Chung tay giúp người lầm lỗi hướng thiện
Chăm sóc, cải tạo một cái cây sâu mục khó gấp vạn lần chăm sóc một cái cây mới, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là phát huy hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các cấp có nhiều cách làm hay, sáng tạo giúp đỡ người lầm lỗi ở địa bàn dân cư tái hòa nhập cộng đồng.
Trong đó, tại tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều người lầm lỗi được tham gia các hoạt động xã hội, xóa bỏ mặc cảm về tội lỗi, vươn lên trong cuộc sống; đồng thời, giúp kiềm chế, giảm các hành vi vi phạm pháp luật trong khu dân cư, đảm bảo TTATXH trên địa bàn.
1.Năm 2012, bị bạn bè lôi kéo và do sự nông nổi của bản thân, anh Lê Văn Bình (thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên) đã có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác. Cái giá mà anh phải trả cho sự bồng bột đó là bản án 7 năm tù giam. Trong quá trình thụ án, bản thân anh Bình đã cải tạo tốt, năm 2016 anh đã được Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn.
Nắm bắt được tâm lý của các trường hợp lầm lỗi khi trở về địa phương sẽ có nhiều mặc cảm, tự ti, cấp ủy, chính quyền thị trấn Đạo Đức và lực lượng Công an địa phương đã chủ động thăm hỏi, động viên, giúp anh Bình có những suy nghĩ tích cực, làm lại cuộc đời. Được sự giới thiệu của bạn bè, anh Bình đã học hỏi kinh nghiệm nuôi dê thương phẩm và được vay nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cho thuê 5 mẫu ruộng để phát triển mô hình trang trại. Đến nay, trang trại nuôi dê thương phẩm của anh Bình luôn duy trì quy mô từ 1.000 đến 1.500 con, tạo công ăn việc làm cho 5 đến 6 lao động ở địa phương.
Trang trại của anh Bình còn cung cấp dê giống và dê thương phẩm cho nhiều thương lái ở các tỉnh, thành phố phía Bắc. Nhờ sự động viên, giúp đỡ tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, đến nay cuộc sống của gia đình anh Bình khá giả, hạnh phúc, anh đã tránh xa đám bạn hư hỏng. Anh Bình cũng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm mô hình nuôi dê cho những người quan tâm, đặc biệt là những người từng lầm lỗi như bản thân anh, làm lại cuộc đời, trở thành công dân có ích cho xã hội. Anh Bình chỉ là một trong rất nhiều người lầm lỗi trở về xã hội, được sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể địa phương đã vươn lên làm kinh tế, giúp đỡ gia đình cũng như làm nhân tố tốt đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
2. Để uốn nắn những nhánh cây mọc lệch, phải kể đến rất nhiều "kĩ sư". Người đầu tiên phải nói đến là đồng chí Cao Ngọc Minh, anh vừa nhận nhiệm vụ Chủ tịch xã Phú Xuân. Trước đó, đồng chí Minh là Trưởng Công an thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Trong quá trình công tác trong lực lượng Công an, trải qua nhiều cương vị, lĩnh vực công tác, đồng chí Minh đã giáo dục, giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh có quá khứ lẫm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, đáng chú ý là vào năm 2020, với vai trò Trưởng Công an thị trấn Hương Canh, khi tham gia họp xét hộ nghèo, cận nghèo, trên địa bàn có trường hợp gia đình 3 cháu nhỏ sống cùng bà nội già yếu.
