Những đêm không ngủ của Cảnh sát cơ động

Thứ Năm, 04/11/2021, 12:28

Về đêm, một số tuyến đường ở thành phố Thanh Hóa và vùng phụ cận tuy bớt nhộn nhịp, nhưng dòng người và các phương tiện tham gia giao thông vẫn còn rất tấp nập; người đi mua sắm, người đi chơi, người thì vội vã trở về tổ ấm khi buổi tăng ca vừa kết thúc... đó là điều rất đỗi bình thường nếu không có sự xuất hiện của những nhóm thanh, thiếu niên không chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Theo chân tổ công tác của Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Công an tỉnh Thanh Hóa tuần tra kiểm soát bảo đảm ANTT trên địa bàn TP Thanh Hóa vào khoảng 21h đêm một ngày cuối tháng 10, chúng tôi ghi nhận được nhiều hình ảnh vi phạm của nhiều nhóm thanh, thiếu niên trên một số tuyến đường. Tại Quốc lộ 47 (đoạn Khu công nghiệp Lễ Môn), xen lẫn những người tham gia giao thông là một tốp thanh, thiếu niên điều khiển xe môtô đi dàn hàng ngang chiếm hết phần đường. Điều dễ dàng nhận thấy là đa số những thanh niên này không đội mũ bảo hiểm, tóc nhuộm xanh đỏ, chở quá số người quy định, điều khiển phương tiện nẹt pô, hò reo cổ vũ làm náo loạn cả đường phố; một số phương tiện không mang biển số, nhiều thanh niên còn bốc đầu xe, lạng lách, đánh võng. Thậm chí, khi thấy lực lượng chức năng, nhóm thanh niên này còn trêu chọc, có lời nói không đúng mực và có hành động khiêu khích lực lượng làm nhiệm vụ.

untitled-1.jpg -0
Phòng CSCĐ Công an tỉnh Thanh Hóa tăng cường lực lượng triển khai các phương án bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Quân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn CSCĐ, Phòng CSCĐ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Qua công tác rà soát, nắm tình hình, trên địa bàn TP Thanh Hóa và các huyện giáp ranh như TP Sầm Sơn, Quảng Xương, Đông Sơn, Hoằng Hóa có trên 11 nhóm, với khoảng 100 đối tượng độ tuổi từ 15 - 20 thường xuyên tụ tập đi xe môtô, xe máy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, chống đối, cản trở lực lượng thi hành nhiệm vụ. Những hành vi này không chỉ đe dọa đến tính mạng cho chính bản thân đối tượng, gây nguy hiểm cho người, phương tiện khi tham gia giao thông mà còn khiến dư luận bức xúc... Không chỉ tăng cường các biện pháp hạn chế các đối tượng vi phạm giao thông, CSCĐ còn trấn áp các đối tượng có biểu hiện manh động,

Trước thực trạng trên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Phòng CSCĐ chủ trì phối hợp với Công an TP Thanh Hóa và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp, tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chỉ từ ngày 5/10/2021 đến nay, lực lượng CSCĐ Công an tỉnh đã bắt giữ, xử lý gần 100 trường hợp vi phạm, trong đó có 7 nhóm thường xuyên tụ tập đông người vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông.

Để vừa bắt giữ được các đối tượng, vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông và chính các đối tượng, các chiến sĩ CSCĐ đã tính toán, vạch ra phương án rất kỹ càng. Tuy nhiên, trên thực tế, khi bị truy bắt, các đối tượng này thường tìm mọi cách để đối phó, kể cả việc chống đối, tháo chạy bạt mạng rất nguy hiểm.

 Thiếu tá Nguyễn Quốc Quân cho biết thêm: Chúng tôi đã xây dựng phương án triển khai rất chi tiết, phân công, bố trí lực lượng cụ thể đến từng người. Nếu những trường hợp cố tình vi phạm, tháo chạy, cán bộ, chiến sĩ không nhất thiết phải đuổi theo, mà sẽ có biện pháp để củng cố tài liệu, chứng cứ để đến tận nơi cư trú của đối tượng có biện pháp răn đe, giáo dục, xử lý nghiêm.

untitled-2.jpg -0
Lực lượng CSCĐ phối hợp với Đội CSGT Công an TP Thanh Hóa bắt giữ một trường hợp vi phạm trật tự ATGT.

