Người gác cổng thầm lặng

Thứ Năm, 05/01/2023, 07:26

Gắn bó với Trại giam Hoàng Tiến ngót nghét cũng gần 20 năm, chứng kiến biết bao nhiêu phạm nhân vào rồi ra trại, bao nhiêu đồng đội đến rồi đi, bao câu chuyện buồn vui trong một thế giới thu nhỏ của trại giam, Trung tá Đặng Văn Hìu chẳng khác gì một kho tư liệu sống của Trại. Anh được đồng đội yêu quý gọi là "lão làng" bởi sự chín chắn, từng trải và cả khả năng có thể cảm hóa những thành phần bất hảo.

Từ sáng sớm, khi các buồng giam tại Phân trại số 1, Trại giam Hoàng Tiến mở ra là hàng trăm phạm nhân đã quần áo chỉnh tề chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Đây cũng là thời điểm các cán bộ, quản giáo trong trại giam kiểm tra quân số ở các buồng giam. Trung tá Đặng Văn Hìu ân cần hỏi han các tổ trưởng phạm nhân về tình hình sức khỏe cũng như tâm tư, nguyện vọng của những phạm nhân sau một đêm nghỉ ngơi. Khi nghe báo cáo mọi vấn đề diễn ra trong buồng giam đêm qua ổn định, anh mới thở phào nhẹ nhõm.

image_6487327.jpg -0
Trung tá Đặng Văn Hìu tại phòng làm việc.

Sinh năm 1976 nhưng nhìn Trung tá Đặng Văn Hìu khắc khổ, già dặn hơn so với cái tuổi 46 của mình. Quả thật, nếu cần quay phim, chụp ảnh tư liệu về hình ảnh đặc trưng của người quản giáo thuộc những thập kỷ xa xưa, thì Trung tá Đặng Văn Hìu là một lựa chọn chính xác. Chỉ cần anh đội lên chiếc mũ cối giản dị là đã toát lên cái nét rất riêng của thế hệ quản giáo xưa cũ. Đích thân đồng chí Đại tá Nguyễn Thành Công, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến giới thiệu Trung tá Đặng Văn Hìu cho chúng tôi viết bài. Đại tá Nguyễn Thành Công nói, với Trại giam Hoàng Tiến, Trung tá Đặng Văn Hìu là gương mặt điển hình, một người quản giáo hiền lành, tận tâm, hết lòng vì công việc.

Trung tá Đặng Văn Hìu là cán bộ quản giáo buồng giam phân trại số 1 thuộc Trại giam Hoàng Tiến. Công việc hàng ngày của anh là thực hiện nhiệm vụ xuất nhập phạm nhân ra vào cổng trại đảm bảo tuyệt đối an toàn, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào cơ quan, không để các đối tượng xấu lợi dụng sơ hở, trà trộn xâm nhập để phá hoại, trộm cắp tài sản, kiểm tra buồng giam, tìm hiểu sức khỏe, tâm tư, nguyện vọng của các phạm nhân và tham gia tuyên truyền pháp luật. Nói đến anh, đồng nghiệp đều vui vẻ gọi là "lão làng". Mọi hành động, cử chỉ điềm đạm, chín chắn và sự ân cần của anh được hầu hết các phạm nhân tin tưởng, quý mến, còn đồng nghiệp thì cảm phục.

Chia sẻ cái duyên đến với nghề quản giáo, anh bảo, trước đây khi còn trẻ, anh cũng từng mơ ước làm Cảnh sát hình sự, được thực hiện những cuộc rượt đuổi, truy bắt tội phạm như trong phim hành động. Nhưng sau thời gian học tập và làm công tác quản giáo thì những số phận con người, những hoàn cảnh đặc biệt có gì đó như thúc đẩy rất cần anh chia sẻ khiến anh ngày càng gắn bó với công việc này.

Sau khi học xong chuyên ngành Cảnh sát trại giam, anh về công tác tại Gia Lai trong khoảng thời gian 8 năm. Sau đó năm 2005, vì điều kiện gia đình anh xin chuyển về Trại giam Hoàng Tiến để tiện đường đi lại, chăm sóc gia đình. Gọi là về gần nhà, nhưng hiếm khi anh có thời gian rảnh rỗi về thăm vợ con. Thời gian ở Trại giam nhiều hơn ở nhà. "Chúng tôi hay đùa nhau, phạm nhân ở tù còn có thời hạn để trở về, nhưng với anh em quản giáo gần như là không có thời hạn, chỉ đến khi nghỉ hưu mới được mãn hạn tù", Trung tá Đặng Văn Hìu cười tươi chia sẻ.

Với nhiều người đó có thể là công việc nhàm chán, khi ngày ngày ở một vị trí, gặp bằng ấy phạm nhân, chào hỏi bằng ấy câu, nhưng với Trung tá Đặng Văn Hìu, anh coi đó là công việc thú vị bởi gần 20 năm gắn bó với Trại, anh chứng kiến được những đổi thay của Trại giam, những phận đời và cả những thay đổi của phạm nhân trước và sau khi vào, ra trại. Có những câu chuyện, những kỉ niệm mà mỗi lần nhắc đến lại như thước phim quay chậm, in hằn trong tâm trí anh.

image_6487327-2.jpg -0
Dưới sự giúp đỡ của các quản giáo như Trung tá Đặng Văn Hìu, nhiều phạm nhân cải tạo tốt được đặc xá trước thời hạn.

