Những chiến sĩ "chân trần chí thép" trong bão lũ
Khi tôi ngồi viết bài này tại nhà văn hóa xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai, thì cách đó chỉ chừng hơn trăm mét, lực lượng Công an, Quân đội... đang bất chấp hiểm nguy, chạy đua với thời gian lật tìm đống đất, bụi cây, di chuyển từng khúc gỗ... là những gì còn sót lại của thôn Làng Nủ để tìm kiếm các nạn nhân vẫn đang bị mất tích sau trận lũ quét kinh hoàng.
Dầm mình trong bùn đất tìm các nạn nhân mất tích Làng Nủ
Vượt hàng trăm km đường giữa thời tiết mưa bão, lũ quét, sạt lở ở nhiều điểm, tuyến, sáng 11/9, nhóm phóng viên Báo CAND đã đến được hiện trường vụ lũ quét kinh hoàng ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Để lại chiếc xe ô tô ở ngoài xã, chúng tôi chạy bộ vào thôn Làng Nủ bởi không một phương tiện nào có thể di chuyển được do đường ngập, bùn lầy dâng lên. Phải mất chừng gần nửa tiếng, chúng tôi mới vượt qua được con đường bê tông từ đầu cầu Làng Nủ dẫn vào trong thôn bị ngập sâu trong bùn đất.
Đi bên cạnh chúng tôi là Đại tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của Phòng Cảnh sát PCCC, Trung đoàn CSCĐ vào tăng cường cho các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân vẫn đang bị mất tích. Thời điểm đó, thống kê sơ bộ của ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thôn Làng Nủ thì vẫn còn khoảng hơn 70 nạn nhân bị mất tích. Một cảnh tượng hoang tàn hơn cả thời chiến tranh hiện ra trước mắt chúng tôi và Đại tá Hoàng Mạnh Hùng khi gần như toàn bộ thôn Làng Nủ vốn bình yên, xinh đẹp ngày nào trong phút chốc đã bị lũ quét san phẳng, cuốn phăng không còn dấu tích. Có nhiều gia đình mất gần hết người thân.
Đứng ở sân nhà văn hóa xã Phúc Khánh, bên cạnh là những chiếc quan tài, thi thể của những nạn nhân vừa được tìm thấy dưới đống đổ nát, bùn đất, trong tiếng khóc ai oán thê lương bao trùm cả xã Phúc Khánh, Đại tá Hoàng Mạnh Hùng cùng đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cao, lãnh đạo Quân khu 2 bàn nhanh phương án bổ sung lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Lực lượng Công an sẽ đảm nhận tìm kiếm ở khu vực thượng nguồn nơi xảy ra lũ quét, còn Quân đội sẽ phụ trách phần trung và hạ lưu dòng suối Ủ. Tất cả chạy đua với thời gian, hy vọng sớm tìm được những người dân đang bị vùi lấp trong những đống đổ nát, bùn đất kia.
Chúng tôi cùng CBCS của Công an tỉnh Lào Cai chạy ngược con đường trung tâm thôn dẫn lên phía thượng nguồn của con suối Ủ. Cả một không gian thảm thương hiện ra trước mắt khi dòng nước vẫn ầm ầm đổ từ trên những ngọn núi cao xuống phía dưới khiến dòng suối Ủ chảy xiết không ngừng. Làng Nủ không còn gì ngoài rác rưởi, gạch đá, cây rừng hỗn tạp, cuốn chặt lấy nhau giữa nước và bùn đất đặc quánh, trong tiếng khóc ai oán, thê lương của những người sống sót ít ỏi còn lại.
Bất chấp dòng nước lũ vẫn đang chảy, với những vật nguy hiểm dưới dòng nước đục, trong bùn nhão, những CBCS của Công an tỉnh Lào Cai mà nhiều người trong số đó chỉ bằng đôi chân trần lao xuống dòng suối Ủ để mò, tìm các nạn nhân mất tích.
Đẫm mình dưới bùn đất với CBCS, Đại tá Hoàng Mạnh Hùng liên tục chỉ đạo các tổ triển khai việc tìm kiếm theo phương châm dễ tìm trước, khó tìm sau, tập trung vào những khu vực, vị trí nghi vấn có người bị vùi lấp và phải đảm bảo an toàn cho chính bản thân trong quá trình tìm kiếm nạn nhân. Tiếp đó, Đại tá Cao Minh Huyền, Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai sau cuộc họp với lãnh đạo Tỉnh ủy bàn phương án tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trên toàn tỉnh cũng vội vàng trở về hiện trường thôn Làng Nủ để trực tiếp chỉ huy công tác tìm kiếm các nạn nhân và hỗ trợ người sống sót.
