Lực lượng thứ ba trong ngày giải phóng Côn Đảo

Thứ Sáu, 06/05/2022, 22:24

Năm 2012, huyện đảo Côn Đảo đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong Lễ khánh thành Đền thờ Côn Đảo và đón nhận Danh hiệu cao quý nói trên, quân và dân toàn huyện đảo đã quyết định lấy ngày 1/5 (ngày giải phóng Côn Đảo) làm ngày giỗ chung cho tất cả đồng bào, chiến sĩ, người dân đã ngã xuống trên mảnh đất thiêng này từ năm 1862 - năm Pháp chiếm Nam kỳ Lục tỉnh - cho đến ngày giải phóng, 1/5/1975. Trong 113 năm tranh đấu đó, bao máu xương đã đổ vì độc lập tự do.

Sau nhiều hoạt động thăm hỏi, tưởng niệm các di tích lịch sử trước đó 1 ngày, sáng 1/5, gần 200 đồng bào, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên từ nhiều miền đất nước đã tề tựu về tham dự lễ giỗ được tổ chức trang nghiêm tại Đền thờ Côn Đảo.

Đóng vai trò trung tâm trong lễ giỗ là gần 100 cựu tù nhân chính trị, trong đó non nửa đã từng phải trải qua địa ngục trần gian Côn Đảo trước 1975. Ban lễ tế áo dài màu đỏ gồm 5 người, đều là các bô lão cựu tù chính trị trung kiên từng bị giam cầm, đọa đày tại địa ngục B6 - Trại Phú An - Côn Đảo. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Châu Văn Mẫn, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND,  làm chủ lễ. Khăn đóng, áo dài màu xanh làm trợ tế là hai nhà khoa học nguyên và đương kim Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, GS.TS. Võ Văn Sen và PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan.

ban an ninh côn đảo được thành lập ngay khi đảo vừa giải phóng..jpg -0
Ban An ninh Côn Đảo được thành lập ngay khi đảo vừa giải phóng.

Trong chiến dịch Giải phóng miền Nam năm 1975, Côn Đảo là địa phương được giải phóng muộn nhất, cũng là mảnh đất duy nhất tự đứng lên phá bỏ xiềng xích, tự giành lấy tự do trước khi quân chủ lực đến. Nhưng thực tế, từ cuối tháng 3/1975, qua hai chiếc radio bí mật giấu được trong trại B6, Đảo ủy nhà tù đã nghe được và tìm cách phổ biến đến toàn bộ các trại trên đảo thông tin Buôn Ma Thuột giải phóng, chiến dịch Giải phóng hoàn toàn miền Nam đã bắt đầu. Đồng chí Châu Văn Mẫn là người được giao nhiệm vụ chép tay 10 bản tin phổ biến chủ trương của Đảo ủy đi khắp các trại. Khi đó, nhiệm vụ mà Đảo ủy đặt ra là phải chuẩn bị lực lượng, tổ chức và chủ động đề phòng, phá vỡ âm mưu thủ tiêu tù chính trị mà phía chính quyền Việt Nam công hòa có thể sẽ tiến hành trong cơn hấp hối hoảng loạn.

Âm mưu này phía địch lên chi tiết rất kỹ càng từ giữa tháng 4/1975 với 4 phương án cho 4 giai đoạn, giao cho Ban An ninh trật tự, lực lượng vũ trang nhà tù (gồm 327 binh sĩ, 76 cảnh sát) thực hiện. Nó được xem là tuyệt mật, không thông qua bộ máy quản tù (104 giám thị), cũng như không thông báo cho bộ máy công chức hành chính (109 người) được biết.

Trong 2 ngày 24 và 25/4, tất cả tù chính trị đều bị tập trung về 3 khu giam 6, 7, 8 để dễ bề tiến hành đàn áp, thủ tiêu. Trong khi đó, 3 cuộc họp kéo dài giữa Phủ đặc ủy trung ương tình báo và chỉ huy các đơn vị cảnh sát dã chiến, địa phương quân, lính phòng thủ… để nghe Trung tá Lâm Hữu Phương, Tỉnh trưởng Côn Sơn cắt đặt công việc chi tiết.

Thiếu tá Trần Văn Tức, Trưởng ty Cảnh sát quốc gia tỉnh Côn Sơn xung phong nhận nhiệm vụ cầm đầu chiến dịch thủ tiêu, nhận 30 quả lựu đạn khí độc vừa được chuyển ra Côn Đảo để sẽ tung vào các buồng giam khi cuộc đàn áp diễn ra. Tổng giám thị Lê Văn Khương, giám thị Đỗ Văn Phục…., vì sợ bị tù chính trị trả thù cũng tán thành và nhận lĩnh nhiệm vụ. Số đông còn lại, khi nghe cắt đặt công việc đều im lặng không bày tỏ thái độ.

Trong lời tế nhân ngày giỗ, Trung tướng Châu Văn Mẫn nhấn mạnh: "Nếu không có sự chủ động phát giác, hỗ trợ của "lực lượng thứ ba" trên đảo, cuộc nổi dậy của những người tù chính trị sẽ không thể thành công, máu xương trong ngày tàn cuộc chiến sẽ phải đổ không ít".

