Lan tỏa tác phẩm văn học Công an trong các trường Công an

Thứ Năm, 14/03/2024, 15:45

Văn học về đề tài CAND có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với nhiều tác phẩm tiêu biểu có giá trị lan tỏa hình ảnh đẹp về người cán bộ, chiến sĩ CAND.

Có thể kể đến một số tác phẩm: “Bên kia cổng trời” của nhà văn Ngôn Vĩnh, “Đêm yên tĩnh” của nhà văn Hữu Mai, “Mật danh AZ” của nhà văn Phạm Thanh Khương, “Cổ cồn trắng” của nhà văn Như Phong, “Bí mật cuộc đời” của nhà văn Lê Tri Kỷ, “Đơn tuyến” của nhà văn Phạm Quang Đẩu, “Đối mặt”, “Đất nóng” của nhà văn Nguyễn Hồng Thái…, gần đây nổi lên các tác phẩm “Hoa bay” của nhà văn Chu Thanh Hương, “Bão ngầm” của nhà văn Đào Trung Hiếu và nhiều tác phẩm khác.

%3fnh 1 .jpg -0
Học viên Công an với ấn phẩm Văn nghệ Công an.

Ngoài những tác phẩm mang tính dự báo còn có nhiều tác phẩm thẳng thắn phê phán những cái xấu, biểu hiện thoái hóa, biến chất, trục lợi làm ảnh hưởng đến nhân cách người cán bộ chiến sĩ Công an cũng được khắc họa rõ nét. Đối với lực lượng Công an nhân dân, những tác phẩm này có tác dụng định hướng, giáo dục cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần tính nhân văn, ứng xử có văn hóa để phục vụ trong công tác và chiến đấu.

Nhà trường là môi trường giáo dục đào tạo, cán bộ, chiến sĩ cho Công an các địa phương trong cả nước thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh và trật tự an toàn xã hội. Từ những mái trường này, phẩm chất đạo đức, lập trường tư tưởng, kỹ năng nghiệp vụ của một người chiến sĩ Công an được hình thành và phát triển. Đây cũng là môi trường thuận lợi để những tác phẩm văn học CAND thực sự được quảng bá và lan tỏa sâu rộng trong nhận thức của mỗi cán bộ chiến sĩ học viên.

Thực tế cho thấy hình tượng các nhân vật Công an trong những tác phẩm văn học mà học viên được tiếp cận trong nhà trường đã có tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành động của học viên. Việc thiếu kinh nghiệm công tác thực tế, chưa tham gia các vụ án hay tiếp xúc thường xuyên với nhân dân, giải quyết mâu thuẫn trong công việc thì những tác phẩm văn học về CAND được học viên tiếp cận tại nhà trường như những cẩm nang sống bổ ích không chỉ giúp học viên rèn luyện, nâng cao kỹ năng mềm, còn tích lũy kinh nghiệm xử lý hiệu quả các tình huống nghiệp vụ. Bằng sự khéo léo của các tác giả, nhà văn nhiều tác phẩm về đề tài CAND là những chiến lệ giúp cho học viên thẩm thấu dễ dàng khi được chứng kiến dưới góc nhìn văn học.

Một số tác phẩm có thể kể đến như “Những ngày sóng gió” của Lê Giản (nguyên Giám đốc Nha Công an Trung ương) viết về quãng đời hoạt động cách mạng của đồng chí và lực lượng Công an nhân dân những năm 1945-1946, tác phẩm “Câu lạc bộ chính khách” của nhà văn Lê Tri Kỷ viết về tổ điệp báo A13 ở khu giải phóng Thanh Hóa những năm 1946-1954, hồi ký “Từ sở Công an Bắc Bộ ra đi” của Lê Tuấn viết về những trinh sát Công an Bắc Bộ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, tác phẩm “Đường về thành phố” nhà văn Trần Thanh Hà viết về anh hùng LLVT Nguyễn Đình Bảy, nguyên Giám đốc Công an Bình Trị Thiên, tác phẩm “Đơn tuyến” của nhà văn Phạm Quang Đẩu, viết về nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc, tác phẩm “Bên kia cổng trời” của nhà văn Ngôn Vĩnh, viết về cuộc chiến chống phỉ ở Đồng Văn… và nhiều tác phẩm văn học Công an khác.

Dù dưới các thể loại ký, tiểu thuyết hay truyện ngắn đó vẫn là những câu chuyện người thật việc thật được khắc họa rõ nét, chân thực, luôn xảy ra trong cuộc sống và trong quá trình đấu tranh, trấn áp tội phạm. Một số tình huống trong tác phẩm được các thầy, cô giáo trong các nhà trường sử dụng làm ví dụ minh họa, sinh động qua các bài giảng.

Thông qua ý kiến phản hồi của Công an các đơn vị, địa phương, đánh giá chất lượng sản phẩm giáo dục là những học viên Công an từ các nhà trường đào tạo đã và đang đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Việc xây dựng nhận thức, định hướng tư tưởng, rèn luyện đạo đức và lối sống cho học viên bằng nhiều hình thức khác nhau, việc tiếp cận các tác phẩm văn học Công an tại các trường CAND được lãnh đạo Bộ Công an, các nhà trường đặc biệt quan tâm. Trong đó, đã chú trọng nâng cấp các thư viện của nhà trường, nơi cung cấp các tài liệu phục vụ nghiên cứu, học tập, nhất là các đầu sách văn học.

