Niềm tự hào ở Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND

Thứ Năm, 09/03/2023, 10:32

Càng gần đến ngày kỷ niệm 75 năm Bác Hồ nêu Sáu điều dạy CAND thì công việc của cán bộ, công nhân viên Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND ở tổ dân phố Chùa Nguộn, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang càng bận rộn hơn. Mỗi ngày có hàng chục đoàn khách đến dâng hương, báo công với Bác, tổ chức sinh hoạt chính trị, tìm hiểu kiến thức lịch sử...

Công việc của các anh, chị bắt đầu từ 6h30 sáng, chỉ kết thúc sau khi hoàn thành việc lau dọn, quét tước, chăm sóc vườn cây. Dù tất bật nhưng cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý Khu lưu niệm luôn tự hào và luôn cố gắng đóng góp phần nhỏ bé của mình để truyền giữ 6 điều Bác dạy tới các thế hệ Công an hôm nay và mai sau.

Về “địa chỉ đỏ”

Năm năm qua, kể từ khi khánh thành Khu lưu niệm, cuốn sổ ghi cảm tưởng của Khu lưu niệm đã sang quyển thứ 3, được cán bộ chiến sĩ (CBCS) trong Ban Quản lý Khu lưu niệm giữ gìn, bảo quản cẩn thận. Những dòng chữ nắn nót chứa đựng tình cảm trân trọng, lòng kính yêu và nguyện làm theo lời Bác của các cấp lãnh đạo, người dân, CBCS trong CAND và cả các cháu học sinh, đoàn viên, thanh niên.

khu lưu niệm sáu điều bác hồ dạy đã trở thành nơi giáo dục truyền thống của lực lượng cand.jpg -0
Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy đã trở thành nơi giáo dục truyền thống của lực lượng CAND.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an có nhiều bút tích trong sổ lưu niệm. Vào các dịp lễ lớn như 11/3, 19/5, 19/8 hay kỷ niệm 50 năm ngày thực hiện di chúc của Bác… đồng chí Bộ trưởng đều cùng CBCS đến dâng hương, dâng hoa, báo công với Người. Thay mặt CBCS CAND, Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ niềm tự hào có được 6 lời dạy của Bác, khẳng định đây chính là tư tưởng chỉ đạo hành động đối với CBCS CAND, hứa với Bác, với Đảng, với nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác, đặc biệt là 6 điều Bác dạy CAND.

Từ Tây Nguyên, Đại tá Hồ Bắc, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk thay mặt đoàn hứa với Bác sẽ nỗ lực hết mình để bảo vệ bình yên cho người dân. Nét chữ còn non nớt, cháu Đào Thị Huyền, học sinh trường THCS Giáp Hải bày tỏ vinh dự, tự hào được đến thăm Khu lưu niệm Sáu điều Bác dạy, hiểu hơn về lịch sử CAND…

Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND được khởi công xây dựng vào ngày 15/8/2017, trên diện tích 3,26ha, khánh thành đúng vào kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ nêu 6 lời dạy CAND (11/3/1948 - 11/3/2018), gồm các hạng mục: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù điêu, sân hành lễ, nhà đón tiếp, nhà truyền thống, nhà ban quản lý, hồ nước, bãi đỗ xe, sân đường nội bộ...

Điểm nhấn đặc sắc nhất là Tượng đài Bác Hồ cao 7m ánh lên màu đồng đỏ. Bác ngồi đó, khoan thai trong bộ quần áo kaki quen thuộc, giản dị mà rất đỗi thân thương. Tượng đài đặt ở vị trí trung tâm, phía sau là bức phù điêu chạm khắc tinh xảo làm bằng chất liệu đá xanh dài 52m, cao 13,5m; trên bức phù điêu khắc họa hình ảnh thể hiện hoàn cảnh ra đời của bức thư và 9 ngọn núi cách điệu, tạo sự liên tưởng về một căn cứ địa cách mạng Việt Bắc hùng vĩ, các nội dung được thể hiện bằng ngôn ngữ điêu khắc.

Hai bên bức phù điêu là hai cây đa gợi nhắc vùng ATK lịch sử; phía sau bức phù điêu là 79 cây sao đen tượng trưng cho 79 mùa xuân của Người; 54 cây tùng tháp đứng hiên ngang tượng trưng cho 54 dân tộc anh em; Phía trước tượng Bác là hồ sen, ao cá bác Hồ…

Nhà truyền thống là nơi tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà trưng bày lưu niệm 6 điều Bắc Hồ dạy CAND được thiết kế hiện đại, kết hợp giải pháp trưng bày kỹ thuật số với gần 500 tài liệu, hiện vật được lựa chọn nhằm giới thiệu về những sự kiện lịch sử tiêu biểu gắn với 6 điều Bác Hồ dạy CAND; tình cảm và sự quan tâm của Bác dành cho lực lượng Công an; những thành tựu tiêu biểu của lực lượng CAND trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa là nơi ghi dấu sự kiện đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII tiếp nhận lá thư của Bác Hồ nêu 6 điều dạy về tư cách người Công an cách mệnh; vừa là nơi ghi nhận, tôn vinh sự quan tâm và tình cảm đặc biệt của Bác dành cho lực lượng CAND; là “địa chỉ đỏ” để giáo dục lịch sử, truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND. Đồng thời, công trình góp phần nâng cao, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của chùa Tứ Giáp - Di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia, là cơ sở cách mạng nơi Công an Khu XII đón nhận bức thư của Người.

