Công an tỉnh Bắc Giang trong thời đại số

Thứ Năm, 10/03/2022, 07:16

Hơn lúc nào hết, công nghệ đã và đang được sử dụng tối đa trong vấn đề cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Công an tỉnh Bắc Giang, với tiêu chí “4 xin, 4 luôn, 5 không”, sử dụng công nghệ nhằm phục vụ nhanh nhất, cắt giảm tối đa thời gian, tiết kiệm chi phí khi công dân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) tại đơn vị. Điều này đang từng bước làm thay đổi bộ mặt của Công an tỉnh Bắc Giang trong thời đại số.

Niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR

Đang có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nên chị Nguyễn Thị Hạnh ở TP Bắc Giang đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh để tìm hiểu thủ tục. Được cán bộ hướng dẫn quét mã QR niêm yết trên bảng, chị Hạnh giơ điện thoại lên, lập tức, bảng hướng dẫn hiện ra, chị chỉ cần ấn vào mục mình cần tìm hiểu. Như vậy, không cần tiếp xúc với ai, chị Hạnh vẫn có đủ thông tin về việc làm hộ chiếu của mình. Bên cạnh đó, các thủ tục để làm hộ chiếu cũng đã được rút gọn, rất nhanh chóng, tiện lợi nên chị không cần phải đi lại nhiều lần.

Được biết, từ đầu tháng 3/2022, Công an tỉnh Bắc Giang niêm yết thủ tục hành chính (TTHC) bằng mã QR ở tất cả địa điểm tiếp nhận, giải quyết TTHC của lực lượng Công an từ tỉnh đến cấp xã. 4 bảng biểu niêm yết TTHC bằng mã QR gồm: Bảng niêm yết TTHC cấp tỉnh; bảng niêm yết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an huyện; bảng niêm yết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an TP Bắc Giang; bảng niêm yết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an xã.

Công an tỉnh Bắc Giang trong thời đại số -0
Cán bộ Công an tỉnh Bắc Giang hướng dẫn người dân đến làm thủ tục hành chính quét mã QR.

Mỗi bảng là tập hợp nhiều mã QR ở các lĩnh vực như: Xuất nhập cảnh, đăng ký quản lý con dấu, quản lý ngành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; đăng ký quản lý giao thông đường bộ…

Từng mã QR gồm danh sách các thủ tục, đường link dẫn đến nội dung, hồ sơ, các loại giấy tờ mà người dân, doanh nghiệp cần chuẩn bị để giải quyết TTHC ở lĩnh vực đó.

Với việc niêm yết TTHC này, người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet thực hiện quét mã QR là dễ dàng tra cứu thông tin, thực hiện thủ tục nhanh chóng, kịp thời; tiết kiệm chi phí cũng như thời gian.Ngoài ra, mỗi bảng còn có một mã QR khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với tác phong, thái độ phục vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an các cấp khi đến thực hiện giải quyết TTHC tại đơn vị.Qua đó nhằm mục tiêu thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Mọi phản ánh đều được tiếp nhận, xử lý kịp thời. Trên cơ sở đó, Công an tỉnh có văn bản chấn chỉnh, kịp thời điều chỉnh thái độ, tồn tại hạn chế trong quá trình phục vụ công dân khi giải quyết TTHC. Công tác này đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc minh bạch, công khai thủ tục hành chính, giảm sự tiếp xúc của người dân với cán bộ chức năng, cũng giảm việc người dân phải đi lại nhiều lần.

“4 xin, 4 luôn và 5 không”

4 xin: “Xin chào; xin lỗi; xin cảm ơn; xin phép”; 4 luôn: “Luôn mỉm cười; luôn nhẹ nhàng; luôn lắng nghe; luôn giúp đỡ”; 5 không: “Không cửa quyền hách dịch, khó khăn, phiền hà; không quan liêu vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” là tiêu chí của Công an Bắc Giang trong công tác cải cách hành chính, phục vụ nhân dân.

Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: Thực hiện tiêu chí trên, các đơn vị thuộc Công an tỉnh Bắc Giang đã có nhiều giải pháp, cách làm mới nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong tiếp nhận,giải quyết TTHC. Mọi thủ tục thực hiện theo hướng thông thoáng, thuận tiện, cắt giảm thời gian, chi phí nhằm mang lại hiệu quả cao nhất, trọng tâm là cải cách hành chính (CCHC).

