Đường về nẻo thiện không xa

Thứ Tư, 25/10/2023, 12:59

Bước chân ra khỏi cánh cổng trại giam, lòng người đã chấp hành xong án phạt tù tràn ngập niềm vui. Một bầu trời xanh bao la, một vòng tay bao dung của gia đình đang chờ đón họ. Thế nhưng, sau một thời gian cách ly với xã hội, nhiều cơ hội đã mất đi, cánh cửa tương lai dường như khép lại. Bắt đầu làm lại cuộc đời bằng cách nào đây?

Câu hỏi lớn cứ vang lên trong đầu những người trở về sau thời gian lạc lối. Và, họ đã không bị đơn côi trên hành trình tìm về nẻo thiện. Bởi, đồng hành với họ còn có các cán bộ Công an, ngân hàng đã giúp đỡ, cùng thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước cho người mãn hạn tù trở về.

Ngày trở về may mắn

Theo chân cán bộ Công an xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, Hà Nam và các cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Hà Nam chúng tôi vào nhà anh Trần Văn Tú, ở thôn Phú Cốc, xã Phú Phúc. Ngôi nhà khang trang trong khuôn viên rộng rãi, đủ cả vườn, ao chuồng. Anh Tú đang vớt trứng ốc nhồi ở dưới ao để nhân giống. Vợ anh đi làm công nhân, các con đi học, công việc chính của anh là chăm đàn lợn và nhân giống ốc nhồi nên thường ở nhà.

tú.jpg -1
Công an xã Phú Phúc và cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nam thăm, động viên anh Trần Văn Tú.

Anh Tú từng có thời gian lầm lỗi do tuổi trẻ thiếu suy nghĩ, chơi bời nên phạm tội cướp tài sản bị án phạt tù 30 tháng. “Lúc đó, em suy sụp hoàn toàn, đứa con đầu mới 3 tuổi, vợ em đang bầu cháu thứ 2 chỉ còn 20 ngày nữa là sinh. Thế mà em lại không biết suy nghĩ, gây ra tội làm khổ bố mẹ, vợ con” - Tú tâm sự.

30 tháng tù giam đối với Tú là bài học quá đắt, bởi trong lúc vợ vượt cạn, khó khăn nhất thì anh không thể ở bên cạnh. Khi con bé nheo nhóc, bố mẹ vất vả bươn chải, Tú cũng không giúp được gì. Lúc đang chán nản nhất thì Tú được các cán bộ Công an động viên, phân tích rằng chỉ có cải tạo tốt mới nhanh được về với vợ con. Vậy là anh nỗ lực học tập, cải tạo, chấp hành nghiêm quy định của Trại giam.

Hết thời gian thi hành án, Tú về nhà, hoàn cảnh kinh tế vẫn khó khăn, thậm chí khó hơn trước vì vợ vừa chăm con nhỏ vừa phải đi làm, bố mẹ cũng lam lũ kiếm sống. Thương vợ con, thương bố mẹ, Tú quyết tâm làm lại từ đầu bằng chính bàn tay, khối óc của mình. Anh cùng gia đình cải tạo lại chuồng trại để nuôi lợn nái; be bờ, đắp ao gây giống nuôi ốc nhồi thương phẩm. “Em chưa có kinh nghiệm nuôi ốc nên sang học nghề của ông chú họ rồi về làm. Ốc không mang lại thu nhập cao nhưng khá ổn định, mỗi tháng được khoảng 6-7 triệu đồng” - Tú cho biết.

Điều làm gia đình Tú thấy may mắn nhất đó là, từ khi trở về nhà, không những không bị xa lánh mà còn được Công an xã, hội phụ nữ cùng xóm giềng quan tâm, động viên. “Vừa rồi nhà nước có chính sách cho người lầm lỗi như em vay vốn, em mừng lắm. Các anh Công an xã đến nhà động viên, giúp đỡ, làm thủ tục để em được vay vốn. Nhờ đó, em được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 90 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi. Số tiền này, em sẽ dùng để mở rộng chăn nuôi, thêm lợn giống và đàn lợn thịt, kè nốt chỗ ao còn dang dở để nuôi ốc” - anh đầy hào hứng nói về kế hoạch cho tương lai. Mẹ của Tú cũng cho biết thêm, từ khi về nhà, Tú tu chí làm ăn, gia đình rất mừng và yên tâm.

