Tái thiết niềm tin

Thứ Sáu, 27/09/2024, 09:52

Hình ảnh bình dị của cô giáo mầm non Hoàng Minh Diệp (Trường Tiểu học - THCS Minh Chuẩn, thôn Khau Nàng, xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) bỗng “dậy sóng” trên mạng xã hội như một hiện tượng kì lạ. Kì lạ ở chỗ cô không phải người nổi tiếng, cô lại đang mặc quần áo lấm lem bùn đất và ăn gói mì tôm sống trong phút nghỉ giải lao khi tham gia dọn dẹp trường lớp sau lũ.

Người viết đi tìm câu trả lời cho sự “dậy sóng” đó và bắt gặp ánh mắt lạc quan ấy từ cái thuở “Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ”. Cảm ơn người giáo viên của vùng đất vừa trải qua bão lũ đã cho chúng ta một chiêm nghiệm sâu sắc.

Nếu có dịp ghé trang facebook cá nhân của cô, bạn sẽ gặp bắt gặp một cô gái Hoàng Minh Diệp trẻ trung, xinh đẹp, sang chảnh và lịch lãm. Ở vào độ tuổi này, người phụ nữ nào cũng muốn xinh đẹp, nhàn nhã, mặc những trang phục yểu điệu nhất và check in ở những khung cảnh thật chill. Phụ nữ sinh ra là để nâng niu, như đại thi hào Victor Hugo (1802-1885) từng nói: “Yêu cái đẹp là thấy ánh sáng”... tất cả những điều đó là hạnh phúc, là thành quả sau bao năm chúng ta xây dựng kinh tế xã hội ổn định và ngày một phát triển.

Tái thiết niềm tin -0
Chung tay hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lũ, tái thiết lại các hoạt động.

Có điều, vẻ đẹp của cuộc sống cũng là sự tiếp biến và sẵn sàng ứng phó theo từng tình huống bất ngờ. Những bàn chân lội bùn mạnh mẽ, có những khuôn mặt lấm lem bừng sáng bởi tinh thần hy sinh, một lòng vì nhân dân, đất nước.

Cũng như bao người đang vất vả khắc phục hậu quả của bão lụt để đưa cuộc sống trở lại bình thường, cô giáo Hoàng Minh Diệp với bộ quần áo lấm bùn nhưng ánh mắt đầy tươi sáng như đã gửi đến cho chúng ta một thông điệp vô ngôn. Nhà báo Phùng Nguyên có một lời bình rất ý nghĩa trong bài viết “Không bùn thì chẳng có sen” trên Báo Dân trí: “Dường như bùn đất chính là một thứ trang điểm tự nhiên làm cô giáo đẹp hơn. "Không bùn thì chẳng có sen", sen kia có được là nhờ những bàn tay chung sức nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, chứ không phải để "làm màu" khi bão lũ đang để lại hậu quả nặng nề khắp các tỉnh, thành miền Bắc”.

Chúng ta sẽ phải tái thiết một cuộc sống tốt hơn bằng chính sự nỗ lực chân thành, tự giác và cả sự hy sinh như thế. Cô và trò phải vượt qua những trở ngại bùn đất ngày hôm qua để bước tới chặng đường tươi sáng phía trước, tin vào sự hồi phục và đột phá.

Tái thiết niềm tin -1
Bé Nguyễn Quốc Bảo được Đại úy Lục Văn Nguyên và anh Liệu Văn Quyết đưa vào bờ an toàn.

Trong chương trình truyền hình trực tiếp “Điểm tựa Việt Nam” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tối 15/9/2024, bé Nguyễn Quốc Bảo (2016) - được cứu sống khi 3 bố con bị lũ cuốn ở cầu tràn thôn Cầu Treo, xã Yên Thuận, tỉnh Tuyên Quang - đã nói lên ước mơ của mình: “Con muốn làm Cảnh sát ạ!”. Cũng phải hiểu rằng, hai chữ “Cảnh sát” mà bé Bảo nhắc đến trong trường hợp này không chỉ là hình ảnh của người cán bộ chiến sĩ trong công việc bình thường mà trong một thử thách, một nhiệm vụ, một sứ mệnh lớn hơn.

Đại úy Lục Văn Nguyên (Công an xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) người đã cứu bé Bảo và biết bao cán bộ, chiến sĩ đã tạo nên một hình đẹp như thế. Họ đã nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, họ hết mình để ứng cứu đồng bào và chính họ cũng đang xây lại từ bùn đất, từ đổ nát một tượng đài trong lòng nhân dân, phục dựng một ngôi nhà của niềm tin và hy vọng. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm tái thiết một niềm tin ấy cả bằng vật chất và tinh thần.

