Những người đi trước

Thứ Sáu, 24/09/2021, 16:19

Cuối tháng 8 năm 2021, Quảng Bình bất ngờ bùng phát dịch bệnh COVID-19.  Trong 20 ngày, từ chỗ chỉ có 114 ca F0 chủ yếu là trong các khu cách ly tập trung, Quảng Bình ghi nhận liên tục thêm 1190 ca nhiễm mới, phần lớn do lây lan trong cộng đồng. 185 chốt kiểm soát của thành phố Đồng Hới, 200 chốt kiểm soát xã phường toàn tỉnh khẩn cấp dựng lên. Và lực lượng Công an nhân dân Quảng Bình không thể vắng mặt tại các chốt kiểm dịch ấy với nhiệm vụ “vừa chống dịch tốt vừa đảm bảo an ninh trật tự tốt”.

Thiếu úy Hoàng Tuấn Khanh, cán bộ Công an phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới nói rằng: Anh có mặt tại chốt kiểm soát dịch bệnh của phường đã gần tháng nay. Thời tiết Quảng Bình mùa này thường cực đoan, ngày nắng thì nắng như nung, ngày mưa thì mưa như trút, có đêm chốt kiểm soát bị gió bão xô đổ, anh em dãi gió dầm mưa, không còn một chỗ khô để trú tạm. Nhưng điều đó chẳng hề gì khi mục tiêu trước mắt là những ngày bình yên cho nhân dân và quê hương. 

phụ nữ côn an tỉnh ủng hộ rau nhân dân vùng dịch.jpg -0
Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Bình ủng hộ rau cho nhân dân vùng dịch.

Tôi có nhiều người bạn công tác tại các phòng ban Công an tỉnh Quảng Bình. Suốt tháng qua họ cũng không có ngày nghỉ. Không phải vì bận thực hiện nhiệm vụ chuyên môn do lãnh đạo phân công mà chỉ đơn giản là họ đang đi theo mệnh lệnh của trái tim. Chị em phụ nữ Công an trở thành đường dây kết nối tiêu thụ nông sản hai chiều. Thu mua sản phẩm cho nông dân vùng an toàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Ba Đồn, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa để cung cấp miễn phí cho nhân dân khu phong tỏa thành phố Đồng Hới và huyện Bố Trạch hoặc hỗ trợ các bếp ăn phục vụ khu cách ly tập trung, bệnh viện, các chốt kiểm soát dịch bệnh. Toàn bộ kinh phí đều do cán bộ chiến sỹ tự quyên góp.

Hình ảnh xe của lực lượng Công an chở rau đến tận từng ngõ nhỏ trong các khu phong tỏa phát cho nhân dân đã trở nên thân thuộc. Giá trị bó rau không bao nhiêu nhưng nó thể hiện được sự quan tâm hết sức cụ thể của cán bộ chiến sỹ Công an thành phố đến đời sống mỗi người dân. Có lẽ sẽ rất sáo rỗng nếu chỉ nói câu ca tụng xã giao nhợt nhạt, nhưng không thể bỏ qua những lời cảm ơn giản dị như những: “Cảm ơn các anh Công an, dân quân và các anh gác chốt phường Hải Thành. Cảm ơn tấm lòng vàng anh Công an nhà số 6/11 tổ dân phố 3! Anh đã giúp đỡ thực phẩm cho mẹ con em đang cách ly tại nhà trọ ở sát nhà anh”.

Mọi người rất hay dùng các động từ mạnh như “gồng mình”, “oằn mình” để nói về hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong những tháng ngày qua, riêng tôi thì không. Bởi tôi nghĩ, những người lính ấy đang làm mọi việc trong tâm thế vô cùng nhẹ nhõm về mọi nhẽ. Vất vả thật đấy, khó khăn thật đấy, cùng đội ngũ ấy nay phải chia tách ra để thực hiện nhiều công việc khác nhau, chuyên môn và không chuyên môn, thậm chí có những việc trái khoáy thì sao không vất vả được. Việc có lợi cho nhân dân họ đã hết sức làm. Phơi phới yêu thương thế thì sao lại bảo phải ”gồng mình”,“oằn mình” nhỉ?!

Đành rằng, Quảng Bình năm nào cũng bão lụt. Chỉ là nặng nhẹ thế nào thôi. Nhưng, dịch bệnh vừa bùng phát (Quảng Bình hiện là địa phương dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh nhất trong các tỉnh Bắc miền Trung) thì bão Conson đã rình rập ngoài biển Đông và lúa ngoài đồng cũng vừa chín thì chưa xảy ra bao giờ. Phòng chống thiên tai, kiểm soát - khống chế dịch bệnh và thu hoạch mùa màng, tất cả đều là những nhiệm vụ cấp bách. Bình thường, sẽ có những ngày người nông dân khắp nơi trong tỉnh gặt chạy bão. Nhưng bây giờ nhiều xã phường buộc áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giãn cách xã hội phòng chống dịch, huy động tổng lực ra đồng thu hoạch lúa mùa là việc bất khả thi.

