Khắc tuổi thanh xuân nơi biên giới

Thứ Năm, 08/05/2025, 18:02

Để giữ cho muôn nhà khói tỏa bình yên dọc đường biên giới, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an xã thuộc Công an tỉnh Sơn La đã dành cả tuổi thanh xuân để bám bản, bám dân. Khát vọng của họ chính là góp sức giữ gìn phên giậu vững chắc nơi biên cương Tổ quốc...

Trải dọc đường biên cương 274 km tiếp giáp với nước bạn Lào, Sơn La mang một vẻ đẹp hùng tráng của miền sơn cước với biết bao sản vật, nét văn hóa độc đáo. Nhưng, Sơn La cũng đối diện với thật nhiều thách thức, đặc biệt là về an ninh, trật tự.

Để giữ cho muôn nhà khói tỏa bình yên dọc đường biên giới, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an xã thuộc Công an tỉnh Sơn La đã dành cả tuổi thanh xuân để bám bản, bám dân. Khát vọng của họ chính là góp sức giữ gìn phên giậu vững chắc nơi biên cương Tổ quốc...

Thượng úy Trần Nam Sơn, Công an xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp là một trong những cán bộ, chiến sĩ lựa chọn gắn bó lâu dài ở vùng biên giới Sơn La với mong muốn cống hiến sức trẻ để bảo vệ dải đất biên cương xa xôi ấy.

Khát vọng tận hiến

Đã mùa hoa ban thứ tư, Nam Sơn gắn bó với vùng cao xã Nậm Lạnh, huyện biên giới Sốp Cộp. Nam Sơn chính là một trong những chiến sĩ viết đơn tình nguyện tăng cường cho các xã biên giới trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự theo chủ trương của Bộ Công an năm 2000.

img_3538.jpg -0
Thượng úy Trần Nam Sơn (thứ hai, bên trái) cùng đồng đội bàn phương án bắt đối tượng mua bán trái phép chất ma túy.

Chưa từng bước chân trên đá sỏi hay nếm cái lạnh miền cao, Nam Sơn trưởng thành giữa trung tâm Hà Nội. Là một trong những thanh niên trẻ mang nhiều khát vọng của tuổi trẻ CAND, anh mang theo niềm tin mãnh liệt về sự tận hiến. Những bước chân đầu tiên của Nam Sơn đến Sốp Cộp cũng là những dịp "dò đường", là "lần đầu tiên" với phong tục của đồng bào vùng cao, với những thiếu hụt trước sau của đời sống vật chất, tinh thần. Nhưng, anh đã vượt qua giai đoạn khó khăn đầu tiên khá nhanh để nhập cuộc với người dân Nậm Lạnh.

Không chỉ vậy, một bước dấn thân tiếp, một quyết định dũng cảm là anh đưa vợ con lên Sốp Cộp sinh sống và làm việc. Dù nhà vẫn phải đi thuê, dù đời sống tinh thần còn thua thiệt, nhưng căn nhà nhỏ của gia đình Nam Sơn giữa miền biên giới vẫn đầy ắp tiếng cười. Bữa cơm gia đình của người chiến sĩ trẻ là những món mà trước đây họ chưa từng ăn, là măng rau tự nhiên mà ở miền xuôi chỉ nhìn qua sách vở.

Chị Hoàng Thị Thanh, vợ Thượng úy Trần Nam Sơn tâm sự: "Khi chồng tôi muốn mấy mẹ con tôi lên trên này, tôi cũng nghĩ, anh lên công tác ở vùng núi xa xôi, bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, người thân thì ở xa, tôi quyết định ôm con lên đây để vợ chồng con cái được gần nhau, động viên anh yên tâm công tác".

Sơn bây giờ đã khác với Trần Nam Sơn của ngày đầu tới bản. Anh có thể nói tiếng của đồng bào, ăn cơm uống nước như người đồng bào và nhập cuộc, say mê với miền đất mới. Bám dân bám bản, đảm bảo an ninh trên địa bàn, lại có đồng đội cận kề giúp sức, mỗi nơi phức tạp được giải quyết ổn định trở lại là những dấu ấn thực sự của Trần Sơn Nam với Nậm Lạnh biên cương.

Nậm Lạnh có 8,5 km đường biên giới tiếp giáp với nước CHDCND Lào, nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự... Sơn đã tích cực cùng chỉ huy Công an xã tham mưu cho địa phương nhiều giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội. Anh cũng là một trong những "người hòa giải" mát tay cho nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp, giúp cho mỗi thôn bản càng sớm tối thêm yên lành...

Người hòa giải "mát tay"

Năm 2016, dân bản Kéo Vai và bản Púng Tòng mâu thuẫn sâu sắc vì tranh chấp đất đai kéo dài, mỗi bên đều có lý của mình. Việc tranh chấp kéo dài đến tận đầu năm 2024, kéo theo nhiều hệ lụy, thậm chí còn xảy ra những xô xát có thể dẫn đến hỗn chiến tập thể. Vụ việc trở thành tâm điểm của cả huyện Sốp Cộp. Trần Nam Sơn được cử là thành viên tổ công tác của huyện, của xã tham gia giải quyết vụ việc này. Dù không phải là người bản địa nhưng phương châm "trăm cái lý không bằng một tí cái tình" của anh và đồng đội đã làm dân bản hai bên đồng thuận. Việc từ đó mà yên...

