Ngày xuân nghe trinh sát kể chuyện đấu trí với tội phạm môi trường

Thứ Năm, 10/02/2022, 08:16

Trong tiết xuân, bên chén trà và cành mai vàng, Trung tá Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam chia sẻ với chúng tôi về công việc của người lính môi trường và những áp lực hằng ngày, hằng giờ họ phải đối mặt. Tâm sự của người chỉ huy ở đơn vị nghiệp vụ 5 năm liên tiếp vinh dự được Bộ Công an, UBND tỉnh Hà Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc giúp tôi hiểu thêm về công việc của lực lượng Cảnh sát môi trường.

Đã thành quy luật, ở đâu có nền kinh tế phát triển thì ở đó an ninh trật tự và vấn đề về môi trường cũng diễn biến phức tạp. Phải làm gì để phát triển kinh tế song vẫn ngăn chặn được các nguy cơ, thách thức về ô nhiễm môi trường - đó là điều mà Trưởng phòng Nguyễn Minh Đức và đồng đội của anh luôn trăn trở.

Anh nói với tôi: ''Vào thời điểm này, nhiều cán bộ của đơn vị vẫn đang lăn lộn ở cơ sở, bám địa bàn, bám đối tượng. Mỗi lĩnh vực đấu tranh của Cảnh sát môi trường lại có những khó khăn riêng. Hà Nam có 8 khu công nghiệp và 18 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư. Địa phương còn có 58 làng nghề, 14 bệnh viện, trung tâm y tế công lập và 13 bệnh viện, phòng khám tư nhân; 103 mỏ khai thác đá vôi, cát, đất, vật liệu xây dựng và 6 nhà máy sản xuất xi măng, phân bố chủ yếu trên địa bàn huyện Thanh Liêm, Kim Bảng''.

xa thai trai phep tai cong ty viet duc tai tieu dong binh luc .jpg -0
Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam phát hiện vụ xả thải tại một công ty trên địa bàn.

Nổi lên là tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, vi phạm về xử lý nước thải, khí thải, chất thải, rác thải, vi phạm trong hoạt động khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản, vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi, phức tạp nhằm che giấu sự phát hiện của cơ quan chức năng, gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của nhân dân.

Các đối tượng lợi dụng đêm tối, trời mưa, ngày nghỉ, ngày lễ, tết… sử dụng các đường đấu nối tinh vi, chôn ống nước thải sản xuất ngầm xuống đất để xả nước thải không qua xử lý ra môi trường. Một số đối tượng còn cắt giảm công đoạn, thay đổi hoá chất hoặc pha tỷ lệ hoá chất thấp không đúng cam kết trong đánh giá tác động môi trường.

Nhiều cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh sản phẩm kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm, chất phụ gia trong sản xuất thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng người tiêu dùng. Đặc biệt vào dịp lễ, tết, do nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cường… các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh cũng diễn biến phức tạp. 

 Thiếu tá Trần Thị Thắm, Đội phó Đội phòng, chống tội phạm môi trường công nghiệp, xây dựng và môi trường đô thị mới từ địa bàn trở về. Nhìn vóc dáng nhỏ nhắn của chị, ít ai biết chị là “tác giả” của không ít các chuyên án, vụ án lớn mang “thương hiệu” của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam.

Có những địa bàn trinh sát cách xa trụ sở Công an tỉnh khoảng 40km. Để phá một vụ án, nhiều đêm, chị và các trinh sát phải mò mẫm ở giữa bãi sông trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Từ đó, đã phát hiện, khám phá vụ án nổi bật. Điển hình vào ngày 7/8/2021, qua công tác trinh sát và quản lý địa bàn, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam đã phát hiện tại khu vực bãi chứa vật liệu xây dựng hộ kinh doanh là Trần Đình Đạt (SN 1965, trú tại xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã chôn lấp chất thải trái phép. Để phát hiện vụ việc là quá trình dài theo dõi, do địa điểm chôn lấp chất thải trong khu vực bãi chứa vật liệu của gia đình, có sự cảnh giới. Sau nhiều ngày “nằm gai, nếm mật”, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hà Nam, chính quyền địa phương đã phát hiện 503.703 kg chất thải, nghi là chất thải công nghiệp tại khu bãi chứa vật liệu của gia đình. Vụ việc hiện đã được chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiến hành khởi tố theo quy định của pháp luật.

