Mùa Xuân đầu tiên

Thứ Năm, 30/12/2021, 15:36

Cái se se lạnh nơi đại ngàn trùng điệp núi trời Tây Bắc cùng màu trắng tinh khôi của hoa mơ, hoa mận và những "nàng" Ban lại khoe sắc thắm. Mầm sống lại sinh sôi nảy nở trên những mỏm đá khô cằn, tất cả đã báo hiệu một mùa xuân mới đang đến thật gần.

Và mùa xuân ấy lại rộn ràng hơn với cán bộ, chiến sỹ Công an Sơn La khi năm nay là năm đầu tiên đón các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn về nuôi dưỡng, chăm sóc, đây cũng chính là mùa xuân để các em được mơ, được ước, thỏa thích bay bổng, chắp cánh giữa khoảng trời của tuổi thơ. Một mùa xuân đặc biệt, một mùa xuân của tình yêu cùng hy vọng về tương lai tươi sáng.

Nơi ấm áp tình thương

Gặp lại bốn em nhỏ được Công an Sơn La nhận nuôi dưỡng sau gần 5 tháng kể từ khi các em đến với ngôi nhà mới. Các em nay đã khác ngày trước rất nhiều, không còn dáng vẻ bẽn lẽn, sợ sệt như những ngày mới đến; mà nay khi thấy chúng tôi từ xa các em đã ào ra đón như đàn chim non. Ngày hôm nay ở đơn vị Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Sơn La vui hơn bao giờ hết, tiếng nô đùa, tiếng cười nói của lũ trẻ như xua đi cái rét của tiết trời.

Mùa Xuân đầu tiên -0
Những tình cảm đặc biệt của đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Vân, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La và cán bộ, chiến sỹ dành cho những đứa "con nuôi".

Bốn em nhỏ, bốn hoàn cảnh, không ai giống ai, mỗi em là một câu chuyện của sự khó khăn, gian khó. Em lớn nhất năm nay học lớp 8, em bé nhất năm nay mới lớp 3, bốn chị em từ bốn phương trời xa, gặp nhau trong mái nhà thân yêu Công an Sơn La. "Chị cả" Lò Thị Diệp sống cùng ông bà và anh trai trong căn nhà nhỏ ở bản Hua Pát, xã Chiềng En, huyện Sông Mã (Sơn La) bố mất khi Diệp mới một tuổi, mẹ bị kết án về tội mua bán trái phép chất ma túy. Cuộc sống của em bơ vơ như con nai của núi, của rừng, nhưng con nai thì vẫn lớn lên trong bầu sữa của mẹ đến khi đủ lớn thì mới thôi, còn em thì không. Trong suy nghĩ non nớt của đứa trẻ ấy chẳng thể nào nghĩ được rằng sẽ có một ngày em mất cả bố, cả mẹ, mọi thứ đến với em quá chóng vánh. Cứ thế, cuộc sống của em cứ thế trôi qua với bao sóng gió của cuộc đời.

Còn em Lò Lệ Quyên, mười một tuổi, ở bản Nà Cầm, xã Mường Hung, huyện Sông Mã, bố bị tai nạn qua đời khi em còn nhỏ, mẹ đi làm thuê, cuộc sống của em quanh năm chỉ trong căn nhà liêu xiêu bên vách núi xứ Mường Hung. Đầu năm 2021, mẹ em mất. Những tin dữ cứ lần lượt ập đến với em, em như con chim bơ vơ giữa bầu trời nhộn nhịp của cuộc sống. Em về ở với cậu ruột và ông bà ngoại. Mới mười một tuổi nhưng em đã biết làm mọi việc, bàn tay nhỏ nhắn thoăn thoát thái rau cho gà, cho lợn, cắt cỏ cho trâu, cho bò em đều đã làm được.

Còn hai người em út là Nguyễn Hoài Nam mười tuổi và Nguyễn Nam Thành tám tuổi đều sống ở thành phố Sơn La. Thoạt nghe, ai cũng tưởng rằng người ở thành phố thì đâu ra vất vả, khó khăn, nhưng khi trực tiếp đến nhà và tìm hiểu hoàn cảnh của các em thì mới thấy được rằng các em đã thật mạnh mẽ vươn lên chiến thắng nghịch cảnh như thế nào. Bố đã mất, mẹ bỏ đi không một lời chào tạm biệt. Ngần ấy năm không dòng thư tay, không cuộc điện thoại, tất cả chỉ là hai chữ "vô vọng". Hai em lớn lên trong vòng tay của ông bà nội, nhưng nay ông bà đã già yếu, cái đau ốm ghé thăm thường xuyên. Cơm cháo qua ngày với đồng trợ cấp 2,5 triệu/tháng với bốn miệng ăn. Nghèo vẫn hoàn nghèo, đói vẫn hoàn đói.

Khát vọng Xuân mới

Khi chúng tôi tới thăm các em ở Phòng Cảnh sát cơ động cũng là lúc các em cùng "mẹ" Thủy đang chăm sóc vườn rau của mình. Trong tiếng cười rộn rã cùng nắng chiều, đôi bàn tay các em đang thoăn thoắt để cuốc xới mảnh vườn nho nhỏ của mình sau bao ngày nuôi cấy. Một vườn rau nhỏ qua từng ngày chăm bẵm nay cũng đã xanh tốt để phục vụ cho những bữa cơm ngon hàng ngày mà các em sống ở đây. Hai chị lớn là Diệp và Quyên đảm nhiệm công việc tưới rau còn hai em nhỏ là Nam và Thành thì làm nhiệm vụ bắt sâu, nhổ cỏ.

