Chống dịch nơi xứ núi - Khó khăn và thầm lặng

Thứ Năm, 07/10/2021, 14:22

Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng tôi cũng có thể gặp trực tiếp Thượng tá Trần Bình Hưng, Trưởng Công an huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk. Suýt nữa tôi không nhận ra anh, vì nhìn anh sạm đen đi nhiều. Anh cười “Suốt thời gian vừa rồi, căng mình chống dịch COVID - 19, ai cũng vậy hết nhé”. Quả đúng như thế, các chiến sĩ Công an huyện Cư Mgar đều dồn hết công sức, tâm huyết để thực hiện công tác chống dịch. Nhất là trong thời điểm dịch bùng phát tại huyện Cư Mgar như thời gian này.

Từ tháng 4 năm 2021, khi một số tỉnh, thành phía Nam bùng phát dịch COVID-19 phải thực hiện giãn cách xã hội. Gánh nặng mưu sinh đè nặng trên vai người lao động. Sau những ngày tháng gồng mình tại thành phố mà không thể trụ thêm nữa thì người dân lao động, thanh niên, sinh viên ở các tỉnh, thành khăn gói trở về địa phương ồ ạt. Con số người dân trở về huyện Cư Mgar lên tới hàng vạn người. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn là điều không tránh khỏi.

thượng tá trần bình hưng và các nhà tài trợ trao quà cho bà con ở buôn làng bị cách ly.jpg -0
Công an huyện Cư M’gar và các nhà tài trợ trao quà cho bà con ở buôn làng bị cách ly.

Ngay sau khi trên địa bàn huyện ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; Công an huyện đã thành lập Ban chỉ đạo chống dịch, chủ động nắm bắt tình hình người từ vùng dịch trở về địa phương, huy động cán bộ, chiến sĩ ngày đêm thực hiện nhiệm vụ tại các khu cách ly và chốt kiểm soát dịch; thành lập tổ truy vết phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thực hiện truy vết người dân trên địa bàn huyện có tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính. Phối hợp với phòng y tế rà soát, truy vết kiểm soát người đi lại, có tiếp xúc với F0, F1, F2, F3 để kịp thời khoanh vùng, cách ly dập dịch. Trong một thời gian ngắn, huyện Cư Mgar thành lập 17 khu cách ly tập trung, Công an huyện đã phân công 81 cán bộ, chiến sĩ Công an xã, thị trấn phối hợp với lực lượng Quân sự, Y tế tổ chức tiếp nhận và cách ly y tế cho những trường hợp từ vùng dịch về.

Đối với người dân trở về ồ ạt từ các tỉnh thành có dịch, Công an huyện khẩn trương rà soát, quản lý người dân tại 177 thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Trong đó, mỗi tổ có 2 thành viên, 1 Công an chính quy hoặc Công an bán chuyên trách phối hợp với dân quân, thanh niên xung kích. Họ trực chiến 24/24. Khi phát hiện có trường hợp dương tính SARS-CoV-2, các chiến sĩ sẽ lập tức triển khai nhiệm vụ, bất kể ngày, đêm, mưa gió bão bùng cũng quyết tâm truy vết đến cùng. Có hôm về đến đơn vị là trời hửng sáng, ngả lưng xuống giường chưa kịp chợp mắt lại phải bật dậy đi đến thôn, buôn khác, tiếp tục nhiệm vụ truy vết thần tốc.

Thượng tá Trần Bình Hưng chia sẻ: “Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 rất gian nan. Nhưng sự gian nan ấy đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số như huyện Cư Mgar lại còn khó khăn nhiều lần”.

Quả thế, một trong những khó khăn ấy do tập quán sinh sống, người dân tộc thiểu số sinh sống nhiều thế hệ trong một nhà dài, sinh hoạt chung, cùng ăn uống, ra vào gặp mặt mỗi ngày; nhà không có phòng riêng, khu vệ sinh riêng đảm bảo điều kiện tối thiểu cho việc cách ly tại nhà… Bên cạnh đó, do đặc thù đời sống xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số có tính cộng đồng cao, ưa thích sự đông người nên khi dịch bệnh bùng phát sẽ kéo theo số lượng ca mắc tăng nhanh, đặc biệt là tốc độ lây lan của các biến chủng mới của virus cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát mạnh trong cộng đồng.

Chính vì thế, vừa phải khống chế dịch bệnh lan rộng, vừa phải tuyên truyền, giáo dục cho bà con về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ kép mà mỗi chiến sĩ Công an phải thực hiện. Nhiệm vụ nào cũng đòi hỏi sự khéo léo, vừa cứng, vừa mềm để bà con người dân tộc thiểu số nắm vững và thực hiện nghiêm túc là điều không hề dễ dàng. Trước tình hình đó, Công an huyện chủ động trong việc điều phối các chiến sĩ là người dân tộc thiểu số thực hiện nhiệm vụ trực chốt, làm việc trực tiếp với bà con bằng tiếng dân tộc.