Đây là một cách làm mới, mang lại hiệu quả tích cực, được dư luận hết sức đồng tình, ủng hộ. Với phương châm vừa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, vừa tuyên truyền, vận động, giải thích để những người vi phạm nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình, lực lượng CSCĐ ngoài việc tổ chức truy bắt “nóng” các trường hợp vi phạm trên đường, còn thành lập các tổ công tác tiến hành lập hồ sơ, xác minh rõ nơi thường trú, lí lịch của từng đối tượng, đồng thời tổ chức ghi lại hình ảnh vi phạm của đối tượng, nhóm đối tượng, sau đó phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an cơ sở đến tận gia đình mời các đối tượng lên làm việc. Tại đây, các đối tượng được cho xem lại những hình ảnh vi phạm và viết bản tường trình lấy lời khai. Tất cả các trường hợp này đều được thông báo và phối hợp với các gia đình để có biện pháp phối hợp quản lý, giáo dục, răn đe con em mình không tái phạm.

Theo các đồng chí CSCĐ đến nhà Vương Quốc Tùng (17 tuổi), ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa và Nguyễn Văn Hưng (17 tuổi), ở xã Đông Văn, huyện Đông Sơn để thông báo cho gia đình các đối tượng về các hành vi vi phạm của con em mình (đây là 2 đối tượng thường xuyên sử dụng môtô phân khối lớn, tụ tập cùng nhiều thanh, thiếu niên khác điều khiển phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông được lực lượng Cảnh sát cơ động củng cố hồ sơ, tài liệu chứng cứ). Ban đầu, người thân của các đối tượng này cũng hết sức ngạc nhiên vì không tin rằng con em mình lại vi phạm như thế. Nhưng sau khi được lực lượng chức năng cho xem lại chứng cứ, phụ huynh của các đối tượng này rất đồng tình, ủng hộ cách làm của lực lượng Công an, đồng thời cam kết sẽ giáo dục, động viên con em mình không tái phạm.

Qua công tác ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm, thì đa số các em đều trong độ tuổi còn rất trẻ, nhiều em còn chưa đủ tuổi thành niên, nhiều em còn ngồi trên ghế nhà trường, suy nghĩ nông cạn, chưa lường hết hậu quả hành vi vi phạm của mình. Nếu như gia đình quản lý chặt, không tiếp tay (giao phương tiện) cho các em, bên cạnh đó là các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để các em hiểu được hậu quả, tác hại việc làm của mình thì sẽ không để xảy ra tình trạng trên.

Thượng tá Lê Văn Tiên, Phó trưởng phòng CSCĐ, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tùy theo lỗi vi phạm, độ tuổi, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý và phối hợp với các gia đình để tiếp tục quản lý, nhắc nhở, cho các em ký cam kết không tái phạm. Thời gian tới, nếu các trường hợp vi phạm tiếp tục tái phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc, đối với các trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện sẽ xử phạt nghiêm người giao phương tiện. Bên cạnh đó sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng, ban, ngành, đoàn thể xã hội nơi người vi phạm cư trú tổ chức kiểm điểm, phê bình để làm gương; rồi giao cho nhà trường, gia đình tiếp tục quản lý, giáo dục để các em phải tự ý thức, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật.

Ý thức tự giác và văn hóa khi tham gia giao thông là một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm sự an toàn cho mỗi người và cho cộng đồng. Việc bắt giữ, xử lý chỉ là biện pháp cuối cùng. Cái gốc của vấn đề là làm tốt công tác tuyên truyền, kết hợp cùng các gia đình quản lý, giáo dục con em mình để các em tự nâng cao ý thức và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, vấn đề này, lực lượng CSCĐ đang làm rất tốt và được sự ủng hộ rộng lớn của dư luận.

Đình Hợp
.
.