Ký ức 10 ngày ở tâm chấn động đất Thổ Nhĩ Kỳ
10 ngày chiến đấu với thảm họa để tìm kiếm sự sống, 10 ngày chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, sinh hoạt kham khổ và thiếu thốn, hơn 10 ngày không tắm gội... Đó là khoảng thời gian thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, khó khăn nhưng cũng đầy tự hào đối với những người lính cứu nạn cứu hộ (CNCH) ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 19/2, 24 thành viên Đoàn công tác đã trở về nước an toàn. Hành trang họ mang theo về không chỉ là niềm tự hào vì đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả mà còn mang về bài học và kinh nghiệm quý giá về công tác CNCH, về tình người và tinh thần hợp lực quốc tế phòng chống thiên tai, thảm họa.
Cuộc xuất quân thần tốc
Chiều muộn 20/2, Thiếu tá Nguyễn Văn Cần, Phó trưởng Khoa CNCH, Trường Đại học Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) dành cho tôi cuộc trò chuyện sau ngày trở về từ vùng đất nóng. Tôi như chìm trong chuỗi câu chuyện đầy xúc động của anh: "12 giờ ngày 9/2, đồng chí Trưởng khoa thông báo tôi có tên trong danh sách đi CNCH tại Thổ Nhĩ Kỳ cùng 4 giảng viên trong khoa.
Lệnh triệu tập 13 giờ, 15 giờ nhận phương tiện, 22 giờ lên máy bay. Tình huống vô cùng gấp gáp. Sau khi nhận phương tiện CNCH cơ bản nhất dành cho công tác khắc phục sự cố liên quan đến sập đổ, gồm: thiết bị phòng chống khói khí độc, bộ gối hơi, bộ thiết bị thủy lực, kích thủy lực, nhà bạt… 5 giáo viên chúng tôi cùng các thành viên của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Cảnh sát PCCC Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Bệnh viện 19-8… chuẩn bị lên đường.
Mang theo 12,7 tấn hàng chủ yếu là trang thiết bị CNCH, thiết bị y tế để viện trợ cho nước bạn, 24 thành viên trong đoàn, kể cả đồng chí Trưởng đoàn - Đại tá Nguyễn Minh Khương, Cục Phó Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng phải bốc dỡ hàng lên xuống sân bay, xe container và hiện trường. Biết trước sẽ đối mặt với khó khăn, vất vả, khác với công tác CNCH ở Việt Nam và chưa từng xử lý thảm họa động đất, nhưng cả đoàn đều sốt ruột mong sớm đến nơi để cứu người.
Máy bay hạ cánh, đoàn di chuyển hơn 8 giờ bằng ô tô, băng qua những con đường ngập tuyết, ùn tắc giao thông vì đông đoàn cứu trợ, đoàn người di cư sau trận động đất. Những hình ảnh đổ nát, hoang tàn hiện ra trước mắt. Cái lạnh ở đây thật khủng khiếp. Mặc dù cả đoàn đã mang theo đồ rét nhưng vẫn chưa đủ chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết. Những thành viên đến từ TP Hồ Chí Minh là vất vả hơn cả, vì các anh không quen với cái lạnh. Khi lao vào gỡ, cắt, bê bê tông, sắt thép, mồ hôi chảy ròng ròng, nhưng lúc ngồi chờ máy xúc, máy cào thì anh em lại run lập cập vì rét. Cái lạnh khắc nghiệt kết hợp với nắng khiến khuôn mặt ai cũng đen sạm, khô hanh làn da rộp lên, bong tróc từng mảng.
Đối mặt hiểm nguy
Đúng như những lo ngại khi xuất phát từ Việt Nam, ngoài khó khăn về thời tiết, Đoàn công tác phải đối mặt với nhiều khó khăn như sự khác biệt về ngôn ngữ, nguy cơ tiếp tục dư chấn động đất, sự nguy hiểm tại hiện trường… Nhưng, tất cả đều được khắc phục dần dần. Sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Hội những người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và cá nhân một số người Việt đã tạo thuận lợi, từ khâu phiên dịch, cung cấp thức ăn...
Tại 3 địa điểm Đoàn công tác của Việt Nam nhận nhiệm vụ tại thành phố Adiyaman vẫn đang đầy rẫy nguy hiểm. Điểm đầu tiên là một chung cư mini bị sập, hai bên là 2 khối chung cư đổ nghiêng, có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Từng mảng bê tông lơ lửng trên trời, kết nối với tòa nhà bằng những thanh sắt thép mỏng mảnh đến đáng sợ. Trong lúc lực lượng cứu nạn đào bới phía dưới, những cơn dư chấn tiếp theo làm cho nó đung đưa như những con lắc kỳ quái trên bầu trời xanh thẫm. Nhiệm vụ của đoàn phải vừa tìm kiếm sự sống song song với đảm bảo an toàn cho chính mình.
