Những cuộc chạy đua cứu người dưới hang sâu

Thứ Năm, 20/04/2023, 07:00

Chạy đua với thời gian, băng qua biển lửa, cứu người bị nạn, ngâm mình dưới đáy sông sâu buốt lạnh tìm kiếm người gặp nạn, vượt qua lũ xiết… Đó là những hình ảnh khắc họa rõ nét sự vất vả, nguy hiểm của những người lính Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), luôn phải đối mặt hàng ngày, hàng giờ. Ở Hà Giang, do đặc thù về địa hình, nhiệm vụ này càng khó khăn gấp bội.

Gần 10 giờ cứu nạn ở độ sâu hơn 50m

11 giờ, ngày 3/4/2023, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Hà Giang nhận tin báo từ Công an huyện Mèo Vạc: Anh Thò Mý Ly rơi xuống hố sâu mấy chục mét ở khu vực thuộc thôn Thào Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, mất tích. Nguyên nhân là do xe ô tô con của tài xế Cao Hoài Đức trú tại quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội điều khiển bị mất phanh, rơi xuống taluy âm cách mặt đường khoảng 14 mét. Chiếc xe rơi đã va vào anh Thò Mý Ly đang đứng gần đó làm anh Ly rơi xuống hang sâu.

1 - lực lượng cứu nạn xuống hang sâu cứu sống người bị rơi tại xã pải lủng, huyện mèo vạc.jpg -0
Lực lượng cứu nạn cứu hộ xuống hang sâu cứu người tại xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc.

Không phút chần chừ, một tổ công tác gồm các cán bộ chiến sĩ tinh nhuệ, có kinh nghiệm trong cứu nạn cứu hộ dưới hang sâu được huy động đến hiện trường cứu nạn. Quãng đường họ phải di chuyển là rất xa (khoảng 180km) trong điều kiện đồi núi chia cắt, địa hình hiểm trở. Thượng tá Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH chỉ đạo tổ công tác phải làm sao vừa đảm bảo an toàn cho lực lượng, vừa bảm đảm thời gian ngắn nhất để tiếp cận hiện trường. Đồng thời chuẩn bị chu đáo những phương tiện, kỹ thuật hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng được nhiệm vụ tại hiện trường.

Thượng uý Nguyễn Huy Hiệu, Tổ trưởng tổ công tác nhớ lại: Khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, trải qua những cung đường hiểm trở, tổ công tác đã đến hiện trường. Sau khi hội ý, trao đổi nhanh với các lực lượng tại địa phương, các thành viên của tổ công tác đã triển khai các biện pháp để tổ chức xuống hang sâu. Tại hiện trường phát hiện có 2 cửa hang, cửa thứ nhất được xác định là vị trí nạn nhân rơi có đường kính 3 mét, cửa hang thứ 2 có đường kính hơn 1 mét. Phía bên trên, chiếc xe ô tô mắc kẹt đã chắn giữa 2 cửa hang. Tổ công tác tiến hành cố định chắc chắn chiếc xe mắc kẹt trước cửa hang để tránh đổ sập thứ cấp, đồng thời dọn sạch đá răm, đá tảng có thể rơi quanh khu vực để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nhận thấy có nhiều nguy hiểm, Thượng uý Nguyễn Huy Hiệu đã trao quyền chỉ huy phía trên cho Thiếu uý Nguyễn Văn Thiện (Tổ phó) và trực tiếp xuống hang sâu tìm kiếm nạn nhân.

Bóng tối kéo đến rất nhanh. Vừa mò mẫm trong hang sâu, các anh vừa chạy đua với thời gian để tìm kiếm và phát hiện nạn nhân trong thời gian ngắn nhất. Rất nhiều lần cơ thể họ bị va vào thành hang toàn đá sắc, đau buốt, nhưng không nề hà. Với những kỹ năng đã được đào tạo, họ cố gắng tìm nạn nhân trong thời gian nhanh nhất. Xuống độ sâu chừng 50m, có tiếng ho, thở dốc và giọng nói yếu ớt, tất cả mừng rơn. Vậy là nạn nhân còn sống. Các anh rà đèn xung quanh xác định vị trí nạn nhân. "Tiếp cận nạn nhân, chúng tôi vui mừng vì anh Thò Mý Ly vẫn còn chút tỉnh táo, vừa sơ cứu, chúng tôi vừa động viên trấn an tinh thần và tìm mọi cách để cứu sống nạn nhân…" - Thượng uý Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại.

Sau khi phối hợp cùng đồng đội bên trên miệng hang, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã đưa được anh Thò Mý Ly lên khỏi hang sâu. Niềm vui vỡ oà trong đêm tối sau từng giờ, từng phút lo lắng, thắc thỏm chờ đợi. Với Thiếu úy Nguyễn Văn Thiện, đây là một kỷ niệm mãi không bao giờ anh quên được: "Chúng tôi mừng rỡ vì nỗ lực của lực lượng CNCH nói riêng, của các cơ quan tham gia cứu hộ nói chung đã được đền đáp. Đây không phải trường hợp đầu tiên tai nạn hang sâu mắc kẹt, nhưng đây sẽ là một trong những kỷ niệm công tác làm nhiệm vụ tôi nhớ nhất vì nạn nhân mắc kẹt rất sâu, việc CNCH mỗi giây, mỗi phút trôi qua luôn phải phối hợp nhịp nhàng. Giây phút nạn nhân được đưa lên, CBCS theo thang dây quay lên lại, trong cái ôm động viên vui mừng, nhiều giọt nước mắt lăn dài vì mọi nỗ lực được đền đáp xứng đáng…".