Theo khảo sát ở các trung tâm tư liệu thư viện tại một số trường như Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại học An ninh nhân dân, Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II… số sách văn học chiếm một phần không nhỏ trong tổng số tài liệu, trung bình mỗi trường có số lượng từ 4 đến 5 nghìn đầu sách văn học đối với các trường cao đẳng, từ 5 đến 7 nghìn đầu sách đối với các học viện, đại học. Hiện nay, việc triển khai và đưa vào hoạt động đồng nhất các thư viện điện tử hiện đại giúp cán bộ, học viên tiếp cận hơn với nhu cầu đọc sách văn học dễ dàng thuận lợi hơn so với trước kia.

Lan tỏa tác phẩm văn học Công an trong các trường Công an -0

Một yếu tố khác giúp tác phẩm văn học dễ dàng lan tỏa trong môi trường nhà trường, là phong trào văn hóa đọc ngày càng phát triển trong cả nước, tạo hiệu ứng sôi nổi, có sức lôi cuốn mạnh mẽ tại các trường CAND. Chất lượng phong trào cho thấy việc thực hiện kế hoạch số 132/KH-BCA-X11, ngày 20/6/2018 của Bộ Công an về phát triển văn hóa đọc trong CAND đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả. Các câu lạc bộ văn hóa đọc được thành lập và đi vào hoạt động, tổ chức các cuộc thi văn hóa đọc, con đường sách, ngày hội đọc sách tại các nhà trường hằng năm đã lôi cuốn người đọc đến với sách, tôn vinh những cuốn sách hay.

Dù chưa thể khẳng định những tác phẩm văn học Việt Nam nói chung và những tác phẩm văn học về CAND nói riêng đóng vai trò then chốt, nhưng thực tế cho thấy, thông qua quá trình học tập và rèn luyện tại nhà trường, những tác phẩm này đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo ra những chiến sĩ Công an vừa hồng, vừa chuyên phục vụ đắc lực cho công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, việc lan tỏa các tác phẩm văn học Công an trong môi trường sư phạm Công an còn có những hạn chế nhất định, như công tác tuyên truyền về sách văn học còn chưa tạo hiệu ứng tốt, nhất là văn học Công an, học viên tham gia các cuộc thi giới thiệu, tôn vinh sách thường chọn những cuốn sách mang tính lý luận, những cuốn sách về chia sẻ cuộc sống. Sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ nhất là học viên đối với văn học về đề tài CAND chưa nhiều; việc sử dụng công nghệ tìm kiếm trên điện thoại thông minh ngày càng tiện ích, khiến nhu cầu đọc sách ngày càng không trở nên phổ biến.

Hiện nay, ấn phẩm Văn nghệ Công an, diễn đàn văn học nghệ thuật của lực lượng CAND là cánh tay nối dài gần như duy nhất của bạn đọc đến với văn học Công an, tuy nhiên số lượng được cấp phát về các lớp học chưa đảm bảo phục vụ nhu cầu của học viên. Công tác thông tin thư viện hoạt động thiếu hiệu quả, sản phẩm và dịch vụ thông tin còn đơn giản, chưa phong phú về hình thức, nội dung, chất lượng chưa cao. Các hoạt động cung cấp thông tin nhằm thỏa mãn nhu cầu về sách văn học của cán bộ, giáo viên và học viên trong các nhà trường còn nhiều hạn chế; việc cập nhật sách văn học hằng năm, nhất là văn học Công an chưa thường xuyên, liên tục.

Nhằm lan tỏa tác phẩm văn học, nhất là văn học về đề tài CAND thực sự là món ăn tinh thần, bổ ích đối với cán bộ, học viên, cần có những giải pháp phù hợp như: Cần quan tâm đến việc giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, học viên thông qua các biện pháp tác động bằng văn học như khuyến khích, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa đọc, tuyên truyền giới thiệu sách, tổ chức tọa đàm, hội thảo, các cuộc thi tìm hiểu theo hình thức sân khấu hóa các tác phẩm văn học về CAND; làm tốt công tác phối hợp giữa các đơn vị chức năng để đưa gần hơn tác phẩm văn học về CAND đến với cán bộ, học viên; coi việc học và đọc tác phẩm văn học là nhiệm vụ quan trọng góp phần hình thành văn hóa ứng xử và xây dựng nhân cách người cán bộ chiến sĩ Công an. Bên cạnh đó, với cách tiếp cận của giáo dục, đào tạo hiện nay là phát triển năng lực của người học thì thư viện phải được xác định có vị trí trung tâm trong việc bảo đảm các điều kiện tự học, tự nghiên cứu của người học. Việc tăng cường đầu tư, bổ sung các loại sách văn học cho thư viện, không ngừng cải tiến, liên kết các thư viện trong ngành phải được tiến hành thường xuyên.

Với chức năng của mình, dòng chảy văn học về lực lượng CAND ngày càng phong phú, đa dạng, các mảng đề tài nóng được khai thác với nhiều tác phẩm có giá trị, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc. Việc lan tỏa các tác phẩm văn học Công an trong môi trường sư phạm vừa có ý nghĩa nhân văn, vừa có tác dụng mài dũa tâm trong, trí sáng cho học viên để phục vụ công tác sau này. Vì vậy, các nhà trường trong lực lượng CAND cần xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, bởi “Văn học là nhân học”. 

Bùi Tuấn Minh
.
.