Như hoa hướng dương
Xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) những ngày tháng mới. Hôm nay xã Ngọc Chiến đã khoác lên mình “bộ trang phục” mới, để lại phía sau những ngày u mê trong khói thuốc của nhiều thanh niên trai tráng.
Nhớ lại những năm tháng cũ, “cơn lốc ma túy” tràn qua xã vùng cao Ngọc Chiến đã phá vỡ sự yên bình của vùng quê nơi đây. Có lúc cao điểm, trên địa bàn xã có hàng trăm người chấp hành xong án phạt tù, hoàn thành cai nghiện trở về địa phương. Ngày đó, ma túy trở thành “cơn đau đầu” của cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Công an.
Bỏ lại những ngày tháng cũ
Ngược đường, ngược dốc từ trung tâm xã khoảng 30 phút lái xe, tôi tới bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, đây là bản người Mông xa nhất, cao nhất và cũng là bản đẹp nhất của xã Ngọc Chiến trong ấn tượng của nhiều du khách. Nhớ lại những năm tháng cũ, ông Phàng A Chống, bản Nậm Nghẹp, nói: “Nghiện ma túy khiến bao nhiêu của cải trong nhà “đội nón” ra đi, cuộc sống khó khăn. Sau khi cai nghiện trở về địa phương, được chính quyền và lực lượng Công an động viên, tôi tham gia tổ xe ôm “Hoa hướng dương” của mô hình “Sau cai nghiện ma túy”, được giao xe và chở khách du lịch tham quan bản và đỉnh Tà Chì Nhù, nhờ đó cuộc sống đỡ vất vả, có thêm nguồn thu nhập ổn định để lo cho gia đình.
Từ khi có công việc ổn định, căn nhà ông Chống và vợ cũng bớt lạnh lẽo sau những ngày đắm chìm trong khói “cơm đen”. Bà Giàng Thị Chừ, vợ của ông Phàng A Chống phấn khởi khi chồng mình đã chấm dứt với “nàng tiên nâu”, giờ đây tu chí làm ăn. Ông chăm chỉ làm xe ôm chở khách du lịch, cũng có đồng ra đồng vào, còn bà ở nhà nuôi lợn, nuôi gà cải thiện cuộc sống.
Cũng như ông Chống, anh Lò Văn Bộ ở bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến kinh tế đã dần ổn định khi trở thành tổ trưởng của tổ xe ôm “Hoa hướng dương”. Vừa rửa chiếc xe được Công an xã cấp phát, anh bộc bạch: “Tôi nghiện ma túy từ năm 2015, đến 2018 mới đi cai, trở về địa phương năm 2020. Lúc tôi nghiện, có cái gì là mang bán đi hết, cả gia đình khổ vì mình. Con cái cũng bỏ đi, không nhìn mặt. Tôi cứ lao đi theo ma túy thôi, lúc có thì mới về nhà, không có là không có nhà, đi mấy ngày liền. Không được ăn được ngủ, nói chung quá khổ”. Đến bây giờ, khi làm nghề xe ôm chở khách du lịch cùng với làm thêm nghề trồng hoa hồng, có tháng anh thu nhập hơn 10 triệu đồng, đối với anh đây là nguồn thu nhập mà chưa bao giờ anh có thể nghĩ tới.
Chia sẻ thêm, anh Bộ cho biết: Những ngày đầu trở về với cộng đồng, bản thân anh không nghĩ mình lại nhận được sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương, đặc biệt là Thiếu tá Lê Ngọc Dũng, Trưởng Công an xã và các anh Công an xã. Hằng tháng, Công an xã và các anh trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đều qua nhà thăm hỏi như người nhà, hướng dẫn tôi làm thủ tục nhập khẩu, làm căn cước. “Nhờ thế mà tôi bớt dần cảm giác chông chênh, mặc cảm về quá khứ, quyết tâm làm lại cuộc đời sau thời gian dài tách khỏi cộng đồng”, anh Bộ chia sẻ.
Mô hình “Hoa hướng dương” đã tạo mức thu nhập ổn định từ 5-8 triệu đồng/người cho 16 người đang trong diện quản lý sau cai nghiện trên địa bàn xã Ngọc Chiến. Các thành viên “Hoa hướng dương” sau khi được bàn giao xe mô tô từ nguồn xã hội hóa đã sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, từ những chiếc xe mô tô được hỗ trợ đã tạo nguồn thu nhập chính cho các thành viên tổ xe ôm thông qua phục vụ chở khách du lịch trên địa bàn xã Ngọc Chiến đi đến các điểm du lịch, như: bản Nậm Nghẹp, đỉnh Tà Chì Nhù...
