Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ Việt Nam: Miền đất màu mỡ chưa khai phá
“Đây không chỉ là cuộc ra quân của lực lượng Cảnh vệ anh hùng, mà còn là cuộc ra quân của các nhà văn, để khai phá một vùng đất mới, một không gian mới cho sự sáng tạo, và điều quan trọng không phải là để tuyên truyền về thành tích, mà là để khám phá những vẻ đẹp tâm hồn của những chiến sĩ Cảnh vệ cùng sự hy sinh thầm lặng của họ trong suốt chiều dài lịch sử”
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã xúc động bày tỏ cảm nghĩ của mình như thế tại lễ phát động Cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài “Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ Việt Nam”.
Không gian sáng tạo mới
Từ trước đến giờ, tôi chỉ biết lực lượng Cảnh vệ đảm trách nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho lãnh đạo cấp cao, các cơ quan trọng yếu, các sự kiện chính trị, văn hóa xã hội quan trọng do Đảng, Nhà nước tổ chức và các đoàn khách quốc tế tới thăm, làm việc tại Việt Nam. Và rằng, họ luôn đặt an nguy của đối tượng Cảnh vệ lên hàng đầu, được biết đến như những “lá chắn sống”, sẵn sàng xả thân, hy sinh tính mạng bản thân vì sự an toàn tuyệt đối của đối tượng Cảnh vệ, luôn tận hiến mồ hôi, công sức, hạnh phúc cá nhân và cả máu xương cho nhiệm vụ. Trong gần 70 năm qua, họ đã 2 lần được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) cùng nhiều Huân chương cao quý.
Những ngày bên thềm của lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh vệ Việt Nam (16/2/1953 - 16/2/2023), có nhiều dịp tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng, tôi chợt nhận ra cái hạn hẹp trong vốn hiểu biết của mình về họ. Nhưng rồi chính nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong lúc chia sẻ cảm nghĩ trước 1.000 cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ vào sáng 15/8/2022, nhân lễ phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật cũng đã bộc bạch rằng lực lượng Cảnh vệ vẫn còn khá “bí ẩn” đối với nhiều người.
Lý do của sự “bí ẩn” đó đã được Thiếu tướng Trần Hải Quân - (Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) giải thích, đó là do đặc thù của công tác Cảnh vệ phải bảo đảm bí mật tuyệt đối về công việc, hoạt động của đối tượng cảnh vệ cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh an toàn cho họ. Sự khu biệt trong lĩnh vực công tác này đã khiến báo chí truyền thông hay văn học, nghệ thuật không có điều kiện để tiếp cận, phản ánh. Trên thực tế, chúng ta thấy chưa có những sáng tác nghệ thuật, văn chương hay thi ca đặc sắc, tương xứng với những hy sinh, cống hiến lặng thầm và cao cả của người chiến sĩ Cảnh vệ Việt Nam.
Bởi vậy, trong đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập lực lượng Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ quyết định tổ chức cho các văn nghệ sĩ được tiếp cận thực tiễn công tác huấn luyện và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng, để ghi nhận, phản ánh hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ Việt Nam qua các sáng tác văn học, nghệ thuật. Đây là việc làm rất có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng.
“Bản lĩnh chính trị là một thành tố quan trọng trong phẩm chất, nhân cách người chiến sĩ Cảnh vệ, có vai trò định hướng, tạo động lực cho cán bộ, chiến sĩ trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Thông qua các sáng tác văn học, nghệ thuật với chủ đề ngợi ca, tôn vinh chiến công của lực lượng trong hành trình 70 năm, cảm xúc tự hào về bề dày truyền thống giúp người chiến sĩ hôm nay kiên định hơn về mục tiêu, lý tưởng, không ngừng phấn đấu, vun bồi lòng yêu nghề, ý thức sâu sắc về trách nhiệm công vụ, để noi gương các thế hệ cha anh, viết tiếp những chiến công, xứng danh người Cảnh vệ anh hùng” - Thiếu tướng Trần Hải Quân bày tỏ.
Ngồn ngộn chất liệu
Hấp dẫn nhất đối với tôi trong những ngày này, là những câu chuyện của các sĩ quan tiếp cận bảo vệ các vị nguyên thủ quốc gia trong các chuyến công du nước ngoài. Có rất nhiều tình huống phức tạp đã xảy ra, đòi hỏi họ phải có bản lĩnh vững vàng, ý chí vượt khó cao, ý thức nghiệp vụ kết hợp nhuần nhuyễn các kiến thức tổng hợp, để xử lý nhanh nhạy và hài hòa các tình huống phát sinh, kết hợp giữa lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc gia với chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, không những bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đối tượng Cảnh vệ, mà qua đó còn nâng cao vị thế của dân tộc Việt Nam, quảng bá cho hình ảnh đẹp của con người, dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
Một chuyến đi được lực lượng tiếp cận bảo vệ Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhớ mãi. Đó là trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch tại 4 nước châu Mỹ từ ngày 8/10 đến 26/10/1995, gồm Cuba, Braxin, Colombia và Mỹ. Tình hình chính trị, xã hội ở nước bạn có rất nhiều vấn đề đáng lưu tâm trong công tác Cảnh vệ. Đó là vũ khí trôi nổi ngoài xã hội không thể quản lý được; hoạt động của các băng đảng tội phạm, khủng bố rất đáng lo ngại.