Nhận định vai trò chỉ đạo của người đứng đầu lực lượng Công an các cấp trong công tác CCHC là đặc biệt quan trọng, mỗi tháng, Công an tỉnh chấm điểm người đứng đầu liên quan đến công tác CCHC. Từ Giám đốc Công an tỉnh đến lãnh đạoCông an các huyện, TP, phòng nghiệp vụ, trưởng Công an các xã, phường, thị trấn quán triệt sâu sắc nội dung này; chỉ đạo quyết liệt đến từng cán bộ, chiến sĩ.

Những đơn vị có phiếu phản ánh không hài lòng của người dân về thái độ phục vụ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, đòi hỏi đơn vị giám sát sát sao việc tiếp nhận, giải quyết THHC của cán bộ, chiến sĩ điều chỉnh theo phương châm “4 xin, 4 luôn, 5 không”.

Công nghệ kết nối người dân với Công an

Để kết nối người dân với CBCS Công an, Công an tỉnh Bắc Giang đã lập, duy trì 225 trang Zalo hoạt động tích cực, thường xuyên cập nhật về các TTHC cũng như kết quả giải quyết. Đơn vị mở hàng loạt chuyên mục như: Hướng dẫn TTHC, thông tin hỗ trợ doanh nghiệp… trên trang thông tin điện tử của đơn vị giúp người dân, doanh nghiệp cập nhật thông tin. Qua thông tin trên nhóm Zalo, cán bộ cơ sở, người dân đã phản ánh, cung cấp cho lực lượng Công an phường, xã hàng vạn thông tin, trong đó, có hàng nghìn tin có giá trị liên quan đến các vấn đề ANTT, an toàn giao thông và phòng chống dịch COVID-19.

Công an tỉnh Bắc Giang trong thời đại số -0
Cán bộ Công an tỉnh Bắc Giang tuyên truyền công tác đảm bảo ANTT cho người dân.

Là thành viên tham gia nhóm zalo, bà Lê Thị Minh Khánh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Vĩnh Ninh 3, phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang cho biết: Nắm bắt được xu hướng phát triển, sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội và tận dụng ưu điểm của địa bàn có dân trí cao, tôi đã thành lập một nhóm Zalo giữa cấp ủy chi bộ Tổ dân phố Vĩnh Ninh 3 với Cảnh sát khu vực để triển khai các nhiệm vụ của tổ dân phố; đồng thời phối hợp trong công tác bảo đảm ANTT, phát động các phong trào. Nhóm Zalo như “cánh tay nối dài” của công an tại cơ sở, mang lại hiệu quả thiết thực. Thông tin gửi được đính kèm hình ảnh, clip phản ánh thực tế nên có sức thuyết phục, tương tác nhiều chiều ở mọi lúc, mọi nơi; độ bảo mật cao nên người dân an tâm khi tham gia tố giác tội phạm. Ở chiều ngược lại, các thông tin do lực lượng Công an cung cấp giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm cũng như giúp lực lượng Công an phục vụ nhân dân tốt hơn.

Chỉ tính riêng tại TP Bắc Giang, tổng hợp ý kiến đánh giá từ quần chúng nhân dân cho thấy, việc sử dụng nhóm Zalo kết nối giữa lực lượng Công an với người dân mang lại hiệu quả thiết thực, giúp công an kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình ANTT trên địa bàn quản lý. Công an phường, xã của TP Bắc Giang cũng đã cung cấp hơn 700 tin tuyên truyền đến người dân về nội dung công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, thông tin về đối tượng truy nã, truy tìm trẻ lạc, tung tích nạn nhân...; tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID - 19; đợt cao điểm vận động thu hồi vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, với tiêu chí “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hướng”, Công an tỉnh cũng thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ngồi ở nhà, người dân, doanh nghiệp cũng có thể giải quyết TTHC qua kênh trực tuyến. Qua cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và của Bộ Công an, Công an tỉnh đã thực hiện 29 THHC và 1 dịch vụ công về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Năm 2022, Công an tỉnh Bắc Giang phấn đấu đứng trong top 10 về xếp hạng chỉ số CCHC. Để làm được điều này, Công an tỉnh dự kiến xây dựng thí điểm mô hình CCHC, mỗi huyện sẽ chọn 2 xã làm điểm, sau đó đánh giá nhân rộng; đồng thời ban hành bộ tiêu chí xác định chỉ số CCHC với Công an các đơn vị, địa phương và cơ sở, các đơn vị trực tiếp, không trực tiếp giải quyết TTHC.

Phương Thuỷ
.
.