Để lịch sử đồng hành cùng tương lai đất nước

Thứ Sáu, 09/05/2025, 10:03

Những hình ảnh ấn tượng về lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 30/4 sẽ còn đọng mãi trong tâm trí các thế hệ người Việt Nam. Những người lính trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 có dịp trở lại sau nửa thế kỉ để có dịp đối chiếu hai thời khắc lịch sử.

Những người trẻ sinh ra sau ngày đó được sống trong giây phút bồi hồi, tái hiện không khí của đại thắng mùa xuân. Và, với các em nhỏ - 50 năm sau sẽ thành những người trung, cao tuổi - sẽ bồi hồi nhớ lại thời khắc được đứng bên các lão chiến binh trong đoàn quân giải phóng miền Nam tươi đẹp để non sông liền một dải. Lịch sử kết thành những giá trị không gì so sánh được.

z6572725854590_dd4a326e2e75af2625edbab0897d1e06.jpg -2
Chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm đất nước thống nhất.

Có lẽ, đến thời điểm này, chúng ta đều cảm thấy mãn nguyện với một lễ kỷ niệm thành công; công chúng được "mãn nhãn" với các màn trình diễn công phu, bài bản. Không chỉ riêng các phương tiện thông tin đại chúng mà trên trang cá nhân, trong smartphone của từng người dân đang lưu trữ những khoảnh khắc đặc biệt đó.

Nhưng, nói như thế sẽ là chưa đủ, bởi ấn tượng của cuộc diễu binh, diễu hành như: lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2024 và lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hôm nay còn là những sự kiện khắc sâu trong tâm hồn chúng ta bởi những vẻ đẹp khác. Người viết thử đi tìm câu trả lời bằng những lí giải của riêng mình.

Trước tiên, ấn tượng ấy đâu chỉ đến từ sáng ngày 30/4/2025 diễn ra lễ kỷ niệm mà phải từ các buổi hợp luyện diễu binh, diễu hành như một lễ hội thực sự. Điều đáng nói ở đây, các đơn vị không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, thể hiện sức mạnh của quốc gia và tạo khí thế trong lễ kỷ  niệm mà đã tạo ra nguồn cảm hứng dân tộc mang khí thế thời đại.

z6572725813753_010b914dd0525ace6c798ed6d7eb1c62.jpg -0

Hay, nói cách khác, bên cạnh nhiệm vụ chính trị, những chàng trai, cô gái ấy đã đem đến cho nhân dân một tình cảm chân thành và sâu sắc. Quân đội nhân dân, Công an nhân dân được đón chào trong vòng tay nhân dân. Người mẹ gặp con giữa hàng quân; những bạn trẻ được kết nối và biết đâu sẽ có những lương duyên đẹp trong ngày vui của đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng". Sứ mệnh giữ gìn nền độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ không chỉ đặt trên vai những người lính mà cả với mỗi công dân của đất nước.

Người viết cho rằng, dù ở thời chiến hay thời bình, mỗi người lính đều có thêm một sứ mệnh cao cả khác: tạo dựng một nền văn hóa quân sự, đó là thành lũy vững chắc trong tâm hồn Việt Nam. Nếu khi xưa các thế hệ cha ông về với nhân dân, xóm làng khiến bà con nô nức, vui như hội: "Các anh về tưng bừng trước ngõ/ Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau/ Mẹ già bịn rịn áo nâu/ Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về" ("Bao giờ trở lại" - Hoàng Trung Thông); thì hôm nay là câu nói chân thành của người dân: "Hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những chương trình như vậy để gắn kết thêm tình quân dân thắm thiết như những ngày qua" - đó là chia sẻ của chị Phùng Phương Thảo - cán bộ Tỉnh Đoàn Đồng Nai (theo: Báo Tuổi trẻ). Suy nghĩ của chị Thảo cũng chính là tâm nguyện của rất nhiều người.

50 năm đã trôi qua kể từ đại thắng mùa xuân 1975, hơn 70 năm đã trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng sự "xúc động" vẫn nguyên giá trị khi nhắc đến tình quân dân, về một Việt Nam đoàn kết, về sức mạnh của chính nghĩa. Vẻ đẹp của các đoàn quân diễu binh hôm nay toát lên từ sự dũng mãnh, họ được huấn luyện bài bản, trang bị hiện đại nhưng vẫn cho thấy sự gần gũi của một đội quân bảo vệ nền hòa bình. Điều lắng đọng lại qua 2 cuộc diễu binh, diễu hành trang trọng trong 2 năm qua là gì? Có lẽ, đó là những giá trị lịch sử được chúng ta tái hiện sống động, chân thực chứ không hề giáo điều, khô cứng.