Dưới chân những dãy núi trùng điệp nơi biên giới Nậm Lạnh, Trần Nam Sơn cùng đồng đội được người dân xem như lá chắn thép trước tội phạm. Những vụ án hóc búa, những tên tội phạm nguy hiểm, cả những kẻ liều lĩnh sử dụng vũ khí nóng, đều phải khuất phục. Cuối tháng 12/2024, màn sương dày đặc phủ tràn Nậm Lạnh nhưng không thể che giấu tội ác.

Trong một chuyên án đầy cam go, Sơn cùng đồng đội đã bất ngờ ập vào, bắt giữ một đối tượng buôn bán động vật hoang dã, thu giữ 4 chân gấu - những dấu tích đau thương của thiên nhiên bị xâm phạm. Khi khám xét nơi ở của đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện 537,3 gam nhựa thuốc phiện, cùng nhiều thuốc súng, đạn, hạt nổ nguy hiểm và gần 75 triệu đồng tang vật.

img_3555.jpg -1
Thượng úy Trần Nam Sơn cùng đồng đội và bộ đội biên phòng phối hợp làm nhiệm vụ.

Năm 2024, Công an xã Nậm Lạnh đã kiên trì đấu tranh, xử lý 13 vụ việc hình sự, trật tự xã hội; phát hiện, triệt phá 2 vụ án ma túy; tiếp nhận và giải quyết 29 tin báo theo đúng thẩm quyền. Những tranh chấp đất đai, khiếu kiện phức tạp ở khu vực biên giới cũng dần được tháo gỡ. Và, trong hầu hết những chiến công thầm lặng ấy, luôn có bóng dáng người sĩ quan trẻ với ánh mắt sắc sảo và trái tim đầy nhiệt huyết - Thượng úy Trần Nam Sơn.

Nói về vụ án này, anh cho biết: "Ban đầu khi nghe đồng đội nói tội phạm hay sử dụng vũ khí nóng ở đường biên, khi đi truy bắt mới thấy nguy hiểm như thế nào. Qua lần đó tôi cũng rút ra được kinh nghiệm là mỗi lần đi địa bàn thì phải lên kế hoạch, trang thiết bị, địa bàn, địa hình phải nắm rõ để không ảnh hưởng đến đồng đội và bà con xung quanh".

Biên giới Nậm Lạnh không chỉ là nơi công tác, mà từ lâu đã trở thành một phần máu thịt trong trái tim Trần Nam Sơn. Những con đường mòn quanh co, những mái nhà đơn sơ nép mình giữa núi rừng và những ánh mắt tin cậy của bà con nơi đây đã níu giữ bước chân người lính trẻ. Anh không chỉ đến để làm nhiệm vụ, mà còn để sống, để sẻ chia và để trở thành một người con của mảnh đất biên cương này.

Tháng 11/2023, với tất cả tình yêu và trách nhiệm, anh quyết định viết đơn lần thứ hai, tha thiết xin được tiếp tục gắn bó với vùng biên. Không phải ai cũng đủ dũng cảm để chọn con đường gian khó, nhưng với anh, đó là lẽ tự nhiên - như một lời hẹn ước với đồng bào, với từng bản làng đã in dấu chân mình. Quyết định ấy không chỉ là sự dấn thân của một người chiến sĩ, mà còn là lời cam kết đầy nghĩa tình của một người con đối với vùng đất đã coi anh như máu mủ ruột rà.

Hơn 3 năm gắn bó với biên giới, chắc hẳn Thượng úy Trần Nam Sơn cũng hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn, vất vả, thiếu thốn nơi này. Gia đình, người thân không ngăn cản mà ủng hộ, bởi họ hiểu rằng, nơi anh thuộc về chính là nơi biên cương xa xôi ấy, nơi anh có một đại gia đình khác - những con người đã xem anh như người thân, như điểm tựa. Và, một lần nữa, Thượng úy Sơn lại khoác ba lô, tiếp tục hành trình của người chiến sĩ.

Trung tá Tòng Văn Quân, Trưởng Công an xã Nậm Lạnh xúc động nói: Rất đáng trân quý và tự hào khi có đồng chí trẻ, nhiệt huyết từ dưới xuôi lên vùng khó khăn với bà con. Ở đây đa số là dân tộc thiểu số (Thái, Mông, Khơ Mú), bất đồng về ngôn ngữ, sinh hoạt, phong tục tập quán, đồng chí đã khắc phục khó khăn, phát huy năng lực sở trường áp dụng vào địa bàn; chịu khó tìm tòi học hỏi, đoàn kết, thống nhất với chỉ huy, với đồng đội, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Biên giới, nơi những miền đất ít dấu chân người qua, nơi mà mọi khó khăn không thể đo đếm bằng ngày, bằng tháng. Biên giới, nơi từng tấc đất phải được gìn giữ, lớp cha trước lớp con sau, của bao đời dân Việt. Ai cũng lựa chọn việc nhẹ nhàng nơi đô thị thì miền biên cương này ai chấp nhận thuộc về? Câu trả lời nằm trong những bước chân lặng thầm của biết bao chiến sĩ như Trần Nam Sơn… Những người đã gác lại riêng tư, chấp nhận gió sương, để bình yên mãi xanh trên dải đất hình chữ S thiêng liêng. Dường như, Tổ quốc luôn đẹp đẽ và quý giá, không chỉ bởi non sông gấm vóc, mà còn bởi đã và đang được thắm máu và mồ hôi của biết bao triệu con người. Họ đã đến, ở lại, khắc thanh xuân của mình cho hình hài đất nước đẹp tươi...

Minh Phong - Minh Phượng
.
.