Ngay trong tối đầu tiên làm nhiệm vụ, đoàn CNCH của Việt Nam phối hợp với đoàn Pakistan cứu sống một thiếu niên 17 tuổi, niềm vui vô bờ. Đó là động lực để các thành viên tiếp tục dốc sức tìm người. Thế nhưng, cuộc CNCH không hề thuận lợi. Ngày tiếp theo, cảm xúc vui, buồn lẫn lộn trong các thành viên. Vui vì 2 tấn hàng viện trợ là trang thiết bị y tế của Bộ Công an gửi sang đã được phía nước bạn tiếp nhận và phân phối đến nơi cần thiết để hỗ trợ cứu người. Buồn vì "ở nơi đó họ mãi đi xa" - Thiếu tá Cần ghi trong nhật ký zalo như vậy.
Anh cho tôi xem đoạn video ghi lại hình ảnh những chiến sĩ trong bộ đồ CNCH bước ra từ đống đổ nát cùng chiếc cáng bọc kín thi thể, lầm lũi đi trong tiếng khóc xé lòng của người thân nạn nhân. Anh kể, đau lòng nhất là khi tới hiện trường một ngôi nhà sập có 4 nạn nhân tử vong. Lật từng tảng bê tông lên, họ bắt gặp một cảnh tượng hết sức đau lòng, 4 người trong gia đình nằm đó, bé gái khoảng 3, 4 tuổi nằm trong vòng tay bố, bên cạnh là người mẹ, còn phía trên là cậu con trai lớn. Họ nằm dưới khung cửa bị mái nhà đè sập, cùng nhau… Tất cả lặng người đi.
Những ngày sau đó, nhật ký Zalo của Cần là hình ảnh những lưng áo CNCH phản quang trong đêm như những ánh sao mang tên Việt Nam. Là hình ảnh dốc lòng, dốc sức không quản ngại khó khăn, vượt lên thời tiết khắc nghiệt, chạy đua cùng thời gian kiếm tìm sự sống sau thảm họa động đất kinh hoàng. Nhưng, điều kỳ diệu đã ít dần.
Tình người sưởi ấm trái tim
"Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ…" - nhà văn Nguyễn Khải đã viết trong một tác phẩm của mình như vậy. Và, ở nơi động đất đã cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng chỉ sau 1 đêm xảy ra thảm họa, những người dân gặp nạn cũng đã được sưởi ấm trái tim bằng sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có những người lính CNCH thuộc lực lượng vũ trang Việt Nam. Sự xúc động của người dân địa phương chuyển hóa thành hành động, dù chỉ là giản dị giữa mất mát đau thương. Đó là những bó rau cải thảo, quả cà chua mang đến cho đoàn CNCH tại nơi dựng nhà bạt, hay tặng con gà để các anh nấu cháo bằng nồi cơm điện mang theo từ Việt Nam…
Thiếu tá Cần kể lại, đoàn nhận được nhiều tình cảm của người dân Thổ Nhĩ Kỳ, từ ánh mắt trìu mến và cái ôm nồng thắm dành cho các thành viên cứu nạn trong những phút nghỉ hiếm hoi, hay như tình huống ấn tượng này: "Ở một trung tâm thương mại ở thủ đô Istanbul, khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam tham gia CNCH, người dân đã tặng chúng tôi những tràng pháo tay không ngớt, trong tiếng hô vang: "Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam! Vì các bạn xứng đáng! Good luck...". Họ xin chụp chung bức ảnh và hứa sẽ phóng to, treo tại quán cùng với bức ảnh đoàn đang cứu nạn tại hiện trường. Cảm giác xúc động khôn tả ập đến trong chúng tôi, dù mục đích có mặt tại nơi này không phải vì điều đó, không phải để có được sự tung hô ấy…".
Cuộc trò chuyện với người giáo viên CNCH của Trường Đại học PCCC kết thúc khi dòng xe trên đường hối hả về tổ ấm đã thưa dần, tôi vẫn ấn tượng khoảnh khắc đầu tiên gặp anh khi trên tay mang theo mấy bộ quần áo chuyên dụng đi giặt, da mặt vẫn đang bị bong tróc. Bộ đồ đó đã được mặc đi mặc lại tròn 10 ngày qua, bám biết bao bụi đất, mồ hôi ướt lại khô. Trước khi lên máy bay về Việt Nam họ mới được tắm khi dừng chân tại Istanbul, tức là 11 ngày không được tắm, từ khi nhận nhiệm vụ.
Chuyến công tác tuy vất vả, dốc sức lực, nhưng chuyến đi đã cho họ những bài học quý giá trong công tác nghiệp vụ cứu sập, từ khâu chuẩn bị cho đến việc phối hợp, sử dụng kỹ thuật chiến thuật trong CNCH, sự điều phối giữa các lực lượng, công tác chỉ huy tại hiện trường… Và trên hết đó là bài học về tình người, là sứ mệnh của người Công an Việt Nam cộng đồng quốc tế.
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an đã đánh giá: "Việc nhanh chóng cử Đoàn công tác Bộ Công an tham gia công tác CNCH thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật, tinh thần hiệp đồng chiến đấu cao, tinh thần trách nhiệm và năng lực của Công an nhân dân Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế; thể hiện tính chủ động trong việc bố trí lực lượng, phương tiện phục vụ công tác CNCH với mọi điều kiện, khu vực khác nhau. Đồng thời, thể hiện truyền thống "tương thân tương ái" cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đóng góp, chia sẻ một phần sức lực của Việt Nam đối với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ".