Hình tượng đẹp về người chiến sĩ Công an trên sân khấu chuyên nghiệp
Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” đã khép lại mùa thứ 5. Ở đó, khán giả được sống lại với những hoài niệm về quá khứ, nhìn thấy những góc khuất trong cuộc sống chiến đấu của người chiến sĩ CAND giữa thời bình. Ở đó, có đủ những hỷ, nộ, ái, ố của những cuộc đời, những con người. Một liên hoan lắng đọng với rất nhiều cảm xúc.
Nhà viết kịch Đăng Chương đánh giá: “Có thể nói, 25 tác phẩm tham dự liên hoan lần này là 25 mảnh ghép để tạo nên một bức tranh khá hoàn chỉnh về hình tượng người chiến sĩ CAND”.
Sức hút của đề tài CAND
Trải qua 13 ngày sôi nổi từ 25/6 đến 7/7, liên hoan đã quy tụ 25 vở diễn thuộc nhiều loại hình sân khấu như kịch nói, chèo, cải lương..., trong đó có 15 vở kịch nói, 4 vở chèo và 2 vở cải lương. Đáng chú ý, có 2 kịch bản được sáng tác bởi chính cán bộ chiến sĩ Công an và 7 kịch bản được hình thành tại các trại sáng tác do Bộ Công an tổ chức, bám sát chủ đề “Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống”.

Nhạc sĩ Trọng Đài - thành viên Hội đồng giám khảo đánh giá: Đây là một mùa liên hoan thành công với 25 vở diễn, có chủ đề rõ ràng, đa dạng về thể loại từ chèo, cải lương, ca kịch, dân ca, quy tụ cả các đơn vị công lập lẫn tư nhân. Điều này cho thấy sức hút của đề tài CAND đối với sân khấu.
“Có thể nói, đây là một liên hoan lý thú tổng hợp đủ các loại hình nghệ thuật. Nhiều vở diễn chất lượng nghệ thuật tốt - điều đó cho thấy sự dụng công của các nghệ sĩ bởi đề tài Công an mà chỉ phản ánh đơn thuần sẽ không thể hấp dẫn. Họ đi vào những góc khuất đời thường, những bi kịch gia đình, khai thác ở khía cạnh con người rất nhân văn.
Những người chiến sĩ quá bận rộn công việc, đôi khi họ phải đánh đổi rất lớn khi không có thời gian nuôi dạy con cái, trớ trêu thay con lại bị vướng vào vòng lao lý. Họ phải đối diện với điều đó như thế nào? Hay, mảng đề tài về an ninh mạng và y khoa cũng rất phong phú, cho thấy nhiều góc nhìn về cuộc sống chiến đấu, lao động của các chiến sĩ CAND.
Tôi ấn tượng với Đoàn Cải lương Tuy Hòa khi họ dựng vở về bà Nguyễn Thị Lợi - chuyển thể từ kịch bản của nhà văn Lê Tri Kỷ, cách dàn dựng giản dị mà hiệu quả, hiệu ứng âm thanh ánh sáng rất tốt, các diễn viên tròn vai. Ở mảng kịch nói, sân khấu tư nhân như sân khấu Hồng Vân, sân khấu Minh Nhí mang đến những vở diễn hấp dẫn, các tác phẩm được dàn dựng chỉn chu, đa dạng đề tài, đi sâu vào tâm lý nhân vật”.
Tiến sĩ, nhà viết kịch Đăng Chương đánh giá: “Có thể nói, 25 tác phẩm tham dự liên hoan lần này là 25 mảnh ghép để tạo nên một bức tranh khá hoàn chỉnh về hình tượng người chiến sĩ CAND. Bức tranh ấy mang dấu ấn lịch sử bởi đã kể cho chúng ta những câu chuyện về người chiến sĩ Công an từ khi đất nước vừa giành được độc lập, trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Bức tranh ấy đa sắc màu, bởi ở đó khắc họa đậm nét nhiều góc cạnh, nhiều lĩnh vực, nhiều nhiệm vụ, nhiều thách thức, khó khăn, nhiều góc khuất cuộc đời đã và đang đè nặng lên đôi vai của người chiến sĩ CAND.
Trong sâu thẳm của bức tranh đó còn có các giá trị nhân văn, các giá trị ấy dẫn dắt người xem cảm nhận, chiêm nghiệm, thanh lọc tâm hồn để sống hướng thiện, làm những điều tốt đẹp, xóa bỏ những thứ xấu xa, cùng nhau xây dựng một xã hội hạnh phúc, văn minh. Sự lấp lánh và sáng trong của bức tranh này là tạo được cảm xúc mãnh liệt đối với khán giả bằng hình tượng người chiến sĩ CAND. Hình tượng ấy chứa đựng hạnh phúc, đắng cay, niềm vui, nỗi buồn, ý chí, nghị lực, khát vọng, yêu thương, gian khổ, khó khăn, vinh quang, trách nhiệm, trăn trở, suy tư, tài năng, bản lĩnh... và bao trùm lên tất cả là đức hy sinh. Hy sinh vì nhân dân, vì đất nước”.