Dũng cảm đối mặt với hiểm nguy

Trong những năm qua, các chiến sĩ PCCC&CNCH của Công an tỉnh Hà Giang đã làm nên những chiến công thầm lặng. Chạy đua với thời gian, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết để cứu người, chưa bao giờ là đơn giản. Chỉ có sự mưu trí và lòng dũng cảm mới giúp các anh vượt qua bão lũ, những đáy sông lạnh buốt, những hang sâu dựng đứng, thăm thẳm để thực hiện nhiệm vụ CNCH, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Những ngày đầu năm 2020, lực lượng CNCH Công an tỉnh Hà Giang phối hợp với cán bộ CNCH Bộ Công an, Công an thành phố Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Bình Dương và Trường Đại học PCCC đã tham gia cứu nạnnạn nhân bị rơi xuống hang sâu 280 mét tại địa bàn xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn. Nạn nhân là Sùng Mý Say (21 tuổi) trong lúc điều khiển xe máy lên dốc bị hết xăng nên đã bị tụt dốc và rơi xuống hang sâu.

3 - lực lượng cứu nạn cứu hộ công an tỉnh hà giang cứu sống người dân bị lở đất, sập nhà.jpg -0
Lực lượng cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Hà Giang cứu sống người dân bị lở đất, sập nhà.

Thượng tá Nguyễn Văn Tỵ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH nhớ lại: Do hang rất sâu, điều kiện tìm kiếm trong hang rất bất lợi, khó khăn như thiếu ánh sáng, lượng ôxi loãng, quá trình thả dây do cọ sát giữa thang dây và các mỏm đá nhô ra trong hang làm rơi đá vào lực lượng thực hiện nhiệm vụ, bộ đàm không hoạt động được, phải thiết lập các trạm liên lạc bằng lời nói… Trong khi đó, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mưa đá, giông lốc, nước chảy từ trên núi xuống miệng hang, những cán bộ chiến sĩ tham gia cứu nạn thực sự căng thẳng và mệt mỏi bởi nhiễm lạnh, các dây cứu hộ không an toàn do bị ngấm nước và đá sắc nhọn cứa. Mặt khác họ còn phải chịu mùi hôi thối bốc lên do xác động vật, côn trùng phân huỷ và có cả một xác nạn nhân khác đang phân huỷ do bị rơi mà không ai biết. Do hang sâu, thiết bị không đầy đủ nên cuộc tìm kiếm phải dừng lại, đề nghị sự chi viện của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an và các lực lượng khác hỗ trợ. Sau 10 ngày miệt mài mò mẫm, treo mình dưới hang sâu, đoàn tìm kiếm mới tiếp cận được thi thể anh Sùng Mý Say và đưa được lên miệng hang.

Ở một câu chuyện khác, ngày 11/10/2020, hai người dân trú tại xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn không may bị rơi xuống hang sâu trên địa bàn xã. Một nạn nhân may mắn bám được vào thành đá leo lên, còn nạn nhân là Vừ Mí Chơ (21 tuổi) bị trượt chân rơi xuống hang sâu mất tích. Sau 2 ngày triển khai lực lượng và thiết bị cứu hộ, cùng với những giờ làm việc vất vả và căng thẳng, lực lượng CNCH Công an tỉnh đã đưa được nạn nhân ở độ sâu 147 mét lên mặt đất.

Bên cạnh việc tham gia CNCH dưới hang sâu, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Hà Giang đã tổ chức giải cứu thành công các vụ việc trong bão lũ, thiên tai, dầm mình dưới đáy sông lạnh buốt để tìm kiếm người bị đuối nước…

Thượng tá Nguyễn Văn Trường tâm sự: “Có những nhiệm vụ thời gian kéo dài, anh em chiến sĩ tham gia CNCH nhiều lúc đuối sức, nhưng vẫn cố gắng tìm kiếm các nạn nhân. Cái tâm nghề nghiệp không cho phép chúng tôi bỏ cuộc. Mỗi tai nạn, sự cố xảy ra là mỗi tình huống khác nhau, đồng nghĩa với việc phải đối mặt với những khó khăn, phức tạp và nguy hiểm. Với chiến sĩ CNCH, bản lĩnh, lòng quả cảm và sự linh hoạt, mưu trí, dũng cảm là yếu tố vô cùng cần thiết khi làm nhiệm vụ. Đặc thù công việc nguy hiểm, độc hại, đặt ra yêu cầu rất cao, buộc phải nắm bắt được từ kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân, kỹ năng sử dụng thiết bị chuyên dùng, đến kỹ năng thoát hiểm… Do đặc thù của địa bàn, những vụ việc xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, rất mất thời gian di chuyển, nên yếu tố thời gian làm sao để tiếp cận hiện trường một cách sớm nhất được đặt lên hàng đầu.

Biết rằng lắm hiểm nguy, trang thiết bị đảm bảo an toàn còn thiếu thốn, nhiệm vụ đặc biệt, nhưng lực lượng CNCH Công an tỉnh Hà Giang luôn sẵn sàng lên đường, cố gắng hết sức mình vì sự bình yên, an toàn của nhân dân theo tinh thần “Khi dân cần, khi dân khó, có Công an”.

Nguyễn Lân
.
.