Cuộc thi “Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND”:

Lan tỏa vẻ đẹp của người chiến sĩ Cảnh vệ CAND

Thứ Năm, 02/02/2023, 07:00

Lần đầu tiên, sau hơn 5 tháng phát động, cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài “Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND” đã thu hút đông đảo tác giả, văn nghệ sĩ ở trong và ngoài lực lượng CAND tham gia với 232 tác phẩm dự thi. Có thể nói, văn học nghệ thuật đã trở thành cầu nối đưa hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND đến gần hơn với mọi người.

Cuộc hội tụ đa sắc màu

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) của Bộ Công an, cuộc thi dành cho các nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà văn, nhà thơ, người viết trong và ngoài lực lượng CAND, trong đó đặc biệt khuyến khích các tác giả, văn nghệ sĩ, CBCS trong lực lượng CAND.

Với sự phối hợp của Nhà xuất bản Công an nhân dân, Cục Truyền thông CAND và sự hỗ trợ của Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Tổ chức đã tổ chức các buổi gặp mặt, tiếp xúc với văn nghệ sĩ ở cả 2 miền Nam, Bắc. Tổ chức thành công Trại sáng tác tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh tại Ba Vì, Hà Nội. Thời gian tổ chức Trại sáng tác tuy không dài, nhiều văn nghệ sĩ ở xa không có điều kiện tham gia, nhưng với tinh thần làm việc nhiệt tình và nghiêm túc, bằng tâm trí và nhiệt huyết của mình, các văn nghệ sĩ đã có những tác phẩm góp phần lan tỏa hình ảnh và những phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ Cảnh vệ CAND.

56915.jpg -0
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và Thiếu tướng Trần Hải Quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ trao Bằng khen cho các tác giả đạt giải Nhất.

Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ trong và ngoài lực lượng, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong lĩnh vực văn học, Ban Tổ chức đã tiếp nhận tổng cộng 132 tác phẩm thuộc 3 thể loại: truyện ngắn, ký và thơ. Các tác phẩm tập trung phản ánh chân thực, tái hiện sinh động cuộc sống, với những câu chuyện đời thường và những chiến công, thành tích nổi bật của người chiến sĩ Cảnh vệ CAND…

Trong đó có nhiều tác phẩm nổi bật như “Phía khuất” của Trung tá Bùi Tuấn Minh Trường Cao đẳng CSND I giành giải A truyện ngắn; “Sắc lá trung quân” của tác giả Nguyễn Hiệp, tỉnh Bình Thuận- giải B; “Người thầy đầu tiên” của tác giả Trần Quỳnh Nga - Phó Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh, Hội VHNT Hà Tĩnh - giải B...

Ở thể loại truyện ký, hồi ký, tác phẩm “Năm Gấu” của tác giả Lê Duy Nghĩa, Hà Nội giành giải A; “Chuyện về người lính Cảnh vệ” tác giả Nguyễn Như Phong giành giải B... Chùm thơ “Tròn bóng nắng”, tác giả Thiếu tá Phạm Vân Anh, Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ đội Biên phòng giành giải A. Chùm thơ của tác giả Lữ Mai, Hà Nội và tác giả Trang Thanh giành giải B....

Đối với lĩnh vực âm nhạc và nhiếp ảnh, trong số gần 100 tác phẩm tham dự Cuộc thi, Ban Giám khảo cũng đã lựa chọn được 29 tác phẩm để trao giải thưởng. Các tác phẩm “Luôn xứng đáng là “Thanh bảo kiếm”" của tác giả Thượng tá, Nhạc sĩ Nguyễn An Hiếu, Phó Chủ nhiệm Khoa Quản lý Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; “Phía sau những bình yên” của tác giả Quách Thái Duy, Cà Mau; “Tự hào Lá chắn thép” của tác giả: thơ Đào Trung Hiếu, nhạc Quỳnh Lệ, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh là những tác phẩm xuất sắc. Thể loại nhiếp ảnh là các tác phẩm: “Quên mình bảo vệ yếu nhân”, tác giả: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thu Hà, hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam giành giải A và nhiều tác phẩm ấn tượng khác.

Hội đồng Giám khảo Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật đã quyết định trao 70 giải thưởng gồm: 4 giải A, 11 giải B, 19 giải C, 36 giải Khuyến khích cho các thể loại khác nhau.

Khám phá vẻ đẹp của những người hùng thầm lặng

Trong lễ phát động giải thưởng, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Đây không chỉ là cuộc ra quân của lực lượng Cảnh vệ anh hùng, mà còn là cuộc ra quân của các nhà văn, để khai phá một vùng đất mới, một không gian mới cho sự sáng tạo, và điều quan trọng không phải là để tuyên truyền về thành tích, mà là để khám phá những vẻ đẹp tâm hồn của những chiến sĩ Cảnh vệ cùng sự hy sinh thầm lặng của họ trong suốt chiều dài lịch sử”.

Là một tác giả trẻ mới nổi trong lực lượng, Trung tá Bùi Tuấn Minh - giành giải A truyện ngắn chia sẻ: “Được viết về đồng đội, viết về những khó khăn gian khổ là vinh dự cũng như trách nhiệm, bởi chúng tôi sẽ lột tả một cách chân thực nhất, rõ nét nhất về đồng đội mình”. Tuấn Minh là người yêu thích đề tài chiến tranh cách mạng, yêu lịch sử Việt, nhất là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam.

