Lính hình sự nơi biên cương

Thứ Bảy, 08/07/2023, 15:13

Ẩn sau sự nhẹ nhàng, bẽn lẽn, dung dị, cười nhiều hơn nói, ít người nghĩ anh lại là một chiến sĩ Cảnh sát đầy gai góc và sắc sảo. Trên 20 năm vào nghề “hình sự”, anh đã cùng đồng đội đi qua những năm tháng thanh xuân đầy gian nan nơi miền biên viễn. Anh đã âm thầm lặng lẽ đem sức mình cùng đồng đội tạo thành tấm lá chắn nơi biên cương, bảo vệ bình yên cuộc sống của người dân.

Người tôi muốn nói đến là Thượng tá Phạm Mạnh Hùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS), Công an tỉnh Lai Châu.

Theo dấu chân cha…

Anh gấp lại những xấp hồ sơ nghiên cứu còn dang dở để gặp tôi trong một quán cà phê ven hồ chiều mùa hè. Dưới cái yên tĩnh lặng sâu, anh như được rũ bỏ những áp lực công việc và trải lòng về gia đình, tự hào về truyền thống và cả những cuộc đánh án kéo dài đến mê mải hàng tháng trời. Anh không ồn ào khoe thành tích, không tự đắc về chiến công mà luôn dè dặt trong từng câu, từng chữ.

Lính hình sự nơi biên cương -0
Thượng tá Phạm Mạnh Hùng (thứ 3 từ phải sang) nhận Bằng khen về thành tích trong đấu tranh chuyên án (tháng 1/2023).

Chắc hẳn trong tâm trí nhiều người, cuộc đấu súng chát chúa giữa sào huyệt của tướng cướp Hiền “đầu bạc” khét tiếng xứ Thanh vẫn còn để lại nhiều dư âm cho những ai từng theo dõi vụ án tốn nhiều giấy mực của báo chí thập niên 80 thế kỷ trước. Đại tá Phạm Quang Khảm đã cùng 3 đồng đội hóa trang thành dân đào đãi vàng, bí mật đột nhập, hoa tiêu cho lực lượng phá toang và bắt sống từng đối tượng trong băng cướp. Nhiều chuyên án lớn nhỏ đầy gai góc và hiểm nguy ông đã từng nếm trải.

Thượng tá Phạm Mạnh Hùng 2 lần được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn lực lượng; 7 năm liên tục được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Anh cũng là một trong số ít người được nâng quân hàm trước niên hạn 3 lần.

Đại tá Phạm Quang Khảm chính là người cha, người thầy có ảnh hưởng lớn nhất trong sự nghiệp của Thượng tá Phạm Mạnh Hùng. Những chuyến công tác dài ngày của bố diễn ra triền miên, dài dằng dặc, gia đình chỉ có mẹ và mấy anh chị em, mâm cơm lệch đi vì thiếu bố. Nhưng anh càng lấy đó làm lý do để thương bố, tự hào về bố và cố gắng nhiều hơn. Anh quyết tâm học thật giỏi với mơ ước nối nghiệp cha. Năm 2001, Phạm Mạnh Hùng thi đỗ vào Học viện Cảnh sát Nhân dân, anh Hùng viết tiếp hoài bão của truyền thống gia đình.

Bước ra từ môi trường đào tạo nghiêm ngặt, kỷ luật và khoa học, chuyên sâu về nghiệp vụ Cảnh sát, hành trang Phạm Mạnh Hùng mang đến với miền biên viễn Lai Châu là những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ, là ý chí không khuất phục trước khó khăn gian khổ của người Cảnh sát nhân dân; là hoài bão, khát khao được cống hiến của tuổi trẻ. Song môi trường anh đã sống, học tập khác xa hoàn toàn so với mảnh đất xa xôi, cách trở, người thưa, trình độ dân trí thấp. Để hòa nhập được, anh đã xuống cơ sở với dân, xem bà con như làng xóm, quê hương mình, từ đó hiểu hơn về cách sống, phong tục tập quán, thói quen ăn, ở, sinh hoạt, truyền thống văn hóa của đồng bào.

Ngày đó Lai Châu mới được chia tách tỉnh mới, những nơi anh đi qua chỉ là đường mòn, lối mở, không điện, không sóng viễn thông. Bỡ ngỡ nhiều song không vì thế làm dao động tâm tư của người chiến sĩ trẻ. Anh nhớ lại lần tham gia phá án đầu tiên vào tháng 11/2006. Đó là một vụ giết người xảy ra tại xã Dào San (huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Nhận tin báo có người chết do truy đuổi 1 nhóm người trộm trâu, nhà ở rất xa khu vực trung tâm nên khi nhận lệnh, anh em trong tổ công tác phải chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho nhiều ngày. Chỉ tính từ trung tâm xã đi vào vị trí báo tin đã mất nửa ngày đi bộ, leo dốc. Người dân sống rải rác, cheo leo trên sườn núi, chưa phủ sóng di động nên quá trình thu thập, xác minh thông tin vô cùng khó khăn. Vụ án liên quan đến người Việt Nam cấu kết với người nước ngoài ăn trộm trâu của người dân địa phương cũng là cái khó và phức tạp cho công tác điều tra. 3 tháng trời ròng rã lăn lộn trên những quả đồi, ngủ nhà dân, tổ công tác đã tìm ra được thủ phạm giết người.

