Nghệ sĩ Hà Nhi: "Tôi biết làm gì nếu phải rời xa nghệ thuật"

Thứ Năm, 09/09/2021, 13:43

Mùa dịch COVID-19 không phải biểu diễn xa nhà nhưng để trò chuyện với Thiếu tá Trịnh Thị Hà Nhi, Đoàn phó Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân (CAND - Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) thật không dễ. Hết công việc cơ quan, chị lại bận rộn với công việc gia đình. Nhưng rồi sau năm lần, bảy lượt kiên trì hẹn, tôi đã được trò chuyện cùng chị để hiểu thêm về công việc lặng thầm của người nữ quản lý một đơn vị làm nhiệm vụ hết sức đặc biệt, đó là lan tỏa rộng rãi hơn nữa hình ảnh người chiến sĩ CAND gần gũi, thân thiện trong lòng nhân dân.

Sẵn sàng đi bán xôi, bán bánh mỳ pa tê…

Thỉnh thoảng vào Facebook cá nhân của Thiếu tá Trịnh Thị Hà Nhi, tôi được nghe chị hát Livestream những ca khúc mà mình yêu thích bằng một giọng hát mỏng manh như cơn gió thoảng mùa Thu. Bằng linh cảm của mình, tôi nhận thấy đó là một trái tim tinh khiết, rung động trước mọi chuyển động và cung bậc của tình cảm. Tinh tế lại có gì đó chịu đựng nhưng màu giọng sáng chất chứa nhiều niềm lạc quan và hy vọng. Đó hẳn là người con gái nhẹ nhàng, tinh tế nhưng mạch lạc, nghiêm khắc trong quản lý… Và khi được trò chuyện cùng chị, tôi lại càng chiêm nghiệm những cảm nhận ấy là hoàn toàn có cơ sở.

received_201268882066265.jpeg -0
Thiếu tá Trịnh Thị Hà Nhi.

Sinh năm 1983 tại huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên), cô bé Hà Nhi sớm bộc lộ năng khiếu và có mơ ước được theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng bố chị là người yêu âm nhạc, còn mẹ là cô giáo dạy mầm non nên từ những năm lên 3, 4 tuổi chị đã được đi biểu diễn ở nhiều nơi. “Học tài thi phận”, trớ trêu thay là năm đầu chị lại thi trượt và để thuyết phục bố mẹ được thử sức thêm năm nữa, chị đã làm đủ nghề để khẳng định mình.

“Tôi đã sẵn sàng đi bán xôi, bánh mỳ pa tê vào buổi sáng để tiết kiệm tiền theo đuổi ước mơ vì học âm nhạc khá tốn kém. Đồng thời, tôi cũng dành nhiều thời gian để tự ôn luyện. Và quả ngọt đã đến khi năm sau đó, tôi cùng lúc đỗ hai trường là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Cuối cùng tôi đã chọn học Khoa Sư phạm âm nhạc, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội” - chị chia sẻ.

Người thầy trong trường đại học có ảnh hưởng rất lớn đến chị là Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên và Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Xuân. Chị còn nhớ người thầy, tác giả của những ca khúc nổi tiếng như “Em chọn lối này”; “Cắt nửa vầng trăng”… từng căn dặn: “Đã lựa chọn con đường âm nhạc thì ngoài năng khiếu, các em phải thật sự đam mê, cố gắng, chịu khó tìm tòi và trải nghiệm trên các cung bậc của nó để có thể phát triển cả mảng biểu diễn lẫn sáng tác, chỉ đạo nghệ thuật…”. Và như lời nhận xét của Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Xuân gần đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nữ nghệ sĩ quê nhãn: “Qua 4 năm trực tiếp giảng dạy, tôi thấy Hà Nhi rất thông minh và có niềm đam mê cháy bỏng với thanh nhạc. Tôi thấy ở em sự tiến bộ rất nhanh, quãng âm thanh phát triển tốt, dần dần em đã hát được cả nhạc nhẹ, nhạc thính phòng, trong đó có những bài hát đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc cao. Hiện nay mặc dù đã trên cương vị quản lý nhưng Hà Nhi không những giữ được chuyên môn thanh nhạc mà còn có thêm sự trải nghiệm để giọng hát ngày càng hoàn thiện hơn”.

Những hy sinh thầm lặng

 Thiếu tá Hà Nhi đã có tổng thời gian 19 năm công tác tại Đoàn Nghi lễ CAND. Môi trường này luôn đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ biết múa, hát mà còn biết nhiều loại hình nghệ thuật khác để phục vụ tốt nhất nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Trong ký ức của mình, chị còn nhớ như in những ngày đầu biểu diễn tình nguyện trên những vùng cao, vùng đồng bào còn nhiều khó khăn: “Với chi phí hạn hẹp đề xuất được thì để chương trình nghệ thuật có thêm hình ảnh, màu sắc, hấp dẫn và chuyên nghiệp hơn anh em trong Đoàn đã cùng nhau đóng góp thêm chi phí. Việc đi sớm về khuya là chuyện bình thường. Vì nhà xa nên có chương trình tôi phải đi từ 3 rưỡi, 4 giờ sáng và trở về nhà lúc 1 giờ sáng hôm sau”, - chị nhớ lại.