Qua tìm hiểu, anh Minh được biết bố của các cháu là Tạ Như Hiền đang chấp hành án phạt tù vì tội cố ý gây thương tích. Trong thời gian bố chấp hành án, mẹ của ba em nhỏ bỏ nhà đi để lại các em sống cùng bà nội già yếu. Khi đó, anh Minh đã trăn trở về hoàn cảnh này và anh đã quyết định Công an thị trấn sẽ cưu mang 3 cháu nhỏ, giúp các cháu có điều kiện ăn học thành người. Để làm được việc đó, anh Minh đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ giúp đỡ cháu lớn 1,5 triệu đồng/tháng, còn hai cháu nhỏ (SN 2020, 2012) đang học tại Trường Tiểu học Hương Canh B thì anh Minh và các anh em cán bộ Công an thị trấn trích lương hàng tháng nuôi các cháu ăn học. Cũng theo anh Minh, dù đang công tác ở vị trí mới nhưng mà anh vẫn cùng các đồng đội cũ duy trì việc làm này và việc làm của các anh đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ dư luận nhân dân.
Để giúp những người từng lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, theo đồng chí Nguyễn Thị Mãi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đại Tự (Yên Lạc), cán bộ cơ sở không chỉ định hướng giúp họ có một tư tưởng lạc quan mà còn phải có những việc làm, hành động cụ thể như: Thường xuyên tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho người lầm lỗi ở địa bàn dân cư; phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ; quản lý, giám sát, hướng dẫn họ chấp hành pháp luật, nghĩa vụ công dân của người lầm lỗi; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý khi có hành vi vi phạm pháp luật.
Đồng chí Mãi chia sẻ: Để giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, trong suốt hơn 15 năm công tác trong Hội phụ nữ, tôi đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các giải pháp vận động hội viên và người thân không vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội và giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Đến nay, Hội Phụ nữ xã Đại Tự đã xây dựng được 16 mô hình "5 không, 3 sạch", với gần 800 hội viên hội phụ nữ tham gia. Đồng thời, trực tiếp giúp đỡ 1 hội viên là người lầm lỗi đã bị khai trừ và kết nạp lại; giúp đỡ 41 hội viên có người thân là người lầm lỗi bằng các hình thức như tuyên truyền, vận động hội viên trong việc quản lý con em người thân không phạm tội, mắc các tệ nạn xã hội.
Đối với các hội viên có người thân là người lầm lỗi ngoài việc tuyên truyền để hội viên về quan tâm, động viên thì các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương cũng thường xuyên xuống động viên để họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti của những người lầm lỗi, đứng ra bảo lãnh cho những gia đình hội viên có người thân lầm lỗi được vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ những giải pháp tích cực, những năm qua, số người lầm lỗi trở về địa phương có công ăn việc làm tăng cao, hạn chế các trường hợp vi phạm pháp luật, tình hình ANTT trên địa bàn ổn định.
Xác định công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là sự vào cuộc của các tổ chức xã hội ở cộng đồng, đa số các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã phân công cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm với công việc hội thường xuyên tham gia phối hợp với gia đình để trực tiếp gặp gỡ, có các biện pháp tác động, cảm hóa, giáo dục thích hợp với từng trường hợp. Trên cơ sở đó, giúp đỡ người lầm lỗi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tư tưởng, xóa bỏ mặc cảm, tạo điều kiện thuận lợi về tâm lý để họ yên tâm, vươn lên tái hòa nhập cộng đồng.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận, quản lý gần 7.300 trường hợp người lầm lỗi trở về địa phương. Đa số những người lầm lỗi trở về địa phương đều có nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, công ăn việc làm. Để giúp họ không tái phạm, những năm qua UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các huyện, thành phố giới thiệu việc làm ổn định cho hơn 1.200 trường hợp lầm lỗi; các ngân hàng chính sách, tổ chức tín dụng đã cho hơn 1.000 người lầm lỗi vay hơn 5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển sâu rộng trong cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi để người lầm lỗi tham gia các hoạt động xã hội, xóa bỏ những mặc cảm về tội lỗi, vươn lên tiến bộ, tái hòa nhập cộng đồng… Giúp người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng là hoạt động có ý nghĩa quan trọng; góp phần tích cực vào hoạt động phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng ngừa tái phạm đối với người chấp hành xong án phạt tù nói riêng.