Những người chiến sĩ hôm nay đều sinh ra sau chiến tranh, thậm chí còn ở giai đoạn hình thành nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Một bộ phận nhỏ khán giả nô nức đến từ khắp mọi miền Tổ quốc hôm nay cũng chưa từng nghe tiếng bom đạn, chứng kiến không khí chiến tranh. Nhưng, lịch sử đã được họ tái hiện bằng sự hiểu biết, tình yêu và niềm tự hào về trang sử mà cha ông đã viết bằng xương máu.

Còn nhớ cách đây một thập niên, những ca khúc như: "Bà xã tôi number one", "Thà rằng anh không nhìn thấy", "Yêu để rồi chia tay", "Giấc mơ không phải là anh"... từng khiến chúng ta đầy lo ngại và đứng trước câu hỏi đầy thách thức: nhạc trẻ sẽ đi về đâu, làm thế nào để người trẻ có "con mắt xanh" để nhận diện giá trị, để họ không sa vào những đam mê tầm thường?

Gần đây, chúng ta nhận ra sự chuyển biến tích cực khi nhiều bạn trẻ hướng đến các concert nội, đến các chương trình ý nghĩa. Nói về điều này, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Điều này mang đến nhiều thay đổi tích cực cho sự phát triển nền âm nhạc và giải trí trong nước, tạo ra một "hệ sinh thái" nghệ thuật bền vững, thúc đẩy sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh. Và, ngược lại, những người trẻ ngày càng tìm thấy những thông điệp mới, những thần tượng mới để định hướng cho cuộc sống, tương lai và sự nghiệp của mình" (theo: Quỳnh Nga-vnexpress.net).

Nói đến đây chắc hẳn nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Liệu sự lựa chọn này của giới trẻ chỉ là nhất thời, là theo trend hay là cuộc tìm về với bản sắc và cội nguồn? Người viết cho rằng, đây là kết quả của việc tìm đường, nhận đường. Việc họ say mê với những ca khúc mang đậm bản sắc, say mê tìm hiểu lịch sử, trân trọng các vị anh hùng dân tộc, các cựu chiến binh còn vì một lí do: Họ cần những hành trang đó cho tương lai của chính mình, một tương lại với lịch sử hào hùng là cội rễ để những sáng tạo, đổi mới của họ là cành lá vươn xa và ra hoa, kết trái...

z6572725815482_6a8e92e5b4dc9a97bb5dbb2f0ee4ab9f.jpg -1
Những hình ảnh đẹp trong lễ diễu binh mừng 50 năm đất nước thống nhất.

Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thế hệ thanh niên cách đây hơn nửa thế kỉ vẫn còn nguyên giá trị: "Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh, phấn đấu đến chừng nào?". Trong sự hình thành thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ hôm nay cũng đã xác lập một trách nhiệm tự gánh vác nhiệm vụ vì "ích lợi nước nhà" như Bác Hồ đã nói. Ích lợi ấy chính là lẽ sống, là lí tưởng sống đồng hành với khát vọng vươn mình của dân tộc.

Chúng ta đâu chỉ có 48 khối diễu binh diễu hành trong lễ kỉ niệm, đâu chỉ có 21 loạt đại bác rền vang và những chiếc Su-30MK2 thả bẫy nhiệt ngoạn mục trên trời... mà còn có một thứ vũ khí đặc biệt: lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ chính trị và tương lai của đất nước.

Đại lễ được tiến hành trang trọng nhưng cũng lấp lánh vẻ đẹp của giá trị văn hóa. Những chiến sĩ dũng mãnh nhưng cũng đáng yêu như những thần tượng... tất cả chỉ có khi chúng ta trân trọng trang sử vàng của dân tộc, trân trọng sự lựa chọn con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, lựa chọn hệ tư tưởng soi đường, dẫn lối của các thế hệ cha ông. Đó cũng là con đường để lịch sử đồng hành cùng tương lai đất nước...

Thu Trang
.
.