Những lá đơn tình nguyện

Thứ Năm, 13/10/2022, 08:30

Họ đều là những phụ nữ chân yếu tay mềm, đằng sau là cả trách nhiệm với gia đình, con cái, thế nhưng đã sẵn sàng gác bỏ tình riêng, viết đơn xung phong đến những điểm nóng về ANTT, gắn bó với đồng bào dân tộc.

1. Xinh xắn, cao ráo, trắng trẻo, ở Thượng úy Nguyễn Thu Huyền toát lên một vẻ đẹp khá Tây. Nếu trút bỏ bộ trang phục Công an nhân dân, nhìn Huyền không khác gì một người mẫu. Nhưng ít ai biết rằng, Huyền đã hai lần viết đơn gửi Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai tình nguyện xin xuống địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa để gắn bó với đồng bào dân tộc.

Lần đầu, đơn của Huyền chưa được duyệt, Huyền cũng buồn lắm khi thấy nhiều chị em đã đạt được nguyện vọng. Không nản lòng, Huyền tiếp tục viết đơn lần thứ 2 và lần này mong muốn của Huyền đã thành sự thực. Huyền được điều động về công tác tại Công an xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Là xã biên giới, giáp ranh với nhiều xã, phường, thị trấn, có nhiều đường nối đến các địa phương khác, nên Quang Kim là địa bàn thuận lợi để các đối tượng phạm tội hoạt động và chọn là điểm chạy trốn khi phạm tội. Trước khi lực lượng Công an chính quy về xã, Quang Kim cũng là điểm nóng về buôn lậu. Bởi thế khối lượng công việc của lực lượng Công an xã càng nhiều hơn. Với nam giới, công việc đã vất vả thì với nữ giới còn vất vả hơn bội phần vì phía sau họ còn cả trách nhiệm với gia đình, chồng con.

Những lá đơn tình nguyện -0
Thượng úy Nguyễn Thu Huyền.

Đang công tác tại phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh nên khi về Công an xã, Huyền bỡ ngỡ nhiều lắm. Công việc nhiều, thường xuyên xuống địa bàn, tiếp xúc với người dân nên thời gian đầu Huyền gặp khá nhiều khó khăn. Vất vả nhất với Huyền là đợt làm CCCD và dữ liệu dân cư.

"Quang Kim tập trung nhiều đồng bào dân tộc Ráy, Dao, nên nhận thức chưa cao, khi có chủ trương làm CCCD, họ bảo không làm. Vậy là anh em phải thường xuyên xuống tận thôn bản để tuyên truyền, vận động. Có những ngày làm đến tận 4-5 giờ sáng mới xong vì ban ngày người dân đi làm, đi nương rẫy, phải đến tối họ mới trở về. Anh em cứ chia ca làm cho đến khi nào hết người mới thôi", Thượng úy Nguyễn Thu Huyền chia sẻ.

Những ngày làm CCCD, có khi mấy ngày liền Huyền không về nhà. Trụ sở Công an xã còn nhỏ, thiếu thốn đủ mọi thứ, anh em đều phải khắc phục chung phòng ở chật chội trong những ngày cao điểm. Hay những ngày bùng phát dịch COVID-19, Huyền cùng anh em trực gần như 100% tại cơ quan, tham gia trực chốt phong tỏa, xuống tận địa bàn tuyên truyền vận động bà con chấp hành biện pháp phòng dịch. Không việc gì là không làm đến, từ trao quyết định xử phạt, treo biển cách ly, thậm chí kiêm luôn nhiệm vụ test COVID-19 cho người dân. Dù đã bảo hộ kĩ càng nhưng cuối cùng chính Huyền cũng bị dính COVID-19 từ lúc nào không hay.

Nhớ lại những ngày đầu tiên mới về xã, tham gia cùng anh em bắt một đối tượng nghiện tàng trữ ma túy, Huyền xông xáo, nhiệt huyết không khác gì nam giới: "Cũng mai phục, rình bắt nhiều ngày liền cùng anh em nam giới. Khi em và các đồng đội ập vào nhà để bắt giữ thì đối tượng theo cửa sau chạy thoát lên đồi. Vậy là cũng lao theo đuổi bắt cùng anh em. Cũng có lúc giật mình sợ đối tượng mang theo hàng nóng, nhưng khi đã vào việc rồi là không kịp nghĩ ngợi gì nhiều", Thượng úy Nguyễn Thu Huyền vui vẻ nhớ lại.

Về cơ sở, niềm vui lớn nhất của lực lượng Công an xã là nhận được sự tin yêu của bà con, dân bản. Nhất là khi có bóng dáng của nữ Công an xã in dấu trên những bản làng thì sự tin yêu, qúy mến càng được nhân đôi.

"Có những câu chuyện dở khóc dở cười bởi việc gì người dân cũng gọi đến Công an. Vợ chồng đánh nhau, không ngủ với nhau cũng gọi Công an. Sửa xe đắt rẻ hay mất trộm con gà con chó. Có nhà, chồng đi uống rượu về đánh vợ cũng gọi Công an xuống, rồi nằng nặc đòi xử cho ly hôn, dù anh em khuyên nhủ hết lời. Có người đi bắt cua ven suối, chủ nhà nhìn thấy cho rằng đã xâm phạm đất nhà nên đòi phạt 5 triệu cũng xách cả giỏ cua cá lên Công an xã đòi giải quyết. Những lúc ấy bọn em chỉ biết cười ra nước mắt", Huyền hài hước chia sẻ.

