha thiết của đồng đội và nhân dân dành cho. Mặt trời thì luôn mọc vào sáng ngày mai, cũng như thông điệp tử tế mà các anh gửi tới cuộc đời này sẽ còn lan toả mãi...

Đinh Hiền
.
.