Hơi xuân đã dậy bên hồ...

Thứ Năm, 27/01/2022, 14:19

Tết này, tròn hai năm Đại úy Hà Thế Anh về làm Trưởng Công an xã Nam Mẫu – xã vùng hồ Ba Bể nổi tiếng nhất tỉnh Bắc Kạn. Nhớ dịp cuối năm 2019, Nam Mẫu thực hiện Công an xã chính quy, Đại uý Thế Anh được điều động từ Công an huyện Ba Bể về làm Trưởng Công an xã cùng một đồng chí Phó Công an xã bán chuyên trách. Đó cũng là lần đầu tiên Đại uý Thế Anh xây dựng kế hoạch trực Tết ở địa bàn xã bị chia cắt bởi núi cao hồ sâu, dân cư thưa thớt như Nam Mẫu.

Đến tháng 4-2020, Công an xã Nam Mẫu mới có đủ 5 đồng chí phụ trách địa bàn. Mới đấy mà đã sắp đón cái Tết thứ 3 cùng bà con ở hồ Ba Bể. Cuối năm, công việc bộn bề, hỏi Đại úy Thế Anh đã thấy Tết chưa? Anh cười: “Thường xuyên xuống địa bàn các thôn bản, thấy bà con rậm rịch chuẩn bị Tết nên cũng thấy hơi xuân đã về gần lắm”...  

Từ thuyền cole đến chiếc cano ở hồ Ba Bể

Một sáng cuối năm, tôi có mặt ở hồ Ba Bể. Trong màn sương mờ ảo giăng khắp mặt hồ, đã thấy chiếc cano của Công an xã Nam Mẫu ngược xuôi xé nước vượt hồ đến các điểm bản để giải quyết vụ việc. Bóng sắc phục màu xanh lá lẫn với màu cam của áo phao cứ nhỏ dần rồi mất hút giữa vùng trời nước mênh mông. Cuộc hẹn với các đồng chí Công an xã bị lỡ vì cả ngày hôm đó anh em không có khoảng thời gian trống.

Hơi xuân đã dậy bên hồ... -0
Đại úy Hà Thế Anh - Trưởng Công an xã Nam Mẫu lái cano chở các đồng chí Công an xã vượt hồ Ba Bể đến các thôn bản.

Sáng hôm sau, tôi theo chân anh em Công an xã đi cano vượt hồ Ba Bể đến các địa bàn. Dường như đã quá quen với khí lạnh từ mặt hồ xộc lên rét tê tái, Đại uý Thế Anh vừa bẻ lái cano vừa trò chuyện trong tiếng động cơ ào ào. Anh bảo, Nam Mẫu là xã duy nhất quản lý hồ Ba Bể - hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam nằm lưng chừng trong lòngnúi đá vôi. Không những thế, xã nằm hoàn toàn trong vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể - vườn di sản ASEAN, là khu vực du lịch trọng điểm của tỉnh Bắc Kạn. Gắn với những nét độc đáo, ấn tượng ấy là một địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nhất huyện Ba Bể. Phụ trách một địa bàn nổi tiếng nên anh em Công an xã cũng chịu áp lực gấp nhiều lần.

Nói ngay như việc đi lại, cả tỉnh Bắc Kạn có lẽ chỉ Công an xã ở Nam Mẫu phải lái xuồng máy hoặc cano để đến các thôn bản. Khi mới về xã, phương tiện đi tuần đêm của công an xã là thuyền cole. Những ngày mưa gió bão lũ, con thuyền mỏng mảnh chòng chành giữa dòng nước xoáy và có thể lật nhào bất cứ lúc nào. Đã nhiều lần Công an xã phải thuê thuyền máy của người dân xuống địa bàn, rất tốn kém mà lại không chủ động.

