Lan tỏa yêu thương trong đại dịch

Thứ Năm, 23/09/2021, 09:39

Không chỉ trong tâm dịch phía Nam, ngay tại Thủ đô Hà Nội vẫn có hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Công an ứng trực 100% quân số, đã nhiều tháng nay họ chưa về nhà, họ gác lại hạnh phúc cá nhân vì mục tiêu chung là phòng, chống dịch. Họ và thân nhân - hậu phương vững chắc xứng đáng được quan tâm, được yêu thương. Bởi, khi ngoài kia CBCS xông pha giúp dân chống dịch, thì ở nhà mình, bố mẹ, vợ con họ cũng đang vật lộn với cuộc sống mưu sinh trong đại dịch, rất cần được giúp đỡ...

14.000 Cảnh sát cơ động ứng trực và tham gia chống dịch

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; phong trào thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động và được sự đồng ý của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, ngày 30/8, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) tổ chức quyên góp ủng hộ và hỗ trợ nhân dân, gia đình CBCS có điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong đại dịch COVID-19 với chủ đề "Lời hiệu triệu trái tim - Lan tỏa yêu thương tới nhân dân và đồng chí, đồng đội nơi tuyến đầu chống dịch".

Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm phát huy tinh thần "tương thân tương ái", chia ngọt sẻ bùi của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, đoàn viên, hội viên Bộ Tư lệnh CSCĐ và các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân cùng đồng hành, hỗ trợ nhân dân, gia đình CBCS có hoàn cảnh khó khăn. Qua chục ngày phát động, đến ngày 10/9, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã nhận được số tiền gần 3 tỷ đồng; 1,5 tấn gạo và 50 suất quà (trị giá mỗi suất  quà 300.000 đồng). Những ngày vừa qua, Bộ Tư lệnh đã tổ chức 7 đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch, đồng thời thăm hỏi, hỗ trợ CBCS nơi tuyến đầu chống dịch và gia đình CBCS có hoàn cảnh khó khăn.

untitled-1.jpg -0
Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ thăm hỏi, động viên mẹ con chị Lê Thị Bình.

Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, thực hiện mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã tổ chức 10.000 CBCS tham gia ứng trực, sẵn sàng ra quân thực hiện nhiệm vụ; triển khai hơn 4.000 CBCS tăng cường Công an các đơn vị, địa phương tuần tra kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) và phòng, chống dịch. Đã tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19, tổ chức cho CBCS đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện và đến nay đã hiến được hơn 4.000 đơn vị máu. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh cũng tổ chức quyên góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19, Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công an phát động...

"Thế nhưng, ngay chính trong Bộ Tư lệnh đang có nhiều gia đình CBCS đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Lãnh đạo Bộ Công an cũng nhiều lần có ý kiến yêu cầu Đảng ủy, lãnh đạo các đơn vị cần có biện pháp quan tâm, chăm lo CBCS nơi tuyến đầu chống dịch và hậu phương của các đồng chí. Do vậy, đợt quyên góp này là dịp đồng chí, đồng đội chung tay cùng "chia lửa", giúp đỡ nhau vơi bớt khó khăn để an tâm tư tưởng, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ", Tư lệnh CSCĐ thông tin.

Ngày 11/9, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh CSCĐ do Trung tướng Phạm Quốc Cương làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch và thăm hỏi, động viên, hỗ trợ CBCS nơi tuyến đầu chống dịch tại trụ sở Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện Ngoại giao và Khu doanh trại CSCĐ với 4 đơn vị đang đóng quân; trực tiếp thăm hỏi, tặng quà chị Lê Thị Bình, vợ Trung uý Nguyễn Văn Nghĩa, cán bộ Đại đội 5 thuộc Trung đoàn.

Gia đình Trung úy Nguyễn Văn Nghĩa hiện đang thuê trọ ở Hà Nội, vợ không có công ăn việc làm, mọi chi phí sinh hoạt đều phụ thuộc vào thu nhập của anh. Do yêu cầu công việc ứng trực 100% tại đơn vị nên hơn 4 tháng nay Trung úy Nghĩa không được về nhà; vợ sinh con cách đây 2 tháng, anh cũng chưa hề được thăm con. "Mặc dù nhà trọ chỉ cách đơn vị chưa đầy 2km nhưng để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch, mình chỉ được nhìn và trò chuyện với con qua màn hình điện thoại. Ông bà hai bên đều ở xa, thương vợ mới sinh con rất vất vả, lại trong điều kiện giãn cách xã hội...", anh tâm sự.

"Đảng uỷ, lãnh đạo Bộ Tư lệnh hết sức chia sẻ với các đơn vị về những khó khăn, vất vả trong thời gian qua; đồng thời, chia sẻ với từng CBCS, công nhân viên khi phải ứng trực dài ngày, ít có điều kiện quan tâm, chăm lo cho gia đình. Mong rằng, các đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng vượt qua khó khăn, gian khổ, tích cực cùng các lực lượng tham gia tuyến đầu phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, đảm bảo ANTT, vì cuộc sống bình yên của nhân dân", Trung tướng Phạm Quốc Cương động viên, nhắn nhủ CBCS.

"Chúng tôi cảm thấy ấm lòng, được tiếp thêm động lực..."