Ở Mỹ, một số nhân vật trong chế độ cũ đã di tản, các đảng phái phản động có thái độ rất cực đoan, thù địch với Đảng và Nhà nước Việt Nam có biểu hiện tìm mọi cách hoạt động phá hoại, chống lại chúng ta. Xuất hiện việc kích động Việt kiều biểu tình chống đối và phá hoại nếu có thể bằng các hình thức ném cà chua, trứng thôi vào đoàn, hò hét chống đoàn đại biểu Việt Nam, kích động gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ nhân dân trong nước, gây mất đoàn kết quốc tế... không loại trừ khả năng tiến hành khủng bố, ám sát...
Trong thời gian đi công tác tiền trạm tại Colombia, được sự cảnh báo của nước chủ nhà về tình hình hoạt động của bọn tội phạm, nhất là tội phạm khủng bố, các đoàn đều thuê xe chống đạn cho Trưởng đoàn. Riêng đoàn Việt Nam do đến muộn nên không còn xe chống đạn để thuê. Khi đó Quyền Tư lệnh Cảnh vệ Lê Văn Kính đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo trong nước, đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp với các bên liên quan, giao cho Sứ quán ta tại Achentina thuê xe chống đạn từ Achentina chở đường tàu biển sang Colombia phục vụ hoạt động của Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại nước này. Cách xử lý tình huống này thể hiện sự quyết đoán, mưu lược, kịp thời để đáp ứng yêu cầu đặt ra của công tác cảnh vệ, được Thứ trưởng Lê Minh Hương (ngày đó) đánh giá cao.
Khi đến Mỹ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh có nhiều hoạt động song phương và đa phương, đáng chú ý nhất và quan trọng nhất là dự Khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trên đường từ Trụ sở Liên hợp quốc về chỗ nghỉ, Chủ tịch có đề nghị thăm khu Haclem (là nơi dừng chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường bôn ba cứu nước). Đồng chí Nguyễn Văn Cường trao đổi thì An ninh Mỹ không đồng ý, vì địa điểm đó là vùng nhạy cảm, thường xảy ra các vụ xung đột, cướp vũ trang. Nếu muốn đến, phải xây dựng phương án từ trước, đồng thời phải triển khai khoảng 1 trung đoàn mật vụ mới có thể đảm bảo an toàn.
Đồng chí Cường đã báo cáo lại với Chủ tịch nước Lê Đức Anh và nhận được chỉ thị: “Ta cứ đi, trong chiến tranh ta thắng được địch cũng do yếu tố bất ngờ ấy đấy. Chú bảo với họ có gì tôi chịu trách nhiệm hết!”. Sĩ quan tiếp cận đã báo cáo cấp trên rồi quyết định thực hiện theo ý định của Chủ tịch nước. Đến nơi, Chủ tịch nước đã đi bộ và nói chuyện với 2 người (một nam và một nữ công nhân) trong không khí vui vẻ, cởi mở. Hai người đã hỏi sĩ quan cận vệ, lúc này trở thành phiên dịch bất đắc dĩ, rằng: “Ông già đó là người nước nào mà vui vẻ, phúc hậu thế” - ý hỏi về Chủ tịch nước. Khi biết Chủ tịch là người Việt Nam, họ sung sướng reo lên “Ô Việt Nam, Việt Nam anh hùng, rất anh hùng!” trước sự ngỡ ngàng xen lẫn lo âu đến sửng sốt của phía An ninh Mỹ đi tháp tùng. Qua tình huống này, Chủ tịch Lê Đức Anh đã dạy cho lực lượng Cảnh vệ bài học về sự linh hoạt, mọi lúc, mọi nơi, nếu chủ động, tạo thế bí mật, bất ngờ sẽ thành công trong công tác bảo vệ.
Những câu chuyện thú vị luôn đầy ắp trong ký ức những cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ. Đó là nguồn chất liệu quý giá để các nhà văn, nghệ sĩ khai thác, chuyển tải trong sáng tác của mình. Cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài“Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND” do Bộ Tư lệnh Cảnh vệ phối hợp Cục Truyền thông CAND (Nhà xuất bản CAND) chủ trì, bắt đầu từ ngày 15/8/2022, kết thúc ngày 15/12/2022. Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2023, với các thể loại như truyện ngắn, truyện ký, hồi ký, thơ… (dung lượng: dưới 100 trang A4); ảnh nghệ thuật; tác phẩm âm nhạc. Đối tượng tham gia bao gồm các nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà văn, nhà thơ người viết trong và ngoài lực lượng CAND.