Những năm sau đó, tình trạng trộm cắp trâu bò diễn ra nhiều, trở thành “vấn nạn” khu vực biên giới tỉnh Lai Châu, anh đã cùng với đồng đội điều tra với những vụ án lớn nhỏ. Việc phanh phui, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc từng bước chấm dứt nạn trộm cắp gia súc ở vùng biên, đem lại sự yên tâm, niềm tin tưởng của đồng bào nơi đây.

Lật tẩy bí mật trong lòng đất

Thượng tá Phạm Mạnh Hùng không thể nhớ hết đã trải qua bao nhiêu cuộc đấu trí với tội phạm. Mỗi cuộc đánh án của anh cùng đồng đội là một thước phim đầy gay cấn và hấp dẫn. Có khi căng thẳng, có lúc hiểm nguy nhưng cũng có những cảm xúc thật khó tả. Ăn rừng, ngủ lán, thức thâu đêm đánh án là chuyện thường, nhưng có một vụ án để lại trong anh nhiều cảm xúc đan xen nhất là phá vụ án giết người cách đây 30 năm về trước.

Năm 2022, người dân cung cấp thông tin cho lực lượng Công an khi phát hiện 1 xác chết dưới hang sâu. Thi thể của người xấu số đã nằm lại dưới hang quạnh hiu, lạnh vắng gần nửa đời người. Được Thủ trưởng tin tưởng giao cho nhiệm vụ cùng đồng đội phá án, thâm tâm anh nghĩ, bằng bất cứ giá nào vẫn phải tìm nguyên nhân cái chết, tung tích nạn nhân. Nếu đó là một vụ án mạng thì ai đã gây ra cái chết đó? Tại sao thi thể lại rơi ở vị trí mà từng ấy năm mới có người phát hiện? Làm thế nào để tìm được thân nhân của họ?... Nhiều giả thiết, nhiều tình huống được Ban chuyên án đặt ra, nhưng làm thế nào để tìm ra được đối tượng khi việc truy tìm dấu vết của thủ phạm như bám vào hư không; người làm chứng không có; bộ xương không còn nguyên vẹn, rơi và vương trên mỏm đá ở nhiều độ cao khác nhau và khó xác định được dấu hiệu bị tác động tổn thương… khiến chuyên án có lúc rơi vào bế tắc.

Lính hình sự nơi biên cương -0
Niềm vui của Thượng tá Phạm Mạnh Hùng khi đối tượng phạm tội đã bị bắt.

Ấy vậy, bằng sự mưu trí, xâu chuỗi tình tiết, nhận định tình hình với sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của nhiều lực lượng, Ban chuyên án đã lật tẩy được hành vi tàn độc của kẻ giết người là 2 vợ chồng Phàn A Chải và Lày Thị Hoan. Bị hại là anh Phàn A Tải (SN 1973), chết cách đây hơn 30 năm, lúc đó khoảng 17-23 tuổi, sống tại bản Chù Lìn, xã Giăng Ma (cũ), huyện Tam Đường. Việc lật tẩy một bí mật tưởng đã “ngủ quên” trong lòng đất khiến nhân dân địa phương thực sự ngỡ ngàng, thán phục, dành trọn niềm tin tưởng tuyệt đối cho các chiến sĩ CSHS. Nhiều vụ việc tương tự với những dấu vết mơ hồ, mong manh nhưng với sự nhận định chính xác, tham mưu đắc lực của Thượng tá Hùng, các vụ án được làm sáng tỏ. Nhờ niềm tin đó, người dân khắp các bản làng Lai Châu luôn mở rộng tấm lòng đón các anh và sẵn sàng cung cấp thông tin, giúp sức phá án.

Tháng 3 vừa qua, từ nguồn tin báo chí phản ánh và nhân dân cung cấp, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng CSHS điều tra, khởi tố vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản tại huyện Sìn Hồ. Ngay sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ án trên, các anh tiếp tục phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật khác đối với một nhóm cán bộ tại huyện Sìn Hồ tham gia đánh bạc. Từ vụ án này, lực lượng Công an tiếp tục phá thành công chuyên án, bắt giữ 15 đối tượng về hành vi đưa, nhận hối lộ liên quan đến công tác trồng rừng tại Lai Châu. Ngoài các đối tượng trên, một đối tượng là lãnh đạo đứng đầu cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu cũng bị bắt về hành vi nhận hối lộ.

Trong hàng loạt các vụ việc nối tiếp nhau đó, Phòng CSHS nói chung, cá nhân Thượng tá Hùng nói riêng phải rất nỗ lực, làm việc công tâm, khách quan, đúng pháp luật, đảm bảo đúng người, đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Ở vị trí là phó Phòng CSHS, anh cũng chịu áp lực không nhỏ, chịu chi phối, tác động từ các đối tượng, các mối quan hệ xã hội đan xen chằng chịt… Tuy nhiên: “Nếu làm đúng chức trách nhiệm vụ, đúng pháp luật và trung thực thì không sợ điều gì. Việc điều tra phải đảm bảo tính khách quan, công tâm, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu thực hiện nhiệm vụ” – Thượng tá Phạm Mạnh Hùng tâm sự.

Thu Trang
.
.