Cho bình yên Bản Sắt

Thứ Năm, 30/12/2021, 16:03

Bây giờ thì bản Sắt không còn những ngôi nhà sàn gỗ bé nhỏ ven sườn núi nữa. Trận lũ lớn tháng 10/2020 đã biến thung lung màu mỡ bên suối Khe Cạc thành biển hồ mênh mông. Qua một đêm, mấy chục ngôi nhà chìm dần. Những ngọn núi phía sau cũng rùng rùng sạt lở. Bản phải tất tả sơ tán đến nơi an toàn. Lúc này tất cả các cấp chính quyền và lực lượng trên địa bàn xã Trường Sơn được huy động tối đa để giúp đỡ đồng bào.

Trong đội hình ấy Công an xã luôn là những người đi đầu. Cùng lúc họ đã đặt lên vai nhiều nhiệm vụ, bám địa bàn để vừa bảo vệ an ninh trật tự trong tình huống khẩn cấp vừa giúp đồng bào kịp thời di chuyển đến nơi an toàn.

Và một năm sau...

Một ngày tháng 10/2021 tôi nhận điện thoại của Dung - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình: “Chị ơi! Đồng bào bản Sắt có nhà mới rồi. Nhà kiên cố hẳn hoi chị ạ!” và sau đó là kèm theo những bức ảnh chụp bản Sắt mới. Bản được quy hoạch trên một khoảng đất được san ủi bằng phẳng chừng 3 ha, đủ chỗ để dựng lên đó 34 ngôi nhà sàn rộng khoảng 40 mét vuông và một ngôi trường kết hợp nhà chống lũ. Những ngôi nhà sàn bê tông cốt thép, mái tôn xanh được dựng lên sát nhau, đều tăm tắp.

Thoáng một chút nhớ thương về bản Sắt cũ, tôi hỏi Dung: “Những ngôi nhà sàn ở bản cũ bây giờ còn không?”. “Còn chị ạ, đồng bào vẫn giữ lại đi đi về về giữa hai nơi. Một số gia đình đã tháo nhà cũ sang dựng lại ngay bên nhà mới. Bản cũ đã ở trong khu vực có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Để đồng bào có cuộc sống ổn định lâu dài và an toàn, huyện Quảng Ninh, xã Trường Sơn cũng bàn tính đủ đường, còn hỏi ý kiến đồng bào nữa, rồi mới quyết định xây bản mới như bây giờ. Tập trung đồng bào vậy để đảm bảo về an ninh trật tự và thuận tiện trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, như điện, đường, trường, nước sạch và vệ sinh môi trường”.

unnamed.jpg -0
Lớp học tạm ngày cả bản Sắt chìm trong cơn đại hồng thủy.

Bản Sắt ở cách trung tâm xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hơn 10km. Bản có 34 hộ và 152 nhân khẩu. Hỏi bản có đây tự bao giờ? Đồng bào cười và bảo: “Khi mô không biết nữa. Khi lâu rồi”. Chả trách, vì đến cả tuổi mình nhiều người còn không nhớ thì hỏi gì tuổi bản. Theo lịch sử, người Vân Kiều ở Trường Sơn vốn có gốc gác từ Quảng Trị. Những năm chiến tranh, đồng bào di cư dần ra phía Bắc để tránh bom đạn của đế quốc Mỹ, thấy ở đâu yên thì ở lại lập bản và định cư luôn ở đó. Bản Sắt ra đời trong tình huống ấy. 

Bản nằm giữa thung lũng, xung quanh núi bao bọc. Phía trước có cánh đồng trồng ngô, sắn, đậu đỗ các loại. Đời sống của đồng bào Vân Kiều bản Sắt vốn rất bình yên. Đàn bà chăm chỉ với nương rẫy. Bản hiện có hơn 7,5 ha ruộng trồng lúa nước và khoảng 4 ha đất đồi trồng hoa màu. Đàn ông vào rừng hái nấm lim xanh, tìm tổ ong vắt mật, kiếm măng hay bẫy thú... Chỉ đến tháng 10 năm 2020, sự bình yên vốn có lâu nay mới bị phá vỡ.

\Đồng bào Vân Kiều bị thiên tai đẩy khỏi nơi cư trú thân thuộc của mình. Thật khó để có thể sống trong những chiếc lán phủ bạt trong thời gian dài nhưng để an toàn cho gia đình, được sự động viên và quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, của cán bộ Công an xã, đồng bào bản Sắt đã vượt qua những tháng ngày cực kỳ gian khổ.

Hồ Văn Tuấn - Bí thư chi bộ bản, người đã từng bật khóc khi bất lực đứng nhìn cảnh bơ tơ bất tất của dân bản trong những ngày mưa gió năm ngoái, năm nay lại rưng rưng khi đứng trước bản mới. Có lẽ ở cái tuổi chưa đến 30 lại phải cáng đáng một nhiệm vụ vô cùng nặng nề là lo lắng cho đời sống của hơn 150 con người, Tuấn chưa đủ mạnh mẽ để kiềm chế mọi xúc cảm của mình. Tuấn nói rằng, đã có một thời gian em cảm thấy hoang mang khi nhìn thấy cảnh sống khó khăn của đồng bào. Tình hình sẽ không ổn định và bản thân Tuấn cũng không được củng cố tinh thần nếu không có các anh Công an xã Trường Sơn thường xuyên có mặt tại nơi ở mới của bản. Gạo cơm và các loại hàng hóa phục vụ cuộc sống hàng ngày đã có Nhà nước và nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ nên không phải lo lắng nhiều nhưng giữ gìn an ninh trật tự thì không phải ai cũng lo cho bản được ngoài lực lượng Công an, đặc biệt là trong những tháng ngày bất ổn sau lũ lụt vừa qua.  Càng ở địa bàn xa xôi, khó khăn thì lực lượng Công an xã càng tích cực bám sát.

nha-ban-sats.jpg -0
Người dân ở bản Sắt, xã Trường Sơn vui mừng khi đến sinh sống trong những ngôi nhà mới.