Khó chồng khó! Người nông dân Lộc Ninh, Đức Ninh, TP. Đồng Hới thực hiện “ai ở đâu ở yên đấy” mà lòng như lửa đốt, vì “Trời cứ mưa mãi như thế này thì lúa ngoài đồng ngập nước và đổ rạp hết cả rồi”. Công lao trồng cấy mấy tháng trời mong bù đắp thiệt hại của vụ mùa năm trước lại sắp sửa bị bão lụt cuốn đi. Trong tình huống tiến thoái lưỡng nan, cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân tỉnh Quảng Bình đã bước lên phía trước, tiếp tục chia tách đội ngũ, nhận thêm nhiệm vụ mới, giúp đỡ nhân dân thu hoạch lúa hè thu. 

công an đồng hới gặt lúa giúp dân.jpg -0
Công an TP Đồng Hới gặt lúa giúp dân.

Trung tá Trương Thị Lệ Hoa, cán bộ Hội phụ nữ Công an TP. Đồng Hới nói rằng: “Mấy ngày gần đây, mưa bão ập đến, nhiều diện tích lúa của nhân dân trên địa bàn có nguy cơ ngập úng và mất trắng, bà con trong khu phong tỏa lại không thể ra đồng thu hoạch được. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tham mưu lãnh đạo đơn vị và phối hợp phụ nữ Công an tỉnh tổ chức gặt lúa giúp nhân dân”. Những điều Trung tá Lệ Hoa nói không đơn giản chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ hay một điều gì đó nằm trong kế hoạch cứng, được xây dựng và chỉ đạo bằng mệnh lệnh từ trên xuống mà sâu thẳm trong đó là tình yêu thương và sự chia sẻ.

Cũng chẳng phải chỉ đến bây giờ, Công an Quảng Bình mới nghiêng bờ vai xuống, vươn cánh tay ra để giúp nhân dân vượt qua khó khăn. Công tác và chiến đấu trên địa bàn một địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, lực lượng Công an nhân dân tỉnh Quảng Bình luôn đặt các hoạt động giúp đỡ,  bảo vệ Nhân dân lên hàng đầu. Hơn ai hết họ hiểu rằng, đời sống Nhân dân bình an hạnh phúc là điều kiện cần để an ninh trật tự xã hội được bảo đảm.

Cánh đồng xã Đức Ninh TP. Đồng Hới sau ba ngày mưa hầu hết đã bị chìm trong nước bạc. Thông thường bà con nông dân ở đây sẽ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Nhưng trong tình huống này thì không thể. Nước đã ngập sâu, nhiều diện tích lúa rạp sát mặt ruộng không thể làm gì khác được ngoài việc cởi giày ra, xắn tay lên và gặt. Thậm chí ở những chỗ sâu phải gặt mò dưới mặt nước. Nhiều người trong số họ, những chàng trai, cô gái trẻ là cán bộ chiến sỹ Cảnh sát Giao thông, lực lượng 113 hay cơ yếu văn phòng ... đã từng xông pha giữa sóng to gió lớn giải cứu Nhân dân trong các trận lũ lụt khốc liệt, đã lội bộ hàng chục kilomet mang nhu yếu phẩm hỗ trợ đồng bào vùng sâu vùng xa nhưng cầm liềm, cầm hái lội xuống đồng gặt lúa như thế này thì chưa bao giờ. Họ không phải là người nông dân, chưa từng làm việc đồng áng nên gặp khó khăn là điều không tránh khỏi, nhưng “Vì Nhân dân phục vụ”, không gì là không thể.

Từ sáng đến quá trưa, bà Trần Thị Thắm ở Đức Ninh, TP. Đồng Hới đứng ngồi không yên. Thi thoảng lại đi ra cổng ngóng về phía đồng. Công an TP. Đồng Hới đang gặt lúa giúp gia đình bà ngoài đó. Bà lo, trên nắng dưới nước thế này, mấy chú mấy o không quen dễ bị ốm. Bà băn khoăn, không nước nôi chi được cho các chú các o thì thương. Sốt ruột sốt gan không chịu nổi! Bà có biết đâu các chú các o Công an đang ào ạt, rộn ràng vào hội gặt. Họ phải đi trước cơn bão! Họ phải làm thật nhanh việc này để còn về làm việc khác. Chưa đến một ngày, cán bộ chiến sỹ  Công an TP. Đồng Hới đã giúp cho 27 hộ gia đình ở thôn Đức Trường, xã Đức Ninh thu hoạch gần 1,5 ha lúa hè thu. Không qua loa, không lẫn lộn, gọn gàng và tươm tất, lúa của gia đình nào gặt, tuốt xong vận chuyển ngay về gia đình đấy.

Ông Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Ninh cảm kích trước hành động đẹp của cán bộ chiến sỹ Công an TP. Đồng Hới nhưng không biết nói lời hoa mỹ chỉ lặp đi lặp lại một câu: “Không có mấy anh mấy chị, xã không biết làm răng mà giúp bà con gặt xong trước bão được!”. Không thấy cán bộ chiến sỹ nói gì nhiều, chỉ lặng lẽ làm thật nhanh, thật gọn và rút quân. Vì chiều nay, các chị còn đến các bếp ăn, đêm nay các anh còn ra chốt. 

Sau cơn bão nhưng Quảng Bình vẫn trắng trời mưa gió, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện lệnh phong tỏa. Bạn tôi ở Công an tỉnh bảo rằng, mưa to gió lớn mà nhiều nơi vẫn đang thực hiện Chỉ thị 16 nên tàu thuyền của ngư dân vẫn chưa sơ tán hết vào nơi trú ẩn an toàn. Tôi chắc là đêm nay nhiều cán bộ chiến sỹ Công an lại lên đường.

Trương Thu Hiền
.
.