Khi Tư lệnh đến, và kể cả lúc bài viết này được thực hiện thì Trung úy Nguyễn Văn Nghĩa vẫn chưa được gặp con. Chị Lê Thị Bình - vợ đồng chí Nghĩa - kể: Chị sinh cháu hơi sớm so với dự sinh, lại đúng lúc Hà Nội siết chặt giãn cách nên bà ngoại ở quê không ra kịp. Lúc vào viện, chỉ nhờ người chị họ giúp đỡ trong khoảng 10 ngày, sau đó hai mẹ con tự lo. "Lấy chồng đứng trong hàng ngũ CAND, mình rất tự hào. Bình thường công việc bận rộn thì không nói, mà khi mang nặng đẻ đau, dịch bệnh phức tạp không có chồng bên cạnh, cũng có lúc cảm thấy chạnh lòng chứ. Nhưng vì nhiệm vụ nên mình không trách anh, mà trái lại càng thương hơn...", chị Bình trải lòng.

untitled-2.jpg -0
Đại tá Phạm Hữu Thinh, Phó Tư lệnh cùng đoàn công tác thăm hỏi, động viên gia đình Thượng úy Lê Nhữ Hoàng.

Chị nhớ lại, đó là một buổi sáng hai mẹ con đang chơi với nhau thì nghe tin Tư lệnh đến, trong lòng cảm thấy thật vinh dự. Được Trung tướng, Tư lệnh trực tiếp đến thăm, thấy bác bế con, động viên hai mẹ con là một cảm giác mừng vui, khó tả. Chị chỉ biết nói lời cảm ơn và tự hứa sẽ cố gắng ở nhà chăm sóc, nuôi dạy con thật tốt để trở thành hậu phương vững chắc, giúp chồng an tâm công tác.

Trong hai ngày 11 và 12/9, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh CSCĐ do Đại tá Phạm Hữu Thinh, Phó Tư lệnh làm Trưởng đoàn đã về huyện Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình Thượng úy Lê Nhữ Hoàng, cán bộ Tiểu đoàn CSCĐ số 4, Trung đoàn CSCĐ Bắc Trung Bộ. Thượng úy Hoàng là một trong những CBCS của Trung đoàn lên đường chi viện Công an tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch. Sau gần một tháng xa gia đình, xa vợ con cùng đồng đội bám chốt ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, tuần tra, kiểm soát bảo đảm ANTT nơi tâm dịch, ngày 15/6 anh cùng lúc nhận hai tin dữ khi bà nội và bố qua đời ở quê nhà. "Khoảng 13h bà nội mất. Đến 19h30, bố tôi trong lúc nhập quan cho bà không may bị đột quỵ, dù được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng ông cũng đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện tỉnh. Một nỗi mất mát quá lớn mà em Hoàng không thể về do Bắc Giang lúc đó đang là điểm nóng dịch bệnh", anh Lê Nhữ Huy, anh trai Thượng úy Lê Nhữ Hoàng nhớ lại. Vợ chồng anh Huy sinh sống và làm việc ở Sài Gòn, nhà có hai anh em nên lúc chuyện xảy ra có mỗi mẹ và em dâu. Anh tức tốc về quê lo việc hiếu thì trong TP Hồ Chí Minh vợ mới sinh cháu thứ hai được vài tháng, sau đó tình hình dịch bệnh trong Nam phức tạp, anh phải ở lại Thanh Hóa mà lòng như lửa đốt.

Khi Thượng úy Hoàng hoàn thành nhiệm vụ ở Bắc Giang lại phải tiếp tục cách ly ở đơn vị đủ thời gian mới được về chịu tang, cũng là lúc 50 ngày mất bà nội và bố. "Hoàng được đơn vị tạo điều kiện cho về 10 ngày, sau đó trở lại đơn vị chống dịch cho đến nay, nhà lại neo người nên tôi phải ở lại động viên mẹ sau mất mát lớn, dù gia đình nhỏ cũng đang rất cần mình", anh Huy nói và bày tỏ cảm ơn sâu sắc trước nghĩa cử, sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ và Trung đoàn CSCĐ Bắc Trung Bộ, nơi Hoàng công tác. "Trong lúc tang gia bối rối, đơn vị đã cử đoàn công tác giúp gia đình rất nhiều. Giữa điều kiện dịch bệnh, lãnh đạo Bộ Tư lệnh cũng trực tiếp về thăm, động viên khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng, được tiếp thêm động lực để cố gắng vượt qua khó khăn", anh xúc động chia sẻ.

Những ngày qua, các đoàn công tác của Bộ Tư lệnh CSCĐ cũng tỏa ra các vùng miền ở Tây Nguyên, các tỉnh phía Nam thăm hỏi, tặng quà CBCS đang trên tuyến đầu chống dịch, ứng trực làm nhiệm vụ và thân nhân CBCS có hoàn cảnh khó khăn. Đây là nghĩa cử nhân văn của Bộ Tư lệnh đối với đồng đội và nhân dân, góp phần củng cố hậu phương, làm bền chặt hơn mối quan hệ quân - dân trong cuộc chiến chống đại dịch mà những CBCS CSCĐ đang trên tuyến đầu

Quỳnh Vinh
.
.