Người dân ở những vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ đã bị thiệt hại không nhỏ. Nhìn vào những hình ảnh mà báo chí ghi lại thì từ những vật dụng nhỏ nhất cho đến nhà cửa, xe cộ đều bị hư hỏng. Phải mất nhiều năm một người dân lao động mới mua được một chiếc xe, một chú bò, dựng được ngôi nhà... Nhưng, họ vẫn nêu tấm gương sáng về lòng trung thực, vẫn có những hành động đẹp, thể hiện phẩm chất con người Việt Nam.

Ngày 16/9/2024, chị Vân Nam (43 tuổi, ở thôn Bắc Ngầm, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) cùng nhóm của mình đang phân loại hàng cứu trợ, từ thiện thì phát hiện một túi đựng nữ trang lẫn trong đống hàng hóa cứu trợ. Chị Nam đã lập tức báo cho đơn vị liên quan để tìm lại chủ nhân là chị Phan Thị Đào (47 tuổi, ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng).

Trước hành động đẹp này, chị Đào đã cảm kích chia sẻ: “Bà con Lào Cai dù đang gồng mình chống lũ nhưng vẫn ngày đêm tìm người thất lạc để trả lại đồ khiến tôi không kìm được nước mắt. Tôi không biết nói gì ngoài cảm ơn mọi người" (theo: Quỳnh Nguyễn - vnexpress.net).

Câu chuyện này nếu xảy ra ở một địa phương khác, trong hoàn cảnh khác đã là rất đáng quý. Trong hoàn cảnh này, câu chuyện đó lại càng chứng minh phẩm chất cao quý của người Việt Nam được hun đúc qua bao thế hệ. Sự tử tế, lương thiện như ngọc sáng ngời không bao giờ bị vùi lấp khiến chúng ta có một sự liên tưởng về văn hóa sâu xa, ý nghĩa hơn.

Tái thiết niềm tin -2
Phương án xây dựng khu tái định cư nhận được sự ủng hộ của 100% người dân.

Nói một cách khái quát, từ hàng ngàn năm nay, những cư dân của nền văn minh nông nghiệp luôn chăm chỉ cày bừa, cấy hái, trọng sinh và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất cha ông của mình. Cùng vì lẽ đó mà chúng ta trân trọng những con vật như chú chó giữ nhà, chú trâu cày ruộng, con giun làm đất tốt, con ong làm mật ngọt cho đời... luôn đồng hành, sẻ chia, gắn bó làm nên nền văn hóa này.

Người viết bài này nhớ mãi ánh mắt của chú trâu thôn Làng Nủ đã sống sót sau 3 ngày mắc kẹt trong bùn với cái chân trước bị gãy cùng câu nói của một người dân trong vùng: “Nhà chủ của nó có 5 người nhưng đã chết hết 4 rồi. Còn một cháu bé 6 tuổi sống sót, đang được điều trị trong bệnh viện" (theo: Hữu Khoa - Hoài Thu - Báo Dân trí). Ánh mắt của chú trâu qua lời miêu tả của nhà báo Hữu Khoa như một câu chuyện cổ tích hiện hữu trên đời. Nhìn cảnh những người nông dân giúp chú trâu hồi sinh, người viết cảm nhận được ý nghĩa nhân văn sâu sắc và mở ra những hy vọng ở tương lai. Chú trâu, người bạn của nhà nông như cũng cảm nhận được sau trận lũ là những bàn tay ấm áp.

Theo thông tin báo chí, thôn Làng Nủ đã được khởi công tái thiết trên khu vực đồi Sim nhưng có nhiều thôn Làng Nủ nữa sẽ được tái thiết trong tim mỗi người. Chú trâu sẽ lại nhẩn nha gặm cỏ xanh non, em bé tung tăng cắp sách đến trường, người nông dân gieo hạt cho mùa vụ mới... Qua đau thương, mất mát từng cái cây, ngọn cỏ đều sẽ mạnh mẽ, quả quyết hơn để vươn lên.

Như nữ văn sĩ người Mỹ Helen Adams Keller (1880-1968) từng nói: “Lạc quan là niềm tin dẫn tới thành tựu. Bạn chẳng thể làm được điều gì mà thiếu đi hy vọng và sự tự tin”. Chúng ta khẩn trương bắt nhịp trở lại bằng những gói ngân sách, bằng hàng vạn lượt người chung tay thu dọn, bằng quyết tâm tái thiết những thành phố hiếu khách, những bản làng du lịch.

Khi nguyện vọng, ý chí của tất cả được hội tụ, niềm tin mạnh mẽ sẽ giúp chúng ta giải được những bài toán khó để tái thiết một tương lai mới. Đó có lẽ cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc, mang đậm giá trị văn hóa cho thấy tầm vóc của tinh thần Việt Nam. Sự vững vàng cũng là câu trả lời đanh thép trước các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Sự khẳng định của một dân tộc tự cường và sự ủng hộ, tương trợ của bạn bè quốc tế sẽ mở ra một chặng đường mới ở phía trước...

Thiên Ân
.
.