Những “hiệp sĩ” nơi rừng xanh
Giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng Tây Bắc, hàng ngày vẫn có những bước chân lặng lẽ của người chiến sĩ làm nhiệm vụ rất đặc thù, đó là lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Cảnh sát môi trường) Công an tỉnh Lai Châu - một lực lượng mũi nhọn trong các đơn vị khối Cảnh sát nhân dân.
Ngày cũng như đêm, trong nắng lửa hay mưa rừng, những bước chân của CBCS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn không ngơi nghỉ để bảo vệ cho màu xanh ấy không bị xâm lấn bởi các đối tượng tội phạm. Tội phạm gây án trong lĩnh vực môi trường rất đa dạng, từ phá hủy hệ sinh thái của núi rừng, đến "đầu độc" sức khỏe người dân bằng những hành vi gây tác hại đến đất, thực phẩm, bầu không khí...
Nỗ lực bảo vệ "lá phổi xanh"
Mới gặp, khác với hình dung ban đầu của chúng tôi về vẻ bề ngoài của "dân" đánh án miền biên viễn, khi trò chuyện với phóng viên, trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề, Thượng tá Vũ Tiến Diễn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Lai Châu lại có phong thái như một anh giáo làng nhẹ nhàng, từ tốn, hỏm hỉnh và sâu sắc. \Anh Diễn cho biết, anh vừa mới cùng đồng đội trở về sau chuyến công tác vất vả trèo đèo, lội suối, ngược dốc, đi bộ nhiều kilômét đường rừng để kiểm tra quần thể cây chè cổ thụ, vì nhận thông tin báo về hiện tượng có một số đối tượng xấu đang xúi giục người dân chặt phá, đào cây mang bán sang bên kia biên giới.
Lấy ra vài lá chè cho chúng tôi xem và chia sẻ kiến thức về sự khác biệt giữa chè San Tuyết Lai Châu với những loại chè khác, Thượng tá Vũ Tiến Diễn bộc bạch: "Đấu tranh với tội phạm đâu chỉ có chuyện đấu súng, đánh án ma túy mà có khi là chuyện phòng ngừa, đấu tranh với những hành vi rất đời thường. Cây cối bị chặt phá, không chỉ ảnh hưởng tới hệ sinh thái của núi rừng, nguy cơ sạt lở, lũ quét vào mùa mưa, đe dọa tính mạng tài sản người dân mà chúng ta còn có thể mất đi một giống chè vô cùng quý giá. Rất may, qua khảo sát và điều tra của chúng tôi, thông tin trên không chính xác".
Dẫu vậy, khi lên với bà con, những CBCS Cảnh sát môi trường không chỉ dừng lại ở việc xem cây chè quý cổ thụ còn hay mất, mà các anh dành thời gian vận động, tuyên truyền để bà con dân bản hiểu được vốn quý của quần thể chè san tuyết cổ thụ, cùng nhau bảo vệ, giữ gìn như một bản sắc thiêng liêng của vùng đất cha ông bao đời truyền lại.
"Ở địa bàn rừng núi, công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm cũng là một nhiệm vụ quan trọng" - Thượng tá Vũ Tiến Diễn giải thích thêm khi chúng tôi hỏi về đặc điểm địa bàn vùng núi Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng.
Thời gian qua, mặc dù lực lượng Công an phối hợp với chính quyền, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tuyên truyền rộng rãi đến người dân, phổ biến kiến thức pháp luật và có nhiều khuyến cáo nhằm ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường nhưng tình trạng lén lút săn bắt, mua bán động vật hoang dã vẫn còn diễn ra. Vì vậy, một trong các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị đó là kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những đối tượng săn bắn, mua bán trái phép động vật hoang dã. Nhiều chuyên án đấu tranh với loại tội phạm này đã được Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Lai Châu xác lập, đấu tranh, triệt xóa thành công.