Đại úy Niê Trần Hà Thủy - cán bộ Cảnh sát giao thông huyện được tăng cường xuống chốt - là một trong rất nhiều chiến sĩ nhận nhiệm vụ ấy. Khi tôi hỏi: “Khi đồng chí nói thì bà con nghe và hiểu ngay đúng không?”. Anh Công an trẻ gật đầu. “Đúng thế chị ạ. Nhưng bà con nghe, hiểu và thực hiện đúng theo sự tuyên truyền thì không phải dễ dàng. Thời gian vừa rồi huyện Cư Mgar đang mùa thu hoạch nông sản, nhiều bà con muốn qua chốt để vào nương rẫy hoặc ngược lại, kể cả khi nhà họ trong khu vực thôn, buôn bị cách ly thì chúng tôi phải thuyết phục rất nhiều rằng như thế rất nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm lớn. Rồi phải dẫn chứng bằng trường hợp cụ thể thì người dân mới nghe, chấp nhận quay xe trở về nhà, không đòi qua chốt nữa,… Chúng tôi thuyết phục nhẹ nhàng nhưng đôi khi phải rất cương quyết”.

c.an huyện cư m'gar hỗ trợ thực phẩm cho bà con khu cách ly.jpg -0
Công an huyện Cư M'gar hỗ trợ thực phẩm cho bà con khu cách ly.

Suốt hai tháng rưỡi, từ ngày huyện Cư Mgar thực hiện công tác kiểm soát phòng, chống dịch, nhiều chốt kiểm soát được lập nên. Mỗi chốt gồm chiến sĩ Công an, quân sự, dân phòng, thanh niên trực 24/24 giờ. Việc ăn ở diễn ra tại chốt. Việc sinh hoạt, tắm rửa ở lán trong rẫy của người dân dựng tạm. Những hôm rồi bão về, mưa giông và đì đùng sấm sét suốt ngày đêm, các anh em co cụm lại với nhau ở dưới lều bạt, thức trắng đêm vì mưa táp tứ bề, chỗ nào cũng ướt sũng.

Có vẻ nhận ra vẻ ái ngại khi tôi hỏi vất vả quá đúng không? Rồi việc ăn uống thế nào? Đại úy Niê Hà Thủy chia sẻ thêm: “Suốt cả tháng nay, tôi chưa về nhà nhưng người dân chăm sóc anh em ở chốt chu đáo lắm. Hôm thì nướng cá, hôm thì luộc thịt heo mang cho. Rồi nhà ai có trái cây hay gì đó ngon cũng mang ra chốt cho anh em. Ấm lòng lắm chị ạ. Hơn nữa, chúng tôi được lãnh đạo huyện, thủ trưởng và lãnh đạo xã ở địa bàn quan tâm, thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ. Được động viên kịp thời để thực hiện tốt nhiệm vụ nên cũng không thấy vất vả gì mấy”.

“Không vất vả gì mấy”. Đó cũng là câu nói của Thiếu tá Đặng Trọng Minh, Trưởng Công an xã Ea Tul. Dù trong câu chuyện của chúng tôi, các anh tâm sự đã mấy tháng nay không về nhà vì thực hiện nhiệm vụ trong vùng dịch. Để giữ an toàn cho gia đình, tránh bị lây nhiễm nếu không may sơ suất, các anh ở luôn tại đơn vị. Công việc bận, giữa thời gian nghỉ thì tranh thủ gọi điện thoại về gia đình, nhìn vợ con qua điện thoại, dặn dò chăm sóc nhà cửa, con cái rồi lại cắm cúi với công việc. Bởi sau khi đi kiểm tra địa bàn về thì phải nhập liệu sổ sách, báo cáo và triển khai nhiệm vụ. Công việc nối tiếp nhau, lại trực ngày đêm vất vả nhưng các anh vẫn rất vui vẻ, lạc quan.

Không chỉ thực hiện công tác chuyên môn, căng mình chống dịch mà còn lo cho đời sống bà con. Đang mùa thu hoạch nông sản. Địa bàn huyện trong tình thế giãn cách, nông sản dồn ứ, không tiêu thụ được. Bà con đã khó khăn lại thêm chồng chất. Trước tình hình đó, Công an huyện đã phối hợp với các đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức phát động chương trình: “Đổi nông sản lấy thiết bị vật tư y tế” và “Gửi gắm tâm tình Cư Mgar bằng rau, củ, quả đến với TP. Hồ Chí Minh”, qua đó thu gom được 54 tấn nông sản, hỗ trợ cho bà con tiêu thụ nông sản để gửi đến TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam; trao đổi lấy trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID - 19 tại địa phương. Hiện Công an huyện đã nhận được 950 bộ đồ bảo hộ y tế, 225 hộp khẩu trang y tế, 300 kính chắn giọt bắn, 200 găng tay y tế, 10 máy đo thân nhiệt,58 thùng mì tôm… với tổng giá trị 120.000.000 đ.

Đến ngày 25/9/2021, số bệnh nhân nhiễm bệnh COVID -19 là 134 ca tại địa bàn huyện Cư Mgar có thể chưa phải là con số cuối cùng. Nhưng đó là con số mà cán bộ, chiến sĩ và người dân huyện Cư Mgar mong muốn khép lại trận chiến gian khổ và khốc liệt với dịch bệnh ở đợt bùng phát thứ tư của cả nước. Với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm “thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa”, sự nỗ lực thầm lặng không mệt mỏi của những chiến sĩ Công an trong mặt trận cam go này, tin rằng COVID-19 sẽ sớm bị đẩy lùi. Bình an sẽ đến với bà con Tây Nguyên, vùng xứ núi, quê hương của Hoa hậu H Hen Niê vốn bình an sẽ vẫn vẹn nguyên sự xinh đẹp như vốn dĩ thế.

Niê Thanh Mai
.
.