Một trong những vấn đề “nóng” trên địa bàn tỉnh Hà Nam là quản lý khai thác khoáng sản. Thực tế cho thấy, khu vực khai thác diễn ra chủ yếu ở những nơi có địa hình hiểm trở, khó đi lại, khu vực đồi dốc; các vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực này là khai thác trái phép bên ngoài khu vực được cấp phép… Vì vậy, khó khăn lớn nhất của các trinh sát là xác định mốc giới, vị trí khai thác. Những việc này chỉ nhìn bằng mắt thường không dễ phát hiện. Thông thường, thời điểm các đối tượng tiến hành khoan nhồi là lúc dễ dàng nhất để xác định có hay không các vi phạm. Nhưng đây cũng là thời điểm tiềm ẩn không ít nguy hiểm vì khi khoan nhồi, đối tượng sẽ thực hiện việc nổ mìn… chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể phải trả một cái giá đắt.

Kế đó là việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp ở lưu vực sông Hồng. Trong trường hợp này, các đối tượng thường lợi dụng khu vực giáp ranh, thời điểm đêm tối; sử dụng tàu, thuyền tự chế hút cát trái phép nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng; khi bị bắt giữ thì chống đối quyết liệt. Khó khăn nhất đối với cán bộ làm nhiệm vụ là việc đảm bảo an toàn cho tính mạng của cán bộ chiến sỹ (CBCS) và đối tượng trong quá trình bắt giữ.

Trong năm 2021, có một chuyên án mà các anh không thể quên. Đó là 11 ngày đêm liên tục “ăn gió, phơi sương” đấu trí với Nguyễn Hữu Thanh (SN 1966, trú tại xã Ngũ Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), đối mặt với không ít hiểm nguy bởi thủ đoạn tinh vi của đối tượng phạm tội. Thanh là người địa phương, đối tượng thông thuộc luồng lạch, con nước; sử dụng vợ, con là người cảnh giới; chỉ cần nghe thấy tiếng động cơ lạ là lập tức dừng việc khai thác… Để phá thành công chuyên án này, ngoài sự tỉ mỉ, kinh nghiệm của các trinh sát còn có sự ủng hộ của người dân và chính quyền địa phương. Vụ án được phá thành công vào hồi 20h30' ngày 26/8/2021.

Trong chuyên án này, 100 CBCS gồm cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với các đơn vị chức năng đã đồng loạt vào cuộc. Quá trình kiểm tra đã phát hiện và bắt qủa tang 3 đối tượng gồm Cao Văn Luân (SN 1981); Đào Văn Quyên (SN 1982) và Đào Văn Đáp (SN 1982, cùng trú tại Hải Dương) đang có hành vi khai thác cát trái phép. Từ lời khai của 3 đối tượng, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam đã làm rõ hành vi vi phạm của Nguyễn Hữu Thanh là chủ tàu, trong việc chỉ đạo khai thác cát từ sông Hồng; thủ đoạn hoạt động tinh vi của đối tượng khi thực hiện hành vi khai thác cát thường bắt đầu từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.

Quá trình đấu tranh, ngày 27/8/2021, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra; Sở Tài nguyên và Môi trường, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiến hành đo toàn bộ trữ lượng cát trên bãi tập kết và trên tàu để xác định khối lượng và nguồn gốc số lượng cát nói trên, kết quả đã xác định tại bãi tập kết và trên tàu có tổng số 35.761,371m3 cát (cát san lấp).

Trong năm 2021, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam đã phát hiện, xử lý 310/150 vụ việc, vượt so với chỉ tiêu Bộ giao 160 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên an toàn thực phẩm; khởi tố 4 vụ án, vượt chỉ tiêu so với Bộ Công an giao. Ngoài ra, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu công tác đề ra; hướng dẫn, chỉ đạo các biện pháp công tác đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tài nguyên, an toàn thực phẩm…

Chia sẻ bí quyết thành công, Trung tá Nguyễn Minh Đức cho biết: Đó chính là việc đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ huy. Trong đó, cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị đã bám sát chỉ đạo của Đảng uỷ, Giám đốc Công an tỉnh trên các mặt công tác chuyên môn và các phong trào. Đó còn là việc nâng cao hiệu qủa công tác tham mưu, tăng cường đôn đốc, kiểm tra thực hiện các mặt công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Trong đó, tập trung vào công tác chuyên môn, phân công, giao địa bàn, lĩnh vực cho từng CBCS, qua đó đánh giá năng lực, trình độ của từng CBCS… Từ những biện pháp trên đã góp phần đảm bảo an ninh, an toàn về môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xuân Mai
.
.