Hào khí dân tộc và sức mạnh thời đại
Những ngày gần đây, không khí rộn rã, niềm vui náo nức đang ngập tràn các phố phường, thôn xóm cũng như sự hạnh phúc, tươi vui trong lòng mỗi người.
Nửa thế kỉ không phải là một chặng đường ngắn, hành trình đó có biết bao biến cố lịch sử, với những biến động từ chính trị như: sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu; sự ra đời của Liên minh châu Âu ngày 1/11/1993; chiến tranh ở các khu vực châu Á, châu Âu. Tiếp đó là các cuộc khủng hoảng châu Á 1997; khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2008; sự biến đổi khí hậu thông qua các cơn lốc xoáy dữ dội, những đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt, băng tan... ở khắp nơi trên trái đất.

Như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng chịu sự ảnh hưởng không nhỏ từ các sự kiện này. Nhưng, 50 năm qua cũng chính là hành trình chuyển mình mạnh mẽ của một dân tộc đứng lên đánh đuổi các đội quân xâm lăng, xây dựng nền độc lập tự chủ, đổi mới tư duy và hội nhập sâu rộng, nâng tầm vị thế quốc gia, khẳng định sứ mệnh cao cả của Đảng Cộng sản Việt Nam...
Có biết bao nhiêu điều để nói về Việt Nam, trong bài viết này chỉ xin bàn đến một vấn đề cụ thể nhưng có vai trò quan trọng mang lại những thành công đó chính là cảm xúc của một dân tộc được kết tinh thành hào khí, một sức mạnh tinh thần giúp chúng ta có thêm động lực vượt qua những khó khăn, thử thách và lựa chọn hướng đi cho tương lai.
Còn nhớ, 50 năm trước, sau khi đất nước thống nhất, những bài tráng ca vang lên trên loa truyền thanh, qua sóng radio và trong các chương trình văn nghệ. Đây đó, bên cây đàn guitar gỗ, vang giọng hát đầy hào sảng của các chàng trai, cô gái..., họ hát tiếp khúc ca của các thế hệ người lính, của thanh niên xung phong.
Nhưng, đến đây lại có một câu hỏi lớn đặt ra với người nghệ sĩ trở về sau chiến tranh: Ngoài dư âm của thắng lợi, anh sẽ bắt đầu khúc thức mới cho cuộc sống hòa bình như thế nào? Và, những người chiến sĩ - nghệ sĩ ấy đã tìm được câu trả lời và đó chính là những ca khúc: "Mùa xuân bên cửa sổ" (NS Xuân Hồng), "Nơi gặp gỡ của tình yêu" (NS Hoàng Hiệp); "Cho dù có đi nơi đâu" (NS Thế Hiển); "Gửi nắng cho em" (NS Phạm Tuyên, lời thơ: Bùi Văn Dung)... nghệ thuật sau chiến tranh cũng đầy cách tân, mới mẻ. Sự tin yêu của hôm qua được bắc cầu vào khát vọng của hôm nay. Bài ca sau giải phóng đã gần với đời thường hơn và mở ra những suy tư mới.
Sở dĩ, người viết mạn đàm một chút về âm nhạc cốt để gợi mở một góc nhìn về dòng mạch cảm xúc xuyên suốt giữa hai thời điểm trước và sau sự kiện 30/4/1975. Non sông đã liền một dải, Bắc - Nam sum họp, từ non cao đến biển đảo, sự thống nhất mở ra những chiều kích khác nhau. Hay, nói cách khác, không gian, tầm vóc đất nước được mở ra bát ngát trong tâm hồn người Việt bằng sự tự do, tự chủ, thanh bình... Từ đó, những phong trào xây dựng kinh tế mới, những công trình trọng điểm được thực hiện bằng niềm cảm hứng của các thế hệ người Việt Nam.
Ở một góc độ khác, có thể thấy: Núi sông toàn vẹn, hai tiếng Việt Nam là tiếng gọi thôi thúc mạnh mẽ những nhân sĩ, trí thức ở khắp mọi miền trở về cống hiến cho quê hương, đất nước. Sự trở về với một Việt Nam toàn vẹn, một "Việt Nam muốn làm bạn với các nước trong cộng đồng quốc tế...".

