Chống tội phạm công nghệ cao ở miền cát trắng

Thứ Năm, 16/11/2023, 16:47

Việc đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng của lực lượng Công an ở địa bàn Quảng Bình thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt…

Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, xã hội ở miền Trung. Sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch, dịch vụ, bất động sản… thu hút đông đảo du khách cũng như các nhà đầu tư tìm đến Quảng Bình. Và, không ít đối tượng tội phạm công nghệ cao cũng xem đây như vùng đất mới, miền đất hứa để thực hiện các hành vi lừa đảo. Việc đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng của lực lượng Công an ở địa bàn Quảng Bình thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt…

anm1.jpg -0
Cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Bình họp bàn phá án.

Từ một ngôi nhà kín cổng cao tường…

Bằng biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (gọi tắt là Phòng An ninh mạng), Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện ở phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới có ngôi nhà luôn đóng kín cổng, cao tường. Chủ nhân ngôi nhà này là Hoàng Trung Thương (SN 1995) mua một lúc gần chục máy vi tính và tập hợp một số người giỏi tin học đến làm việc.

Sau nhiều ngày thu thập tài liệu, chứng cứ, cơ quan Công an đã xác định có hoạt động tội phạm bên trong ngôi nhà bí ẩn đó. Các đối tượng còn có một mạng lưới chân rết ở một số tỉnh, thành khác. Sau khi lập chuyên án, Phòng An ninh mạng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan của Công an tỉnh Quảng Bình quyết định phá án.

Vào một ngày cuối năm 2021, lực lượng đánh án chia làm 10 tổ công tác đồng loạt ra quân đột kích tại các điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình và thành phố Đà Nẵng để bắt các đối tượng. Các tổ công tác đã triệu tập, đấu tranh 15 đối tượng hoạt động trên nhiều tỉnh, thành. Nạn nhân bị lừa có thể lên đến 5.000 người với số tiền giao dịch trong các tài khoản ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 1.000 tỷ đồng.

anm2.jpg -1
Thiết bị các đối tượng sử dụng để lừa đảo gần 1.000 tỷ đồng của người dân.

Kết quả điều tra cho thấy, đối tượng Nguyễn Cao Hoàng (SN 1993), trú tại quận Hải Châu, Đà Nẵng đã thuê Hoàng Trung Thương kêu gọi người khác mở các tài khoản ngân hàng từ năm 2019. Mỗi số tài khoản Thương nhận được từ Hoàng 400.000 đồng. Sau khi nhận được thông tin cá nhân của người đăng ký mở tài khoản thì Thương và Hoàng tự tạo ví Momo, ZaloPay để hưởng các gói quà ưu đãi (sử dụng để thanh toán tiền điện, nước, Internet..) trị giá 700.000 đồng/tài khoản. Đồng thời các đối tượng cấu kết với nhau tạo Chứng minh nhân dân (CMND) giả để liên kết ngân hàng, định danh ví Momo. Sau đó, các đối tượng bán tài khoản cho các đối tượng hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản để thu lợi với giá 250.000-350.000 đồng/tài khoản.

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của các đối tượng, Ban chuyên án đã thu giữ gần 1.983 thẻ sim điện thoại; 11 thẻ ATM ngân hàng của các đối tượng; 177 thẻ ATM ngân hàng; 5 thiết bị simbox; 16 bộ máy tính, 1 máy in màu; 38 CMND giả; 28 điện thoại di động và 3.613 bộ tài khoản ngân hàng đã mở cùng nhiều tang vật, tài liệu có liên quan….

… Đến đường dây lừa đảo xuyên quốc gia             

Cũng từ công tác nghiệp vụ, các trinh sát Phòng An ninh mạng, Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện một số đối tượng người nước ngoài câu kết với một số người Việt lập sàn RosyStyle với phần thưởng, lợi nhuận “khủng” dùng để dụ dỗ người chơi, sau đó sử dụng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tiền.

Sau một thời gian dài theo dõi, điều tra, tháng 7/2023, với tinh thần bí mật, bất ngờ, khẩn trương và quyết liệt, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), Công an tỉnh Tây Ninh, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an TP Cần Thơ và Đồn Biên phòng cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) đồng loạt tiến hành triệu tập, đấu tranh 6 đối tượng liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đã ra lệnh tạm giữ hình sự 5 đối tượng, gồm: Hồ Thanh Tiền (SN 1992), Khương Thuận Phát (SN 1994), đều trú tại TP Hồ Chí Minh; Phạm Thùy Dung (SN 1994, trú tại TP Biên Hòa, Đồng Nai) và 2 đối tượng người Trung Quốc mang quốc tịch Malaysia để điều tra về các hành vi “Thu thập, tàng trữ, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

Công an Quảng Bình đã xác định 24/44 tài khoản ngân hàng được các đối tượng sử dụng để nhận tiền của bị hại với số tiền hơn 1.830 tỷ đồng, trong đó hơn 5.500 tài khoản có giao dịch chuyển số tiền từ 11 triệu đồng trở lên. Các tài khoản này đều do các đối tượng người nước ngoài quản lý, sử dụng. Để dẫn dụ, lôi kéo người tham gia sàn RosyStyle, các đối tượng đưa ra các chương trình khuyến mãi đánh vào lòng tham của người tham gia như: tạo chương trình khuyến mãi, tặng voucher bằng tiền…

Các đối tượng mở nhóm trên Zalo để bị hại trải nghiệm miễn phí từ 3-5 ngày và chúng thể hiện, thông báo cho khách hàng là có lợi nhuận trong tài khoản. Khi kết thúc chương trình trải nghiệm miễn phí, các đối tượng hướng dẫn khách rút được lợi nhuận về (khoảng 30-40 USD/người) để tạo lòng tin. Sau đó, chúng thuyết phục các bị hại nạp thêm 1.000 USD để đủ 5.000 USD theo quy định của chương trình đầu tư trải nghiệm… và tiền của bị hại sau khi nộp đều bị mất và chúng cắt liên lạc.

Phòng ngừa sập bẫy tội phạm “phi truyền thống”

Trung tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: “Với phương châm vừa kiểm soát, bảo vệ tốt an ninh mạng trên địa bàn, vừa làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao, góp phần xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, bảo đảm tốt an ninh trật tự trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng, Công an tỉnh Quảng Bình đã tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp, tăng cường bám sát địa bàn, triển khai đồng bộ các mặt công tác bảo vệ an ninh mạng và trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là hoạt động phạm tội có tính chất ổ, nhóm, hoạt động quy mô lớn, liên tỉnh”.

Tội phạm liên quan đến không gian mạng là loại tội phạm “phi truyền thống”, địa bàn hoạt động rộng, không phân biệt biên giới, lãnh thổ, thời gian, có tính tự động hóa và chuyên nghiệp cao, chúng dễ dàng xóa bỏ dữ liệu điện tử, dấu vết phạm tội khiến việc điều tra, xác minh thông tin gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian, công sức, kinh phí.

Bên cạnh đó, nhận thức, kiến thức về pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao của người dân còn thiếu, không đủ để phòng tránh hoặc biết cách thu thập những thông tin, dữ liệu có giá trị ban đầu để tố giác tội phạm với cơ quan Công an khi trở thành nạn nhân.

Với xu hướng hoạt động trực tuyến ngày càng phổ biến, người dân tham gia môi trường mạng máy tính nhiều hơn và đây là điều kiện thuận lợi nảy sinh tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Dương Sông Lam
.
.