Dân cần Công an có, dân khó có Công an
Sau chừng 2 giờ đồng hồ, một thi thể nạn nhân được tìm thấy, khiêng lên bờ, đưa nhanh ra khu vực gần sân nhà văn hóa xã Phúc Khánh để phối hợp với chính quyền địa phương, nhân dân nhận dạng, làm thủ tục khâm liệm, an táng. Tiếp đó, thêm một thi thể không nguyên vẹn của người dân nằm sâu dưới lớp bùn đất, gỗ tạp được đưa lên. Phán đoán phần còn lại của thi thể có khả năng ở gần đó, lãnh đạo và CBCS Công an tập trung khiêng những tấm, khúc gỗ lớn dọn hiện trường và chừng hơn 1 giờ tìm kiếm, thi thể hoàn chỉnh của nạn nhân đã được tìm thấy, ghép lại, đưa lên trong nỗi đau đớn đến tột cùng của người dân Làng Nủ.
Chẳng thể kể hết được hàng trăm tên tuổi, cấp bậc của các CBCS Công an tỉnh Lào Cai tham gia cuộc tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ tại đây. Khi được hỏi, bất cứ CBCS nào cũng chỉ có một tâm niệm duy nhất là nhanh chóng chạy đua với thời gian tìm kiếm các nạn nhân, dù biết ở dưới kia là nguy hiểm, thương vong có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Một ngày tìm kiếm của lực lượng Công an, Quân đội kéo dài từ sáng sớm cho đến khi ánh sáng trên đỉnh núi Voi đã tắt. Những tiếng khóc hờ ai oán của người dân trong thôn Làng Nủ vẫn văng vẳng trong gió, nghe đến thê lương, buốt lòng. Trong khi lực lượng cứu nạn, cứu hộ dầm mình dưới bùn đất tìm kiếm các nạn nhân thì ở trên bờ, các đơn vị khác của Công an tỉnh Lào Cai cũng tất bật lo ổn định cuộc sống cho những người sống sót và hỗ trợ khâm liệm, chôn cất các nạn nhân xấu số...
Để đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ, khi những dấu hiệu sạt lở, lũ quét vẫn hiện hữu, ngay trong đêm, toàn bộ lực lượng cứu hộ được lệnh hành quân ra ngoài khu vực nguy hiểm, sáng sớm hôm sau lại có mặt tiếp tục cuộc tìm kiếm. Những hộ dân còn lại trong thôn Làng Nủ và người dân trong xã Phúc Khánh trước đó đã được lực lượng Công an, Quân đội di chuyển đến địa điểm an toàn, chăm lo ăn ở, động viên tinh thần.
Trong suốt những ngày tìm kiếm, không kể xiết những hy sinh thầm lặng của CBCS Công an tỉnh Lào Cai, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc của Bộ Công an và các lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Đó là thiếu thốn toàn diện cả về nơi ăn, chốn nghỉ và sinh hoạt trong điều kiện thấp nhất. CBCS không có nước để tắm rửa, mặc nguyên quần áo ướt sũng bùn đất vài ngày là chuyện “bình thường”, ăn ngủ gần các khu vực sạt lở, hiện trường lũ quét...
Trong bộ quần áo lấm lem bùn đất, khuôn mặt phờ phạc vì nhiều ngày thức trắng tham gia chỉ huy lực lượng tìm kiếm, Đại tá Hoàng Mạnh Hùng cho biết, không thể kể hết những tấm gương dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của lãnh đạo, chỉ huy và CBCS các đơn vị trong tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giúp nhân dân trong bão lũ.
Ví như trong sáng 10/9 xảy ra vụ lũ quét kinh hoàng ở thôn Làng Nủ thì trước đó vài giờ, Công an xã Bản Cái, huyện Bắc Hà nhận được tin báo của một công nhân về việc đã xảy ra vụ sạt lở đất làm sập nhà điều hành thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc khiến nhiều người bị vùi lấp. Công an xã Bản Cái phối hợp với chính quyền địa phương triển khai ngay các biện pháp cứu nạn, cứu hộ theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, đồng thời cử Trung úy Lý Thành Nam cắt rừng, đi bộ hơn 10 km, rà sóng điện thoại tại nhiều khu vực để tìm cách thông báo về trung tâm chỉ huy Công an huyện. Đến 1h chiều cùng ngày, sau khi nhận được tin báo của Trung úy Lý Thành Nam, Công an huyện Bắc Hà đã huy động lực lượng tìm cách tiếp cận hiện trường, tìm kiếm người bị nạn.
Hay, như câu chuyện Đại úy Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Công an xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cùng với CBCS trong đơn vị gùi mì tôm, lương thực băng rừng vượt suối ngày đêm đi tìm kiếm 115 người dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu bị mất tích vì sạt lở, lũ quét cũng khiến mọi người òa lên vì xúc động, mừng vui đến nghẹn ngào khi toàn bộ người dân trong thôn đã được lực lượng Công an tìm thấy, an toàn trên núi.
Những gói mì tôm trên vai người chiến sĩ Công an đã trở thành lương thực duy nhất giúp người dân nơi này vượt qua cái đói trong nhiều ngày mưa bão. Còn trên khắp cả nước, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh những CBCS Công an, Quân đội... hết lòng vì nhân dân phục vụ, dầm mình trong mưa bão, chấp nhận hy sinh, thiệt thòi cá nhân, gia đình để tìm dân, cứu dân...