Những người góp phần gìn giữ giá trị lịch sử

Vinh dự là một trong những người được quản lý, phục vụ tại Khu lưu niệm, Trung tá Nguyễn Đức Toàn, Trưởng ban Quản lý Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND luôn cùng đồng đội nỗ lực làm thật tốt nhiệm vụ của mình. Quãng đường gần 30km từ nhà anh ở TP Bắc Giang đến Khu lưu niệm, thời gian di chuyển khoảng gần 1h đồng hồ, nên dù nắng mưa hay rét buốt thì cứ đúng 6h sáng anh rời nhà. Công việc chủ yếu của anh và các cán bộ trong Ban Quản lý là tiếp đón các đoàn dâng hoa, dâng hương, báo công dâng Bác, chăm sóc vườn hoa, vườn cây ăn quả, hồ sen, ao cá.

Trung tá Toàn cho biết, mỗi năm Khu lưu niệm đón hơn 400 đoàn khách đến thăm. Năm 2020, 2021 do dịch COVID -19 nên chỉ có hơn 200 đoàn viếng thăm. Sau Tết Quý Mão, càng gần đến ngày 11/3 thì các đoàn đến dâng hương, báo công càng đông hơn. Có những ngày Khu lưu niệm được đón hơn 10 đoàn khách với gần 1.000 CBCS tham gia. Chính vì vậy, Ban Quản lý luôn chuẩn bị chu đáo để các đoàn thực hiện việc báo công của các đơn vị có ý nghĩa nhất.

Ban quản lý đã xây dựng mô hình với khẩu hiệu 3 tốt “Bảo quản tốt, tuyên truyền tốt và phục vụ tốt”, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch đẹp. Đơn vị thường xuyên tổ chức tập luyện đội hình nghi lễ phục vụ các đoàn dâng hoa, dâng hương và báo công với Bác. CBCS cũng tạo được mối quan hệ gần gũi, thân thiện với nhân dân và chính quyền địa phương. Mục tiêu cao nhất của Ban Quản lý khu lưu niệm là truyền đạt được mục đích, ý nghĩa của Khu lưu niệm theo đúng mong muốn của lãnh đạo Bộ, chuyển tải được 6 điều Bác dạy CAND tới CBCS và người dân.

Anh Dương Văn Kiên, cán bộ Ban quản lý, người trực tiếp phụ trách mảng loa đài, ánh sáng, âm thanh cho biết, anh rất vinh dự, tự hào được làm công nhân viên CAND, phục vụ tại Khu lưu niệm, được hiểu thêm về cuộc đời cách mạng của Bác để từ đó thấy mình cần cố gắng hơn nữa đóng góp công sức nhỏ bé làm xanh, sạch đẹp cảnh quan môi trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Vốn là nữ sinh khoa Văn, yêu thích lịch sử, yêu thích ngành Công an, chị Thẩm Thị Hoa dự tuyển làm hướng dẫn viên ở Khu lưu niệm. Chị đã nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu về lịch sử để có kiến thức nền. Từ những tài liệu đơn vị cung cấp, chị Hoa đã tự tìm hiểu qua sách báo, lắng nghe các nhân chứng lịch sử để trau dồi, hoàn thiện kiến thức của mình, từ đó có thể giới thiệu, thuyết minh cho các đoàn đến thăm quan, báo công dễ hiểu, dễ nhớ nhất về cuộc đời cách mạng của Bác và 6 lời dạy của Người.

Bà Dương Thị Thanh Phú, Trưởng ban Hộ tự chùa Tứ Giáp cho biết: “Chúng tôi tự hào được tham gia bảo quản, giữ gìn ngôi chùa. Lúc chúng tôi còn bé, chùa nằm sâu trong rừng cây, đường đi rất khó khăn. Sau này bố tôi kể lại, đây chính là nơi các chú Công an bí mật làm việc, các chú vào trong làng vận động bà con tham gia kháng chiến. Khi Công an rút đi, bà con chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức các sinh hoạt ở đây như kết nạp đoàn, kết nạp đảng, tiễn bộ đội đi kháng chiến… Sau này, tôi mới biết đây là nơi được đón nhận Thư của Bác. Đây là niềm vinh dự lớn đối với bà con chúng tôi”.

Cũng trong tháng 3 lịch sử, đoàn công tác của Báo CAND do Thiếu tướng Phạm Khải, Bí thư Đảng uỷ, Tổng Biên tập đã về dâng hương, dâng hoa, báo công với Bác những thành tích CBCS Báo Công an Nhân dân đã đạt được trong thời gian qua, hứa với Bác luôn không ngừng rèn luyện, phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách của Người.

Phương Thuỷ
.
.