2. Đại úy Hoàng Thu Hà, cán bộ Công an Thị trấn huyện Bát Xát có hơn 1 năm đi tăng cường về xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Trong năm 2019, thực hiện chủ trương đưa Công an chính quy về xã, chị là một trong số những đồng chí Công an nữ viết đơn xung phong về cơ sở và cùng với 6 nữ Công an khác được phân công về các xã trong đợt đầu triển khai chủ trương này. Trước khi về xã Cam Cọn, Đại úy Hoàng Thu Hà công tác tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Lào Cai. Trong suốt thời gian tăng cường cho Cam Cọn, chị nhận được sự tin yêu tuyệt đối của bà con nhân dân nơi đây.

Những lá đơn tình nguyện -0
Đại úy Hoàng Thu Hà.

Nhớ lại những ngày đầu mới về Cam Cọn, Hà gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. "Công việc của em làm bên hành chính, ít tiếp xúc với người dân, nhưng từ khi xuống xã, tiếp xúc, làm việc nhiều mới thấy có quá nhiều điều mới mẻ, lạ lẫm, thấy gần gũi với người dân và càng thương họ hơn vì cuộc sống quá nghèo đói, thiếu thốn. Cam Cọn khi ấy tình hình ANTT khá phức tạp vì mâu thuẫn đất đai do đang xây dựng sân bay. Trong khi nhận thức của người dân chưa cao, những bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán giữa cán bộ và nhân dân khiến em lúc đầu quay như chong chóng. Nhưng dần dần, được sự ủng hộ của bà con nhân dân, đồng nghiệp, nên mọi thứ dần đi vào ổn định", Hà chia sẻ.

Thời gian đầu mới về xã, mỗi lần đi xuống cơ sở, Hà luôn phải có cán bộ chuyên trách đi cùng vì bất đồng ngôn ngữ. Trước khi đi xuống thôn bản nào là Hà lại tìm hiểu kĩ phong tục tập quán của người dân để dễ dàng giao tiếp, rồi chuẩn bị cả bánh kẹo, quần áo cũ để tặng trẻ em dân bản. Bởi thế mà Hà được bà con dân bản yêu qúy lắm.

Là nữ Công an đầu tiên về với dân bản nên đi đâu Hà cũng nhận được một tình cảm đặc biệt: "Có lần hết giờ làm, vừa ra đến cổng để về nhà đã thấy người dân ôm quả dưa đứng chờ rồi dúi vào tay bắt nhận bằng được. Cứ thấy em xuống bản là họ nằng nặc đòi mời vào nhà ăn cơm, đòi giết gà để đãi cán bộ, thậm chí là mời về nhà ăn tối, nghỉ ngơi, vì có những ngày em ở lại cơ quan làm việc đến tận hôm sau mới về nhưng em đều từ chối. Có lần không từ chối được, đành phải ngồi lại ăn cơm. Mà họ mời ăn món tiết canh, là món em sợ nhất chưa bao giờ động đến. Nhưng họ nhiệt tình quá, không thể từ chối nên đành phải nhắm mắt nhắm mũi ăn bát tiết canh mà nghĩ sợ đến tận bây giờ", Hà cười tươi chia sẻ.

Với Đại úy Hoàng Thu Hà, khó khăn nhất là những ngày làm CCCD và thu thập dữ liệu dân cư, anh em trong tổ công tác phải làm thâu đêm suốt sáng với những trải nghiệm đáng nhớ. "Người dân tộc nói tiếng khó nghe, dù có người phiên dịch nhưng bọn em vẫn phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần mới viết đúng được tên của họ. Chưa kể rất nhiều người không biết chữ, Công an xã phải giúp họ ghi tờ khai nhân khẩu, đọc lại tờ khai cho họ rà soát lại thông tin nên mất nhiều thời gian mới hoàn thành công việc", Đại úy Hà nhớ lại.

Dù cách nhà 50 cây số, đường sá đi lại khó khăn nhưng ngày nào không phải bận việc cơ quan Đại úy Hoàng Thu Hà đều về nhà để chăm lo cho gia đình, con cái. Sau 1 năm tăng cường cho Cam Cọn, tháng 10/2021, Đại úy Hoàng Thu Hà được điều động về Công an thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai.

Khi Hà được về công tác gần nhà hơn thì cũng là lúc chồng Hà được điều động về cơ sở. Vì cùng ngành nên hai vợ chồng đều thấu hiểu cho công việc của nhau. Bởi vậy mà lần đi Cam Cọn, chính chồng chị ủng hộ, động viên vợ viết đơn tình nguyện về với bà con dân bản và ở nhà thay chị chăm lo cho các con để vợ yên tâm công tác.

Ngay cả khi chuyển công tác về Công an thị trấn Bát Xát, Hà bảo sẽ sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào khi có chủ trương. Xung phong về với cơ sở đó là cách chị tự rèn luyện bản thân, thử thách trình độ và quan trọng là được gần gũi, giúp đỡ những đồng bào dân tộc còn nghèo và khó khăn thiếu thốn đủ bề.

Ngọc Trâm
.
.