Kỷ niệm được CBCS Phòng Cảnh sát môi trường nhớ mãi, đó chính là lần giải cứu 2 cá thể gấu thoát khỏi những "bàn tay bẩn" để thả chúng về với tự nhiên. Chập tối một ngày mùa hè, tổ công tác của Phòng Cảnh sát môi trường ẩn mình sau những tán cây rừng mật phục một đối tượng mua bán vận chuyển gấu. Từ việc nắm chắc, quản lý tốt địa bàn, các anh phát hiện, Sùng A Dơ (SN 1984, ở bản Pá Bon, xã Nậm Lì, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) mua 2 cá thể gấu từ đối tượng Hảng A Tú ở Chu Va 6, Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu để bán cho một đối tượng khác không rõ danh tính với giá 50 triệu đồng. Hai cá thể gấu đã được giải cứu an toàn. Những ngày sau đó, hai chú gấu này được CBCS trong đơn vị cùng với lực lượng chức năng chăm sóc, khám chữa bệnh cho đến khi khỏe mạnh rồi mới thả về rừng, ngôi nhà tự nhiên của chúng.
Phòng ngừa từ sớm, từ xa những hành vi vi phạm môi trường
Ở Lai Châu, những cánh rừng bạt ngàn, núi non hiểm trở cũng là một trong những khó khăn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường của CBCS Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Lai Châu. Ở miền núi, biên giới, có nơi, đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện về kinh tế - xã hội vẫn còn rất nhiều khó khăn, tập tục lạc hậu, dân trí còn thấp. Hiện nay, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường vẫn còn nhiều tiềm ẩn; phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Mới đây, trực tiếp Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cùng với lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường và tổ công tác đã đi bộ hàng chục kilômét đường rừng "săn" cát tặc ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Và sau mỗi chuyến đi như thế của lực lượng Cảnh sát môi trường, những vạt đồi, thung lũng, dòng suối trên địa bàn tỉnh Lai Châu lại thêm xanh tươi hơn.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Dù công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông môi trường đô thị… đã được các chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công hay cá nhân chú trọng thực hiện đầy đủ các quy định nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường.
Theo đánh giá của cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường, hiện tình trạng vi phạm các quy định về khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã, quý hiếm vẫn còn tái diễn tại một số địa bàn. Vấn đề an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, chợ đầu mối dù đã được tuyên truyền, vận động, xử lý, song nguồn gốc thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát triệt để…
Dù còn nhiều khó khăn nhưng bằng sự chủ động, dám nghĩ, dám làm với những phương pháp, kế hoạch hay, sáng tạo, Phòng Cảnh sát môi trường đã kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh các giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật và giải quyết dứt điểm những tụ điểm phức tạp về môi trường, an toàn thực phẩm.
Nhiều kế hoạch, biện pháp đã được Phòng Cảnh sát môi trường xây dựng, triển khai, phối hợp thực hiện có hiệu quả như: "Dân vận khéo", cử CBCS tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giải quyết khiếu nại về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm trên địa bàn. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên, đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2022…Tính từ giữa tháng 12/2021 đến tháng 5/2022, Phòng Cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý tới 123 vụ, làm việc với 155 đối tượng, 1 tổ chức vi phạm những quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, với sự nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm cao của lãnh đạo, CBCS, Phòng Cảnh sát môi trường đã thực hiện hiệu quả nhiều lĩnh vực, chuyên đề về công nghiệp, xây dựng, môi trường đô thị, tài nguyên, đa dạng sinh học, nông, lâm, ngư nghiệp và an toàn thực phẩm, y tế…
Thời gian tới, từ việc chủ động đánh giá sâu, nhận diện rõ, trúng, đúng những tồn tại, nguy cơ, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu tiếp tục chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng triển khai thực hiện tốt các mặt công tác; đặc biệt là chú trọng đến công tác tuyên truyền, dân vận cho người dân nắm, hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng, mái nhà sinh thái, nơi sinh sống hiện tại để luôn giữ được màu xanh tươi tốt của rừng, góp phần giữ bình yên ngôi nhà xanh Tây Bắc.