Nhớ lại một lần cấp cứu kịp thời một phạm nhân bị tai biến thể nhẹ, anh vẫn không thể nào quên. Đó là phạm nhân Nguyễn Xuân Thẩm, quê ở Mỹ Hào, Hưng Yên. Ông Thẩm đã ngoài 60 tuổi, án chung thân. Tuổi cao sức yếu, cộng với tiền sử từng bị tai biến nên phạm nhân Thẩm được các cán bộ quản giáo quan tâm hỏi han thường xuyên và ưu tiên làm công việc nhẹ nhàng. Một hôm đang làm việc bình thường như mọi ngày, ông Thẩm đột ngột lên cơn tai biến, phạm nhận này chỉ kịp ú ớ gọi người làm cùng rồi lịm đi.

Nhận được thông tin, ngay lập tức Trung tá Đặng Văn Hìu cùng cán bộ y tế có mặt tại hiện trường cấp cứu người bị nạn. May mắn nhờ sự nhanh nhạy của anh và các đồng đội mà phạm nhân Thẩm qua cơn nguy kịch. Lần ấy, phạm nhân Thẩm chỉ biết xúc động nước mắt sụt sùi nắm tay anh cảm ơn. Khi người nhà ông Thẩm đến thăm, họ cũng xin gặp anh bằng được để nói lời cảm ơn người quản giáo tốt bụng đã từng hai lần giúp người thân của mình vượt qua cơn tai biến nguy hiểm.

Trong cuộc đời làm quản giáo, Trung tá Đặng Văn Hìu đã gặp gỡ, giúp đỡ, cảm hóa biết bao nhiêu phạm nhân lầm lỡ, từ những lúc họ bước vào trại cho đến lúc mãn hạn tù trở về hòa nhập với cuộc sống. Có phạm nhân khi vào Trại là đã hiểu được quy định mình phải chấp hành nhưng cũng không ít người tỏ ra chán nản, tìm cách chống đối. Theo Trung tá Đặng Văn Hìu, điều khó khăn nhất đối với công việc giáo dục một phạm nhân là giúp họ thay đổi nhận thức, thay đổi từ sâu bên trong, biết điều chỉnh hành vi của bản thân để sống và cải tạo tốt hơn. Giúp họ hiểu rằng con đường ngắn nhất được trở về nhà chính là cải tạo tốt.

"Mỗi người khi rơi vào vòng lao lý đều có tâm lý hoang mang, lo sợ. Vì thế, người quản giáo phải như giáo viên tâm lý để giúp họ vượt qua được lo lắng của giai đoạn đầu. Có người cố tình phá phách để giải tỏa căng thẳng nhưng cũng có người khóc lóc hoặc trầm tư với tâm thế buông xuôi, bất cần. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố khơi dậy bản năng lương thiện trong mỗi phạm nhân để họ hiểu và chấp hành các quy định nơi giam giữ tốt hơn", Trung tá Đặng Văn Hìu chia sẻ.

Có nhiều phạm nhân ra trại đã quay lại tìm anh Hìu để cảm ơn, bởi trong những tháng ngày gian khó nhất của đời người, tưởng như có lúc gục ngã, họ lại tìm được một chốn nương náu về tinh thần, bởi nhờ sự ấm áp chia sẻ và bao dung của anh, họ đã có ý thức cải tạo tốt để rồi sớm được ra tù trước thời hạn, trở về với gia đình.

Như trường hợp của phạm nhân Nguyễn Xuân Thọ, quê ở Hải Dương, bị kết án 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những ngày đầu nhập trại, Nguyễn Xuân Thọ chán chường, muốn buông xuôi tất cả, có lúc anh này còn nghĩ quẩn nên có những thái độ, lời nói bất thường. Nắm bắt kịp thời tâm lý phạm nhân Thọ, anh Hìu đã gặp gỡ động viên, sốc lại tinh thần cho Thọ, từ đó anh này yên tâm cải tạo lao động và được ra tù trước thời hạn. Dù đã trở về quê nhưng năm nào anh Thọ cũng quay lại Trại giam Hoàng Tiến để tặng quà, gửi lời cảm ơn chân thành đến các quản giáo nơi đây, đặc biệt là Trung tá Đặng Văn Hìu.

Những ngày giáp Tết, tâm lý phạm nhân khi nào cũng chông chênh nhất, vì họ nhớ nhà, nhớ vợ chồng, con cái, nhớ những cái Tết đầm ấm sum họp. Bởi thế, thời điểm này là thời điểm nhạy cảm dễ khiến phạm nhân dao động tư tưởng, nảy sinh hành động tiêu cực, thế nên những quản giáo như Trung tá Đặng Văn Hìu luôn dành thời gian quan tâm, chia sẻ với họ giai đoạn này nhiều hơn. Anh nói vui: "Có khi Tết nhà mình chưa biết ăn gì, mua gì, sắm gì, nhưng Tết của phạm nhân thì phải đầy đủ và họ luôn được tổ chức ăn Tết sớm hơn cán bộ".

Đó cũng là cách mà các cán bộ trại giam giúp các phạm nhân vơi bớt đi nỗi nhớ nhà, giúp họ có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm để tinh thần yên tâm cải tạo, sớm trở về với gia đình.

Hiền Trâm
.
.