Với truyện ngắn “Phía khuất”, anh kể về một người lính Cảnh vệ từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia những năm 80, thế kỷ XX. Tại cuộc chiến đó, với khả năng bắn tỉa và lòng dũng cảm của mình, anh đã cứu một cô gái Campuchia trước họng súng của quân Pôn pốt khi bọn chúng đang chuẩn bị xử tử cô gái. “Trong câu chuyện này tôi muốn nêu bật lên hình ảnh người chiến sĩ Cảnh vệ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn tỉnh táo, kiên trung, trung thành với Tổ quốc, không bị những viên đạn bọc đường làm lu mờ nhân cách, phản bội. Bên cạnh đó tôi muốn truyền tải thông điệp về tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó giữa hai quốc gia, dân tộc”. Tuấn Minh chia sẻ.

Anh nói thêm: Thời gian qua Bộ Công an nói chung cũng như lực lượng cảnh vệ đã và đang “mở cửa” cho thông tin, truyền thông tiếp cận những công việc, nhiệm vụ hàng ngày của người lính Cảnh vệ. Họ đã xuất hiện thường xuyên hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để cho nhân dân biết, rồi những người muốn viết về họ được tiếp cận. Lực lượng Cảnh vệ CAND đối với tôi rất đặc biệt, họ thật sự là những người anh hùng thầm lặng”.

Nhà thơ Trang Thanh, một người công tác ngoài ngành Công an, nhưng bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của một “vùng đất mới”, đã mạnh dạn dấn thân. Chị nói: Đề tài về người chiến sĩ Cảnh vệ được là cho lĩnh vực khó tiếp cận, nhất là với thơ, nên đây thực sự là thử thách với một người ít hướng ngoại như tôi. Tôi cảm thấy việc đặt mình trước một đề tài khó đôi khi lại có sức hút riêng, khiến tôi có thể trở nên mạnh mẽ và làm chủ cảm xúc của mình tốt hơn. Mới thấy hóa ra việc mở lòng mình ra với thế giới bên ngoài mới là ngưỡng cửa nhiều thử thách nhất. Tôi cảm thấy vui vì mình đã làm được cái việc mà lâu nay tưởng là không thể đó. Xin cảm ơn Cuộc thi và những mối duyên an lành đã đem đến cho tôi niềm vui sáng tác và thêm hiểu hơn về chính mình trong hành trình thơ ca”.

Còn với nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thu Hà, đề tài người chiến sĩ Cảnh vệ là một đề tài hấp dẫn, xúc động. Tác phẩm “Quên mình bảo vệ yếu nhân” của chị giành giải A cuộc thi. Đó là tác phẩm phục dựng lại câu chuyện về Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Đoàn quên mình bảo vệ nữ Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Venezuela năm 1966. Bà Đoàn có rất nhiều kỷ niệm khi được bảo vệ, tiếp cận các phu nhân nguyên thủ quốc gia sang thăm Việt Nam, nhưng lần bảo vệ nữ đồng chí lãnh đạo này là một câu chuyện đáng nhớ. Bức ảnh tái hiện lại những trang sử anh hùng nhưng thầm lặng của lực lượng Cảnh vệ, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay. Đặc biệt, người đóng vai bà Đoàn của gần 50 năm về trước trong bức ảnh cũng là một chiến sĩ Cảnh vệ trẻ, rất ngưỡng mộ bà. Bức ảnh không chỉ kể một câu chuyện anh hùng của quá khứ mà còn mang thông điệp về sự tiếp nối truyền thống của thế hệ trẻ.

Và rất nhiều tác phẩm, thuộc nhiều lĩnh vực văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh đã khắc họa đậm nét hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ trong thời chiến và thời bình, cho chúng ta hiểu thêm về lịch sử anh hùng của lực lượng Cảnh vệ trong hành trình dài của đất nước. Có thể nói, văn chương, nghệ thuật đã trở thành cầu nối mang hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ đến gần hơn với công chúng. Và ngược lại, với sự “mở cửa” cho thông tin, các nghệ sĩ lại có cơ hội khai phá một vùng đất mới, sống động và không kém phần hấp dẫn, đề tài người chiến sĩ Cảnh vệ CAND. 

Trung Tướng, nhà văn Hữu Ước - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Công an: Đây là cuộc thi có thời gian ngắn nhất so với tất cả các cuộc thi sáng tác về văn học nghệ thuật nước nhà nhưng lại là cuộc thi rất thắng lợi, thành công, có những 5 thể loại VH-NT là truyện ngắn, ký, thơ, âm nhạc và nhiếp ảnh.

Với thời gian chỉ có 5 tháng kể từ khi phát động cuộc thi và đi thực tế sáng tác nhưng chúng ta đã có một mùa gặt hái bội thu với 475 tác phẩm dự thi của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có uy tín, có thương hiệu trong làng VH-NT nước nhà.

Đặc biệt là có sự tham gia tích cực của các cán bộ, chiến sĩ, của các cấp lãnh đạo một số đơn vị Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và của nhiều đơn vị khác của Bộ và Công an các địa phương. Điều này nói lên đề tài về người lính Cảnh vệ thực sự là đề tài hấp dẫn, rất mới, rất lạ, rất cần được khám phá của những người hoạt động VH-NT nước nhà...

Nhìn chung, các tác phẩm tham dự cuộc thi đã dựng lên hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND rất khác lạ, đặc biệt, khác với các binh chủng khác của quân đội và công an. Những chiến sĩ Cảnh vệ trong các tác phẩm VH-NT, ngoài lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp của Đảng, họ là những con người tận tụy, xả thân, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình không một giây phút suy nghĩ để hoàn thành nhiệm vụ. Bản chất cốt lõi này của người lính Cảnh vệ qua những câu chuyện của các tác giả kể lại đã chạm đến cảm xúc của người đọc.

Linh Nguyễn
.
.