Mới đây, báo điện tử Vnexpress đã thực hiện cuộc trao đổi với TS khoa học Lương Bạch Vân, đại diện cho kiều bào Pháp về tham dự kỳ họp Quốc hội đầu tiên sau ngày thống nhất. Bà cũng là người đã từ bỏ Paris hoa lệ, trở về xây dựng đất nước sau 1975. Bà Vân cho biết: "Tôi muốn nhắn nhủ các bạn trẻ đi học nước ngoài hôm nay: hãy luôn tự hỏi - học để làm gì, học cho ai và học như thế nào? Khi đã rõ mục đích sống và lý tưởng, hành trình học tập sẽ đầy ý nghĩa. Và, dù chọn trở về hay ở lại, quan trọng là đừng quên mình là ai, đến từ đâu, có thể đóng góp điều gì cho quê hương" (theo: Thùy Ngân - Diễm Hạnh).
Ở thời đại nào cũng có những câu hỏi luôn thường trực trong lòng người trí thức: Anh là ai, đến từ đâu, có thể đóng góp điều gì cho quê hương... Những cật vấn này chính là sợi dây gắn kết cá nhân với dân tộc; giữa trách nhiệm công dân và tình yêu đất nước. Dù ở nơi xa xôi, dù khi đó đất nước còn chìm đắm trong "đêm trường nô lệ", thì trong lòng chúng ta vẫn ấp ủ tình yêu, khát vọng, bản sắc của dân tộc. Như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: "Nước Việt Nam nghìn năm Đinh - Lý - Trần - Lê/ Thành nước Việt nhân dân trong mát suối". Theo năm tháng, chúng ta càng thấm thía sức mạnh lớn nhất của dân tộc không phải ở binh chủng nào hay thứ vũ khí kia mà ở sự đoàn kết, gắn bó, đa dạng văn hóa làm nên tinh thần yêu nước nồng nàn.
Ở phía bên kia chiến tuyến, những người tiến bộ cũng đã nhận ra sức mạnh Việt Nam, nhận ra sức mạnh tiềm tàng trong tâm hồn Việt. Nhà báo David Lamb, phóng viên chiến trường của hãng tin Mỹ UPI từng nói: "Một trong những sai lầm lớn nhất của chúng tôi là không hiểu người Việt Nam, không hiểu lòng kiên nhẫn, sự ngoan cường, chủ nghĩa dân tộc, khả năng chiến đấu, lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ của các bạn. Đối với thắng bại trong chiến tranh thì đó là sự thiếu hiểu biết chết người. Tôi ước rằng Mỹ đã có thể rút ra được bài học kinh nghiệm từ Việt Nam nhưng đáng tiếc là chúng tôi lại sa vào cuộc chiến tại Iraq, một thảm họa không khác gì cuộc chiến tranh Việt Nam" (theo: Nhật Quỳnh - Huy Hoàng/VOV - Washington).
Điều mà ông David Lamb nói chính là phẩm chất của một dân tộc dù bị chia cắt vẫn có mạch ngầm gắn kết từ Bắc chí Nam, từ non cao đến đồng bằng, hải đảo. Việt Nam là một, trong sự đa dạng văn hóa, tộc người có mẫu số chung, giá trị cốt lõi.

Cuộc sống có muôn vàn thách thức như một khúc ca không thiếu những nốt trầm. Với bản thân mỗi con người, mỗi lĩnh vực trong đời sống quá trình tìm đường, nhận đường và bản lĩnh sáng tạo, khởi nghiệp không tránh khỏi những sai lầm, nhận về những bài học bổ ích. Vậy, có phải sự phát triển kinh tế thị trường là một góc độ khác, thậm chí là nguyên nhân làm mất đi các giá trị đạo đức, văn hóa? Người viết cho rằng, chiến đấu hay xây dựng, sáng tạo nghệ thuật hay kinh doanh đều là những sắc màu khác nhau, những mặt trận khác nhau, cùng hướng đến mục đích cao cả là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh... Bởi thế, những concept ca nhạc gây tiếng vang đều gắn với bản sắc văn hóa truyền thống.
Ngày nay, startup đang là cánh cửa mở ra với thế hệ trẻ của Việt Nam. Thách thức nằm ở việc bạn sẽ ứng xử thế nào với văn hóa truyền thống của mình, biến đổi để thích nghi hay chấp nhận thay đổi? Để hài hòa được các yêu cầu này cần đến sự bền bỉ, kiên trì và cả những biến số trong cuộc sống. Còn nhớ, Aaron Everhart (sáng lập viên của Hatch! Ventures) từng khẳng định: "Việt Nam có những bạn trẻ tràn trề quyết tâm. Họ không sợ thay đổi. Họ giống như những hạt giống tốt, nếu được chăm bón kỹ càng, họ sẽ nảy nở vào một ngày nào đó" (theo: Vietnamnet).
Chúng ta có quyền hy vọng vào một sự thay đổi và tiếp biến văn hóa bởi lịch sử dân tộc cũng là lịch sử của những sự tiếp thu, biến đổi linh hoạt uyển chuyển đó để xây dựng một Việt Nam tiến bộ, hùng cường, của hào khí non sông nước Việt.