Những người đi về phía bão lũ

Thứ Sáu, 27/09/2024, 09:45

Tỉnh Bắc Giang có 3 con sông lớn là sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam. Những con sông hằng ngày hiền hòa, mang trên mình những câu chuyện trữ tình, là di sản văn hóa của một vùng đất. Vậy mà, cơn bão số 3 mang tên Yagi đã biến những dòng sông thơ mộng bỗng chốc trở nên hung dữ, trở thành nỗi khiếp sợ của người dân.

Nhiều đêm không ngủ, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an tỉnh Bắc Giang cùng các lực lượng khác phối hợp canh giữ, đắp những đoạn đê có nguy cơ sạt lở. Liên tục nhiều ngày đêm, CBCS tham gia di dời người dân, tài sản, tiếp tế lương thực, thực phẩm hay góp công sức sửa sang lại những ngôi nhà bị đổ, tốc mái...

Chuyện kể ven các dòng sông

Những ngày này cơn bão đã đi qua, người dân ở nhiều tỉnh phía Bắc đang nỗ lực khắc phục hậu quả, dần ổn định cuộc sống. Ở Bắc Giang cũng vậy, dù bận rộn công việc, nhưng người dân vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện về những chiến sĩ Công an đã gắng sức bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Những người đi về phía bão lũ -0
Công an thị xã Việt Yên di dời người dân khỏi vùng lũ.

18h ngày 10/9/2024, nước sông Cầu đạt đỉnh lũ, tại vùng lũ ven sông thuộc thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, cả một vùng dân cư khoảng 2.800 nhân khẩu phía ngoài đê đã bị ngập lụt sâu hàng mét nước. Đại úy Trần Ngọc Hà, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một trong 15 CBCS của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh Bắc Giang trực tiếp có mặt ngay trong đêm xảy ra tràn đê bối, hỗ trợ di dời người dân và tài sản tại vùng lũ.

Suốt 2 đêm, 2 ngày, lúc nào anh cũng lênh đênh trên con xuồng phao cùng đồng đội di dời người dân và tài sản đến điểm an toàn. Nghe khẩu lệnh dứt khoát của Đại úy Hà, nhìn những động tác đưa người dân lên xuồng mau lẹ của các đồng đội cho thấy một sự khẩn trương, cấp bách bởi chỉ chậm một chút thôi cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Nước lũ dâng cao, con đường vào nhiều nhà dân chỉ nhỏ hẹp khiến chiếc xuồng cứu nạn, cứu hộ tiếp cận rất khó khăn. Có nhà khóa cổng chìm sâu trong nước nên các anh phải lặn xuống để mở cổng vào đón người dân. Có lẽ, cả người dân và các CBCS Công an đều không thể quên hình ảnh những em nhỏ, người già được cõng trên vai, đưa lên xuồng chở đến nơi an toàn.

Đại úy Trần Ngọc Hà kể lại: “Trên đường cứu nạn, cứu hộ, chúng tôi thấy một ông cụ vừa chạy lũ, vừa cố kéo theo con bò. Thấu hiểu “con trâu là đầu cơ nghiệp” nên chúng tôi đưa ông lên xuồng, người lái xuồng, người túm hai tai bò để điều khiển nó đi theo xuồng lên bờ, cố gắng để bò không bị ngộp nước. Khi đến bờ an toàn, cụ ông đã ôm chầm cảm ơn chúng tôi đã cứu ông cùng tài sản của gia đình”.

Bão số 3 đổ bộ, lũ quét tràn về trong chớp nhoáng khiến tổ dân phố Thống Nhất và tổ dân phố Néo của thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động bị ngập sâu trong biển nước. Đại úy Lê Minh Sơn, cán bộ Công an thị trấn Tây Yên Tử kể, anh cùng anh em Công an thị trấn chia nhau ra phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương di dời gần 100 hộ dân.

Nước lũ về trong đêm, có 3 người dân chạy lũ trong đêm bị nước cuốn đuối sức, trôi dạt vào một ngôi nhà, CBCS Công an thị trấn đã cùng lãnh đạo UBND thị trấn và người dân hỗ trợ đưa lên điểm cao an toàn. Trong khi đó, trụ sở Công an thị trấn Tây Yên Tử cũng tan hoang do bị bay toàn bộ mái tầng 2, tường đổ sập. Dù vậy, khi nhận được tin báo của người dân bị ngập trong biển nước thì các CBCS chẳng quản khó khăn, hiểm nguy, dành sự ưu tiên đi hỗ trợ nhân dân. Sau khi bão yên, người dân và tài sản được an toàn, Công an huyện Sơn Động mới huy động CBCS tập trung dọn dẹp, sửa sang trụ sở Công an thị trấn Tây Yên Tử để làm việc.

Tại phường Quang Châu, thị xã Việt Yên, hơn 420 hộ dân với hơn 1.600 nhân khẩu ở tổ dân phố Đông Tiến, Nam Ngạn bị ngập sâu trong nước sông Cầu khoảng 2 mét. 2 ngày liền, Công an thị xã và Công an phường cùng các lực lượng đã khẩn trương di dời người dân đến nơi trú ẩn an toàn. 2 tổ công tác tiền phương ở phường Quang Châu gồm 50 CBCS cùng trang thiết bị, 3 xuồng máy phục vụ di dời người dân và tài sản.

