Chuyện về Thượng tướng Trần Nam Trung
Hướng tới 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhiều người ngậm ngùi nhớ tới lão tướng Trần Nam Trung từng là Chính ủy các Lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam.
Ông là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt gắn bó xuyên suốt chiến trường miền Nam, nhất là trong những thời điểm vô cùng khó khăn thử thách. Phần lớn cuộc đời ông vào tù ra khám, nằm rừng ngủ núi, đến khi đất nước hòa bình, gia đình sum họp thì vợ con bệnh tật triền miên, tai ách. Với ông, chỉ có niềm vui chung của dân tộc, còn niềm vui riêng thật hiếm hoi.

Duyên tình cách mạng với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Thượng tướng Trần Nam Trung tên thật Trần Khuy, còn có bí danh Trần Lương, sinh ngày 6/1/1912 tại xã Đức Trung, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, cùng quê với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vào năm 1927, lúc mới 15 tuổi, Trần Khuy đã bí mật ra Nghệ An gia nhập Liên đoàn Cộng sản Đảng, về sau đổi thành An Nam Cộng sản Đảng. Đến năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương hoạt động ở quê nhà. Bị thực dân Pháp bắt giam tháng 4/1931, ra tù ông liền bí mật bắt liên lạc với tổ chức, xây dựng cơ sở, nhưng rồi lại bị địch bắt trở lại, kết án 7 năm tù và đưa lên giam giữ ở Buôn Mê Thuột.
Tại ngục tù Tây Nguyên, ông được gặp nhà cách mạng Nguyễn Chí Thanh, người có sức ảnh hưởng đối với ông và về sau hai ông có nhiều gắn bó trên hành trình binh nghiệp từ Việt Bắc đến Nam Bộ. Khi hết hạn tù Buôn Mê Thuột, Trần Khuy trở về tham gia thành lập Ủy ban vận động Cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi, xây dựng và lãnh đạo phong trào du kích căn cứ Ba Tơ trong nhân dân, binh lính, đoàn thể, chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Và từ đây, nhà cách mạng họ Trần lấy bí danh là Trần Lương.
Sau thắng lợi cuộc khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11/3/1945, Trần Nam Trung tiếp tục tham gia lãnh đạo thành công Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi và các tỉnh Nam Trung Bộ. Thế nhưng đất nước giành được độc lập chưa được bao lâu thì quân Pháp tái xâm lược. Ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Nam Trung Bộ, lần lượt được cử giữ trọng trách Ủy viên Xứ ủy Trung Bộ phụ trách quân sự, Chính ủy Liên khu 5, Chính ủy Mặt trận Buôn Hồ - An Khê, Thường vụ Liên khu ủy Liên khu 5.
Bấy giờ ở Việt Bắc, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh bị bệnh nặng. Ông cần một cấp phó có khả năng giúp mình chỉ đạo công việc hàng ngày. Và ông nhớ tới người bạn tù tài năng, bản lĩnh, hiền lành trong nhà lao Buôn Mê Thuột những năm 1930 đang công tác ở Nam Trung Bộ. Được sự đề bạt của Tướng Nguyễn Chí Thanh, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã điều Trần Lương ra làm Phó Chủ nhiệm Thường trực Tổng cục Chính trị từ tháng 4/1952. Hai bạn tù cùng gốc miền Trung có dịp hội ngộ, tâm đầu ý hợp, chỉ đạo sâu sát hiệu quả công tác chính trị trong toàn quân.
Trong chiến cuộc Đông xuân 1953- 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Lương ngoài công tác chính trị quân đội còn nhận trách nhiệm chỉ đạo và trực tiếp về các địa phương vận động nhân dân đóng góp, vận tải lương thực, thực phẩm, quân trang quân dụng cung cấp kịp thời cho mặt trận chính Tây Bắc. Ông lặn lội về các địa phương khảo sát, vận động, thuyết phục cán bộ và nhân dân. Ông tổ chức các đoàn vận tải bằng sức người và phương tiện thô sơ vượt hàng trăm cây số đèo núi lên mặt trận. Thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng có công lao không nhỏ về công tác tổ chức, chỉ huy chính trị và hậu cần của hai vị Tướng Nguyễn Chí Thanh và Trần Nam Trung.
Sau ngày đất nước thống nhất, Thượng tướng Trần Nam Trung từ chối mọi chức vụ và xin nghỉ hưu. Tuy nhiên, Trung ương không đồng ý, điều ông ra Hà Nội làm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Chính phủ 1 nhiệm kỳ. Suốt đời gắn bó với chiến trường gian khó, công trạng hàng đầu, ông xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng.
Hai lần bí mật trở vào lãnh đạo cách mạng miền Nam
Hiệp định Geneva đình chiến năm 1954 được ký kết. Đất nước bị chia cắt làm hai miền. Tình hình miền Nam vô cùng gay go, phức tạp. Năm 1955, ông là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, rời Hà Nội trở về chiến trường quen thuộc để gây dựng lại cơ sở. Bấy giờ, chính quyền Ngô Đình Diệm đang tiến hành các chiến dịch truy quét những người Việt Minh kháng chiến khắp miền Nam, gây rất nhiều tổn thất cho cách mạng.
Giữa lúc đó, tình hình cách mạng ở Nam Bộ cũng rất căng thẳng. Năm 1959, với tài năng tổ chức trong những hoàn cảnh khó khăn, Trần Lương từ Nam Trung Bộ được Trung ương điều vào Đông Nam Bộ tham gia tổ chức xây dựng lại Xứ ủy Nam Bộ thành Trung ương Cục miền Nam để tiến tới lãnh đạo đấu tranh chính trị và vũ trang thống nhất nước nhà. Nhiệm vụ hoàn thành, ông trở ra Bắc công tác, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng và được Nhà nước phong thẳng quân hàm Trung tướng.