Đoán trước âm mưu thâm độc, tàn ác của Phủ đặc ủy trung ương tình báo và chính quyền chóp bu Việt Nam Cộng hòa tại Côn Sơn, linh mục Phạm Gia Thụy; Đại úy Kiều Văn Dậu, Trưởng ban 3 - hành quân;  ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán (thực chất là một cán bộ tình báo của ta); ông Nguyễn Văn Đồng, Trưởng ty Giáo dục; Đại úy Phạm Huỳnh Trung, phụ tá quân sự;  ông Nguyễn Phú Hội, Phó Tỉnh trưởng hành chính và một số chức sắc dân sự trên đảo… đã bí mật gặp gỡ nhau bàn bạc, thống nhất kế hoạch ngăn cản việc thực hiện kế hoạch thủ tiêu. Bất chấp nguy hiểm cho bản thân và gia đình đang sinh sống trên đảo, họ tự nhận các nhiệm vụ vận động, lôi kéo, kiềm chế những kẻ hung hăng trong quân đội, cảnh sát và chính quyền, mục đích duy nhất là kéo dài thời gian để lệnh thủ tiêu không được thực hiện.

Sáng 29/4, Đại úy Phạm Huỳnh Trung đã tận dụng vị thế phụ tá quân sự của tỉnh Côn Sơn, triệu tập họp toàn bộ công chức, sĩ quan, binh lính trên đảo, kêu gọi mọi người bình tĩnh, không manh động và giành quyền điều động, chỉ huy trên toàn đảo từ tay Trung tá Tỉnh trưởng Lâm Hữu Phương. Ông kêu gọi binh sĩ Việt Nam Cộng hòa không bỏ trốn, tập trung phòng thủ đảo và bảo vệ trại giam. Gần như bị tước hết quyền điều động quân lực, chiều 29/4, cả Lâm Hữu Phương, Lê Văn Khương, Đỗ Văn Phục, Trần Văn Tức đều vội vàng xuống ca nô trốn khỏi đảo lớn ra Hòn Cau chờ thời cơ được Hạm đội 7 của Mỹ đón. Cả 4 phương án thủ tiêu tù chính trị đều không được khởi động.

Cac_cuu_tu_chinh_tri_Con_Dao_tha-1651850701827.JPG
Các cựu tù chính trị Côn Đảo tham gia lễ Giỗ Côn Đảo.

Chiều 30/4, linh mục Phạm Gia Thụy cùng các ông Kiều Văn Dậu, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Đồng, Phạm Huỳnh Trung đã bàn bạc và thống nhất: chế độ Việt Nam Cộng hòa đã sụp đổ, phải dựa vào Cách mạng mới có thể giữ yên Côn Đảo. Tối hôm đó, họ đã cùng nhau đến phòng 24, khu H, Trại 7 chuồng cọp Mỹ gặp tù nhân Lê Câu, nguyên Trung tá tình báo của ta bị địch bắt lưu đày, người mà họ cho là có cấp bậc cao nhất trong số tù chính trị, đề nghị ông và một số tù chính trị nguyên là cán bộ tình báo, điệp báo khác đứng ra tiếp quản nhà tù Côn Đảo, giải phóng tỉnh Côn Sơn. Sợ bị cài bẫy, Trung tá Lê Câu và các đồng chí nhất định không mở cửa buồng giam, yêu cầu được nghe thông tin chính thức từ radio mới quyết định. Linh mục Thụy cho mang radio tới ngay. Tin Sài Gòn giải phóng lan nhanh khắp các buồng giam Trại 7. Trung tá Lê Câu đồng ý tù chính trị sẽ tiếp quản đảo. Linh mục Phạm Gia Thụy cho mở tất cả cửa xà lim trong Trại 7, sau đó qua mở toang hết các cánh cửa Trại 6. Nhiều phòng, chìa khóa chưa kịp mang đến, anh em hè nhau phá bung cửa. Đến 5h sáng 1/5, toàn Trại 7 và Trại 6 được giải phóng. Anh em hai trại hối hả đưa nhau đi mở hết cửa buồng giam tất cả các trại khác, tự giải phóng hoàn toàn Côn Đảo.

Trong lời tế, Trung tướng Châu Văn Mẫn muốn gửi gắm lại qua GS.TS. Sử học Võ Văn Sen, PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan đến thế hệ sau sự biết ơn to lớn đối với nghĩa cử, công lao của lực lượng thứ ba. Không có đóng góp dũng cảm của họ, vì chính nghĩa, vì hòa bình, độc lập, tự do cho Côn Đảo, chắc chắn giá máu xương đổi lấy tự do sẽ rất đắt. Đất nước, nhân dân và những người cựu tù chính trị Côn Đảo sẽ không bao giờ quên công lao, ân nghĩa ấy!

Lễ giỗ lần thứ 11 ở Côn Đảo cũng ghi nhận một thực tế ngậm ngùi: Những cựu tù chính trị trung kiên một thời đang vắng thưa dần trong những kỳ tưởng niệm. Nhưng hồi ức lịch sử hào hùng chắc chắn sẽ không mai một. Nó sẽ được bóng áo xanh thanh niên từ nhiều miền đất nước, được tuổi trẻ Công an, Quân đội của Côn Đảo tiếp nhận, kế thừa và tiếp tục lan tỏa dài lâu khắp mọi miền đất nước! Hòa bình, độc lập, tự do sẽ là vĩnh viễn!

Nguyễn Hồng Lam
.
.