Nhận thấy phần lớn những người lầm lỡ sau khi chấp hành xong án phạt tù hoặc cai nghiện tập trung trở về địa phương đều gặp khó khăn về đời sống kinh tế, không có việc làm và thu nhập, rất dễ quay lại con đường cũ, Công an huyện đã chỉ đạo Công an cơ sở phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể ở xã làm tốt các hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ những người lầm lỡ xây dựng nhà mái ấm tình thương, nhà đại đoàn kết, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống... Ngoài ra, Công an huyện Mường La đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Quỹ Tín dụng nhân dân xã, tạo điều kiện cho người sau cai, người lầm lỡ vay vốn phát triển kinh tế, vượt qua mặc cảm, vươn lên làm lại cuộc đời...
Nhân rộng mô hình “Hoa hướng dương”
Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó trưởng Công an huyện Mường La, người rất tâm huyết đối với tổ xe ôm “Hoa hướng dương” cho biết: “Qua một năm hoạt động, tổ xe ôm “Hoa hướng dương” xã Ngọc Chiến mang lại hiệu quả thiết thực, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn huyện giúp đỡ những người sau nghiện. Chính họ được hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ về việc làm để họ tái hòa nhập, có thu nhập ổn định”.
Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, người chứng kiến sự phát triển của tổ xe ôm ngay từ những ngày đầu, cho biết: tổ xe ôm “Hoa hướng dương” - “bông hoa hướng về ánh mặt trời, hướng về những điều thiện lành”, ngay cái tên đã thể hiện tính nhân văn, đây cũng là mong muốn của Đảng bộ, UBND xã Ngọc Chiến, mong muốn người sau cai nghiện luôn hướng về điều tích cực và bỏ lại sau lưng những lầm lỡ, những điều không vui, quyết tâm làm lại cuộc đời. Đảng ủy xã đã và đang tiếp tục chỉ đạo triển khai mô hình quản lý sau cai trên địa bàn, kêu gọi xã hội hóa các doanh nghiệp, nhân dân của 15 bản hỗ trợ kinh phí mua con giống, cây trồng hỗ trợ cho người sau cai nghiện phát triển sản xuất.
Theo Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó trưởng Công an huyện Mường La: ngoài công tác đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội thì công tác giúp đỡ người sau cai nghiện, người mãn hạn tù nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, có công ăn việc làm ổn định để không nghiện hút, tái phạm là một phần quan trọng trong chương trình, hành động của toàn đơn vị.
Từ hiệu quả mô hình giúp đỡ người sau cai nghiện ở xã Ngọc Chiến, tháng 6/2024, Công an huyện Mường La đã tham mưu đề xuất Ban chỉ huy Công an huyện ban hành kế hoạch mở rộng mô hình “Hỗ trợ giải quyết việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy, người nghiện ma túy đang điều trị nghiện bằng thuốc thay thế trên địa bàn huyện”.
Với mục tiêu, mỗi một xã có một mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người quản lý sau cai và người nghiện đang điều trị bằng thuốc thay thế; 100% người hoàn thành chương trình cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy được quản lý, tư vấn, giám sát, hỗ trợ, giúp đỡ tìm kiếm việc làm; 100% người nghiện đang điều trị nghiện bằng thuốc thay thế được quản lý, giám sát, tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề...
Đến nay, 100% các xã, thị trấn đã tổ chức rà soát tình hình quản lý người sau cai nghiện; thành lập các ban quản lý tự quản sau cai, ban hành quy chế hoạt động, xây dựng các mô hình và nội quy của hỗ trợ giải quyết việc làm, một số địa phương đã bắt đầu triển khai mô hình.
Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Mường La và sự vào cuộc quyết liệt của Công an huyện cùng các đơn vị liên quan, đã bước đầu hỗ trợ tạo việc làm cho người lầm lỡ xóa bỏ tự ti, mặc cảm, hòa nhập cộng đồng để có cuộc sống ổn định, góp phần từng bước hạn chế việc người sau cai nghiện tái phạm, vi phạm pháp luật, thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”...
Quá khứ đã lùi dần vào bóng tối, để lại ánh sáng cho tương lai. Những tài xế, “hướng dẫn viên” của tổ xe ôm “Hoa hướng dương” đã và đang tiếp tục cần mẫn trong hành trình xây dựng cuộc sống mới trên chính quê hương mình. Và, chính họ - những tấm gương để những người cùng hoàn cảnh học tập, cùng đồng hành hướng về tương lai tốt đẹp hơn.