Bà Nguyễn Thị Khuyên, 78 tuổi, ở tổ dân phố Nam Ngạn, phường Quang Châu, thị xã Việt Yên sau khi được đưa đến nơi an toàn đã không giấu được niềm xúc động. Bà nghẹn ngào chia sẻ: “Cuộc đời tôi chưa bao giờ bị gặp lũ bão như thế này. Được các anh Công an đến đón, tôi vô cùng cảm ơn Đảng, Chính phủ, anh em Công an, Quân đội và mọi người”.

Điểm tựa của nhân dân

Sau khi bão đổ bộ, trên hệ thống sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam chảy qua địa bàn tỉnh xảy ra một đợt lũ lớn. Mực nước sông Cầu tại Đáp Cầu đạt đỉnh lũ +7,79m; sông Thương tại Phủ Lạng Thương +7,23m và sông Lục Nam tại Lục Nam +6,72m. Toàn tỉnh có 155 thôn thuộc 36 xã của 10 huyện, thị xã, thành phố bị ngập lụt, chia cắt, cô lập; 346 điểm sạt lở nhỏ trên các tuyến giao thông với tổng chiều dài trên 8 km. Một số khu vực đê sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở...

Những người đi về phía bão lũ -0
Công an huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang phối hợp với các lực lượng chức năng đắp đê sông Thương.

Đại tá Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đã khẩn trương chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ; và phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả),... kịp thời tham mưu có hiệu quả các biện pháp phòng chống, ứng phó với bão và mưa, lũ; bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước.

18h15 ngày 7/9, thời điểm trước 30 phút khi bão số 3 sẽ đổ bộ, Đại tá Thân Văn Duy - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang trong khi đi kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó bão đã ra lệnh cho toàn bộ lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh triển khai 100% CBCS trên các tuyến đường để bảo đảm trật tự an toàn giao thông và quan trọng hơn nữa là hỗ trợ những người dân đang di chuyển trên đường bằng xe mô tô, xe gắn máy khi cơn bão quét qua. Các tổ tuần tra kiểm soát của Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ nhiều người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy trên đường bị ảnh hưởng gió bão.

Trong những ngày mưa bão, lực lượng Công an luôn bám sát cơ sở, chủ động, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả. Có đồng chí Công an xã dù nhà bị ngập trong biển nước, gia đình phải chia nhau đi tránh nhờ hàng xóm nhưng vẫn phải đi làm nhiệm vụ.

Tối 8/9, mưa lớn gây ngập lụt tại nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Đại Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Để đảm bảo an toàn cho người dân, tổ công tác của Công an xã Đại Sơn, huyện Sơn Động gồm 3 đồng chí do Thượng úy Đinh Văn Cường, Phó Trưởng Công an xã thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ sơ tán nhân dân đến nơi an toàn. Trong khi đó, gia đình anh cũng bị lụt, toàn bộ tài sản ngập trong nước lũ, sau khi biết người thân trong gia đình đã được hàng xóm hỗ trợ đến nơi tránh lũ an toàn, anh lại lập tức đi làm nhiệm vụ.

Trong quá trình làm nhiệm vụ tại khu vực ngầm tràn thôn Tân Hiệp, xã Đại Sơn, huyện Sơn Động, do trời tối, đường trơn trượt, nước lũ chảy xiết, Thượng úy Đinh Văn Cường bị ngã gãy xương quai xanh. Xúc động trước tinh thần trách nhiệm quên mình vì nhân dân phục vụ của các CBCS Công an, ông Hoàng Văn Tráng, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn nhận xét: “Các anh phải tạm thời gác lại gia đình nhỏ ở phía sau để đi làm nhiệm vụ cao cả, bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân. Bởi, trong những lúc nguy cấp như thế, các anh chính là chỗ dựa của nhân dân”. 

Công an tỉnh Bắc Giang đã huy động 14.500 lượt CBCS; gần 3.000 lượt phương tiện (ô tô, mô tô, tàu, cano, máy phát điện, áo phao...) và hơn 7.200 lượt thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3. Lực lượng Công an đã hỗ trợ tìm kiếm 2 người bị nước lũ cuốn trôi; đưa 10 người bị thương đi cấp cứu; tham gia di dời người và tài sản đến nơi an toàn đối với 10.400 hộ gia đình; hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đối với 36 điểm, khu dân cư bị chia cắt cho 33.800 người; hỗ trợ gia cố, đắp 5,5 km đê và phối hợp xử lý các điểm xung yếu, điểm trùng, sạt, trượt trên các tuyến đê...

Đặc biệt, Công an tỉnh Bắc Giang đã khẩn trương chung tay cùng các lực lượng khác và nhân dân khắc phục thành công sự cố nứt khu vực bể xả trạm bơm Cống Bún ở TP Bắc Giang. Bể xả này thông trực tiếp với sông Thương, nếu bị vỡ thì như vỡ đê và hậu quả sẽ rất khó lường, hàng nghìn hộ dân cùng cơ sở hạ tầng, máy móc của các doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên địa bàn TP Bắc Giang sẽ bị ngập lụt.

Minh Thúy
.
.