Từ một cô bé nhút nhát ngày nào, nay em Quyên cũng đã nhanh nhẹn hơn rất nhiều, vừa tưới rau, vừa kể với tôi những câu chuyện sau năm tháng sinh sống ở đây: Khi về ở với cô, chú Công an Sơn La cuộc sống của cháu đã thay đổi rất nhiều, đến bây giờ cháu vẫn chưa tin điều đó là sự thật, bởi mọi thứ thay đổi quá nhanh với cháu. Cháu được ăn ngon, được sống trong môi trường ấm áp tình yêu thương của cô chú và cả cả hai em, vui lắm ạ!

Mùa Xuân đầu tiên -0
Nơi ươm mầm những ước mơ.

Chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ Phòng Hậu Cần được phân nhiệm vụ ăn, ở, chăm sóc các cháu đến nay vẫn nhớ như in bữa cơm đầu tiên khi đón các em về đơn vị. "Hôm ấy, nhìn các con ăn ngon mà lòng tôi vui sướng. Tôi tự nhủ, những đứa trẻ này từ hôm nay sẽ trở thành những đứa con của mình, nhiệm vụ sẽ có nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu trẻ thì bản thân tin mình sẽ làm được". Khi mới về, các em chưa thích nghi được môi trường mới.

Ngoài rèn luyện tác phong chuẩn chỉ, đúng giờ, Công an tỉnh Sơn La còn phân công cán bộ, chiến sĩ mỗi buổi tối vào đơn vị Phòng Cảnh sát cơ động để kèm các em học bài, uốn nắn từng thao tác, từng nét chữ, từng môn học. Dù vậy, đôi lúc nỗi nhớ nhà vẫn trào lên trong các em, hay có những khi các em mải chơi mà không nghe lời, những người "bố", người "mẹ" không thể dùng kỷ luật để uốn nắn. Khi ấy, những lời nói dịu dàng, cái ôm ấm áp mới chính là "liều thuốc" ngọt ngào trả lại nụ cười hồn nhiên, trong sáng nhất cho các em.

Ở cùng các em mỗi đêm, đối với Trung sỹ Lò Văn Nhượng, chiến sỹ Phòng Cảnh sát cơ động tâm sự: "Các con đến bây giờ đã tự giác lắm. Sáng dậy sớm quét nhà. Tới giờ là tự lấy ghế ngồi ăn cơm. Chiều về lăng xăng nấu cơm cùng "mẹ" Thủy, chăm sóc vườn rau, nhổ cỏ, bắt sâu… Có các con, cuộc sống ở đơn vị vốn chỉ có điều lệnh và kỷ luật thép, giờ thêm tiếng trẻ vui cười, bỗng thân thương như ở nhà".

Qua quá trình nuôi các em tại đơn vị, thế mới thấy, nuôi dạy một đứa trẻ, dù trong thời gian ngắn hay dài, cũng đều cần sự tận tâm, chỉn chu và tình yêu thương chan chứa, thậm chí bằng cả một cuộc đời nhọc nhằn vượt khó - như cách chị Thủy, Trung sỹ Nhượng hay cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Sơn La đang ngày ngày thể hiện với bốn đứa con nuôi của Công an. Chẳng thế mà khi chúng tôi trêu các con: "Tết này con ở lại đơn vị hay về nhà?", cả bốn đứa trẻ  chẳng ai bảo ai mà reo lên đồng thanh như bầy chim non: "Con không về, con ở lại với cô chú ăn Tết".

Mùa Xuân năm nay đặc biệt hơn những mùa xuân trước, năm nay các em đã đến với ngôi nhà đặc biệt. Khi hỏi về ước mơ trong mùa xuân mới này, mỗi em mỗi vẻ trầm tư, em Diệp, em Quyên thì suy nghĩ khá lâu, còn hai người em út là Nam và Thành thì ước rằng được ăn nhiều món ngon, được ở với cô, chú Công an thật lâu hơn nữa; ước mơ của Diệp và Quyên có phần "người lớn" hơn một chút, hai em ước học thật giỏi để trở thành những nữ chiến sỹ Công an nhân dân. Khi các em trao đổi, làm tôi nhớ đến một câu nói: "Cuộc sống luôn cho ta một cơ hội và đó là ngày mai", ngày mai sẽ là những chân trời mới, chân trời của lý tưởng, của khát vọng và ngày mai chính là bàn đạp để các em hoàn thành những ước mơ cháy bỏng đó.

Chương trình nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Công an tỉnh Sơn La phát động, triển khai đã và đang thu lại những hiệu quả thiết thực, mang ý nghĩ nhân văn sâu sắc. Từ chương trình này, nhiều em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Công an tỉnh Sơn La nhận nuôi, chăm sóc, chở che và dạy dỗ. Điều này không chỉ giúp các em có điều kiện ăn, học tốt hơn mà còn tiếp sức, nuôi dưỡng và chắp cánh cho những ước mơ vượt lên số phận, trở thành người con có ích để mai này góp sức xây dựng quê hương.

Hàng chục câu chuyện kể những ngày xuân cứ thế trôi qua, thật gần gũi và ấm áp. Chia tay những gương mặt rạng rỡ cùng những người đồng đội đang ngày đêm lặng thầm cống hiến vì bình yên cuộc sống tôi thấy lòng mình ấm áo hơn. Tin rằng, mùa xuân năm nay sẽ là mùa xuân đẹp đẽ nhất, đáng nhớ nhất với mọi người. Mùa xuân đầu tiên, mùa xuân đặc biệt!

Cao Thiên
.
.