Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Tuyên Quang: Trưởng thành từ gian khó

Thứ Năm, 30/09/2021, 15:04

Gần 2 năm sau khi Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác Phòng cháy, chữa cháy ra đời (ngày 4-10-1961), đội Phòng cháy, chữa cháy (trực thuộc Ủy ban hành chính Tỉnh Hà Tuyên), thuộc quyền quản lý của Ty Công an Hà Tuyên - tiền thân của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh Tuyên Quang ngày nay đã ra đời.

Chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành từ gian khó, đơn vị đã đảm nhiệm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được nhân dân tin yêu...

Sau hơn 10 năm chỉ là một đội Phòng cháy chữa cháy của tỉnh, đến năm 1976, Ty Công an tỉnh Hà Tuyên đã ra quyết định thành lập Phòng Cảnh sát 5 gồm có 23 cán bộ, chiến sĩ. Đến tháng 5-1978, đội chữa cháy chuyên nghiệp đầu tiên được thành lập tại thị xã Tuyên Quang, biên chế của phòng lúc này gồm 38 đồng chí và 3 xe chữa cháy Zin 130. Đến năm 1984, thành lập thêm phân đội chữa cháy tại thị xã Hà Giang gồm 1 xe chữa cháy và 8 cán bộ, chiến sĩ. Trong giai đoạn này, Đội Phòng cháy, chữa cháy đã tham mưu cho UBND các cấp tổ chức huấn luyện, thao diễn PCCC cho lực lượng dân phòng ở các huyện, thị xã đạt kết quả tốt. Nhờ đó phong trào quần chúng tham gia công tác PCCC được đẩy mạnh, nhiều đội PCCC cơ sở, dân phòng được thành lập và phát huy hiệu quả. Đội Phòng cháy, chữa cháy còn non trẻ ngày đó đã tham gia tích cực việc chữa cháy ở địa bàn 2 thị xã Tuyên Quang, Hà Giang và vùng lân cận.

Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Tuyên Quang: Trưởng thành từ gian khó -0
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Tuyên Quang tuyên truyền, hướng dẫn công tác PCCC cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trần Thái.

Điển hình là vụ chữa cháy kho K15 thuộc Quân khu 2 đóng tại xã Vĩnh Hảo - huyện Bắc Quang xảy ra vào ngày 23-8-1988 và cũng là chiến công lớn góp phần hình thành nên truyền thống của đơn vị ngày đó. Hồi ấy, sau khi nhận tin báo cháy, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng PCCC đưa xe chữa cháy, máy bơm và cán bộ chiến sĩ từ thị xã Tuyên Quang vượt qua 80km đường đồi núi, dốc quanh co có mặt tại đám cháy. Các chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã dũng cảm không ngại khó khăn nguy hiểm, lợi dụng địa hình, địa vật tiếp cận đám cháy để triển khai đội hình chữa cháy. Sau hơn hai ngày đêm kiên cường chiến đấu, giặc lửa đã bị dập tắt, bảo vệ được nhiều cụm nhà kho cũng như tài sản, tính mạng của nhân dân ở khu vực xung quanh.

Với chiến công này, tập thể cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, đồng chí Phan Văn Sầm được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và các đồng chí tham gia chữa cháy kho K15 đều được UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng.

Sau khi tỉnh Hà Tuyên tách ra thành Tuyên Quang và Hà Giang vào tháng 10-1991, Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Tuyên Quang với 2 Đội nghiệp vụ là "Đội hướng dẫn và kiểm tra an toàn PCCC" và "Đội chữa cháy" đã không ngừng lớn mạnh trưởng thành, vượt qua mọi khó khăn để làm tốt công tác đảm bảo an toàn PCCC, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

Đồng chí Phạm Đinh Bá Tiên - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhớ lại một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời làm lính cứu hỏa của mình: "Khoảng 20h30 phút ngày 15-8-2007, Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Tuyên Quang nhận tin báo cháy tại chợ trung tâm huyện Chiêm Hoá cách trụ sở đơn vị khoảng 70 km và khi phát hiện đã thành đám cháy lớn. Đơn vị đã xuất quân cùng 4 xe chữa cháy và các trang thiết bị, sau khoảng 1 giờ đã có mặt tại đám cháy. Khi đến nơi, đám cháy đã bao trùm toàn bộ khu vực chợ gồm 2 nhà đình chính có diện tích khoảng hơn 2.000m2 và một dãy gian hàng tường gạch lợp tôn.