Làm thế nào để đưa các vở diễn đến gần với công chúng?
Mặc dù liên hoan đã được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Tuy nhiên, liên hoan vẫn còn một số hạn chế. Đó là sự thiếu vắng các tác phẩm soi về quá khứ, mảng đề tài này chỉ có duy nhất tác phẩm “Người thứ 3” của Nhà hát Kịch CAND. Ngoài ra, có những tác phẩm sa đà, khai thác quá nhiều về tội phạm. Một số vở diễn thiếu tính chân thật, hư cấu quá đà nên thiếu hơi thở của đời sống.
“Theo tôi nghĩ, lực lượng sáng tạo nghệ thuật sân khấu mới hiểu về người chiến sĩ Công an ở hình thức bên ngoài, ở những thông tin mà các cơ quan truyền thông đưa tin hằng ngày, chưa hiểu được hạt nhân, bản chất, những khó khăn gian khổ hy sinh, những sâu thẳm bên trong đã trở thành máu thịt của chiến sĩ Công an” - nhà viết kịch Đăng Chương đánh giá.

Theo nhạc sĩ Trọng Đài, điều quan trọng là làm thế nào để khán giả có thể tiếp cận các vở diễn, từ đó lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ CAND trong cộng đồng. Đây là vấn đề sống còn của sân khấu - làm thế nào để có khán giả? Các tác phẩm sân khấu phải có đời sống thay vì “đắp chiếu” sau mỗi kỳ thi.
Ông nói: “Tôi nghĩ, khi xây dựng các vở diễn, các nhà hát đều có ý tưởng tiếp cận khán giả lâu dài chứ không phải chỉ làm để đi thi, vì nhiều vở diễn khai thác đề tài này khá hấp dẫn, họ chú trọng yếu tố hấp dẫn để thu hút khán giả như sân khấu Hồng Vân, sân khấu Minh Nhí... Sân khấu miền Bắc chỉn chu, nghiêm cẩn hơn nhưng lại sâu sắc và có những góc nhìn nhân văn, nếu có kế hoạch, lịch diễn chắc sẽ thu hút khán giả”.
Thực tế, thời gian qua, có những vở diễn đã được đỏ đèn ở các nhà hát như vở “Ngược chiều bình an” của Nhà hát Kịch Việt Nam, vở “Không gục ngã” của Nhà hát Kịch Quân đội, hay vở “Đối mặt” của Nhà hát Kịch Hà Nội... Tuy nhiên, nên có thêm những tuần lễ kịch CAND tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sau kỳ liên hoan để nối dài đời sống cho các vở diễn. Bởi, sân khấu phải đến được với khán giả để họ có thể hiểu hơn những góc khuất của cuộc sống lao động, chiến đấu của các chiến sĩ CAND, từ đó lan tỏa hình ảnh chiến sĩ CAND trong lòng công chúng. Đây mới chính là mục tiêu của các kỳ liên hoan.
Ban tổ chức Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an” lần thứ V, năm 2025 trao 5 Huy chương Vàng cho 5 vở diễn: “Người thứ 3” (tác giả: Minh Anh; đạo diễn: NSND Lê Hùng) của Nhà hát Kịch CAND; “Trời xanh nơi đáy vực” (tác giả: Trúc Ngân; đạo diễn: Nguyễn Hoàng Tùng) của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội; “Không gục ngã” (tác giả: Nguyễn Đăng Chương; đạo diễn: NSND Lê Hùng) của Nhà hát Kịch Quân đội; “Cuộc đoàn tụ của cảm xúc” (tác giả: Hoài Hương; đạo diễn: Lê Quốc Na) của Công ty TNHH Sân khấu Trương Hùng Minh; “Sấm dậy cửa Lạch Hới” (tác giả: Nguyễn Toàn Thắng; đạo diễn: NSND Nguyễn Toàn Thắng) của Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn.
8 vở diễn đoạt Huy chương Bạc: “Con về với mẹ” (tác giả: Bùi Vũ Minh; đạo diễn: NSND Trần Hoài Thu) của Đoàn Nghệ thuật Chèo - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam; “Một cuộc chiến khác” (tác giả: Tống Phương Dung; đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt) của Sân khấu Kịch Hồng Vân; “Nắng trong mắt bão” (tác giả: Nhà văn Chu Lai; đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai - NSND Trần Nhượng) của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh; “Đối mặt” (tác giả: Trịnh Huyền; đạo diễn: NSND Tuấn Hải) của Nhà hát Kịch Hà Nội; “Bến sông trăng” (tác giả: Hồng Mặc Cát; đạo diễn: NSND Trương Hải Thọ) của Nhà hát Chèo Hưng Yên; “Vùng trời bình yên” (tác giả: Minh Hương; đạo diễn: NSND Vũ Tự Long) của Nhà hát Chèo Quân đội; “Đoạn kết” (tác giả: Lê Quý Hiền; đạo diễn: Đào Duy Anh) của Nhà hát Tuổi trẻ; “Ngược chiều bình an” (tác giả: Thiên Ân; đạo diễn: NSƯT Kiều Minh Hiếu) của Nhà hát Kịch Việt Nam.