Đại uý Thế Anh quyết tâm “sắm” cano. Anh đề xuất với Công an huyện và được mượn vỏ cano cũ. Có vỏ rồi, anh tìm mua máy thuỷ cũ về lắp. Cuối cùng thì Công an xã cũng có cano để chủ động đi lại. “Phí an ninh trật tự cấp cho Công an xã hoạt động cả năm không thể nuôi nổi “anh bạn” cano này vì ăn xăng rất tài. Nhưng đây là phương tiện đắc lực phục vụ công việc ở vùng địa hình đặc biệt, nên chúng tôi cố gắng duy trì. Hiện tại anh em mới được cấp chứng chỉ lái thuyền, lái cano. Đợt vừa rồi có khoá đào tạo và cấp bằng lái cano cao tốc bài bản của Bộ Công an ở Hà Nội, nhưng vì thời gian đào tạo nhiều ngày, công việc ở xã rất bận nên anh em dù muốn cũng đành chịu”, Trưởng Công an xã Thế Anh chia sẻ.

Nam Mẫu nằm hoàn toàn trong vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể, nơi được bảo tồn nghiêm ngặt về tính đa dạng sinh thái và hạn chế tối đa sự tác động của con người nên việc khai thác thuỷ sản ở hồ được kiểm soát nghiêm ngặt. Căng nhất vào độ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch là mùa cá đẻ trùng với mùa mưa lũ, người dân hay sử dụng kích điện, vật liệu nổ để đánh bắt trái phép thuỷ sản ở hồ. Khi nước lũ dâng cũng là lúc anh em phải tăng cường giám sát. Ban đêm, cả vùng hồ rộng tối thẫm, nên tầm nhìn hạn chế. Cái khó ló cái khôn, anh em phải tìm mua loại đèn bi cầu siêu sáng của xe ôtô về lắp ắc quy để có thể nhìn được xa.

Một tối tháng 4-2021, trên chiếc thuyền cole, Đại uý Thế Anh và một đồng chí Công an xã cùng cán bộ kiểm lâm lặng lẽ tuần tra kiểm soát khu vực hồ, phát hiện các đối tượng đang đánh bắt thuỷ sản bằng xung kích điện. Bị phát hiện, các đối tượng nhanh chóng thả ắc quy xuống hồ và định thả nốt máy kích để phi tang vật chứng. Thấy thế, Đại uý Thế Anh vội nhảy sang thuyền của đối tượng để ngăn chặn. Chiếc thuyền lật nhào, tất cả ngã xuống hồ sâu. Khi vụ việc được giải quyết xong thì Đại uý Thế Anh mới chợt nhớ ra hai chiếc điện thoại mang theo đã “uống” no nước hồ từ lúc nào.

Hơi xuân đã dậy bên hồ... -0
Công an tham gia thu hoạch lúa ở xã Nam Mẫu.

Cả xã Nam Mẫu có hơn 50 cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, cơ sở dịch vụ ăn uống thuộc vùng hồ để phục vụ khách du lịch. Vì vậy, Công an xã phải thường xuyên phối hợp thực hiện công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về khai báo lưu trú, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác phòng cháy chữa cháy. Việc hướng dẫn 190 cá nhân, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ xuồng cam kết chạy đúng tuyến, đúng luồng, đúng trọng tải đã đăng ký, trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh diễn ra thường xuyên liên tục.

Trăn trở về những con đường

Xã Nam Mẫu có 9 thôn bản, trong đó có 4 thôn vùng thấp và 5 thôn vùng cao. Trên địa bàn xã có đến 5 dân tộc cùng sinh sống nên việc nắm địa bàn, hiểu tâm lý bà con cũng không hề đơn giản. Nếu bà con các dân tộc Tày, Nùng, Kinh sống ở vùng thấp bị chia cắt bởi hồ thì người Mông, người Dao ở vùng cao đi lại khó khăn do địa hình núi hiểm trở, phải đi nhờ qua các xã bạn. Bởi thế để nắm địa bàn thì thạo bơi lội, lái được cano thôi chưa đủ, Công an xã phải thông thuộc đường rừng, có kĩ năng vượt đèo dốc rất cừ. Riêng Trưởng Công an xã phụ trách hai bản vào loại “nhất” của xã: bản Đán Mẩy xa nhất, cách trung tâm xã 45km và bản Cám khó tiếp cận nhất khi chỉ có đường thuỷ là độc đạo. Càng xa trung tâm xã thì đi lại càng mất thời gian, sóng điện thoại càng “phập phù”, việc xuống địa bàn và giải quyết vụ việc xuyên đêm đã thành chuyện thường ngày ở Nam Mẫu.