Nữ Thiếu tá luôn tự hào khi được đem đến cho nhân dân và nhất là bà con dân bản vùng sâu, vùng xa những chương trình nghệ thuật để họ có cái nhìn đầy đủ toàn diện về người chiến sĩ CAND, không chỉ là giỏi trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự mà còn là những người nghệ sĩ tài năng, có tâm hồn bay bổng, lãng mạn. Chị kể, gần 20 năm trước trong chuyến tình nguyện mang tiếng hát cho bà con ở huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), dưới mưa rét căm căm - 10 độ C nhưng các nghệ sĩ vẫn “cháy” hết mình trên “sân khấu”.

nhi 1.jpg -0
Thiếu tá Trịnh Thị Hà Nhi trong lần cùng Đoàn nghi lễ Công an nhân dân biểu diễn tại Bờ Hồ Hoàn Kiếm năm 2019.

Nói là “sân khấu” nhưng thực chất là những bãi đất đá gồ ghề nên trong lần biểu diễn ở vùng cao Hà Giang khi hát xong bài này chị chạy nhanh vào trong thay đồ để hát bài khác thì vấp phải hòn đá bật cả móng chân, chảy cả máu nhưng vẫn ra diễn… như không. Khó khăn không làm các nghệ sĩ nhụt chí bởi lúc ấy khao khát được đem lời ca tiếng hát cùng những hình ảnh sinh động, gần gũi về người chiến sĩ CAND “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” là nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả, thiêng liêng.

Luôn trong tư thế sẵn sàng

Đoàn Nghi lễ CAND hiện nay có 2 đội là đội nhạc lễ và đội nghệ thuật tuyên truyền thì Thiếu tá Hà Nhi phụ trách công tác nghệ thuật tuyên truyền. Nghệ thuật vốn là lĩnh vực rất rộng mà bản thân chị chỉ được đào tạo về sư phạm âm nhạc nên việc dàn dựng, xây dựng nội dung, chỉ đạo nghệ thuật là thử thách không nhỏ. Hơn nữa, bước vào thời đại 4.0 khi nhu cầu của công chúng ngày càng cao đòi hỏi những người làm nghệ thuật như chị phải luôn đổi mới về hình thức, nội dung, lúc nào cũng cần sự kĩ càng, cẩn trọng và nắm bắt kịp thời nhịp sống, hơi thở của thời đại. Bởi thế chị đã phải “gồng mình” với nhiệm vụ được giao để đem đến “bữa tiệc” nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng cho khán giả mà “bữa tiệc” này tuy mới nhưng không lạ, tuy cũ nhưng không nhàm chán.

Những ngày này khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các nghệ sĩ của Đoàn Nghi lễ CAND không thể đi biểu diễn nhưng họ vẫn không ngừng luyện tập luyện, tìm tòi những tác phẩm mới, dàn dựng những chương trình tiếp theo trong tư thế sẵn sàng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. “Nhiệm vụ của Đoàn thường xuyên có những chương trình biểu diễn động viên cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động và nhân dân trên địa bàn đơn vị Cảnh sát cơ động đóng quân rồi thực hiện các chương trình nghệ thuật, các hoạt động nghi lễ, hòa nhạc dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động… Khó khăn nhiều, thử thách lớn nhưng đó cũng là động lực để chúng tôi phấn đấu đi tiếp trên con đường đam mê của mình”, nữ Thiếu tá Hà Nhi bộc bạch.

Trong sự mạnh mẽ, cương nghị của người nữ lãnh đạo, tôi còn nhận thấy khoảng lặng trong tâm hồn khi chị chia sẻ câu chuyện gia đình. Dẫu biết việc làm tròn 2 vai: Việc nước, việc nhà là khó lắm thay nhưng chị bảo, đã trở thành người chiến sĩ trong lực lượng CAND thì phải luôn biết hy sinh. Chị cảm thấy hạnh phúc khi ở tuổi 38 được sống với đam mê, với tình đồng chí, đồng đội gần gũi, thân thiết, hòa đồng và thêm yêu hơn, tự hào hơn màu áo lính. “Nếu sau này đến giai đoạn không còn sự sáng tạo trong nghệ thuật nữa thì tôi sẽ rút về làm việc khác, còn hiện nay có sức khỏe và tràn đầy tình yêu nghề thì không có lý do gì để tôi dừng lại. Thú thật là tôi biết làm gì nếu phải rời xa nghệ thuật?”, - chị hóm hỉnh cho biết.

Ngô Khiêm
.
.