Được biết từ tháng 10 năm 2019, Công an chính quy bắt đầu về công tác tại xã Trường Sơn. Địa bàn xã rất rộng, chiếm đến 2/3 diện tích toàn huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Xã có 19 thôn bản phân bố rải rác trên khắp mọi địa hình, từ núi cao xuống đến ven sông Long Đại. Địa hình xa xôi, hiểm trở và chia cắt là một khó khăn rất lớn trong hoạt động của Công an xã. Thế nhưng chỉ sau 3 năm có mặt ở Trường Sơn, lực lượng Công an chính quy đã nhanh chóng tiếp cận địa bàn thực hiện tốt trọng trách được giao. Gần như mọi mặt hoạt động, đời sống dân sinh kinh tế trên địa bàn xã đều có sự tham gia tích cực của họ.

Xác định những khó khăn đặc thù ở một xã miền núi như phong tục tập quán, ngôn ngữ khác biệt của đồng bào dân tộc Vân Kiều, dân trí đa số nhân dân còn ở mức thấp, Công an xã Trường Sơn đã có nhiều biện pháp công tác phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ Công an, như thực hiện các giao dịch hành chính, cấp đổi căn cước công dân sao cho chính xác về thông tin nhất, kịp thời nhất, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện pháp luật của Nhà nước sao cho dễ hiểu nhất...

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn nói rằng xã Trường Sơn có đến 65% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều, tiếp cận đồng bào không dễ, tuyên truyền vận động làm sao để đồng bào hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước càng khó khăn. Nhưng các anh Công an xã đã làm được. Họ không đến với nhân dân bằng những văn bản quy định cứng nhắc hay giao tiếp với nhân dân trên cơ sở mối quan hệ hành chính lạnh lùng. Ví như không thể tuyên truyền vận động đồng bào không sử dụng ma túy bằng cách mang luật ra đọc được mà phải giải thích ngắn gọn, cụ thể, như ma túy là gì, tác hại ma túy ra sao, buôn bán và sử dụng ma túy thì sẽ bị phạt như thế nào hay sử dụng súng và các loại vật liệu nổ nguy hiểm ra sao, vi phạm pháp luật như thế nào... Các anh đã đến với đồng bào bằng sự quan tâm, chia sẻ và  luôn có mặt bên đồng bào những lúc khó khăn gian khổ nhất để gây dựng tình cảm trước khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Ngày bản Sắt ngập trong lũ dữ, Công an xã là những người có mặt đầu tiên để sơ tán đồng bào. Sau lũ lại là những tháng ngày bám bản tham gia cứu trợ đồng bào, giúp đồng bào vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Vậy nên đồng bào tin Công an và dành cho các anh những tình cảm trân trọng.  

Trong tâm trạng rất bâng khuâng khi nhìn ngôi nhà mới của mình, anh Tuấn nói: “Nhà chắc chắn như ri thì dân bản không lo chi nữa. Đất sản xuất nông nghiệp cũng được Nhà nước cấp cho rồi. Không phải sơ tán khi mưa lũ. Không phải đốt rừng làm nương rẫy. Bản nhỏ lại ở xa nhưng không khi nào vắng bóng các anh Công an xã nên an ninh trật tự rất đảm bảo. Từ nay, dân bản chúng em chỉ lo làm ăn thôi!”.

Có nhà mới vẫn là niềm vui của bất cứ ai, dù to, dù nhỏ, dù đẹp, dù xấu. Huống chi là đồng bào Vân Kiều bản Sắt đã suốt năm qua ở trong những ngôi nhà bạt. Hỏi vui không? “Vui chớ! Vui lắm!- và ngập ngừng thêm một chút - Mà chưa quen!”. Nhiều đồng bào trong bản chưa quen ở trong ngôi nhà được làm bằng những loại vật liệu công nghiệp, nhất là những người cao tuổi. Tất nhiên, chưa quen rồi sẽ quen! Thích nghi hoàn cảnh là năng lực tồn tại của con người.

Bao đời qua đồng bào sống trong những ngôi nhà với các loại vật liệu thuần thiên nhiên như gỗ, nứa, lá trong không gian thông thoáng và nhiều cây xanh bao quanh. Chỉ cần kín đáo là mát về mùa hè, ấm vào mùa đông. Nay chuyển sang nhà bê tông cốt thép, sàn lát ván ép, mái lợp tôn, xếp gần nhau giữa vùng đất còn trống trải nên bên cạnh niềm vui là những điều bỡ ngỡ. Cảm giác lạ lẫm, ngả lưng cũng dè dặt, đặt bàn chân cũng dè dặt?! “Không lo mô chị ạ. Từ từ rồi quen thôi. Quan trọng là sự an toàn của đồng bào. Được ri là mừng hung lắm! Sắp tới Nhà nước xây cho công trình vệ sinh, nước sạch nữa là không khác chi phố luôn á”. Tuấn cười rất tươi, nỗi lo trĩu nặng trong lòng Tuấn suốt năm qua đã được giải tỏa. Bản Sắt đã bình yên trở lại!

Trương Thu Hiền
.
.