Vào tháng 5/1961, sau hơn 1 năm ra Hà Nội, Trần Lương lại được Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ vượt Trường Sơn trở vào Nam trong Đoàn Phương Đông 1, do Tướng Trần Văn Quang làm trưởng đoàn, còn ông là Chính ủy. Tháng 10/1961, tại phiên họp đầu tiên của Trung ương Cục miền Nam, ông được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục, phụ trách quân sự với cương vị Chính ủy các Lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam. Ông lãnh đạo phong trào du kích và đấu tranh quần chúng, chuẩn bị cho sự ra đời các đơn vị bộ đội chủ lực.
Đến năm 1964, sau khi tham gia xây dựng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, ông được cử làm Phó Chủ tịch phụ trách công tác quân sự, dân vận, binh vận. Đến khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam được thành lập, do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Có một sự kiện mà nhiều người hay nhắc đến, đó là khi Tướng Dương Văn Minh lật đổ chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng hòa, Tướng Trần Nam Trung đã trực tiếp chỉ đạo cho ông Dương Thanh Nhựt là cán bộ cách mạng bí mật tiếp xúc với Dương Văn Minh. Và sứ mệnh của ông Dương Thanh Nhựt đã hoàn thành, khi thuyết phục được người anh ruột của mình là Tổng thống Dương Văn Minh phá bỏ hệ thống ấp chiến lược vốn do chính quyền Ngô Đình Diệm dựng lên gây nhiều khó khăn cho cách mạng. Sự chỉ đạo linh hoạt của Tướng Trần Nam Trung đã góp phần quan trọng cho kế hoạch binh vận thành công.
Đón tiếp Tổng Tư lệnh Cuba Fidel Castro thăm đất lửa Quảng Trị
Sáng ngày 15/9/1973, máy bay chở Chủ tịch Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ Hà Nội đáp ở Đồng Hới, Quảng Bình. Một đoàn xe gồm hai chiếc commanca, một xe buýt và nhiều phương tiện hộ tống dừng lại phía bắc bờ Hiền Lương. Đoàn người xuống đi bộ qua cầu phao tiến về trạm đón tiếp ở bờ Nam, đi đầu là Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Tổng Tư lệnh Fidel Castro.
Bộ trưởng Quốc phòng Trần Nam Trung thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đón Chủ tịch Fidel Castro tại Cứ điểm 241 ở Cam Lộ. Mấy mươi cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng bồng súng xếp hàng thẳng tắp nghiêm trang. Tổng Tư lệnh Fidel Castro ôm chầm lấy Tướng Trần Nam Trung và bước đến trước mặt hàng quân danh dự siết chặt tay từng chiến sĩ.
Chính ủy Sư đoàn 304 Đồng Ngọc Vân bước lên trao cho Tổng Tư lệnh Fidel lá cờ truyền thống trĩu nặng huân chương của “Sư đoàn Vinh quang”. Tổng Tư lệnh Fidel đón nhận và giương cao ngọn cờ, dừng lại rất lâu để ngước nhìn lá cờ tung bay trong gió rồi dõng dạc nói: “Cảm ơn các bạn. Các bạn hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này tiếp tục tiến lên cho đến thắng lợi cuối cùng!”.
Chủ tịch Fidel Castro là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất thời chiến tranh từ miền Bắc đã vượt qua Vĩ tuyến 17. Một sự kiện lịch sử. Khi cùng ngồi lên xe đi thăm vùng giải phóng, Chủ tịch Fidel nhìn chăm chú từng dấu tích tàn khốc của chiến tranh vừa mới xảy ra. Thỉnh thoảng, Chủ tịch Fidel lại đề nghị dừng xe, xuống đi bộ để dễ quan sát cảnh vật và thăm hỏi bộ đội, đồng bào. Chủ tịch Fidel cũng bất ngờ rẽ vào bãi xe tăng chiến lợi phẩm, rồi trèo lên đứng hiên ngang trên một chiếc xe tăng Mỹ.
Thượng tướng Trần Nam Trung nhớ lại: “Lúc đó, tôi rất vui mừng nhưng cũng hết sức căng thẳng, sợ địch bất ngờ bắn tỉa lắm. Bởi đồn lính của chúng còn chốt khá gần. Chủ tịch Fidel can đảm đến tận các căn cứ quân sự mà quân ta vừa mới chiếm, lắng nghe bộ đội kể chuyện vô hiệu hóa hàng rào điện tử McNamara của địch, cùng những chiến công vừa mới lập được. Mỗi lần nghe xong một câu chuyện, Chủ tịch Fidel vui mừng nói: Mỗi chiến thắng của Việt Nam trước đế quốc Mỹ cũng là chiến thắng của nhân dân Cuba”.
Bộ trưởng Trần Nam Trung đưa Chủ tịch Fidel Castro cùng đoàn vượt qua Dốc Miếu vốn có hàng rào điện tử McNamara để đến thăm Đông Hà, rồi ngược lên Đường 9 đến thăm Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở huyện Cam Lộ, nơi chỉ cách căn cứ quân sự của Mỹ hơn 10 cây số. Khi tới gần cầu Đông Hà, Chủ tịch Fidel Castro xuống xe đi bộ để chào bắt tay người dân. Hình ảnh “ông Tây phe Ta” gần gũi thân thương gây xúc động người dân Quảng Trị, để lại trong lòng họ ký ức đẹp.