Trước đó lực lượng chữa cháy tại chỗ và Công an huyện Chiêm Hóa đã sử dụng phương tiện chữa cháy được trang bị để triển khai chữa cháy, nhưng do đám cháy phát triển quá lớn, vận tốc cháy lan nhanh, có nhiều yếu tố nguy hiểm như: khói khí độc, bức xạ nhiệt, sụp đổ cấu kiện xây dựng của chợ và sụp mái tôn, nhiệt lượng tỏa ra rất lớn... Ngoài ra, trang thiết bị phương tiện bảo hộ cho cán bộ chiến sĩ tham gia chữa cháy lúc đó còn thiếu, thô sơ khiến hoạt động chữa cháy bị cản trở và kém hiệu quả. Lúc này, lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp với lực lượng chữa cháy tại chỗ là Công an huyện Chiêm Hoá và Ban quản lý chợ tích cực cứu chữa không để đám cháy lan rộng, hạn chế được thiệt hại do đám cháy gây ra sang khu vực bán hàng ăn uống chứa nhiều chất nguy hiểm như dầu, mỡ, ga... Sau hơn 9 giờ chiến đấu không ngừng nghỉ, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn..".

Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Tuyên Quang: Trưởng thành từ gian khó -0
Một buổi diễn tập của các chiến sỹ Cảnh sát PCCC tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Trần Thái.

Sau vụ cháy này, cán bộ chiến sĩ của đơn vị được các cấp, các ngành và nhân dân khen ngợi, đánh giá cao tinh thần khẩn trương, mưu trí, dũng cảm trong công tác chữa cháy để hạn chế tối đa tổn thất về tài sản cho nhân dân sống ở khu vực lân cận.

Đến tháng 10-2010, Phòng Cảnh sát PCCC đổi tên thành Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, đảm nhận thêm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đến nay đã triển khai cứu nạn 31 vụ; giải cứu được 13 người; tháo gỡ, tìm kiếm, trục vớt 28 thi thể nạn nhân bàn giao cho gia đình, người thân.

Là người tham gia cứu nạn trong vụ sập cầu vòm đường dẫn vào khu du lịch sinh thái của thủy điện Chiêm Hóa, đồng chí Đinh Xuân Thủy - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH kể lại: "Sau khi đơn vị nhận tin báo xảy ra vụ sập cầu vòm đường dẫn vào khu du lịch sinh thái của thủy điện Chiêm Hóa lúc đó đang thi công khiến 03 người mất tích, đơn vị đã cử cán bộ chiến sĩ cùng phương tiện nhanh chóng tiếp cận hiện trường để tổ chức cứu nạn. Qua trinh sát, nắm bắt thông tin đơn vị đã xác định được sự cố sập cầu khiến 3 nạn nhân bị bê tông vùi lấp dưới nước ở độ sâu 3m. Đơn vị đã phối hợp với các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ cùng chính quyền địa phương tổ chức huy động phương tiện san lấp, đắp đất, ngăn nước tràn vào khu vực cầu cống bị sập. Do yếu tố địa hình, đơn vị phải sử dụng hàng chục máy bơm công suất lớn hút nước tìm kiếm 03 nạn nhân. Song do nước đục và chảy siết làm sạt lở và một lượng lớn bê tông cốt thép, giàn giáo (khoảng 300 tấn) đã đông kết, đã gây khó khăn lớn và nguy hiểm cho công tác tìm kiếm, cứu nạn. Vì thế, cán bộ chiến sĩ của đơn vị phải sử dụng nhiều loại phương tiện để đục, cậy, bẩy từng mảng bê tông dưới hơn 1m nước bám vào nạn nhân. Sau hơn 2 ngày liên tục nỗ lực vượt qua gian nan vất vả, đội cứu nạn mới đưa được toàn bộ thi thể của 3 nạn nhân lên bờ và tiến hành các thủ tục trao trả thi thể nạn nhân về cho gia đình".

Ngoài công tác tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản để thực hiện tốt công tác PCCC và CNCH trên địa bàn, công tác truyên truyền xây dựng phong trào toàn dân PCCC được đơn vị hết sức chú trọng. Đến nay, đơn vị đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, công nhân viên và quần chúng nhân dân.

Trong đối phó với "giặc lửa" phải đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa, nên đơn vị đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đăng tải và phát sóng 600 tin, bài, phóng sự để tuyên truyền về công tác PCCC; tổ chức được hơn 700 buổi tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC với số lượng trên 100.000 lượt người tham gia; xây dựng phong trào Toàn dân PCCC với hơn 1.500 tổ, đội PCCC dân phòng với trên 10.000 người; có gần 1.900 tổ, đội PCCC rừng với khoảng 18.000 người tham gia...

Trải qua 60 năm thực hiện Pháp lệnh về PCCC, Lực lượng Cảnh sát PCCC Tuyên Quang đã từng bước lớn mạnh, trưởng thành. Từ một đội PCCC trực thuộc Phòng Cảnh sát nhân dân, chủ yếu làm nhiệm vụ tuyên truyền vận động quần chúng PCCC, kiểm tra an toàn PCCC và chưa có xe chữa cháy, đến nay nhân lực, vật lực của đơn vị ngày càng được củng cố, hoàn thiện. Nhìn lại chặng đường gian khó mà đáng tự hào đã đi qua, cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Tuyên Quang sẽ phát huy truyền thống, những thành tích xuất sắc đã đạt được và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguyệt Hà
.
.