Giúp người từng lầm lỗi vươn lên trong cuộc sống

Đại úy Nguyễn Văn Hồng, Trưởng Công an xã Phú Phúc cho biết: “Sau khi có Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, chúng tôi đã tham mưu cho UBND ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, rà soát, lập danh sách những người đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn, hướng dẫn họ làm thủ tục để đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn. Bên cạnh đó, Công an xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… để chia sẻ ủy thác cho vay hiệu quả. Bước đầu, chúng tôi đề xuất 12 trường hợp, đã được Ngân hàng chính sách cho vay 2 trường hợp. Các trường hợp còn lại sẽ xem xét giải ngân tiếp”.

mạnh.jpg -0
Anh Trần Văn Mạnh cùng gia đình phát triển kinh tế nhờ nghề may học trong trại giam.

Anh Trần Văn Mạnh cũng là người từng lầm lỗi. Với tội gây rối trật tự công cộng, anh bị trả giá 2 năm tù giam. Mạnh ra tù tháng 1/2023. “Trong trại giam em được học nghề may công nghiệp nên khi về nhà, em thấy công việc này phù hợp đối với gia đình nên em đã cùng bố mẹ đi vay vốn, cộng với tiền dành dụm của bố mẹ để mua máy may công nghiệp. Em nhận hàng về, hướng dẫn cho mọi người trong nhà cùng làm” - Mạnh cho biết.

Bố của Mạnh chia sẻ, con trai ông đã chí thú làm ăn, công việc may bận rộn nên cũng không có thời gian chơi bời hay giao lưu với bạn xấu. “Vừa rồi, các anh Công an xã đến lập danh sách, cùng với chính quyền xã và cán bộ địa phương đề xuất, xét duyệt Ngân hàng chính sách cho gia đình vay 90 triệu đồng. Số tiền này, chúng tôi dự định sẽ mua thêm máy may để thuê nhân công làm” - bố của Mạnh nói.

Được biết, từ khi có quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn, Công an tỉnh Hà Nam và Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện các thủ tục cần thiết, chỉ từ 1/10 đến 16/10, đã giải ngân cho 7 trường hợp với tổng số tiền là 550 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh. Trong đó, 2 trường hợp là gia đình anh Đinh Văn Long ở tổ 8, phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý và gia đình anh Nguyễn Đức Khuy, tổ dân phố Ngũ Nội, phường Bạch Tượng, huyện Duy Tiên được vay mức tối đa là 100 triệu đồng. Các trường hợp còn lại được giải ngân từ 50 đến 90 triệu đồng. Gia đình anh Lương Ngọc Tuấn ở xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm vốn có nghề kinh doanh hoa tươi, không cần vốn nhiều nên chỉ vay 50 triệu đồng để thêm vốn nhập hàng, gia đình anh Trần Văn Thuật ở xã Thanh Thuỷ, Thanh Liêm được vay 70 triệu đồng để chăn nuôi …

Đại tá Phạm Hùng Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22, Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; phối hợp với các Sở, ngành có liên quan trình HĐND tỉnh bố trí nguồn vốn để hỗ trợ cho vay; tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các phạm nhân đang chấp hành án tại Trại tạm giam và người chấp hành xong án phạt tù. Công an tỉnh cũng chỉ đạo Công an cơ sở hàng tháng rà soát, lập danh sách những người đủ điều kiện để cung cấp cho Ngân hàng chính sách xã hội làm căn cứ cho vay; trực tiếp tư vấn, hỗ trợ thông tin về tạo việc làm, vay vốn và những vấn đề cần thiết khác cho người chấp hành xong án phạt tù để họ sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Cùng với việc triển khai hiệu quả nguồn tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù, Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 4 phiên tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 400 người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm tội. Theo danh sách của Công an tỉnh Hà Nam thì trên địa bàn có hơn 1.200 đối tượng trong diện được vay vốn theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Lê Thị Kim Dung, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hà Nam cho biết, đơn vị đã phối hợp với lực lượng Công an tuyên truyền rộng rãi. “Dựa vào danh sách những người chấp hành xong án phạt tù do Công an cung cấp, chúng tôi rà soát nhu cầu vay vốn của các gia đình để hỗ trợ tối đa để họ vay vốn sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống” - bà Dung cho biết.

Ngày 1/10, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù chính thức có hiệu lực. Theo đó, người đã chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để làm ăn, ổn định cuộc sống, thể hiện chủ trương, đường lối, chính sách nhân văn, nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với người lầm lỗi, người đã có quá khứ phạm tội.

Phương Thuỷ
.
.