Chiều đến, tôi theo đồng chí Lý Văn Vinh – Công an xã vào bản Khau Qua, một bản vùng cao của người Mông cách trung tâm xã 20km. Đồng chí Vinh bảo 5 cán bộ Công an xã thì bốn người thuộc dân tộc Tày, chỉ mình anh là dân tộc Mông nên được giao phụ trách điểm bản này. “Vào Khau Qua giờ đã có đường đẹp rồi, ngồi xe máy thì yên tâm tuyệt đối”. “Con đường đẹp” mà đồng chí Vinh nói đã được đổ bê tông nhưng siêu bé nhỏ, chỗ rộng nhất khoảng 80cm, chỗ hẹp nhất chỉ 20cm. Ngồi sau xe đồng chí Vinh qua nhiều đoạn dốc đứng và cheo leo bên vách núi, tôi không đủ can đảm đành xuống đi bộ. Cũng chính trên “con đường đẹp” ấy, xe máy của chúng tôi bị đứt xích dọc đường, cứ thế trôi tuột xuống chân dốc. Đồng chí Vinh bảo dù đã thuộc từng con dốc, từng đoạn cua nhưng đi đường luôn phải căng mắt, không một phút phân tâm.

Dọc đường vào Khau Qua, bà con gặp đồng chí Vinh đều chào hỏi, chuyện trò tíu tít. Anh bảo, Công an xã ở Nam Mẫu đều thông thạo ngôn ngữ, phong tục tập quán các dân tộc nên bà con nhân dân luôn tin tưởng. Những ngày vào bản nghe bà con thổi khèn Mông, cùng trò chuyện để nắm tâm tư nguyện vọng của bà con sẽ khiến tình quân dân thêm gắn kết. Càng gắn bó với bà con, anh em càng trăn trở khi địa bàn xã hầu như chỉ toàn núi đá và hồ nước, rất ít ruộng nương trồng cấy nên kinh tế của bà con vô cùng khó khăn. Cả xã có gần 47% là hộ nghèo, có thôn gần 100% hộ nghèo, như thôn Khau Qua đến nay mới có 3 hộ thoát nghèo. Mong ước về những con đường là mong ước chung của người dân ở Nam Mẫu. Có đường để những đứa trẻ từ thôn bản có thể thường xuyên rời bản làng mình để ra ngoài trung tâm xã học tập. Có đường, người dân có điều kiện giao lưu văn hoá và phát triển kinh tế. Có đường, sẽ không còn cảnh người dân thuê thuyền chở từng viên gạch, thúng cát vào bản xây nhà.

Tôi bắt gặp dọc con đường ngoằn ngoèo, bé nhỏ vào Khau Qua thấp thoáng những cây đào, cây mận đã hé nụ đón xuân. Đồng chí Vinh bảo, chỉ còn ít ngày nữa thôi, hương xuân sẽ dậy lên bên hồ Ba Bể. Tết nào cũng vậy, khi khắp thôn trên bản dưới ở Nam Mẫu đều mở hội xuân, khi người Mông thổi khèn và thi chọi bò; người Tày tung còn, kéo co, bắn nỏ thì cũng là lúc 5 anh em Công an xã phải trực xuyên Tết để bà con Nam Mẫu có cái Tết an toàn, bước sang năm mới nhiều may mắn. 

Huyền Châm
.
.